Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 7 tháng Tư, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 7 tháng Tư, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô


Thư viện Điện Tông tòa

Thứ Tư, 7 tháng Tư, 2021



Giáo lý về cầu nguyện - 28. Cầu nguyện trong sự hiệp thông với các thánh

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, cha muốn suy ngẫm về mối liên hệ giữa cầu nguyện và sự hiệp thông của các thánh. Thật vậy, khi cầu nguyện, chúng ta không bao giờ làm việc đó một mình: ngay cả khi chúng ta không nghĩ về điều đó, chúng ta vẫn đắm mình trong một dòng sông hùng vĩ của những lời khẩn cầu đi trước chúng ta và tiến tới sau chúng ta. Một dòng sông hùng vĩ.

Chứa đựng trong những lời cầu nguyện mà chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh thường vang lên trong phụng vụ là vết tích của những câu chuyện xa xưa, về những cuộc giải phóng phi thường, về sự trục xuất và những cuộc lưu đày đau buồn, về những cuộc trở về đầy cảm xúc, các lời ngợi khen vang lên trước những kỳ quan của Đấng Tạo hóa… Và do đó , những tiếng nói này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong sự đan xen liên tục giữa những kinh nghiệm cá nhân và kinh nghiệm của dân tộc và nhân loại mà chúng ta thuộc về. Không ai có thể tách mình ra khỏi lịch sử của chính mình, lịch sử của dân tộc mình. Chúng ta luôn luôn giữ sự thừa kế này trong tâm thái của mình, ngay cả trong cách chúng ta cầu nguyện. Trong kinh nguyện ngợi khen, đặc biệt là lời cầu nguyện mở ra từ tâm hồn của những người bé mọn và khiêm nhường, những phần âm vang của bài ca Magnificat mà Đức Maria đã dâng lên Thiên Chúa trước mặt bà Êlisabét là chị họ của Mẹ; hoặc câu cảm thán của ông già Simeon, người đang ôm Hài nhi Giêsu trên tay, đã nói như thế này: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi” (Lc 2:29).

Những lời cầu nguyện tốt lành là luôn “mở rộng”, giống như bất cứ điều gì tốt lành; chúng liên tục tự rao truyền, dù có đăng hoặc không đăng trên các mạng xã hội: từ các khu bệnh viện, từ những khoảnh khắc tụ họp lễ hội đến những giây phút chúng ta âm thầm chịu đựng… Nỗi đau của một người là nỗi đau của mọi người, và niềm hạnh phúc của một người được truyền sang tâm hồn của người khác. Đau đớn và hạnh phúc, toàn bộ câu chuyện, những câu chuyện tạo nên câu chuyện về cuộc đời của riêng mỗi người, câu chuyện này được hồi tưởng lại qua lời kể của con người, nhưng trải nghiệm thì giống nhau.

Kinh nguyện luôn được sinh ra một lần nữa: mỗi lần chúng ta chắp tay và mở rộng tâm hồn với Thiên Chúa, chúng ta thấy mình được đồng hành với các vị thánh vô danh và các vị thánh được công nhận là những người đang cầu nguyện với chúng ta và những người đã chuyển cầu cho chúng ta như những người anh người chị đã đi trước chúng ta trên cùng cuộc phiêu lưu của con người. Không có nỗi đau buồn nào trong Giáo Hội phải mang trong sự cô đơn, không có giọt nước mắt nào rơi trong quên lãng, vì mọi người đều hít thở và dự phần vào một ân sủng chung. Không phải ngẫu nhiên mà trong nhà thờ xưa kia, con người được chôn cất trong những khu vườn bao quanh một nơi thiêng liêng, dường như để nói rằng, theo một cách nào đó, đông đảo những người đi trước chúng ta đều tham dự vào mỗi Bí tích Thánh Thể. Cha mẹ và ông bà của chúng ta ở đó, những người cha đỡ đầu và mẹ đỡ đầu của chúng ta ở đó, các giáo lý viên của chúng ta và các thầy cô giáo ở đó… Đức tin được truyền lại, được truyền đi, mà chúng ta đã nhận được. Cách cầu nguyện và kinh nguyện đã được truyền đi cùng với đức tin.

Các thánh vẫn ở đây không xa chúng ta; và sự tái hiện các ngài trong các nhà thờ gợi lên “đám mây nhân chứng” luôn bao quanh chúng ta (xem Dt 12: 1). Ở phần đầu, chúng ta đã nghe bài đọc trích đoạn trong Thư gửi tín hữu Do Thái. Các ngài là những chứng nhân mà chúng ta không tôn thờ – điều đó được hiểu rằng chúng ta không tôn thờ những vị thánh này – nhưng là những người mà chúng ta tôn kính và là những người đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô bằng hàng ngàn cách khác nhau, Ngài là Chúa và là Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Một “thánh nhân ” không đưa anh chị em đến với Chúa Giêsu thì không phải là một vị thánh, thậm chí không phải là một người Kitô hữu. Một vị thánh khiến anh chị em nhớ đến Chúa Giêsu Kitô vì người đó đã bước đi trên con đường đời với cương vị của một người Kitô hữu. Các thánh nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả trong cuộc sống của chúng ta, dù cho yếu đuối và bị đánh dấu bởi tội lỗi, sự nên thánh vẫn có thể mở ra, thậm chí cả vào giây phút cuối cùng. Thật vậy, chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng rằng vị thánh đầu tiên được chính Chúa Giêsu tuyên phong là một kẻ trộm, không phải là một Giáo hoàng. Sự nên thánh là một hành trình của cuộc đời, là một cuộc gặp gỡ dài hay ngắn hoặc tức thời với Chúa Giêsu. Nhưng người đó luôn luôn là một chứng nhân, một vị thánh là một chứng nhân, một người nam hoặc người nữ đã gặp Chúa Giêsu và đi theo Chúa Giêsu. Không bao giờ là quá muộn để hoán cải trở về với Chúa là Đấng tốt lành và giàu tình thương (xem Tv 103: 8).

Sách Giáo lý giải thích rằng các thánh đang chiêm ngưỡng Thiên Chúa, ca ngợi Người và không ngừng quan tâm đến những người còn ở lại trên trần gian. […] Sự chuyển cầu của các ngài là sự phục vụ cao cả nhất cho ý định của Thiên Chúa. Chúng ta có thể và có bổn phận xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới” (CCC, 2683). Có một sự liên đới huyền nhiệm trong Đức Kitô giữa những người đã bước qua đời sống bên kia và chúng ta là những lữ khách trong cuộc sống này: từ Thiên đàng, những người thân yêu của chúng ta đã qua đời tiếp tục chăm sóc chúng ta. Các ngài cầu nguyện cho chúng ta, và chúng ta cầu nguyện cho các ngài và chúng ta cầu nguyện với các ngài.

Sự liên kết trong kinh nguyện giữa bản thân chúng ta và những người đã đến – chúng ta đã trải nghiệm mối liên kết này trong kinh nguyện ở đây trong đời sống nơi trần gian này. Chúng ta cầu nguyện cho nhau, chúng ta yêu cầu và dâng lên những lời kinh nguyện…. Cách đầu tiên để cầu nguyện cho một người là hãy thưa với Chúa về người đó. Nếu chúng ta làm việc này thường xuyên mỗi ngày, tâm hồn chúng ta sẽ không khép lại, nhưng mở ra cho anh chị em của chúng ta. Cầu nguyện cho người khác là cách đầu tiên để yêu thương họ và điều đó thúc đẩy chúng ta tiến đến gần hơn một cách cụ thể. Ngay cả khi có mâu thuẫn, có một cách để giải quyết mâu thuẫn, để làm dịu bớt nó, là cầu nguyện cho người mà tôi đang có mâu thuẫn. Và một điều gì đó sẽ thay đổi cùng với lời cầu nguyện. Điều thay đổi đầu tiên là tâm hồn và thái độ của tôi. Thiên Chúa thay đổi nó để nó có thể biến thành một cuộc gặp gỡ, một cuộc gặp gỡ mới để sự mâu thuẫn đó không trở thành một cuộc chiến không hồi kết.

Cách đầu tiên để đối mặt với thời gian đau khổ là xin các anh chị em của chúng ta, trước hết là các thánh, cầu nguyện cho chúng ta. Tên được đặt cho chúng ta trong ngày Lễ Rửa tội không phải là một nhãn hiệu hay một thứ trang trí! Đó thường là tên của Đức Trinh Nữ, hoặc một vị Thánh, là người không mong đợi gì khác hơn là “giúp chúng ta một tay” trong cuộc sống, giúp chúng ta một tay để có được ân sủng từ Thiên Chúa mà chúng ta cần. Nếu những thử thách trong cuộc sống vẫn chưa đến mức vượt quá khả năng chịu đựng, nếu chúng ta vẫn còn có thể kiên trì, nếu chúng ta vẫn tiến tới một cách tin tưởng bất chấp tất cả, vượt ngoài công sức của chúng ta, thì có lẽ chúng ta chịu ơn tất cả những điều này nhờ sự chuyển cầu của tất cả các thánh, một số vị đang ở trên Thiên đàng, những người khác cũng là lữ khách như chúng ta trên trần gian, là những người đã bảo vệ và đồng hành với chúng ta, vì tất cả chúng ta đều biết có những người thánh thiện ở đây trên mặt đất này, những người nam và nữ thánh thiện sống trong sự nên thánh. Họ không biết điều đó; chúng ta cũng không biết điều đó. Nhưng có những vị thánh, những vị thánh thường ngày, những vị thánh ẩn mình, hay như cha thích cách nói, “những vị thánh sống bên cạnh”, những người chia sẻ cuộc sống với chúng ta, làm việc với chúng ta và sống một cuộc đời thánh thiện.

Vì vậy, Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian, cùng với sự nở hoa muôn sắc của những người nam và người nữ thánh thiện đã cư ngụ trên trái đất và ngợi khen Thiên Chúa bằng chính cuộc sống của họ. Vì – như Thánh Basiliô khẳng định – “Thánh Thần chính là môi trường sống của các thánh nhân, vì thánh nhân hiến dâng tâm hồn cho Thiên Chúa ngự trị và được gọi là Đền Thờ của Thánh Thần”. (Bàn về Thánh Thần 26, 62: PG 32, 184A; xem GLCG, 2684).

___________________________________________________


Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, cha khẩn xin lòng từ bi yêu thương của Thiên Chúa là Cha chúng ta đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa ban phúc lành cho tất cả anh chị em!


___________________________________________________


LỜI KÊU GỌI

Cha xin dâng lời cầu nguyện tưởng nhớ các nạn nhân của trận lũ lụt trong những ngày qua xảy ra tại Indonesia và Đông Timor. Xin Chúa đón nhận những người đã khuất, an ủi gia đình họ và nâng đỡ những người bị mất nhà cửa.

Hôm qua, Ngày Quốc tế Thể thao vì Hòa bình và Phát triển, do Liên hợp quốc thành lập, đã được tổ chức. Tôi hy vọng rằng điều này một lần nữa có thể tạo ra động lực cho trải nghiệm thể thao như một sự kiện đồng đội, để thúc đẩy đối thoại thông qua các văn hóa và dân tộc khác nhau.

Theo quan điểm đó, tôi vui mừng khuyến khích câu lạc bộ Vatican Athletics tiếp tục cam kết truyền bá văn hóa huynh đệ trong thế giới thể thao, đặt sự chú ý vào những người yếu đuối nhất, từ đó trở thành những chứng nhân của hòa bình.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/4/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét