Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020

Giáo hội Công giáo ở Cambodia: Ba mươi năm tái sinh

Giáo hội Công giáo ở Cambodia: Ba mươi năm tái sinh
Italian Missionary Father Luca Belelli (PIME).

Giáo hội Công giáo ở Cambodia: Ba mươi năm tái sinh

ACN báo cáo công cuộc truyền giáo

05 tháng Năm, 2020 00:07

Ba mươi năm, Giáo hội bị tàn phá ở Cambodia trải qua một sự tái sinh trong nước, là quốc gia với phần đông dân số theo đạo Phật. Ngày nay, cộng đoàn Công giáo vẫn còn là một nhóm nhỏ bé; tuy nhiên, cộng đoàn đã hòa nhập vào đất nước, như được thể hiện qua một loạt sáu phim ngắn do Mạng lưới Phát thanh và Truyền hình Công giáo (CRTN) sản xuất cho tổ chức Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn (ACN).

“Một nhóm rất nhỏ.” Đây là những lời của Cha Luca, nhà thừa sai người Ý, mô tả về Giáo hội Công giáo ở Cambodia. Cha đã hoạt động ở quốc gia này nhiều năm và có cơ hội trình bày trong một báo cáo được quay phim cho tổ chức giáo hoàng ACN. Theo nhà thừa sai, “Người Công giáo chỉ chiếm 0,15% dân số Cambodia, một đất nước trong đó Phật giáo là quốc giáo với 90% dân số của đất nước.”

Giáo hội Công giáo ở Cambodia đã đi một chặng đường dài. Dưới chế độ Pol Pot (1975-1979), tất cả các phong tục văn hóa truyền thống và tôn giáo đều bị đàn áp, bao gồm cả những việc thực hành tôn giáo của Phật giáo và Kitô giáo. Hầu như tất cả các nhà thờ đều bị phá hủy trong thời gian này, và một số lớn các linh mục và tu sĩ đã chết. Như được trình bày trong báo cáo, cộng đoàn Công giáo nằm trong số bị đàn áp khắc nghiệt nhất: 50% số thành viên đã bị giết chết.

Năm 1979, sau chiến tranh giữa Cambodia và Việt nam là cuộc nội chiến kéo dài đến cuối thập niên 1990. Cambodia được điều hành bởi đảng cộng sản Việt nam từ năm 1979 đến 1989, và tất cả các hình thức thực hành tôn giáo vẫn bị ngăn cấm trong thời gian này. Sau sự sụp đổ của chính thể, Cambodia chính thức công nhận sự hiện diện của người Kitô hữu trong đất nước vào ngày 7 tháng Tư năm 1990. Bảy ngày sau, đúng 30 năm trước, thánh lễ dâng cho cộng đoàn được cử hành – một thánh lễ đầu tiên trong nước trong suốt hơn mười lăm năm. Các Thánh lễ được dâng lúc đó là canh thức Phục sinh, và ngày này được ghi nhớ như là dấu chỉ cho sự tái sinh của Giáo hội ở Cambodia. Lúc đó, có 3000 người Công giáo sống ở trong nước.

Một người trong số đó là một bà cụ già, bà là người Công giáo duy nhất trong làng Prek-Toal của cụ trong suốt 15 năm. Ngôi làng gồm những căn nhà được làm bằng tre neo vào cửa một con sông chảy từ Battambang đến Hồ Tonlé Sap. “Chẳng có linh mục, chẳng có cộng đoàn Kitô giáo nào hỗ trợ bà. Tuy nhiên, vào ngày Giáng sinh, bà tập trung những người hàng xóm cùng nhau mừng ngày sinh của Chúa Giêsu với bà,” Linh mục thừa sai Totet Banaynaz giải thích. Từ đó, một nhà thờ nổi di động được xây dựng. Năm mươi người được rửa tội sống trong làng và hàng năm, số lượng ngày càng có nhiều trẻ em và người lớn chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Rước Lễ.

Trong ba mươi năm, Giáo hội Công giáo, với con số khoảng trên 20.000 thành viên trong đất nước Cambodia với đa phần là Phật giáo, đã hoạt động để thúc đẩy đức tin, duy trì sự trung thành với giáo lý của Giáo hội, đồng thời làm cho các dụ ngôn của Đức Kitô trở nên dễ hiểu cho người dân trong làng. Điều này được khẳng định bởi Đức Giám mục Schmitthaeusler, Đại diện Tông tòa cho thủ đô Phnom Penh của Cambodia.

“Khi tôi đến đây, đó là thời điểm Giáng sinh, và tôi nghĩ thật hay nếu diễn kịch Giáng sinh. Người dân rất ấn tượng với kỹ năng diễn xuất của chúng tôi. Rồi tôi nhận ra rằng đã đến thời điểm thích hợp cho những sản phẩm sân khấu lớn, và để bắt đầu công cuộc mà tôi gọi là truyền giáo qua nghệ thuật. Ngài tin rằng cách tiếp cận này là thiết thực nhất. “Nghệ thuật chạy trong huyết quả của người dân Cambodia. Với tất cả mọi người ở đây, cả trẻ em và người lớn, việc nhảy múa và hát là hoàn toàn tự nhiên,” đức giám mục nói, giải thích rằng di sản nghệ thuật và văn hóa phong phú của Cambodia có thể được dùng cho mục đích rao giảng phúc âm.

Đức giám mục tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì sự tôn trọng lẫn nhau giữa các tông phái. Kinh Thánh được dịch sang tiếng Khmer, điều đó cũng rất có ích cho sân khấu. Đức giám mục giải thích, “Người dân đến đây và nhìn thấy rằng chúng tôi tôn trọng văn hóa của họ. Nhiều người là Phật tử. Tuy nhiên, dần dần, họ sẽ hiểu được ý nghĩa của Tin mừng.” Ngài nói thêm, “Chúng tôi dần dần cảm nhận được cách nghệ thuật, việc rao giảng phúc âm, và sự tôn trọng văn hóa tất cả đều có thể cùng phối hợp với nhau để giúp chúng tôi hiểu nhau.”

Bất kể mọi điều, những vết sẹo còn để lại sau nhiều năm kinh hoàng và sợ hãi vẫn còn hiện rõ trong cộng đoàn Công giáo Cambodia. Nhiều nhà thờ bị phá hủy, những nhà thờ khác thì bị phạm thượng. Cha Totet Banaynaz nói về một nhà thờ được các nhà truyền giáo người Pháp xây dựng năm 1881. Nhà thờ đã không bị phá hủy; tuy nhiên, dưới thời chính thể Pol Pot, nhà thờ đã bị biến “thành một nơi hoàn toàn trần tục, nó thậm chí chẳng gợi lên được một chút tôn trọng, và bị sử dụng làm chuồng bò và sau đó là nhà máy xay lúa. Hoàn toàn không còn một đồ vật thánh nào trong nhà thờ này.”

Ngày nay, sẽ không thể sửa chữa nhà thờ mà không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Do đó, linh mục mời gọi tất cả “những người muốn trở thành các nhà truyền giáo cùng với chúng tôi” tham gia vào dự án. Cha nói thêm, “Chúng ta có một thứ mà chúng ta có thể trao tặng cho họ: chẳng hạn đời sống của chúng ta, sự đơn giản, và những đau khổ của chúng ta. Tôi luôn nói với các tín hữu ở đây: không ai nghèo đến mức không thể cho đi. Và không ai giàu đến mức không thể đón nhận.”

Sau khi Kitô giáo được chính thức công nhận tại Cambodia vào năm 1990, quyền tự do tôn giáo đã được thông qua trong hiến pháp mới được phê chuẩn năm 1993. Về mặt ngoại giao, Cambodia và Tòa thánh đã chính thức công nhận lẫn nhau vào ngày 25 tháng Ba năm 1994. Trong quá trình phát triển này, các nhà truyền giáo nước ngoài một lần nữa được phép đến Cambodia. Một linh mục người Cambodia đã được thánh hiến vào tháng Bảy năm 1995, người đầu tiên sau 22 năm. Suốt toàn bộ thời gian này, ACN đã cung cấp cứu trợ liên tục cho công cuộc mục vụ để hỗ trợ sự tái sinh của Giáo hội Công giáo ở Cambodia.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/5/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét