Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 29.12.2024: “Đối thoại là yếu tố quan trọng của một gia đình!”

“Đối thoại là yếu tố quan trọng của một gia đình!”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 29.12.2024: “Đối thoại là yếu tố quan trọng của một gia đình!”

*******

Trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông tòa Vatican để đọc kinh Truyền tin với khoảng 30.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong ngày lễ Thánh gia, Đức Thánh Cha tập trung phân tích về tầm quan trọng của việc đối thoại và lắng nghe giữa các thành viên trong gia đình. Đức Thánh Cha nói: “Gia đình Thánh Nadarét là một mẫu gương vì đó là một gia đình đối thoại, gia đình nói chuyện”.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật tốt lành!

Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Gia thất Nadarét. Tin Mừng tường thuật lúc Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, vào cuối chuyến hành hương hằng năm lên Giêrusalem, đã bị lạc khỏi Mẹ Maria và Thánh Giuse, sau đó ông bà tìm thấy Người trong Đền Thờ đang trò chuyện với các thầy dạy (x. Lc 2:41-52). Thánh sử Luca cho thấy tâm trạng của Mẹ Maria khi hỏi Chúa Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (câu 48). Và Chúa Giêsu trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (câu 49).

Đây là một kinh nghiệm gần như bình thường của một gia đình với những khoảng thời gian yên bình đan xen với những khoảnh khắc kịch tính. Có vẻ như đây là câu chuyện về một khủng hoảng gia đình, một cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta, của một cậu thiếu niên khó bảo và cha mẹ không thể hiểu được cậu ta. Chúng ta hãy dừng lại để quan sát gia đình này. Anh chị em có biết tại sao Gia đình Nadarét lại là một gia đình gương mẫu không? Bởi vì đó là một gia đình đối thoại, lắng nghe, trao đổi. Đối thoại là một yếu tố quan trọng đối với một gia đình! Một gia đình không giao tiếp đối thoại không thể là một gia đình hạnh phúc.

Thật tốt khi người mẹ không bắt đầu bằng lời trách mắng, mà bằng một câu hỏi. Mẹ Maria không buộc tội và không phán xét, nhưng cố gắng hiểu cách chấp nhận Người Con này, một người con rất khác biệt, qua cách lắng nghe. Dù rất cố gắng, Tin Mừng kể rằng Mẹ Maria và Thánh Giuse “không hiểu lời Người vừa nói” (câu 50), cho thấy rằng trong gia đình, việc lắng nghe còn quan trọng hơn cả việc hiểu. Lắng nghe là coi trọng người khác, chấp nhận quyền sống và suy nghĩ độc lập của người khác. Trẻ em cần điều này. Hãy suy nghĩ thật kỹ, thưa các bậc cha mẹ: hãy lắng nghe con cái của bạn, chúng cần điều này!

Bữa ăn là thời điểm đặc biệt để đối thoại trong gia đình. Thật tốt khi quây quần với nhau bên bàn ăn và trò chuyện. Việc này có thể giải quyết nhiều vấn đề, và trên hết là đoàn kết các thế hệ: con cái nói chuyện với cha mẹ, cháu chắt nói chuyện với ông bà… Đừng bao giờ khép kín trong bản thân mình, hoặc tệ hơn nữa là cúi đầu vào điện thoại di động. Điều này sẽ chẳng giúp ích gì, không bao giờ, không bao giờ. Hãy nói chuyện, lắng nghe nhau, đối thoại là tốt cho chúng ta và giúp chúng ta phát triển!

Gia đình Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse là thánh. Nhưng chúng ta thấy rằng ngay cả cha mẹ Chúa Giêsu không phải lúc nào cũng hiểu được Người. Chúng ta hãy suy ngẫm về điều này, và đừng ngạc nhiên nếu có những lúc chúng ta không hiểu nhau. Khi việc này xảy ra, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: chúng ta đã lắng nghe nhau chưa? Chúng ta có đối mặt với các vấn đề bằng cách lắng nghe nhau hay chúng ta khóa kín trong im lặng, đôi khi trong sự oán giận và kiêu căng? Chúng ta có dành một chút thời gian để trò chuyện không? Điều chúng ta có thể học được từ Gia đình Thánh hôm nay là lắng nghe lẫn nhau.

Chúng ta hãy phó thác cho Đức Trinh nữ Maria và xin cho gia đình chúng ta ơn biết lắng nghe.

______________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Xin chào mừng tất cả anh chị em người Rome và anh chị em hành hương. Hôm nay cha gửi lời chào đặc biệt đến các gia đình có mặt ở đây, và những gia đình kết nối từ nhà qua phương tiện truyền thông. Gia đình là tế bào của xã hội, là kho báu quý giá cần được hỗ trợ và bảo vệ!

Suy nghĩ của tôi hướng đến nhiều gia đình ở Hàn Quốc hôm nay đang đau buồn sau vụ tai nạn hàng không thảm khốc. Tôi cầu nguyện cho những người sống sót và những người đã khuất.

Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những gia đình đang phải chịu đau khổ vì chiến tranh: tại các quốc gia Ukraine, Palestine, Israel, Myanmar, Sudan, Bắc Kivu đang chịu đau khổ: chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những gia đình đang bị cuốn vào chiến tranh.

Cha gửi lời chào các tín hữu Pero-Cerchiate, nhóm anh chị em thuộc Giáo hạt Varese, các bạn trẻ Cadoneghe và San Pietro ở Cariano; các ứng sinh lớp Thêm sức của Clusone, Chiudono, Adrara San Martino và Almenno San Bartolomeo; và các Hướng đạo sinh từ Latina, Vasto và Soviore. Và cha chào các bạn trẻ Immacolata!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành và cuối năm bình an. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/12/2025]


Đức Thánh Cha Phanxicô trên chương trình "Thought of the Day" của BBC Radio 4 Today: Niềm hy vọng và lòng tốt làm cho thế giới tươi đẹp hơn

Đức Thánh Cha Phanxicô: Niềm hy vọng và lòng tốt làm cho thế giới tươi đẹp hơn

Trong một thông điệp truyền thanh được phát vào thứ Bảy ngày 28 tháng 12 bởi BBC Radio 4 Today trong chương trình “Thought of the Day” (“Suy nghĩ trong ngày”), Đức Thánh Cha động viên chúng ta không nhìn về tương lai “với sự bi quan và cam chịu”, nhưng hãy luôn chọn con đường Yêu thương và ngắm nhìn thế giới với “cái nhìn của niềm hy vọng ngọt ngào”

Đức Thánh Cha Phanxicô trên chương trình "Thought of the Day" của BBC Radio 4 Today: Niềm hy vọng và lòng tốt làm cho thế giới tươi đẹp hơn

*******

“Một thế giới tràn đầy hy vọng và lòng tốt sẽ đẹp hơn. Một xã hội nhìn về tương lai cách tin tưởng và đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng và đồng cảm thì nhân ái hơn” vì niềm hy vọng và lòng tốt “chạm đến trọng tâm của Tin Mừng và cho thấy cách thức hướng dẫn hành vi của chúng ta”. Đây là những lời Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến các thính giả kênh BBC của Anh đang lắng nghe thông điệp truyền thanh của ngài ngày 28 tháng 12 trong chuyên mục “Suy nghĩ trong ngày” trên kênh BBC Radio 4 Today.

Đức Giáo hoàng đã tham gia chương trình phát sóng năm 2021 trước Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, được tổ chức tại Glasgow, Scotland. Trong dịp đó, như giới truyền thông nhắc lại, Đức Thánh Cha đã kêu gọi thế giới hãy “áp dụng một sự thay đổi hướng đi cấp bách” để bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai. Vị tiền nhiệm của ngài, Đức Giáo hoàng Benedict XVI, cũng là người đầu tiên tham gia chương trình, với một thông điệp được ghi âm trước vào đêm Giáng sinh năm 2010.

Lần này, nhân dịp mùa Giáng sinh và Năm Thánh Hy vọng khai mạc vào ngày 24 tháng 12: những khoảnh khắc mà, theo giải thích của Đức Giám mục Rome, mời gọi chúng ta trở thành “những người hành hương hy vọng” và không nhìn về tương lai “với thái độ bi quan và cam chịu”. Ngài nói: “Đừng để chiến tranh, bất công xã hội, nhiều hình thức bạo lực mà chúng ta trải qua hàng ngày, đưa chúng ta vào cám dỗ của chủ nghĩa hoài nghi và chán nản”.

Như vậy, sự lựa chọn phải được thực hiện là Yêu thương, đó là điều làm cho tâm hồn trở nên “đầy nhiệt huyết và tin tưởng”. Thật vậy, người yêu thương “luôn nhìn thế giới bằng ánh mắt của niềm hy vọng ngọt ngào, ngay cả khi họ ở trong những hoàn cảnh bấp bênh”.

Đức Phanxicô nói rằng lòng tốt tự bản chất “không phải là một chiến lược ngoại giao”, cũng không phải là “một hành vi thuộc nghi thức cần tuân theo để bảo đảm sự hòa hợp xã hội hoặc để đạt được những lợi thế”. Ngược lại, đó là “một hình thức yêu thương mở lòng chào đón và giúp mọi người trở nên khiêm nhường hơn”, nghĩa là có khả năng khiêm nhường “dẫn đến đối thoại, giúp vượt qua những hiểu lầm và tạo ra lòng biết ơn”. Cuối cùng, Đức Giáo hoàng nhắc nhở chúng ta, về việc “đón nhận những điều trong cuộc sống với lòng biết ơn chứ không coi đó là điều đương nhiên”, như văn hào người Anh Gilbert Keith Chesterton nói.

Thông điệp kết thúc bằng “lời cầu chúc niềm hy vọng” và hy vọng rằng trong Năm Thánh, chúng ta có thể “thực hành lòng tốt như một hình thức yêu thương khi cư xử với người khác”, mang đến “hòa bình, tình huynh đệ và lòng biết ơn” cho thế giới.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/12/2024]


Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

Sứ điệp Giáng sinh và phép lành ‘Urbi et Orbi’ của Đức Thánh Cha: Lòng thương xót của Chúa xóa tan hận thù và tinh thần trả thù

Đức Thánh Cha: Lòng thương xót của Chúa xóa tan hận thù và tinh thần trả thù

Sứ điệp Giáng sinh và phép lành ‘Urbi et Orbi’ của Đức Thánh Cha

Sứ điệp Giáng sinh và phép lành ‘Urbi et Orbi’ của Đức Thánh Cha: Lòng thương xót của Chúa xóa tan hận thù và tinh thần trả thù

*******

Ngày 25 tháng 12 năm 2024, Đức Thánh Cha ban phép lành truyền thống Urbi et Orbi (cho thành phố Rome và thế giới) vào Ngày Giáng sinh.

Đức Thánh Cha đọc sứ điệp của ngài từ ban công chánh điện của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Ngài đưa ra lời mời gọi thế giới đang bị chia rẽ bởi chiến tranh: “Vào dịp lễ Giáng sinh này, khởi đầu của Năm Thánh, tôi mời gọi tất cả mọi người, mọi dân tộc và quốc gia hãy can đảm đi qua Cửa Thánh, trở thành những người hành hương hy vọng, để làm câm lặng các loại vũ khí và vượt qua những chia rẽ”.

Dưới đây là toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha.

_____________________________________


Sứ điệp của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Giáng sinh hạnh phúc!

Mầu nhiệm không bao giờ ngừng làm chúng ta kinh ngạc và xúc động đến trong đêm nay: Đức Trinh Nữ Maria sinh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, bọc Người trong tã và đặt Người trong máng cỏ. Đó là cảnh mà các mục đồng ở Bêlem, lòng tràn đầy niềm vui, đã tìm thấy Người, khi các thiên thần hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an cho loài người Chúa thương” (x. Lc 2:6-14). Bình an cho mọi người.

Biến cố này, đã diễn ra cách đây hơn hai ngàn năm, thực sự được canh tân nhờ Chúa Thánh Thần, cùng một Thần Khí của Tình yêu và Sự sống đã làm cho cung lòng của Đức Maria sinh hoa trái và từ xác thịt con người của Mẹ đã hình thành nên Chúa Giêsu. Hôm nay, giữa cơn đau đớn của thời đại chúng ta, Ngôi Lời cứu độ vĩnh cửu một lần nữa thực sự nhập thể, và nói với mọi người, với toàn thế giới. Đây là thông điệp: “Ta yêu con, Ta tha thứ cho con; hãy trở về với Ta, cửa trái tim của Ta mở ra cho con!”

Anh chị em thân mến, cánh cửa trái tim của Thiên Chúa luôn rộng mở; chúng ta hãy trở về với Người! Chúng ta hãy trở về với trái tim yêu thương và tha thứ cho chúng ta! Chúng ta hãy để Người tha thứ cho chúng ta; chúng ta hãy hòa giải với Người! Thiên Chúa luôn luôn tha thứ! Chúa tha thứ mọi sự. Chúng ta hãy để Người tha thứ cho chúng ta.

Đây là ý nghĩa của Cửa Thánh của Năm Thánh mà tôi đã mở ra tối hôm qua tại đây trong Vương cung Thánh Đước Thánh Phêrô: nó tượng trưng cho Chúa Giêsu, Cánh Cửa cứu độ mở ra cho tất cả mọi người. Chúa Giêsu là Cánh Cửa; Cánh Cửa mà Chúa Cha nhân từ đã mở ra giữa thế giới của chúng ta, giữa lịch sử, để tất cả chúng ta có thể trở về với Người. Tất cả chúng ta đều giống như những con chiên lạc; chúng ta cần một Người Chăn chiên và một Cánh Cửa để trở về nhà Cha. Chúa Giêsu là Người Chăn chiên đó; Chúa Giêsu là Cửa.

Anh chị em thân mến, đừng sợ! Cánh Cửa đã mở ra, cửa đang rộng mở! Không cần phải gõ cửa. Cửa đã mở rồi. Hãy đến! Chúng ta hãy hòa giải với Thiên Chúa, rồi chúng ta sẽ được hòa giải với chính mình và có thể hòa giải với nhau, ngay cả với kẻ thù của chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa làm được mọi sự. Lòng thương xót ấy tháo gỡ mọi nút thắt; phá đổ mọi bức tường chia rẽ; lòng thương xót của Thiên Chúa xua tan hận thù và tinh thần trả thù. Hãy đến! Chúa Giêsu là Cửa Hòa bình.

Thường thì chúng ta dừng lại ở ngưỡng cửa của Cánh Cửa đó; chúng ta thiếu can đảm để đi qua nó, vì nó thách đố chúng ta kiểm tra cuộc sống của mình. Bước qua Cánh Cửa đó đòi hỏi sự hy sinh liên quan đến việc tiến lên một bước, một sự hy sinh nhỏ. Đi thêm một bước để tiến tới một điều vĩ đại như vậy đòi hỏi chúng ta phải bỏ lại sau lưng những tranh chấp và chia rẽ của mình, và buông bỏ bản thân cho vòng tay dang rộng của Hài Nhi là vị Hoàng tử Hòa bình. Giáng sinh này, vào đầu Năm Thánh, tôi mời gọi mọi cá nhân, và tất cả mọi dân tộc và quốc gia, hãy tìm kiếm lòng can đảm cần thiết để đi qua Cánh Cửa đó, để trở thành những người hành hương hy vọng, để làm câm lặng tiếng súng và vượt qua những chia rẽ!

Mong rằng tiếng súng sẽ câm nín ở đất nước Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá! Mong rằng sẽ có lòng dũng cảm để mở ra cánh cửa đàm phán và những cử chỉ đối thoại và gặp gỡ, nhằm đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài.

Mong rằng tiếng súng sẽ im bặt ở Trung Đông! Khi chiêm ngưỡng Máng cỏ Bêlem, tôi nghĩ đến các cộng đoàn Kitô hữu ở Palestine và Israel, đặc biệt là cộng đoàn thân yêu ở Gaza, nơi tình hình nhân đạo đang vô cùng nghiêm trọng. Ước mong có lệnh ngừng bắn, ước mong các con tin được thả và viện trợ được trao cho những người dân kiệt quệ vì đói khát và chiến tranh. Tôi bày tỏ sự gần gũi với cộng đoàn Kitô hữu ở Li Băng, đặc biệt là ở miền nam, và với cộng đồng Syria, vào thời điểm mong manh nhất này. Ước mong những cánh cửa đối thoại và hòa bình được mở ra trên khắp khu vực, nơi bị tàn phá bởi xung đột. Ở đây, tôi cũng nghĩ đến người dân Libya và khuyến khích họ tìm kiếm các giải pháp cho phép hòa giải dân tộc.

Cầu mong sự giáng sinh của Đấng Cứu Thế mang đến một mùa hy vọng mới cho các gia đình của hàng ngàn trẻ em đang chết vì dịch sởi bùng phát tại Cộng hòa Dân chủ Congo, cho người dân miền Đông đất nước này, và cho Burkina Faso, Mali, Niger và Mozambique. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ảnh hưởng đến họ chủ yếu là do xung đột vũ trang và tai họa của nạn khủng bố, và trầm trọng hơn do tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu, dẫn đến sự mất mát về sinh mạng người và hàng triệu người phải di tản. Tôi cũng hướng suy nghĩ đến người dân các quốc gia vùng Sừng Châu Phi, những người mà tôi khẩn xin cho họ ơn hòa bình, hòa hợp và tình anh em. Xin Con của Đấng Tối Cao duy trì những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để tạo điều kiện tiếp cận viện trợ nhân đạo cho người dân Sudan và khởi xướng các cuộc đàm phán mới cho lệnh ngừng bắn.

Cầu mong sự Giáng sinh sẽ mang lại niềm an ủi cho người dân Myanmar, những người đang phải chịu đau khổ rất nhiều và buộc phải rời bỏ nhà cửa vì cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra.

Xin Chúa Hài Đồng soi sáng cho các nhà cầm quyền chính trị và tất cả những người thiện chí trên lục địa Châu Mỹ tìm ra các giải pháp hữu hiệu sớm nhất có thể, trong công bình và sự thật, để thúc đẩy sự hòa hợp xã hội, đặc biệt là ở Haiti, Venezuela, Colombia và Nicaragua. Mong rằng họ làm việc để thúc đẩy lợi ích chung và tôn trọng phẩm giá của mỗi người, vượt qua những chia rẽ chính trị, đặc biệt trong Năm Thánh này.

Ước mong Năm Thánh là cơ hội để phá bỏ mọi bức tường ngăn cách: những bức tường của hệ tư tưởng thường ghi dấu đời sống chính trị, và cả những bức tường vật lý, chẳng hạn như sự chia rẽ đã ảnh hưởng đến đảo Síp trong năm mươi năm nay và xé nát cấu trúc xã hội và con người của hòn đảo này. Tôi hy vọng rằng một giải pháp đồng thuận chung sẽ được tìm ra, một giải pháp có thể chấm dứt chia rẽ trong sự tôn trọng trọn vẹn đối với những quyền và phẩm giá của tất cả các cộng đồng người Síp.

Chúa Giêsu, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa đã nhập thể, là Cánh Cửa rộng mở; Người là Cửa rộng mở mà chúng ta được mời gọi để đi vào, để tái khám phá ý nghĩa cuộc sống của chúng ta và tính thánh thiêng của mọi sự sống – vì mọi sự sống đều thánh thiêng – và để phục hồi các giá trị nền tảng của gia đình nhân loại. Người đang chờ đợi chúng ta ở ngưỡng cửa. Người đang chờ đợi mỗi người chúng ta, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất. Người đang chờ đợi các trẻ em, tất cả những trẻ em đang phải đau khổ vì chiến tranh và đói kém. Người đang chờ đợi những người già, thường bị buộc phải sống trong tình trạng cô đơn và bị bỏ rơi. Người đang chờ đợi những người đã mất nhà cửa hoặc đang chạy trốn khỏi quê hương để tìm kiếm một nơi nương náu an toàn. Người đang chờ đợi tất cả những người đã mất việc làm hoặc không thể tìm được việc làm. Người đang chờ đợi những tù nhân, bất kể như thế nào, vẫn là con cái của Chúa, luôn luôn là con cái của Chúa. Người đang chờ đợi tất cả những người đang chịu đựng sự ngược đãi vì đức tin của họ – và những người này có rất nhiều.

Trong ngày lễ này, chúng ta đừng quên bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã dành trọn cuộc đời của họ, lặng lẽ và trung thành, để làm việc thiện và phục vụ người khác. Tôi nghĩ đến các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục và thầy cô giáo, những người có trách nhiệm rất lớn trong công cuộc đào tạo các thế hệ tương lai. Tôi cũng nghĩ đến những nhân viên y tế, lực lượng giữ trật tự và tất cả những người thực hiện các công việc bác ái, đặc biệt là các nhà truyền giáo trên khắp thế giới: họ đem ánh sáng và sự an ủi đến cho rất nhiều người đang gặp khó khăn. Với tất cả những người này, chúng ta hãy nói rằng: Cảm ơn các bạn!

Anh chị em thân mến, ước mong Năm Thánh là một cơ hội để tha các khoản nợ, đặc biệt là những khoản nợ đang đè nặng lên các quốc gia nghèo nhất. Mỗi người chúng ta được kêu gọi tha thứ cho những ai đã xúc phạm đến chúng ta, vì Con Thiên Chúa, sinh ra trong đêm giá lạnh và tối tăm, đã tha thứ cho chính chúng ta. Người đến để chữa lành chúng ta và tha thứ cho chúng ta. Là những người hành hương hy vọng, chúng ta hãy bước ra ngoài để gặp Người! Chúng ta hãy mở cửa trái tim mình cho Người. Chúng ta hãy mở cửa trái tim mình cho Chúa, như Người đã mở cửa trái tim của Người cho chúng ta.

Tôi cầu chúc mọi người một mùa Giáng sinh an lành.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/12/2024]


NASA tiết lộ cụm sao ‘Cây thông Noel’ trong Ngân hà của chúng ta!

NASA tiết lộ cụm sao ‘Cây thông Noel’ trong Ngân hà của chúng ta!

NASA tiết lộ cụm sao ‘Cây thông Noel’ trong Ngân hà của chúng ta!

X-ray: NASA/CXC/SAO; Optical: Clow, M.; Image Processing: NASA/CXC/SAO/L. Frattare and K. Arcand


John Touhey

24/12/24


Đúng vào dịp Giáng sinh, NASA công bố những hình ảnh mới về ‘Cây thông Noel’ và ‘Vòng nguyệt quế Giáng sinh’ cách hệ mặt trời của chúng ta hàng ngàn năm ánh sáng.

Cách Trái Đất 2.500 năm ánh sáng, một “cây thông Noel” lơ lửng trong không gian. Lớn hơn nhiều lần so với bất kỳ cây nào trên hành tinh của chúng ta, cây thông này được tạo thành từ các ngôi sao trẻ ước tính có tuổi đời từ 1 đến 5 triệu năm.

NASA công bố hình ảnh mới về Cụm cây thông Noel (lần đầu tiên được công bố vào năm ngoái) cho công chúng trong dịp Giáng sinh.

NASA tiết lộ cụm sao ‘Cây thông Noel’ trong Ngân hà của chúng ta!
Cụm "cây thông Noel", a.k.a. NGC 2264
X-ray: NASA/CXC/SAO; Optical: Clow, M.; Image Processing: NASA/CXC/SAO/L. Frattare and K. Arcand

Được biết đến với tên gọi chính thức là NGC 2264, ánh sáng hình cây được tạo ra bởi hàng ngàn định tinh trẻ tạo nên cụm sao. Dữ liệu từ Đài Quan sát X-ray Observatory, một kính viễn vọng không gian thu được bức xạ tia X, được kết hợp với dữ liệu quang học do nhiếp ảnh gia thiên văn Michael Clow cung cấp để tạo thành hình ảnh cuối cùng.


Và một ‘vòng nguyệt quế’ đầy sao...

Năm nay, Đài Quan sát Chandra của NASA cũng chia sẻ một kỳ quan Giáng sinh mới... một ‘vòng nguyệt quế’ tuyệt đẹp được tạo thành từ các ngôi sao và khí! Giống như cụm Cây thông Noel, cụm này cũng được tạo thành từ các ngôi sao trẻ. Nó được biết đến nhiều hơn với cái tên NGC 602.

NASA tiết lộ cụm sao ‘Cây thông Noel’ trong Ngân hà của chúng ta!
Cụm “Vòng nguyệt quế Giáng sinh” cluster, a.k.a. NGC 602
X-ray: NASA/CXC; Infrared: ESA/Webb, NASA & CSA, P. Zeilder, E.Sabbi, A. Nota, M. Zamani; Image Processing: NASA/CXC/SAO/L. Frattare and K. Arcand

Theo NASA:

Cụm sao NGC 602 nằm ở vùng ngoài Đám mây Magellan Nhỏ, một trong các thiên hà gần nhất với Ngân hà, cách Trái Đất khoảng 200.000 năm ánh sáng. Các ngôi sao trong cụm NGC 602 có ít nguyên tố nặng hơn so với Mặt Trời và hầu hết các thiên hà còn lại. Thay vào đó, các điều kiện bên trong NGC 602 mô phỏng những điều kiện của các ngôi sao được tìm thấy cách đây hàng tỷ năm khi vũ trụ còn trẻ hơn nhiều.

Hình ảnh ‘vòng nguyệt quế’ kết hợp dữ liệu từ Đài quan sát Chandra và Kính viễn vọng không gian James Webb.


Những trẻ sơ sinh của vũ trụ

Mặc dù đã hàng triệu năm tuổi, các ngôi sao trong cả hai cụm sao thực tế là những trẻ sơ sinh theo thuật ngữ về không gian. Chúng tạo nên biểu tượng hoàn hảo cho ngày Giáng sinh, ngày mà Đấng tạo dựng mọi loài trong vũ trụ bao la không thể tưởng tượng của chúng ta bước vào thế giới này như một trẻ thơ mong manh.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/12/2024]


Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô Lễ Trọng Chúa Giáng sinh - Lễ Đêm - Mở Cửa Thánh

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô Lễ Trọng Chúa Giáng sinh - Lễ Đêm - Mở Cửa Thánh

MỞ CỬA THÁNH VÀ THÁNH LỄ NỬA ĐÊM

KHAI MẠC NĂM THÁNH


LỄ TRỌNG CHÚA GIÁNG SINH
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ


Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô
Thứ Ba, 24 tháng Mười Hai, 2024

_____________________________________


Một Sứ thần của Chúa, hào quang chiếu tỏa, soi sáng đêm đen và mang tin vui đến cho các mục đồng: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2:10-11). Thiên đàng bừng lên trên mặt đất giữa sự kinh ngạc của những người nghèo và tiếng hát của các thiên thần. Thiên Chúa đã trở thành người ở giữa chúng ta để làm cho chúng ta trở nên giống như Người; Người đã xuống với chúng ta để nâng chúng ta lên và đưa chúng ta trở lại vòng tay của Chúa Cha.

Thưa anh chị em, đây là niềm hy vọng của chúng ta. Thiên Chúa là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đấng vô cùng vĩ đại đã trở nên nhỏ bé; ánh sáng Thiên Chúa đã chiếu rọi giữa bóng tối của thế giới chúng ta; vinh quang của thiên đàng đã xuất hiện trên mặt đất. Và như thế nào? Như một trẻ thơ. Nếu Thiên Chúa có thể viếng thăm chúng ta, ngay cả khi tâm hồn chúng ta như một máng cỏ thấp hèn, chúng ta vẫn có thể mạnh dạn nói rằng: Niềm hy vọng không chết; niềm hy vọng vẫn sống và nó ôm trọn cuộc sống của chúng ta mãi mãi. Niềm hy vọng không làm chúng ta thất vọng!

Anh chị em thân mến, với việc mở Cửa Thánh, chúng ta đã khai mạc một Năm Thánh mới, và mỗi người chúng ta có thể đi vào mầu nhiệm của biến cố phi thường này. Đêm nay, cánh cửa hy vọng đã rộng mở ra cho thế giới. Đêm nay, Thiên Chúa nói với mỗi người chúng ta rằng: có niềm hy vọng cho con! Có niềm hy vọng cho mỗi người chúng ta. Và thưa anh chị em, đừng quên rằng Thiên Chúa tha thứ mọi sự, Chúa luôn luôn tha thứ. Đừng quên điều này, đó là một cách để hiểu niềm hy vọng nơi Chúa.

Để nhận được món quà đó, chúng ta được kêu gọi lên đường với sự kinh ngạc của những người mục đồng trên cánh đồng Bêlem. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng, sau khi nghe thông điệp của sứ thần, họ liền “hối hả ra đi” (Lc 2:16). Cũng theo cách “hối hả” này, chúng ta cũng được kêu gọi khôi phục lại niềm hy vọng đã mất, canh tân niềm hy vọng đó trong lòng mình, và gieo hạt giống hy vọng giữa sự ảm đạm của thời đại và thế giới của chúng ta. Và có quá nhiều sự tàn phá vào thời điểm này. Chúng ta hãy nghĩ đến các cuộc chiến tranh, trẻ em bị bắn, bom rơi vào trường học và bệnh viện. Đừng trì hoãn, đừng chần chừ, nhưng hãy cho phép mình được Tin Mừng thúc đẩy.

Vậy thì, hãy hối hả lên đường để chiêm ngưỡng Chúa đã sinh ra cho chúng ta, với tâm hồn hoan hỉ và chăm chú, sẵn sàng gặp gỡ Người và sau đó mang niềm hy vọng đến con đường mà chúng ta sống cuộc sống hằng ngày. Và đây là nhiệm vụ của chúng ta: hãy đem niềm hy vọng vào những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Vì niềm hy vọng Kitô giáo không phải là một “kết thúc có hậu” như phim ảnh để chúng ta chờ đợi cách thụ động, mà đúng hơn là một lời hứa, lời hứa của Chúa, để được chào đón ở đây và ngay bây giờ trong thế giới đau khổ và than van của chúng ta. Đó là lời hiệu triệu không được trì hoãn, không để những thói quen cũ kìm hãm, hoặc đắm mình trong sự tầm thường hoặc biếng nhác. Niềm hy vọng kêu gọi chúng ta – như Thánh Augustinô nói – hãy khó chịu với những điều sai trái và tìm được lòng can đảm để thay đổi chúng. Niềm hy vọng kêu gọi chúng ta trở thành những người hành hương tìm kiếm sự thật, những người mơ ước không bao giờ mệt mỏi, những người mở lòng để được thử thách bởi giấc mơ của Thiên Chúa, đó là ước mơ về một thế giới mới, nơi hòa bình và công lý ngự trị.

Chúng ta hãy học lấy bài học từ những mục đồng. Niềm hy vọng sinh ra trong đêm nay không chấp nhận sự thờ ơ của những người tự mãn hay sự lười biếng của những người hài lòng với sự sung túc của bản thân – và rất nhiều người trong chúng ta đang có nguy cơ trở nên quá sung túc; niềm hy vọng không chấp nhận sự thận trọng giả tạo của những người từ chối tham gia vì sợ phạm sai lầm, hoặc của những người chỉ nghĩ đến bản thân. Niềm hy vọng xung khắc với sự thờ ơ của những người từ chối lên tiếng chống lại cái ác và sự bất công gây ra đối với người nghèo. Ngược lại, trong khi mời gọi chúng ta kiên nhẫn chờ đợi Vương quốc phát triển và mở rộng, niềm hy vọng của người Kitô hữu cũng đòi hỏi chúng ta phải dũng cảm, có trách nhiệm, ngay cả lúc này, và không chỉ thế mà còn phải có lòng trắc ẩn, trong sự mong đợi lời hứa của Chúa được kiện toàn. Và đến đây thật tốt biết bao khi chúng ta tự vấn mình về lòng trắc ẩn: tôi có lòng trắc ẩn không? Tôi có thể cùng chia sẻ đau khổ không? Chúng ta hãy suy ngẫm về điều này.

Khi suy ngẫm về việc chúng ta thường thuận theo thế gian và tuân theo cách suy nghĩ của thế gian như thế nào, một vị linh mục và là nhà văn giỏi đã cầu nguyện cho một Mùa Giáng sinh đầy Ân phúc bằng những lời này: “Lạy Chúa, con xin Chúa một chút phiền toái, một chút bồn chồn, một chút hối tiếc. Vào dịp Giáng sinh, con muốn cảm thấy mình không hài lòng. Vui, nhưng không hài lòng. Vui vì những gì Chúa làm, không hài lòng vì con không đáp lời. Xin hãy lấy đi sự tự mãn của chúng con và giấu một vài chiếc gai dưới đống cỏ khô của ‘máng cỏ’ quá đầy đủ của chúng con. Xin hãy lấp đầy chúng con bằng khát vọng về một điều gì đó lớn lao hơn” (a. pronzato, La novena di Natale). Khát vọng về một điều gì đó lớn lao hơn. Đừng đứng yên. Chúng ta đừng quên rằng dòng nước tĩnh là dòng nước trở nên tù đọng trước tiên.

Niềm hy vọng Kitô giáo chính là “điều gì đó lớn lao hơn” sẽ thúc đẩy chúng ta “hối hả” lên đường. Là những môn đệ của Chúa, chúng ta được kêu gọi tìm thấy niềm hy vọng lớn lao hơn của mình nơi Chúa, và rồi, nhanh chóng mang theo niềm hy vọng đó cùng với chúng ta, như những người lữ hành ánh sáng giữa bóng tối của thế gian này.

Thưa anh chị em, đây là Năm Thánh. Đây là mùa hy vọng mà chúng ta được mời gọi tái khám phá niềm vui khi gặp gỡ Chúa. Năm Thánh kêu gọi chúng ta canh tân tinh thần và cam kết biến đổi thế giới của chúng ta, để năm nay thực sự trở thành thời gian mừng rỡ hân hoan. Một năm thánh cho mẹ Trái Đất của chúng ta, bị biến dạng bởi sự đầu cơ trục lợi; một thời gian mừng rỡ cho các quốc gia nghèo hơn đang gánh chịu những khoản nợ bất công; một thời gian mừng rỡ cho tất cả những ai đang bị trói buộc bởi các hình thức nô lệ cũ và mới.

Tất cả chúng ta đều đã nhận được món quà và nhiệm vụ mang đến niềm hy vọng ở bất cứ nơi đâu đã mất hy vọng, cuộc sống tan vỡ, lời hứa không thực hiện, những giấc mơ tan vỡ và tâm hồn bị đè nặng bởi nghịch cảnh. Chúng ta được kêu gọi mang lại hy vọng cho những người rã rời không còn đủ sức để tiếp tục, những người cô đơn bị đè nén bởi thất bại cay đắng, và tất cả những người tâm hồn tan vỡ. Mang lại hy vọng cho những ngày tháng buồn tẻ, dài vô tận của các tù nhân, cho nơi ở lạnh lẽo và ảm đạm của người nghèo, và cho tất cả những nơi bị chiến tranh và bạo lực làm ô uế. Mang niềm hy vọng đến đó, gieo niềm hy vọng ở đó.

Năm Thánh đã mở ra để mọi người có thể đón nhận niềm hy vọng, hy vọng của Tin Mừng, hy vọng của tình yêu và hy vọng của sự tha thứ.

Khi chúng ta chiêm ngưỡng máng cỏ, khi chúng ta ngắm nhìn máng cỏ và nhìn thấy tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa trên khuôn mặt của Chúa Hài Đồng Giêsu, chúng ta hãy tự hỏi: “Tâm hồn chúng ta có tràn đầy niềm mong đợi không? Niềm hy vọng này có tìm thấy một chỗ ở đó không? ... Khi chúng ta chiêm ngưỡng lòng nhân từ đầy tình thương của Thiên Chúa, Đấng chiến thắng những nghi ngờ và sợ hãi của chúng ta, chúng ta cũng hãy chiêm ngưỡng sự vĩ đại của niềm hy vọng đang chờ đợi chúng ta. ... Ước mong tầm nhìn hy vọng này soi sáng con đường của chúng ta mỗi ngày” (c. m. martini, Bài giảng Giáng sinh, 1980).

Anh chị em thân mến, đêm nay “Cửa Thánh” của trái tim Chúa mở ra trước mắt anh chị em. Chúa Giêsu, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã sinh ra cho anh chị em, cho tôi, cho chúng ta, cho mọi người. Và hãy nhớ rằng với Người, niềm vui sẽ nở rộ; với Người, cuộc sống sẽ thay đổi; với Người, niềm hy vọng sẽ không làm anh chị em thất vọng.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/12/2024]


Đọc lại điều Đức Phaolô VI nói là một mầu nhiệm để hiểu toàn bộ Kitô giáo

Đọc lại điều Đức Phaolô VI nói là một mầu nhiệm để hiểu toàn bộ Kitô giáo

Đọc lại điều Đức Phaolô VI nói là một mầu nhiệm để hiểu toàn bộ Kitô giáo

Sergio Del Grande / Leemage via AFP

Pius XII bends over to embrace Giovanni Battista Montini, after he has named him Archbishop of Milan.


Kathleen N. Hattrup

25/12/17


Giáng sinh năm 1971, ngài đã để lại cho chúng ta ý tưởng sâu sắc này.

Vào dịp lễ Giáng sinh năm 1971, Thánh Phaolô VI nói:

“Thiên Chúa đã có thể đến trong vinh quang, huy hoàng, ánh sáng và quyền lực, để gieo rắc nỗi sợ hãi, để khiến chúng ta dụi mắt vì kinh ngạc. Nhưng thay vào đó, Người đã đến như một người nhỏ bé nhất, yếu đuối nhất và mong manh nhất. Tại sao? Để không ai phải xấu hổ khi đến gần Người, để không ai phải sợ hãi, để tất cả mọi người được gần gũi Người và đến gần Người, để không có khoảng cách nào giữa chúng ta và Chúa.

Thiên Chúa đã lao xuống, lặn sâu vào bên trong chúng ta, để mỗi người chúng ta, mỗi người trong các con, có thể nói chuyện cách mật thiết với Người, tin tưởng Người, đến gần Người và nhận ra rằng Người nghĩ đến các con và yêu thương các con… Người yêu thương các con! Hãy nghĩ về ý nghĩa của điều này! Nếu các con hiểu nó, nếu các con nhớ những gì cha đang nói, các con sẽ hiểu được toàn bộ Kitô giáo.”

Lễ nhớ Thánh Giáo hoàng Phaolô VI là ngày 29 tháng 5. Ngày này kỷ niệm ngày thụ phong linh mục của vị giáo hoàng (1897-1978), người được bầu làm giáo hoàng vào năm 1963.

Đức Phaolô VI được biết đến nhiều nhất với vai trò đưa Công đồng Vatican II đến hồi kết và với thông điệp mang tính bước ngoặt về biện pháp tránh thai, Humane Vitae, được xuất bản năm 1968.

Có vẻ như vị Thánh Giáo hoàng có sự quan tâm đặc biệt đối với sự sống, vì cả hai phép lạ dẫn đến việc phong thánh cho ngài đều liên quan đến các thai nhi chưa chào đời.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/12/2024]


Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024

Đức Giáo hoàng Phanxicô dang rộng vòng tay yêu thương tới Ukraine vào dịp Giáng Sinh

Đức Giáo hoàng Phanxicô dang rộng vòng tay yêu thương tới Ukraine vào dịp Giáng Sinh

Đức Giáo hoàng Phanxicô dang rộng vòng tay yêu thương tới Ukraine vào dịp Giáng Sinh

*******

(ZENIT News / Rome, 20.12.2024). - Khi thế giới chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh năm 2024, Đức Giáo hoàng Phanxicô một lần nữa thể hiện cam kết của ngài với những người đang phải gánh chịu sự tàn phá của chiến tranh. Trong một cử chỉ mạnh mẽ của tình liên đới, Đức Giáo hoàng thông báo sự trở lại của Đức Hồng y Konrad Krajewski, người phụ trách từ thiện của ngài, đến Ukraine, không chỉ mang đến những lời cầu nguyện mà còn là sự hỗ trợ cụ thể cho quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này.

Sứ mệnh của hy vọng giữa đống đổ nát

Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine là một hành động nhiệt thành hàng ngày. Tuy nhiên, mong muốn hành động của ngài vượt xa lời cầu nguyện thiêng liêng. Giáng sinh này, đại diện của Vatican sẽ chuyển giao các thiết bị y tế thiết yếu, bao gồm một phòng khám sức khỏe di động hiện đại — một xe y tế được trang bị đầy đủ có khả năng thực hiện phẫu thuật — và sáu máy siêu âm cho các bệnh viện bị tàn phá bởi xung đột.

Sứ mệnh này thể hiện tầm nhìn của Đức Giáo hoàng về việc trở thành một “Giáo hội tiến bước”, mang đến cho các cộng đồng đang phải đương đầu với những khó khăn không chỉ là lời nói. “Chúng tôi mừng ngày Giáng sinh của Chúa Giêsu bằng cách mang lại hy vọng và sự chữa lành cho những người đang cần”, các nhân viên Vatican nói nhấn mạnh ý nghĩa thực tế và tinh thần của sáng kiến ​​này.

Đồng hành với người đau khổ

Chuyến đi của Đức Hồng y Krajewski đến Ukraine sẽ không chỉ đơn thuần là cung cấp thiết bị. Đó sẽ là một chuyến hành hương hiện diện, khi ngài đến thăm các cộng đồng bị tàn phá bởi bạo lực để lắng nghe, cầu nguyện và chia sẻ những khó khăn của họ. Mục tiêu của ngài là giúp mở ra “cánh cửa hy vọng” trong những trái tim đang bị đè nặng bởi tuyệt vọng và trở thành biểu tượng của tình đoàn kết toàn cầu.

Hành trình của Đức Hồng y sẽ bao gồm những điểm dừng chân tại các thành phố và làng mạc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc xung đột đang diễn ra. Tại mỗi nơi, ngài sẽ gặp gỡ những người sống sót, các nhân viên y tế và giáo sĩ, tìm cách nâng đỡ tinh thần của họ và nhắc nhở họ rằng họ không bị lãng quên.

Một món quà bắt nguồn từ lòng trắc ẩn

Một phát ngôn viên của Vatican cho biết, “Món quà của Vatican không chỉ là phản ứng trước những nhu cầu cấp thiết mà còn là thông điệp về sự chăm sóc lâu dài. Nó phản ánh niềm tin của Đức Giáo hoàng rằng lòng thương xót và tình đoàn kết có thể vượt thắng ngay cả những hoàn cảnh đen tối nhất”.

Lời kêu gọi cộng đồng toàn cầu

Trong khi sứ mệnh Giáng sinh của Đức Giáo hoàng tập trung vào Ukraine, nó mang đến một lời kêu gọi toàn cầu. Qua việc chọn cách hành động cụ thể và có ý nghĩa như vậy, Đức Giáo hoàng Phanxicô đang thúc giục cộng đồng quốc tế ưu tiên cho hòa bình và các nỗ lực nhân đạo hơn là chia rẽ và bỏ mặc.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/12/2024]


Bài viết của Đức Giáo hoàng trên The New York Times: có Đức tin trong tính hài hước

Bài viết của Đức Giáo hoàng trên The New York Times: có Đức tin trong tính hài hước

Bài viết của Đức Giáo hoàng trên The New York Times: có Đức tin trong sự hài hước

*******

(ZENIT News / New York, 22.12.2024). - Vào ngày 17 tháng 12, tờ The New York Times đã đăng một bài viết nêu quan điểm riêng ​​do Đức Giáo hoàng Phanxicô viết. Đây là một bài viết cho tờ báo nổi tiếng này phỏng theo một trích đoạn trong quyển tự truyện của ngài có tựa đề “Hope” (Hy vọng). Dưới đây là toàn văn bài viết xuất hiện trên tờ The New York Times.

__________________________________

Có đức tin trong sự hài hước

Giáo hoàng Phanxicô

Cuộc sống tất yếu có những nỗi buồn, là một phần của mọi con đường hy vọng và mọi con đường hướng đến sự hoán cải. Nhưng điều quan trọng là tránh không đắm mình trong nỗi u sầu bằng mọi giá, đừng để nó làm chua xót tâm hồn.

Đây là những cám dỗ mà ngay cả các giáo sĩ cũng không tránh khỏi. Và thật đáng buồn, đôi khi chúng ta lại trở thành những linh mục cay đắng, u buồn, độc đoán hơn là có thẩm quyền, giống như những ông độc thân già hơn là tận tụy với giáo hội, giống như các công chức hơn là mục tử, khinh khỉnh hơn là tươi vui, và điều này chắc chắn là không tốt. Nhưng nói chung, linh mục chúng tôi có xu hướng thích sự hài hước và thậm chí có cả một kho truyện cười và những câu chuyện vui, mà chúng tôi thường kể rất dí dỏm, cũng như trở thành đối tượng của những câu chuyện.

Các giáo hoàng cũng vậy. Đức Gioan XXIII, người nổi tiếng với khiếu hài hước của mình, trong một bài diễn từ đã nói, ít nhiều như sau: “Khi đêm đến tôi thường bắt đầu nghĩ về một số vấn đề nghiêm trọng. Sau đó, tôi đưa ra quyết định can đảm và dứt khoát đến gặp giáo hoàng vào buổi sáng. Sau đó, tôi tỉnh giấc vô cùng lo lắng… và nhớ rằng giáo hoàng chính là tôi.”

Tôi hiểu ý ngài rất rõ. Và Đức Gioan Phaolô II cũng vậy. Trong các phiên họp sơ bộ của một mật viện, khi ngài vẫn còn là Hồng y Wojtyła, một vị hồng y cao tuổi và khá nghiêm khắc đã đến khiển trách ngài vì ngài trượt tuyết, leo núi, đạp xe và bơi lội. Câu chuyện diễn ra như thế này: “Tôi nghĩ đây không phải là những hoạt động phù hợp với vai trò của ngài”, vị hồng y cao tuổi nói. Và vị giáo hoàng tương lai đã trả lời, “Nhưng cha có biết rằng ở Ba Lan, đây là những hoạt động được ít nhất 50 phần trăm các hồng y luyện tập không?” Ở Ba Lan vào thời điểm đó, chỉ có hai hồng y.

Trào phúng là một liều thuốc, không chỉ giúp nâng tâm hồn và làm tinh thần người khác tươi sáng, mà còn cho chính chúng ta, bởi vì sự tự giễu cợt bản thân là một khí cụ mạnh mẽ để vượt qua cám dỗ của chủ nghĩa ái kỷ. Những người theo chủ nghĩa ái kỷ liên tục soi mình trong gương, tự tô vẽ, tự ngắm nghía mình, nhưng lời khuyên tốt nhất khi đứng trước gương là hãy tự trào bản thân. Điều đó tốt cho chúng ta. Nó sẽ chứng minh sự thật của câu cách ngôn rằng chỉ có hai loại người là hoàn hảo: người chết và người chưa được sinh ra.

Những câu chuyện cười do các tu sĩ Dòng Tên kể có phong cách riêng, có lẽ chỉ có thể so sánh với những câu chuyện cười về lực lượng carabinieri (ND: cảnh sát) ở Ý, hay về những bà mẹ Do Thái trong truyện cười Yiddish.

Đối với hiểm họa của chủ nghĩa ái kỷ, cần tránh nó bằng mức độ tự trào thích hợp, tôi nhớ câu chuyện về một tu sĩ Dòng Tên ảo tưởng bị bệnh tim và phải điều trị tại bệnh viện. Trước khi vào phòng phẫu thuật, ông hỏi Chúa: “Chúa ơi, giờ của con đã đến chưa?”

Chúa nói, “Không, con sẽ sống ít nhất 40 năm nữa”. Sau ca phẫu thuật, tu sĩ quyết định tận dụng tối đa và đã cấy tóc, căng da mặt, hút mỡ, lông mày, răng… tóm lại, tu sĩ đã trở thành một người mới hoàn toàn. Ngay bên ngoài bệnh viện, tu sĩ bị một chiếc xe hơi tông và chết. Khi tu sĩ xuất hiện trước sự mặt Chúa, anh phản đối, “Thưa Chúa, nhưng Chúa đã nói với con rằng con sẽ sống thêm 40 năm nữa!” Chúa trả lời, “Ôi, xin lỗi! Ta đã không nhận ra con.”

Và tôi đã được kể một câu chuyện liên quan trực tiếp đến tôi, câu chuyện về Đức Giáo hoàng Phanxicô ở Hoa Kỳ. Câu chuyện diễn ra như thế này: Ngay khi ngài đến sân bay ở New York để thực hiện chuyến tông du tại Hoa Kỳ, Đức Giáo hoàng Phanxicô thấy một chiếc limousine khổng lồ đang đợi ngài. Ngài khá lúng túng vì sự lộng lẫy tráng lệ đó, nhưng rồi lại nghĩ rằng đã lâu lắm rồi ngài chưa lái xe, và chưa bao giờ lái một chiếc xe loại như thế, và rồi ngài tự nhủ: Thôi được, khi nào mình mới có cơ hội khác? Ngài nhìn vào chiếc limousine và nói với tài xế, “Anh cho tôi thử được chứ?” Anh tài xế trả lời, “Dạ, con thành thực xin lỗi, thưa Đức Thánh Cha, nhưng thực sự con không thể, ngài biết đấy, có những quy tắc và quy định”.

Nhưng bạn hiểu hai người nói gì không, Đức Giáo hoàng sẽ thế nào khi ngài nghĩ ra điều gì đó — tóm lại, ngài cứ khăng khăng, khăng khăng, cho đến khi tài xế chịu thua. Và thế là Đức Giáo hoàng Phanxicô ngồi vào ghế lái, trên một trong những xa lộ rộng lớn đó, và ngài bắt đầu thích thú, chân nhấn ga, tăng tốc 50 dặm một giờ, 80, 120 … cho đến khi ngài nghe thấy tiếng còi hú, và một chiếc xe cảnh sát chạy bên cạnh ngài và chặn ngài lại. Một viên cảnh sát trẻ tiến đến cửa sổ màu tối. Đức Giáo hoàng hơi lo lắng hạ cửa xuống và mặt viên cảnh sát trở nên trắng bệch. “Xin lỗi chờ con một lát”, anh nói, và quay lại xe của mình để gọi điện về sở chỉ huy. “Thưa sếp, tôi nghĩ là tôi gặp vấn đề.”

Sếp hỏi: “Vấn đề gì vậy?”

“À, tôi đã chặn một chiếc xe chạy quá tốc độ, nhưng có một người vô cùng quan trọng trong đó.”

“Quan trọng tới mức nào? Là thị trưởng hả?”

“Không, không, sếp… còn hơn cả thị trưởng.”

“Hơn cả thị trưởng, còn có ai nữa? Thống đốc à?”

“Không, không, hơn nữa.”

“Chắc không phải là tổng thống chứ?”

“Tôi nghĩ là còn hơn nữa.”

“Và ai có thể quan trọng hơn tổng thống?”

“Sếp à, tôi không biết chính xác ông ta là ai, tôi chỉ có thể nói với sếp rằng tài xế là Giáo hoàng!”

Phúc Âm thúc giục chúng ta trở nên giống trẻ nhỏ để được cứu độ (Mt 18:3), nhắc nhở chúng ta lấy lại khả năng mỉm cười.

Hôm nay, không gì làm tôi vui bằng việc gặp gỡ thiếu nhi. Khi còn nhỏ, tôi có những người dạy tôi cách mỉm cười, nhưng giờ tôi đã già, trẻ em lại là người cố vấn của tôi. Những cuộc gặp gỡ với thiếu nhi khiến tôi vui nhất, khiến tôi cảm thấy tốt nhất.

Và rồi những cuộc gặp gỡ với người già: Những người già chúc phúc cho cuộc sống, gạt bỏ mọi oán giận, tận hưởng rượu vang đã được ủ qua nhiều năm, rất hấp dẫn không thể cưỡng lại được. Họ có được ơn cười và khóc, giống như trẻ con. Khi tôi bế các bé trên tay trong các buổi tiếp kiến ​​tại Quảng trường Thánh Phêrô, chúng thường mỉm cười; nhưng những bé khác, khi thấy tôi mặc toàn đồ trắng, nghĩ rằng tôi là bác sĩ đến để tiêm cho chúng, và thế là chúng khóc.

Đây là những ví dụ về tính nhưng không, về nhân tính, và chúng nhắc nhở chúng ta rằng những ai từ bỏ nhân tính của mình là từ bỏ tất cả, và khi khó có thể khóc một cách nghiêm túc hoặc cười một cách say sưa, thì chúng ta thực sự đang tuột dốc. Chúng ta trở nên vô cảm, và những người lớn vô cảm không làm được điều gì tốt cho bản thân, cho xã hội, hay cho giáo hội.

***

Bài này được chuyển thể từ quyển sách sắp ra mắt của ngài “Hope: The Autobiography”, viết chung với Carlo Musso.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/12/2024]


Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 23.12.2024: Không đứa trẻ nào là một sai lầm! Đó là món quà sự sống…

Đức Thánh Cha: Không đứa trẻ nào là một sai lầm! Đó là món quà sự sống…

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 23.12.2024: Không đứa trẻ nào là một sai lầm! Đó là món quà sự sống…

*******

Đức Giáo hoàng Phanxicô chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin kính Đức Mẹ từ nhà nguyện Santa Marta. Ngài không chủ sự giờ kinh từ Quảng trường Thánh Phêrô, để giữ gìn sức khỏe do ngài bị cảm, vì lịch trình bận rộn trong những ngày tới.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Cha rất tiếc vì không thể ở cùng anh chị em tại Quảng trường, nhưng sức khỏe của cha đang khá hơn và cần phải phòng ngừa một chút.

Hôm nay, Tin Mừng trình bày cho chúng ta về Mẹ Maria, sau biến cố Truyền tin của Thiên thần, đã đến viếng thăm bà Êlisabét, người chị họ lớn tuổi của Mẹ (x. Lc 1:39-45), và Mẹ cũng đang mang thai một hài nhi. Do đó, cuộc gặp gỡ của họ là cuộc gặp gỡ của hai người phụ nữ vui mừng vì món quà phi thường của thiên chức làm mẹ: Đức Maria vừa thụ thai Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ thế gian (x. Lc 1:31-35), và bà Êlisabét, mặc dù đã lớn tuổi, vẫn đang mang thai Gioan, tức là Gioan Tẩy Giả, người sẽ dọn đường cho Đấng Mêsia (x. Lc 1:13-17).

Cả hai người đều có nhiều điều để mừng rỡ hân hoan, và có lẽ chúng ta cảm thấy họ cách rất xa, các vai chính của những phép lạ vĩ đại như vậy thông thường không xuất hiện trong kinh nghiệm của chúng ta. Thông điệp mà tác giả Phúc âm muốn gửi đến chúng ta vài ngày trước lễ Giáng sinh là như sau, nó khác biệt. Thật vậy, khi chiêm ngưỡng những dấu chỉ phi thường của hành động cứu độ của Thiên Chúa không bao giờ khiến chúng ta cảm thấy xa cách Ngài, mà đúng hơn là giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Chúa gần gũi với chúng ta, chẳng hạn như trong món quà của mỗi sự sống, của mỗi đứa trẻ, của người mẹ của đứa trẻ. Món quà của sự sống. Cha đã đọc được một câu rất đẹp trên chương trình “A tua immagine” viết rằng: không đứa trẻ nào là một sai lầm! Đó là món quà sự sống.

Ngay cả hôm nay, trong Quảng trường, sẽ có những bà mẹ với những đứa con của họ, và có lẽ cả những người đang mang thai. Xin chúng ta đừng thờ ơ trước sự hiện diện của họ: chúng ta hãy học cách kinh ngạc trước vẻ đẹp của họ, như bà Êlisabét và Mẹ Maria đã làm, vẻ đẹp của những người mẹ đang mang thai. Chúng ta hãy chúc phúc cho những người mẹ và ngợi khen Thiên Chúa vì phép lạ của sự sống! Tôi luôn luôn – trước đây tôi luôn làm, vì bây giờ tôi không có cơ hội làm việc đó – lúc tôi đi xe buýt ở giáo phận kia, khi có một người mẹ mang thai bước lên xe buýt, tôi ngay lập tức nhường chỗ cho chị ấy: đó là một cử chỉ hy vọng và tôn trọng!

Anh chị em thân mến, trong những ngày này, chúng ta tạo ra bầu không khí lễ hội với những đèn trang trí, những đồ trang hoàng và nhạc Giáng sinh. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ thể hiện cảm xúc vui mừng mỗi khi chúng ta gặp một người mẹ đang bế đứa con trên tay hoặc mang một đứa con trong bụng. Và khi việc đó xảy đến với chúng ta, chúng ta hãy cầu nguyện trong lòng và chúng ta cũng hãy nói như bà Êlisabét: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc!” (Lc 1:42); chúng ta hãy hát như Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1:46), để mọi thiên chức làm mẹ đều được chúc phúc, và xin cho danh Chúa được cảm tạ và tôn vinh trong mọi người mẹ trên thế giới, Chúa đã giao phó cho những người nam và người nữ quyền trao sự sống cho con cái!

Lát nữa đây chúng ta sẽ làm phép các “Bambinelli” mà các con mang đến. Cha cũng mang theo tượng của cha: tượng này được Đức Tổng Giám mục Santa Fé tặng cho cha; tượng được người dân bản địa Ecuador làm … tượng Bambinelli mà anh chị em đã mang đến. Vậy chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng tôi có cảm tạ Chúa vì Ngài đã hạ mình trở thành một con người như chúng ta, để chia sẻ trọn vẹn cuộc sống của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi không? Tôi có ngợi khen Chúa và chúc tụng Ngài vì mỗi đứa trẻ được chào đời không? Khi tôi gặp một người mẹ đang mang thai, tôi có tỏ lòng tử tế với chị ấy không? Tôi có ủng hộ và bảo vệ giá trị thiêng liêng của sự sống của những đứa trẻ ngay từ khi chúng được thụ thai trong bụng mẹ không?

Xin Mẹ Maria, Đấng được chúc phúc hơn mọi người nữ, giúp chúng ta có khả năng trải nghiệm sự ngạc nhiên và lòng biết ơn trước mầu nhiệm của sự sống đang hình thành.

___________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Tôi chú ý theo dõi tin tức đến từ Mozambique với sự quan ngại, và tôi xin nhắc lại thông điệp hy vọng, hòa bình và hòa giải của tôi đến những người dân thân yêu đó. Tôi cầu nguyện rằng sự đối thoại và việc tìm kiếm lợi ích chung, được hỗ trợ bởi niềm tin và thiện chí, có thể chiến thắng sự ngờ vực và bất hòa.

Ukraine đau khổ tiếp tục bị tấn công vào thành phố, nhiều lúc gây thiệt hại cho các trường học, bệnh viện và nhà thờ. Cầu mong để vũ khí im tiếng và những bài ca mừng Giáng sinh được vang lên! Chúng ta hãy cầu xin có một lệnh ngừng bắn trên mọi chiến trường, tại Ukraine, Đất Thánh, khắp Trung Đông và toàn thế giới, vào dịp Giáng sinh. Và tôi đau buồn nghĩ đến Gaza, quá nhiều sự tàn ác; về những đứa trẻ bị bắn bằng súng máy, các vụ đánh bom vào các trường học và bệnh viện… Quá nhiều sự tàn ác!

Cha thân ái chào tất cả anh chị em, người dân Rome và anh chị em hành hương. Tôi chào đoàn đại biểu công dân Ý đang sống tại các vùng lãnh thổ đã chờ đợi rất lâu để có sự khôi phục nhằm bảo vệ sức khỏe của họ. Tôi bày tỏ sự gần gũi với những người dân này, đặc biệt là những người đã phải chịu đựng thảm kịch gần đây ở Calenzano.

Sáng nay, cha có niềm vui được ở bên các thiếu nhi, cùng với mẹ của các em, những người đang phục vụ tại Bệnh xá Santa Marta ở Vatican, do các Nữ tu Vinh Sơn điều hành. Các Sơ rất giỏi! Trong đó có một Sơ giống như một người bà của mọi người, Sơ Antoinette tốt bụng, người mà tôi nhớ đến với tình cảm trìu mến. Và những trẻ em này – có rất nhiều! – đã đổ đầy trái tim cha với niềm vui. Cha nhắc lại: “Không đứa trẻ nào là một sai lầm”.

Và bây giờ cha sẽ làm phép các “Bambinelli”: Cha mang theo tượng của cha. Các con thiếu nhi và thiếu niên thân yêu, những tượng Chúa Hài Đồng mà các con đã mang đến đây và sau đó, khi về nhà, các con sẽ đặt vào cảnh hang đá Chúa giáng sinh. Cha cảm ơn các con vì cử chỉ đơn sơ nhưng rất quan trọng này. Cha ban phép lành cho tất cả các con, cho cha mẹ, ông bà, và gia đình của các con! Và xin đừng quên ông bà của các con! Ước mong không ai phải cô đơn trong những ngày này.

Và cha chúc tất cả mọi người Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/12/2024]


Đức Giáo hoàng Phanxicô tiết lộ hai vụ tấn công nhằm vào ngài và kết thúc bằng cái chết của những thủ phạm



Đức Giáo hoàng Phanxicô tiết lộ hai vụ tấn công nhằm vào ngài và kết thúc bằng cái chết của những thủ phạm

*******

Đức Phanxicô kể lại thông tin tình báo lạnh người mà Hiến binh Vatican nhận được khi ngài đến Baghdad. Tình báo Anh đã đánh dấu hai vụ tấn công tiềm ẩn: một phụ nữ trẻ mang theo chất nổ được cho là đang tiến về Mosul trong vai trò là người đánh bom cảm tử, trong khi đó một chiếc xe tải chất đầy chất nổ lao nhanh về phía một mục tiêu không xác định.

17 tháng Mười Hai, 2024 18:41

VALENTINA DI GIORGIO



(ZENIT News / Rome, 17.12.2024). - Trong một đoạn trích từ cuốn tự truyện Spera sắp ra mắt, dự kiến ​​phát hành vào ngày 14 tháng 1 năm 2025, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chia sẻ câu chuyện hậu trường đau thương về chuyến viếng thăm lịch sử của ngài tới Iraq vào tháng 3 năm 2021. Chuyến đi, được ca ngợi là cột mốc cho cuộc đối thoại liên tôn, đã bị phủ bóng bởi thông tin tiết lộ về hai âm mưu ám sát bất thành.

Một sứ mệnh bất chấp mọi bất lợi

Bất chấp sự cảnh báo quyết liệt từ các cố vấn, Đức Giáo hoàng vẫn bắt đầu chuyến đi mà nhiều người cho là vô cùng nguy hiểm. Ngài viết, “Mọi người đều khuyên không nên làm như vậy, nhưng tôi cảm nhận một sự cần thiết thẳm sâu, không thể lay chuyển là phải đi. Tôi muốn đến viếng thăm tổ phụ Abraham của chúng ta, tổ phụ chung của Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo”.

Sự quyết tâm của Đức Giáo hoàng mang thông điệp hòa bình và hy vọng đến một quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá đã gặp phải những trở ngại lớn. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn gây hại và những đe dọa an ninh đang diễn ra từ các nhóm cực đoan.

Những mối đe dọa xuất hiện

Đức Phanxicô kể lại thông tin tình báo lạnh người mà Hiến binh Vatican nhận được khi ngài đến Baghdad. Tình báo Anh đã đánh dấu hai vụ tấn công tiềm ẩn: một phụ nữ trẻ mang theo chất nổ được cho là đang tiến về Mosul trong vai trò là người đánh bom cảm tử, trong khi đó một chiếc xe tải chất đầy chất nổ lao nhanh về phía một mục tiêu không xác định.

Ngài phản ánh, “Ngay cả trong bối cảnh tàn phá như vậy, những luồng gió thù ghét vẫn không ngừng lại.” Bất chấp những mối đe dọa này, Đức Giáo hoàng vẫn kiên định với sứ mệnh của ngài, truyền tải thông điệp hòa giải và hy vọng đến các cộng đồng đang bị bao vây của Iraq.

Cột mốc liên tôn

Một trong những khoảnh khắc xúc động nhất của chuyến đi là cuộc gặp gỡ lịch sử của Đức Phanxicô với Đại giáo chủ Ali al-Sistani tại thành thánh Najaf. Cuộc gặp gỡ, mất rất lâu thời gian mới thực hiện được, tượng trưng cho một chương mới trong quan hệ giữa Kitô giáo và Hồi giáo và làm nổi bật tầm nhìn của Đức Giáo hoàng về sự đoàn kết liên tôn.

Cuộc họp nhấn mạnh chủ đề chính của chuyến đi: sức mạnh hiệp nhất của niềm tin. Trong quyển tự truyện, Đức Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng sâu sắc của việc được đứng trên vùng đất của tổ phụ Abraham, một nhân vật được tôn kính vượt qua các chia rẽ tôn giáo.

Một kết thúc buồn

Khi cuộc hành trình tiếp diễn, Đức Giáo hoàng vẫn nhận thức rõ về mối nguy hiểm đang rình rập. Hôm sau, khi được hỏi về những kẻ tấn công, người đứng đầu an ninh Vatican đưa ra câu trả lời vắn tắt nhưng nặng nề: “Họ không còn nữa”. Cảnh sát Iraq đã chặn đứng những nghi phạm, vô hiệu hóa các mối đe dọa trong các cuộc đối đầu chết người.

Đức Phanxicô viết cách buồn bã, “Thậm chí đây cũng là một loại trái độc của chiến tranh — một lời nhắc nhở mạnh mẽ về những vòng xoáy bạo lực vẫn tiếp tục hoành hành trên nhân loại.”

Một chứng tá cho niềm tin và sự kiên cường

Những suy tư của Đức Giáo hoàng về chuyến thăm Iraq cho thấy cả niềm hy vọng và nỗi đau trong sứ mệnh của ngài. Trong khi chuyến đi đánh dấu sự tiến bộ lớn đối với đối thoại liên tôn, nó cũng phơi bày những cuộc đấu tranh đang diễn ra mà những người ở các vùng xung đột phải đối mặt.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/12/2024]


Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 58 của Đức Thánh Cha Phanxicô (1 tháng 1 năm 2025), 12.12.2024

Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 58 của Đức Thánh Cha Phanxicô (1 tháng 1 năm 2025), 12.12.2024

*******

Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 58 của Đức Thánh Cha Phanxicô (1 tháng 1 năm 2025), 12.12.2024


Sau đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 58 sẽ được tổ chức vào ngày 1 tháng 1 năm 2025 với chủ đề “Xin tha tội cho chúng con: xin ban bình an của Người cho chúng con”:

__________________________________


Sứ điệp của Đức Thánh Cha

Xin tha tội cho chúng con: xin ban bình an của Người cho chúng con

I. Lắng nghe tiếng kêu cứu của nhân loại đang bị đe dọa

1. Vào buổi bình minh của Năm Mới mà Chúa Cha trên trời ban cho chúng ta, một năm Thánh trong tinh thần hy vọng, tôi xin gửi lời chúc bình an đến tất cả mọi người. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người cảm thấy bị đè nén, bị gánh nặng bởi những lỗi lầm trong quá khứ, bị đè nặng bởi sự phán xét của người khác và không có cơ hội nhận được dù chỉ một tia hy vọng cho cuộc sống của họ. Tôi khẩn xin niềm hy vọng và sự bình an đổ xuống cho mọi người, vì đây là Năm Ân sủng tuôn đổ từ Trái tim Đấng Cứu Thế!

2. Trong suốt năm nay, Giáo hội Công giáo cử hành Năm Thánh, một biến cố đổ tràn đầy niềm hy vọng cho các tâm hồn. “Năm Thánh” gợi nhớ đến một tập tục cổ xưa của người Do Thái, khi cứ bốn mươi chín năm một lần, tiếng tù và (trong tiếng Do Thái là jobel) sẽ công bố một năm tha thứ và tự do cho toàn thể dân tộc (x. Lv 25:10). Lời công bố long trọng này vang vọng khắp đất nước (x. Lv 25:9) và khôi phục lại công lý của Thiên Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống: trong việc sử dụng đất đai, trong việc sở hữu của cải và trong các mối quan hệ với tha nhân, trên hết là với người nghèo và người bị tước đoạt. Tiếng tù và thổi nhắc nhở toàn thể dân tộc, người giàu cũng như người nghèo, rằng không ai đến thế gian này để phải gánh chịu áp bức: tất cả chúng ta đều là anh chị em, là con cái của cùng một Cha, được sinh ra để sống trong tự do, theo ý muốn của Chúa (x. Lv 25:17, 25, 43, 46, 55).

3. Trong thời đại chúng ta, Năm Thánh cũng là một biến cố thúc giục chúng ta tìm cách thiết lập nền công lý giải phóng của Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta. Khi bắt đầu Năm Ân sủng này, thay vì tiếng kèn của con cừu đực chúng ta hãy lắng nghe “tiếng kêu cứu tuyệt vọng”[1] , giống như tiếng kêu của máu Abel (x. St 4:10), vang lên từ rất nhiều nơi trên thế giới của chúng ta – một tiếng kêu cứu mà Thiên Chúa không bao giờ không lắng nghe. Về phần mình, chúng ta cảm thấy có nghĩa vụ phải lên tiếng và tố cáo nhiều tình huống trong đó trái đất bị bóc lột và những người lân cận của chúng ta bị áp bức..[2] Đôi khi, những bất công này có thể xuất hiện dưới hình thức mà Thánh Gioan Phaolô II gọi là “những cơ cấu của tội lỗi”,[3] không chỉ phát sinh từ sự bất công của một số người mà còn được củng cố và duy trì bởi một mạng lưới đồng lõa.

4. Mỗi người chúng ta, theo một cách nào đó, phải thấy có trách nhiệm đối với sự tàn phá mà trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, đã và đang phải gánh chịu, bắt đầu từ những hành động thúc đẩy các cuộc xung đột, dù chỉ là gián tiếp, hiện đang gây họa cho gia đình nhân loại của chúng ta. Do đó, những thách thức mang tính hệ thống, tuy riêng biệt nhưng có mối liên hệ với nhau, được tạo ra và cùng nhau gây nên sự tàn phá trên thế giới của chúng ta.[4] Tôi đặc biệt nghĩ đến mọi hình thức bất bình đẳng, cách đối xử vô nhân đạo đối với người di cư, sự suy thoái môi trường, sự nhầm lẫn được tạo ra có chủ đích bởi thông tin sai lệch, việc từ chối tham gia vào bất kỳ hình thức đối thoại nào và các nguồn lực khổng lồ dành cho ngành công nghiệp chiến tranh. Tất cả những điều này, xét chung lại, đại diện cho mối hiểm họa đối với sự tồn tại của toàn thể nhân loại. Do đó, nhân dịp đầu năm, chúng ta hãy chú ý lắng nghe lời cầu xin khẩn thiết của nhân loại đang đau khổ để cảm nhận được tiếng gọi, cùng nhau và với tư cách là những cá nhân, phá vỡ các xiềng xích của bất công và tuyên bố công lý của Thiên Chúa. Các hành động từ thiện rời rạc là không đủ. Những thay đổi về văn hóa và cơ cấu là cần thiết, để có thể tạo ra sự thay đổi lâu dài.[5]

II. Sự thay đổi về văn hóa: tất cả chúng ta đều là những người mắc nợ

5. Việc cử hành Năm Thánh thúc giục chúng ta thực hiện một số thay đổi để đối phó với tình trạng bất công và bất bình đẳng hiện tại bằng cách nhắc nhở bản thân rằng của cải của trái đất không dành riêng cho một số ít người được đặc ân, mà là cho tất cả mọi người.[6] Chúng ta hãy nhớ lại lời của Thánh Basil thành Caesarea: “Hãy cho tôi biết những thứ nào thuộc về bạn? Bạn tìm thấy chúng ở đâu để biến chúng thành một phần cuộc sống của bạn? … Chẳng phải bạn đã không mảnh vải che thân đến từ trong lòng mẹ sao? Bạn sẽ không trần truồng trở về lòng đất ư? Tài sản của bạn đến từ đâu? Nếu bạn nói rằng chúng đến với bạn một cách tự nhiên do may mắn, thì bạn đang phủ nhận Thiên Chúa vì không nhận biết Đấng Tạo hóa và không biết ơn Đấng Ban tặng”.[7] Nếu không có lòng biết ơn, chúng ta không thể nhận ra những món quà ân ban của Thiên Chúa. Nhưng, với lòng thương xót vô biên, Thiên Chúa không từ bỏ nhân loại tội lỗi, mà tái khẳng định món quà sự sống của Người bằng sự tha thứ cứu độ được ban cho tất cả mọi người qua Chúa Giêsu Kitô. Đó là lý do tại sao, khi dạy chúng ta “Kinh Lạy Cha”, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện rằng: “Xin tha tội cho chúng con” (Mt 6:12).

6. Một khi chúng ta không còn nhìn thấy mối tương quan của mình với Chúa Cha, chúng ta bắt đầu ấp ủ ảo tưởng rằng mối tương quan của chúng ta với người khác có thể được chi phối bởi luận lý bóc lột và áp bức, nơi sức mạnh tạo nên lẽ phải.[8] Giống như giới tinh hoa vào thời Chúa Giêsu, những người hưởng lợi từ sự đau khổ của người nghèo, ngày nay, trong ngôi làng toàn cầu được kết nối của chúng ta,[9] hệ thống quốc tế, nếu không được truyền cảm hứng bởi tinh thần liên đới và phụ thuộc lẫn nhau, sẽ gây ra những bất công, nó còn trở nên trầm trọng hơn bởi nạn tham nhũng, khiến các quốc gia nghèo hơn bị mắc kẹt. Não trạng bóc lột những quốc gia mắc nợ được áp dụng như một cách mô tả ngắn về “cuộc khủng hoảng nợ” hiện tại đang đè nặng lên một số quốc gia, đặc biệt là ở Nam bán cầu.

7. Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nợ nước ngoài đã và đang trở thành một phương tiện kiểm soát mà qua đó một số chính phủ và các tổ chức tài chính tư nhân của những nước giàu khai thác bừa bãi và vô đạo đức các nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người của những nước nghèo hơn, chỉ để đáp ứng nhu cầu của thị trường của họ.[10] Ngoài ra, nhiều dân tộc vốn đã phải chịu đựng gánh nặng của nợ quốc tế, cũng bị buộc phải gánh thêm ách “nợ sinh thái” của các nước phát triển hơn.[11] Nợ nước ngoài và nợ sinh thái là hai mặt của một đồng xu, cụ thể là tư duy bóc lột đã lên đến đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng nợ.[12] Trong tinh thần của Năm Thánh này, tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy nỗ lực xóa nợ nước ngoài để công nhận khoản nợ sinh thái tồn tại giữa Bắc và Nam bán cầu của thế giới này. Đây là lời kêu gọi tình liên đới, nhưng trên hết là công lý.[13]

8. Sự thay đổi về văn hóa và cấu trúc cần thiết để vượt qua cuộc khủng hoảng này sẽ xảy đến khi cuối cùng chúng ta nhận biết rằng tất cả chúng ta đều là con cái của một Cha, rằng tất cả chúng ta đều mắc nợ Người nhưng chúng ta cũng cần có nhau, trong tinh thần chia sẻ và đa dạng hóa trách nhiệm. Chúng ta sẽ có thể “tái khám phá một lần nữa rằng chúng ta cần nhau” và mắc nợ lẫn nhau.[14]

III. Hành trình của niềm hy vọng: ba đề nghị

9. Nếu chúng ta ghi nhớ những thay đổi rất cần thiết này, Năm Thánh Ân sủng có thể giúp mỗi người chúng ta bước vào một hành trình của niềm hy vọng mới, sinh ra từ kinh nghiệm về lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.[15]

Thiên Chúa không nợ bất kỳ ai, nhưng Người không ngừng ban ân sủng và lòng thương xót của Người cho tất cả mọi người. Như Thánh Isaac thành Ninivê, một Giáo phụ của Giáo hội Đông phương vào thế kỷ thứ bảy, đã đưa vào lời cầu nguyện của ngài: “Lạy Chúa, tình yêu của Người lớn hơn những tội lỗi của con. Sóng biển chẳng là gì so với vô vàn tội lỗi của con, nhưng khi đặt lên bàn cân và so với tình yêu của Người, chúng tan biến như một hạt bụi”.[16] Thiên Chúa không cân nhắc những điều ác chúng ta đã phạm; đúng hơn, Người rất “giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta” (Êp 2:4). Tuy nhiên, Người cũng lắng nghe lời kêu cầu của người nghèo và tiếng kêu của trái đất. Thật tốt nếu chúng ta dừng lại một chút vào dịp đầu năm nay, để suy nghĩ về lòng thương xót mà Chúa không ngừng tha thứ tội lỗi của chúng ta và tha thứ mọi món nợ của chúng ta, để lòng chúng ta tràn ngập niềm hy vọng và bình an.

10. Khi dạy chúng ta cầu nguyện bằng “Kinh Lạy Cha”, Chúa Giêsu bắt đầu bằng cách xin Chúa Cha tha thứ tội lỗi cho chúng ta, nhưng ngay lập tức chuyển sang những lời đầy thách đố: “như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (x. Mt 6:12). Để tha thứ cho người khác những sai lỗi của họ và mang đến cho họ niềm hy vọng, chúng ta cần cuộc sống của chính mình được đổ đầy cùng một niềm hy vọng như vậy, là kết quả của kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa. Niềm hy vọng tuôn tràn trong sự quảng đại; nó không tính toán, không đưa ra những đòi hỏi ẩn ý, không quan tâm đến sự thu vén, nhưng chỉ nhắm đến một điều duy nhất: nâng đỡ những người sa ngã, chữa lành những trái tim tan vỡ và giải thoát chúng ta khỏi mọi loại ràng buộc.

11. Vì thế, vào đầu Năm Ân sủng này, tôi muốn đưa ra ba đề nghị có thể phục hồi phẩm giá cho đời sống của toàn thể các dân tộc và giúp họ có thể bắt đầu lại cuộc hành trình hy vọng. Theo cách này, có thể khắc phục cuộc khủng hoảng nợ và một lần nữa tất cả chúng ta có thể nhận biết rằng chúng ta là những con nợ đã được tha thứ.

Trước hết, tôi nhắc lại lời kêu gọi của Thánh Gioan Phaolô II nhân dịp Đại Năm Thánh 2000 là hãy xem xét việc “giảm đáng kể, nếu không muốn nói là xóa bỏ hoàn toàn, khoản nợ quốc tế đang đe dọa nghiêm trọng đến tương lai của nhiều quốc gia”.[17] Để thừa nhận khoản nợ sinh thái của mình, các quốc gia thịnh vượng hơn được kêu gọi làm mọi cách có thể để xóa nợ cho những quốc gia không có khả năng hoàn trả số tiền họ nợ. Tất nhiên, để điều này không chỉ chứng minh là một hành động bác ái đơn lẻ để rồi sau đó khởi động lại vòng xoáy xấu xa của tài chính và nợ nần, một khuôn khổ tài chính mới phải được đưa ra, dẫn đến việc xây dựng một Hiến chương tài chính toàn cầu đặt nền tảng trên sự đoàn kết và hòa hợp giữa các dân tộc.

Tôi cũng yêu cầu một cam kết mạnh mẽ về việc tôn trọng phẩm giá của sự sống con người từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên, để mỗi người có thể trân quý cuộc sống của bản thân và tất cả mọi người có thể hướng đến, với niềm hy vọng, một tương lai thịnh vượng và hạnh phúc cho bản thân và cho con cái họ. Nếu không có hy vọng cho tương lai, người trẻ sẽ khó có thể mong đợi đem những sự sống mới đi vào thế giới. Ở đây, một lần nữa tôi muốn đề xuất một cử chỉ cụ thể có thể giúp thúc đẩy văn hóa sự sống, cụ thể là xóa bỏ án tử hình ở tất cả các quốc gia. Hình phạt này không chỉ làm tổn hại đến tính bất khả xâm phạm của sự sống mà còn xóa bỏ mọi hy vọng của con người về sự tha thứ và phục hồi.[18]

Ngoài ra, theo bước chân của Thánh Phaolô VI và Đức Bênêđictô XVI,[19] tôi không ngần ngại đưa ra một lời kêu gọi khác nữa, vì lợi ích của các thế hệ tương lai. Trong thời đại mang đậm dấu ấn của chiến tranh này, chúng ta hãy sử dụng ít nhất một tỷ lệ cố định trong số tiền dành cho vũ khí để thành lập một Quỹ toàn cầu nhằm xóa đói và tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục tại những quốc gia nghèo hơn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu.[20] Chúng ta cần nỗ lực loại bỏ mọi lý do khiến những người trẻ coi tương lai của họ là vô vọng hoặc bị thống trị bởi khát vọng trả thù cho máu của những người thân yêu của họ. Tương lai là một món quà nhằm giúp chúng ta vượt qua những thất bại trong quá khứ và mở ra những con đường mới cho hòa bình.

IV. Mục tiêu của hòa bình

12. Những ai chấp nhận các đề xuất này và bắt đầu hành trình hy vọng chắc chắn sẽ thoáng nhìn thấy ánh bình minh của mục tiêu hòa bình được mong mỏi. Tác giả Thánh Vịnh hứa với chúng ta rằng “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên” (Tv 85:10). Khi tôi từ bỏ vũ khí và phục hồi con đường hy vọng cho một trong những anh chị em của mình, tôi góp phần khôi phục công lý của Thiên Chúa trên trái đất này và cùng với người đó, tôi tiến tới mục tiêu hòa bình. Như Thánh Gioan XXIII đã nhận xét, hòa bình đích thực chỉ có thể nảy sinh từ một tâm hồn được “giải giáp” khỏi sự lo âu và sợ hãi về chiến tranh.[21]

13. Xin cho năm 2025 là năm hòa bình nở rộ! Một nền hòa bình đích thực và dài lâu vượt ra ngoài việc ngụy biện về những chi tiết trong các thỏa thuận và sự thỏa hiệp của con người.[22] Xin cho chúng ta biết tìm kiếm nền hòa bình đích thực mà Thiên Chúa ban cho những tâm hồn không vũ trang: những tâm hồn không toan tính cái gì là của tôi và cái gì là của bạn; những tâm hồn biến lòng ích kỷ thành thái độ sẵn sàng tiến đến với những người khác; những tâm hồn thấy mình mắc nợ Thiên Chúa và do đó sẵn sàng tha thứ những món nợ đang đè nặng người khác; những tâm hồn thay thế sự lo âu về tương lai bằng niềm hy vọng rằng mỗi cá nhân có thể là nguồn lực để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

14. Giải giới cho tâm hồn là công việc của tất cả mọi người, người vĩ đại cũng như nhỏ bé, người giàu và nghèo. Nhiều khi, một điều gì đó rất đơn sơ nhưng có hiệu quả, chẳng hạn như “một nụ cười, một cử chỉ nhỏ của tình bạn, một cái nhìn tử tế, một đôi tai lắng nghe, một việc làm tốt”.[23] Với những cử chỉ như vậy, chúng ta tiến tới mục tiêu hòa bình. Chúng ta sẽ đến đích nhanh hơn nữa nếu trong quá trình đồng hành cùng những người anh chị em của mình, chúng ta khám phá ra rằng chúng ta đã thay đổi so với lúc mới lên đường. Hòa bình không chỉ đến với việc chấm dứt chiến tranh mà còn đến khi một thế giới mới bắt đầu, một thế giới nơi chúng ta nhận ra rằng chúng ta khác biệt, gần gũi và huynh đệ hơn chúng ta từng nghĩ.

15. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự bình an của Chúa! Đây là lời cầu nguyện của tôi dâng lên Thiên Chúa khi giờ đây tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất cho Năm Mới đến các Nguyên thủ quốc gia và Chính phủ, tới các nhà lãnh đạo của các Tổ chức quốc tế, tới các nhà lãnh đạo của các tôn giáo khác nhau và tới mọi người thiện chí.

Lạy Chúa, xin tha tội cho chúng con,

như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.

Trong vòng tròn tha thứ này, xin ban cho chúng con sự bình an của Chúa,

sự bình an mà chỉ Người mới có thể ban

cho những ai cho phép bản thân được giải giáp trong tâm hồn,

cho những ai chọn việc tha nợ cho anh chị em mình,

cho những ai không sợ thú nhận món nợ của bản thân với Chúa,

và cho những ai không bịt tai trước tiếng kêu xin của người nghèo.


Viết từ Vatican, 8 tháng 12, 2024

PHANXICÔ

__________________________________

[1] Bull of Indiction of the Ordinary Jubilee of the Year 2025 Spes Non Confundit (9 May 2024), 8.

[2] Cf. SAINT JOHN PAUL II, Apostolic Letter Tertio Millennio Adveniente (10 November 1994), 51.

[3] Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis (30 December 1987), 36.

[4] Cf. Address to Participants in the Summit of the Pontifical Academies of Sciences and of Social Sciences, 16 May 2024.

[5] Cf. Apostolic Exhortation Laudate Deum (4 October 2023), 70.

[6] Cf. Bull of Indiction of the Ordinary Jubilee of the Year 2025 Spes Non Confundit (9 May 2024), 16.

[7] Homilia de avaritia, 7: PG 31, 275.

[8] Cf. Encyclical Letter Laudato Si’ (24 May 2015), 123.

[9] Cf. Catechesis, 2 September 2020: L’Osservatore Romano, 3 September 2020, p. 8.

[10] Cf. Address to Participants in the Meeting “Addressing the Debt Crisis in the Global South”, 5 June 2024.

[11] Cf. Address to the Conference of Parties to the United Nations Framework Convention on Climate Change – COP 28, 2 December 2023.

[12] Cf. Address to Participants in the Meeting “Addressing Debt Crisis in the Global South”, 5 June 2024.

[13] Cf. Bull of Indiction of the Ordinary Jubilee of the Year 2025 Spes Non Confundit (9 May 2024), 16.

[14] Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 35.

[15] Cf. Bull of Indiction of the Ordinary Jubilee of the Year 2025 Spes Non Confundit (9 May 2024), 23.

[16] Oratio X, 100-101: CSCO 638, 115. Saint Augustine could even state that God remains constantly in our debt: “Since ‘your mercy is everlasting’, you deign by your promises to become a debtor to all those whose sins you forgive” (cf. Confessions, 5, 9, 17: PL 32, 714).

[17] Apostolic Letter Tertio Millennio Adveniente (10 November 1994), 51.

[18] Cf. Bull of Indiction of the Ordinary Jubilee of the Year 2025 Spes Non Confundit (9 May 2024), 10.

[19] Cf. SAINT PAUL VI, Encyclical Letter Populorum Progressio (26 March 1967), 51; BENEDICT XVI, Address to the Diplomatic Corps accredited to the Holy See, 9 January 2006; Post-Synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 90.

[20] Cf. Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 262; Address to the Diplomatic Corps accredited to the Holy See, 8 January 2024; Address to the Conference of Parties to the United Nations Framework Convention on Climate Change – COP 28, 2 December 2023.

[21] Cf. Encyclical Letter Pacem in Terris (11 April 1963), Carlen 113.

[22] Cf. Moment of Prayer on the Tenth Anniversary of the “Invocation for Peace in the Holy Land”, 7 June 2024.

[23] Bull of Indiction of the Ordinary Jubilee of the Year 2025 Spes Non Confundit (9 May 2024), 18.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/12/2024]