Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Bài giảng ứng khẩu của Đức Thánh Cha trong Lễ Chúa nhật Phục sinh (toàn văn)

Bài giảng ứng khẩu của Đức Thánh Cha trong Lễ Chúa nhật Phục sinh (toàn văn)

‘Sự Phục sinh của Đức Ki-tô không phải là một lễ hội với nhiều loại hoa. Nó rất đẹp, nhưng không phải như vậy, nó còn hơn thế; đó là mầu nhiệm của tảng đá bị loại bỏ cuối cùng trở nên nền tảng của sự sống của chúng ta’
19 tháng Tư, 2017
Bài giảng ứng khẩu của Đức Thánh Cha trong Lễ Chúa nhật Phục sinh (toàn văn)
L'OSSERVATORE ROMANO
Lúc 10 giờ Chúa nhật Phục sinh của ngày Chúa Sống lại, 16 tháng Tư, 2017, Đức Thánh Cha Phanxico chủ tế lễ trọng Thánh lễ Ban ngày trước Vương cung Thánh đường Vatican.
Cùng tham dự thánh lễ là các tín hữu Roma và khách hành hương trên khắp thế giới, nhân dịp mừng Lễ Phục sinh, bắt đầu với nghi thức “Resurrexit” .
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của bài giảng ứng khẩu của Đức Thánh Cha Phanxico, giảng trong Thánh Lễ, sau bài Tin Mừng.
* * *
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Hôm nay, Giáo hội lặp lại, ca vang, và tung hô: “Chúa Giê-su đã sống lại!” Nhưng làm sao có thể xảy ra như vậy? Phê-rô, Gio-an, những phụ nữ đi ra mồ và nó trống; Người không có ở đó. Họ đi ra với tâm hồn nặng trĩu u buồn, nỗi u buồn của một người bị đánh bại: người Thầy của họ, Người mà họ quá yêu thương, đã bị xử tử, đã chết. Và chẳng có ai bước về từ cõi chết.
Đây là sự bại trận, đây là con đường bại trận, con đường đi ra mồ. Tuy nhiên, Thiên thần loan báo cho họ: “Người không có ở đây, Người đã sống lại.” Đó là lời loan báo đầu tiên: “Người đã sống lại.” Và mọi việc rối lên, con tim khép lại, những lần hiện ra. Tuy nhiên, các tông đồ vẫn khóa kín trong nhà Tiệc Ly suốt ngày, vì các ông sợ rằng sẽ có việc xảy ra cho họ tương tự như đã xảy ra với Chúa Giê-su. Và Giáo hội không ngừng nói với những tâm hồn bị đánh bại, khóa chặt và sợ hãi: “Thiên Chúa đã sống lại.” Nhưng nếu Chúa đã sống lại, làm sao mọi chuyện vẫn cứ xảy ra? Làm sao vẫn có quá nhiều thảm kịch, bệnh tật, buôn bán người, trung chuyển người, chiến tranh, tàn phá, lấy nội tạng, thù hằn, hận thù?
Vậy, Thiên Chúa ở đâu?
Hôm qua, cha gọi điện thoại cho một thanh niên bị bệnh nặng, một thanh niên có học thức, một kỹ sư và cho cậu ấy một dấu hiệu của niềm tin, cha nói với cậu ấy: “Không có cách để giải thích được cho những gì đang xảy ra với con. Hãy nhìn lên Chúa Giê-su trên thập giá, Thiên Chúa đã làm điều này với Con của Người, và chẳng có một giải thích nào khác.” Và cậu ấy trả lời cho cha: “Vâng đúng, nhưng Chúa đã hỏi Con của Người và Con của Người đồng ý. Còn con đây chẳng được hỏi xem con có muốn điều này không.” Điều này làm chúng ta đầy cảm xúc, chẳng ai trong chúng ta được hỏi điều gì: “Con có vui với những gì đang diễn ra trong thế giới hôm nay không? Con có sẵn sàng mang thánh giá này tiến bước không?” Nhưng thánh giá thì vẫn cứ ở đó, và niềm tin vào Chúa Giê-su đi xuống. Hôm nay, Giáo hội lại tiếp tục nói: “Chúa Giê-su đã sống lại.”
Và đây chẳng phải là một sự lãng mạn, sự Phục sinh của Đức Ki-tô không phải là một lễ hội với nhiều loại hoa. Nó rất đẹp, nhưng không phải như vậy, nó còn hơn thế; đó là mầu nhiệm của tảng đá bị loại bỏ cuối cùng trở nên nền tảng của sự sống của chúng ta. Điều đó có nghĩa là Đức Ki-tô đã sống lại. Trong một văn hóa hay thay đổi nơi mà những gì không hữu dụng sẽ bị gạt bỏ rồi bị quăng đi, nơi mà những gì không hữu dụng liền bị loại bỏ, tảng đá đó – Đức Giê-su – bị loại bỏ nhưng lại là nguồn sống. Và cả chúng ta nữa, là những hòn đá cuội trên mặt đất, trong mảnh đất của đau khổ, của những thảm kịch, với niềm tin vào Đức Ki-tô Phục sinh có ý nghĩa của nó, giữa quá nhiều những tai ương.
Ý nghĩa của việc nhìn đến người khác, ý nghĩa của việc nói rằng: “Này, không có bức tường nào đâu; có một chân trời, có một sự sống, có một niềm vui, có một thập giá lẫn lộn giữa những cái yêu và ghét này. Hãy nhìn về phía trước; đừng ‘đóng’ cửa lòng mình lại. Bạn, một hòn đá cuội có một ý nghĩa trong cuộc sống này vì bạn là một hòn đá cuội bên cạnh hòn đá cuội kia, bên cạnh tảng đá mà cái ác của tội đã loại bỏ nó.” Giáo hội nói gì với chúng ta hôm nay trước quá nhiều thảm kịch. Đơn giản chỉ là vầy. Tảng đá bị loại bỏ đã không bị loại bỏ. Những hòn đá cuội tin tưởng và gắn kết bản thân với tảng đá kia không bị loại bỏ, chúng có một ý nghĩa và với tình cảm này Giáo hội lặp lại từ trong sâu thẳm con tim của mình: “Đức Ki-tô đã sống lại.”
Chúng ta hãy suy nghĩ một chút, mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ đến một trong những vấn đề thường ngày, đến những bệnh tật mà chúng ta đã vượt qua hoặc đến một trong những người họ hàng của chúng ta đã chịu đựng; chúng ta hãy nghĩ đến chiến tranh, đến những thảm kịch của con người và, đơn giản, với một tiếng nói khiêm nhường, không có hoa bông, chỉ một mình, trước nhan Thiên Chúa, trước chính con người của chúng ta, chúng ta nói: “Tôi không biết tại sao nó lại như vậy, nhưng tôi chắc chắn rằng Đức Ki-tô đã sống lại và tôi đoan chắc về điều này.” Anh chị em thân mến, đây là điều cha muốn nói với anh chị em. Hôm nay trở về nhà, lặp lại trong lòng mình: “Đức Ki-tô đã sống lại.”

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 20/04/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét