Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

Đức Thánh Cha Phanxico nói về khủng hoảng Coronavirus: “Đừng lãng phí những ngày khó khăn này. Trong thời gian ở nhà hãy tái khám phá tầm quan trọng của việc ôm các con và người thân”

Đức Thánh Cha Phanxico nói về khủng hoảng Coronavirus: “Đừng lãng phí những ngày khó khăn này. Trong thời gian ở nhà hãy tái khám phá tầm quan trọng của việc ôm lấy các con và người thân”

Đức Thánh Cha Phanxico nói về khủng hoảng Coronavirus: “Đừng lãng phí những ngày khó khăn này. Trong thời gian ở nhà hãy tái khám phá tầm quan trọng của việc ôm các con và người thân”
Một phỏng vấn riêng với Đức Thánh Cha: “Hành vi của chúng ta có ảnh hưởng đến đời sống của người khác. Tôi xin Chúa chặn lại trận dịch này với “bàn tay của Người”.”
PAOLO RODARI
18 tháng Ba, 2020

THÀNH VATICAN - “Trong những ngày khó khăn này chúng ta có thể tìm thấy những hành động nhỏ, cụ thể bày tỏ tình gần gũi và hành động cụ thể đối với những người thân cận nhất của chúng ta, một sự chăm sóc cho ông bà, một nụ hôn cho những đứa con, cho những người chúng ta yêu quý. Đây là những cử chỉ quan trọng, mang tính quyết định. Nếu chúng ta sống những ngày này theo cách đó, thì chúng sẽ không bị lãng phí.”

Đức Thánh Cha Phanxico dành những ngày của ngài trong Vatican theo dõi sát các bản tin về tình trạng khẩn cấp của coronavirus. Hai ngày trước ngài đến Santa Maria Maggiore và đến nhà thờ San Marcello al Corso để cầu nguyện. Ngài nói với la Repubblica những gì mà thời gian này đang dạy cho ngài.


Thưa Đức Thánh Cha, cha đã cầu nguyện những gì khi người đến hai nhà thờ ở Roma?

“Tôi xin Chúa hãy chặn đứng lại dịch bệnh: Lạy Chúa, xin hãy chặn nó lại bằng bàn tay của Người. Đó là những gì tôi cầu xin.”


Mọi người có thể sống qua thời gian này như thế nào để nó không bị lãng phí?

“Chúng ta phải tái khám phá tính cụ thể của những điều nhỏ bé, những hành vi nhỏ thể hiện sự quan tâm của chúng ta dành cho những người gần gũi với chúng ta, gia đình, bạn bè của chúng ta. Chúng ta phải hiểu rằng gia tài của chúng ta nằm trong những điều nhỏ bé. Những cử chỉ của sự dịu dàng, mến thương, trắc ẩn, là quá nhỏ bé và có khuynh hướng bị đánh mất trong tình trạng nặc danh của cuộc sống hàng ngày, nhưng ngược lại chúng lại mang tính quyết định, quan trọng. Chẳng hạn, một bữa ăn nóng, một cử chỉ âu yếm, một cái ôm, một cuộc gọi điện thoại … Chúng là những cử chỉ quan tâm đến các chi tiết của đời sống hàng ngày làm cho cuộc sống có ý nghĩa và nó tạo ra tính hiệp thông và sự liên lạc giữa chúng ta.”


Đó không phải là cách chúng ta vẫn luôn sống?

“Đôi khi, chúng ta chỉ trải nghiệm một hình thức truyền thông ảo với nhau. Thay vì vậy, chúng ta nên khám phá một sự gần gũi mới. Nhiều mối quan hệ cụ thể được hình thành từ sự quan tâm và kiên nhẫn. Trong nhà, các gia đình thường dùng bữa với nhau trong sự im lặng, không phải là vì lắng nghe nhau, nhưng vì cha mẹ thì xem truyền hình khi họ ăn, và con cái thì nhìn vào điện thoại di động của chúng. Trông họ cứ như các tu sĩ, tất cả đều xa cách nhau. Ở đây không có tính liên lạc, trong khi việc lắng nghe nhau là vô cùng quan trọng vì đó là cách chúng ta có thể hiểu được những nhu cầu, những nỗ lực, khao khát của người khác. Ngôn ngữ của những cử chỉ cụ thể này phải được giữ gìn. Theo ý tôi, nỗi đau của những ngày này phải mở lòng chúng ta đến với tính cụ thể này.”


Nhiều người đã mất đi người thân yêu, nhiều người khác đang chiến đấu trên tiền tuyến để cứu mạng sống người. Đức Thánh Cha có lời nào gửi đến họ?

“Tôi cảm ơn những người hy sinh bản thân cho người khác theo cách này. Họ là một mẫu gương cho tính cụ thể này. Và tôi xin mọi người hãy gần gũi với những người đã bị mất người thân yêu, gần gũi với họ trong mọi cách. Sự an ủi giờ đây phải trở thành cam kết của mọi người. Liên quan đến điều này, tôi rất ấn tượng với bài Fabio Fazio viết cho Repubblica về những gì ông học được trong những ngày này.”


Cụ thể là gì?

“Nhiều đoạn khác nhau, nhưng nói chung sự thật rằng hành vi của chúng ta luôn luôn ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Chẳng hạn ông rất đúng khi ông nói: ‘Rõ ràng những người không đóng thuế thì không chỉ phạm một trọng tội mà còn là một tội ác: nếu không có đủ giường nhà thương và máy thở, thì đó cũng là lỗi của họ.’ Tôi rất ấn tượng với câu này.”


Làm sao những người không có đức tin tìm được niềm hy vọng trong những ngày này?

“Tất cả họ đều là con cái của Chúa và được Người trông đến. Ngay cả những người chưa gặp được Chúa, những người chưa có được món quà đức tin, có thể tìm được con đường của họ qua việc này, trong những sự tốt lành họ tin tưởng: họ có thể tìm thấy sức mạnh trong tình yêu cho con cái, cho gia đình, cho anh chị em của họ. Người ta có thể nói: ‘Tôi không thể cầu nguyện vì tôi không tin.’ Nhưng đồng thời, họ có thể tin vào tình yêu của mọi người chung quanh, và từ đó tìm được hy vọng.”

Bản dịch (tiếng Anh) của Luis E. Moriones



[Nguồn: repubblica]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/3/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét