Thứ Hai, 10 tháng 4, 2023

Bài giảng Canh thức Phục sinh của ĐTC Phanxicô 08.04.2023: “Lễ Phục sinh của Chúa thúc giục chúng ta tiến bước, tin tưởng nhìn về tương lai”

“Lễ Phục sinh của Chúa thúc giục chúng ta tiến bước, tin tưởng nhìn về tương lai”

Canh Thức Phục Sinh trong Đêm Thánh Phục Sinh

Bài giảng Canh thức Phục sinh của ĐTC Phanxicô 08.04.2023: “Lễ Phục sinh của Chúa thúc giục chúng ta tiến bước, tin tưởng nhìn về tương lai”

Vatican Media


*******

Vào lúc 19:30 tối nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Lễ Vọng Phục sinh trọng thể trong Đêm Thánh tại Vương Cung Thánh Đường Vatican.

Nghi thức bắt đầu tại tiền sảnh của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô với việc làm phép lửa và chuẩn bị Nến Phục sinh. Đoàn rước lên Bàn thờ, với nến Phục sinh được thắp sáng và bài ca Exultet, tiếp theo là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Rửa tội, trong đó Đức Thánh Cha ban các Bí tích khai tâm Kitô giáo cho 8 tân tòng đến từ Albania, Hoa Kỳ của Mỹ, Nigeria, Ý và Venezuela.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong Đêm Vọng Phục Sinh, sau phần công bố Tin Mừng:

________________________________________________

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Đêm sắp tàn và ánh bình minh đầu tiên đang ló rạng nơi chân trời khi những người phụ nữ lên đường đi ra mộ của Chúa Giêsu. Họ tiến về phía trước, hoang mang và mất tinh thần, tâm hồn họ trĩu nặng sự đau buồn trước cái chết đã cướp đi người Thầy Yêu dấu của họ. Tuy nhiên, khi đến nơi và nhìn thấy ngôi mộ trống, họ lui gót và quay bước. Họ bỏ lại ngôi mộ và chạy đến với các môn đệ để công bố một sự thay đổi: Chúa Giêsu đã sống lại và đang chờ đợi các ông ở Galilê. Trong cuộc đời của mình, những người phụ nữ ấy đã trải nghiệm sự Phục Sinh như một cuộc Vượt Qua, một sự chuyển đổi. Họ chuyển từ việc u sầu ra đi về phía ngôi mộ trở thành hoan hỉ chạy trở lại với các môn đệ để nói với các ông rằng không những Chúa đã sống lại, mà các ông phải lên đường ngay lập tức để đến một địa điểm, đó là Galilê. Ở đó các ông sẽ gặp Chúa Phục sinh. Sự tái sinh của các môn đệ, sự sống lại của tâm hồn họ, đi qua miền Galilê. Chúng ta hãy bước vào cuộc hành trình này của các môn đệ từ ngôi mộ đến Galilê.

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng các bà đi “viếng mộ” (Mt 28:1). Họ nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy Chúa Giêsu ở nơi của sự chết và mọi thứ đã chấm dứt, mãi mãi. Đôi khi chúng ta cũng có thể nghĩ rằng niềm vui của việc gặp gỡ Chúa Giêsu của chúng ta là một điều gì đó thuộc về quá khứ, trong khi hiện tại bao gồm chủ yếu là những ngôi mộ bị niêm phong: những ngôi mộ của sự thất vọng, cay đắng và ngờ vực, của sự mất tinh thần khi nghĩ rằng “không thể làm gì hơn được nữa”. , “mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi”, “tốt hơn hết là sống cho ngày hôm nay”, vì “chẳng có gì chắc chắn về ngày mai”. Nếu chúng ta là nạn nhân của sự buồn sầu, bị đè nặng bởi nỗi buồn, bị gục ngã bởi tội, cay đắng vì thất bại hoặc gặp rắc rối vì một vấn đề nào đó, thì chúng ta cũng biết vị cay đắng của sự mệt mỏi và thiếu vắng niềm vui.

Đôi khi, đơn giản là chúng ta có thể chỉ cảm thấy mệt mỏi với công việc hàng ngày của mình, chán ngán việc phiêu lưu vào trong một thế giới lạnh lùng, khắc nghiệt, nơi dường như chỉ những người thông minh và mạnh mẽ mới vượt lên được. Khi khác, chúng ta có thể cảm thấy bất lực và thoái chí trước sức mạnh của sự dữ, những xung đột chia rẽ các mối quan hệ, những thái độ tính toán và thờ ơ dường như thắng thế trong xã hội, căn bệnh tham nhũng – có rất nhiều sự tham nhũng, lan rộng của bất công, những cơn gió băng giá của chiến tranh. Rồi chúng ta cũng có thể đối mặt với cái chết, vì nó cướp khỏi chúng ta sự hiện diện của những người thân yêu hoặc vì chúng ta thoáng chạm nhẹ vào nó trong cơn đau bệnh hoặc vấn đề nghiêm trọng. Và rất dễ dẫn đến sự vỡ mộng, khi nguồn hy vọng đã cạn kiệt. Trong những tình huống này hoặc tương tự – mỗi chúng ta đều biết cảnh ngộ của mình, con đường của chúng ta dừng lại trước một dãy mộ, và chúng ta đứng ở đó, đầy đau khổ và hối tiếc, cô đơn và bất lực, lặp đi lặp lại câu hỏi, “Tại sao?” Chuỗi câu hỏi “tại sao”…

Tuy nhiên, những phụ nữ trong ngày Phục sinh không đứng chôn chân trước ngôi mộ; đúng hơn, Tin Mừng cho chúng ta biết, “các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay” (c. 8). Các bà mang đến tin vui sẽ thay đổi cuộc sống và lịch sử mãi mãi: Đức Kitô đã sống lại! (câu 6). Đồng thời, các bà ghi nhớ chuyển lời của Chúa yêu cầu các môn đệ đi về Galilê, vì ở đó họ sẽ gặp Người (x. c. 7). Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta tự hỏi: đi đến Galilê nghĩa là gì? Có hai điều: một là rời bỏ sự đóng kín của căn nhà Tiệc Ly và đi đến vùng đất của dân ngoại (x. Mt 4:15), ra khỏi nơi ẩn náu và mở lòng ra với sứ vụ, bỏ lại sau lưng nỗi sợ hãi, và lên đường hướng tới tương lai. Mặt khác, và điều này rất đẹp, là để trở về nguồn, vì mọi sự bắt đầu chính tại Galilê. Ở đó, Chúa đã gặp và gọi các môn đệ đầu tiên. Vì vậy, đi đến Galilê có nghĩa là trở về với ân sủng của thuở ban đầu, để lấy lại ký ức làm tái sinh niềm hy vọng, “ký ức của tương lai” mà Đấng Phục sinh đã ban cho chúng ta.

Vì vậy, đây là điều mà Lễ Vượt Qua của Chúa hoàn tất: nó thúc đẩy chúng ta tiến tới, bỏ lại sau lưng cảm giác bị thất bại, lăn đi tảng đá của những ngôi mộ nơi chúng ta thường chôn giấu niềm hy vọng của mình, và tin tưởng nhìn về tương lai, vì Chúa Kitô đã sống lại và đã thay đổi dòng lịch sử. Tuy nhiên, để làm được điều này, Lễ Vượt Qua của Chúa đưa chúng ta trở lại với ân sủng quá khứ của chính chúng ta; nó đưa chúng ta trở lại Galilê, nơi bắt đầu câu chuyện tình yêu của chúng ta với Chúa Giêsu, nơi tiếng gọi đầu tiên diễn ra. Nói cách khác, nó yêu cầu chúng ta sống lại thời khắc đó, tình huống đó, kinh nghiệm trong đó chúng ta đã gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm được tình yêu của Người và đón nhận cách nhìn mới mẻ về bản thân, về thế giới xung quanh chúng ta và về chính mầu nhiệm của sự sống. Thưa anh chị em, để trỗi dậy trở lại, để bắt đầu lại, để tiếp tục cuộc hành trình, chúng ta luôn cần phải trở về Galilê, nghĩa là quay trở lại, không phải với một Chúa Giêsu trừu tượng hay lý tưởng, mà là với ký ức sống động, cụ thể và rõ ràng của cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta với Chúa. Vâng, để tiến tới chúng ta cần phải trở lại, để ghi nhớ; để có hy vọng, chúng ta cần làm sống lại ký ức của mình. Đây là những gì chúng ta được yêu cầu làm: ghi nhớ và tiến về phía trước! Nếu anh chị em tìm lại được tình yêu ban đầu đó, sự kinh ngạc và niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa, anh chị em sẽ tiếp tục tiến tới. Vì vậy, hãy ghi nhớ, và tiếp tục tiến về phía trước.

Hãy ghi nhớ Galilê của chính anh chị em và tiến bước trở về nơi đó, vì đó là “nơi” mà anh chị em biết Chúa Giêsu theo cách cá nhân, nơi Ngài không còn là một nhân vật khác đến từ một quá khứ xa xôi, mà là một con người sống động: không phải là một Thiên Chúa xa xôi nào đó mà là Thiên Chúa hiện hữu bên cạnh anh chị em, người biết anh chị em và yêu thương anh chị em hơn ai hết. Thưa anh chị em, hãy nhớ trở lại Galilê, Galilê của anh chị em và tiếng gọi của anh chị em. Hãy ghi nhớ Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng đã nói trực tiếp với anh chị em vào một thời điểm thích hợp nhất. Hãy nhớ kinh nghiệm mạnh mẽ đó về Thần Khí; niềm vui lớn lao của sự tha thứ đã cảm nghiệm sau một lần thú tội đó; giây phút cầu nguyện mãnh liệt và không thể quên đó; ánh sáng đã thắp lên trong anh chị em và làm thay đổi cuộc đời anh chị em; cuộc gặp gỡ đó, cuộc hành hương đó…

Mỗi người chúng ta đều biết Galilê của mình ở đâu. Mỗi người chúng ta đều biết nơi phục sinh nội tâm của mình, nơi bắt đầu và nền tảng đó, nơi mà mọi thứ đã thay đổi. Chúng ta không thể để điều này ở trong quá khứ; Chúa Phục Sinh mời gọi chúng ta trở lại đó để cử hành Lễ Phục Sinh. Hãy ghi nhớ Galilê của anh chị em. Hãy nhắc nhở bản thân. Hôm nay, hãy sống lại ký ức đó. Trở lại với cuộc gặp gỡ đầu tiên đó. Nghĩ lại xem nó đã diễn ra như thế nào, dựng lại bối cảnh, thời gian và địa điểm. Ghi nhớ những cảm xúc và tình cảm; nhìn thấy những màu sắc và tận hưởng hương vị của nó. Vì khi anh chị em quên đi tình yêu ban đầu đó, khi anh chị em không còn nhớ đến cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, thì bụi bặm bắt đầu phủ lên trái tim anh chị em. Đó là lúc anh chị em cảm nhận nỗi buồn, và như các môn đệ, anh chị em nhìn thấy tương lai trống rỗng, giống như ngôi mộ với một tảng đá niêm phong mọi hy vọng. Tuy nhiên, thưa anh chị em, hôm nay, sức mạnh của sự Phục sinh kêu gọi anh chị em lăn đi mọi tảng đá của thất vọng và hoài nghi. Chúa là chuyên gia trong việc đẩy lùi những đá tảng của tội lỗi và sợ hãi. Người muốn soi sáng ký ức thiêng liêng của anh chị em, ký ức đẹp nhất của anh chị em và làm cho anh chị em sống lại lần gặp gỡ đầu tiên với Ngài. Hãy ghi nhớ và tiếp tục tiến về phía trước. Hãy trở về với Ngài và khám phá lại ơn Phục sinh của Thiên Chúa trong anh chị em! Hãy trở lại Galilê. Hãy trở lại Galilê của anh chị em.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy theo Chúa Giêsu đến Galilê, gặp gỡ Ngài và thờ phượng Ngài ở đó, nơi Ngài đang chờ đợi mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy làm sống lại vẻ đẹp của khoảnh khắc đó khi chúng ta nhận ra rằng Ngài đang sống và chúng ta tôn Ngài làm Chúa của cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy trở lại Galilê, Galilê của tình yêu ban đầu của chúng ta. Mỗi người chúng ta hãy trở về Galilê của chính mình, về nơi mà chúng ta đã gặp Ngài lần đầu tiên. Chúng ta hãy trỗi dậy trong đời sống mới!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/4/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét