Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 28.07.2024: Trao dâng, Tạ ơn và Chia sẻ, những cử chỉ Chúa Giêsu lặp lại trong Bữa Tiệc ly

Trao dâng, Tạ ơn và Chia sẻ, những cử chỉ Chúa Giêsu lặp lại trong Bữa Tiệc ly

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 28.07.2024: Trao dâng, Tạ ơn và Chia sẻ, những cử chỉ Chúa Giêsu lặp lại trong Bữa Tiệc ly

Vatican Media


*******

Trưa Chúa Nhật ngày 28 tháng 7 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông Tòa Vatican để đọc kinh Truyền Tin với khoảng 12.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

______________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay, Tin Mừng Phụng vụ kể cho chúng ta về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều (x. Ga 6:1-15). Một phép lạ, tức là một “dấu chỉ”, một “dấu chỉ”, mà những vai chính thực hiện ba cử chỉ, những cử chỉ Chúa Giêsu sẽ lặp lại trong Bữa Tiệc ly. Vậy những cử chỉ đó là gì? Trao dâng, tạ ơn và chia sẻ.

Trước hết là trao dâng. Tin Mừng kể cho chúng ta về một cậu bé có năm chiếc bánh và hai con cá (Ga 6:9). Đó là cử chỉ để chúng ta nhận biết rằng chúng ta có thứ gì đó tốt đẹp để cho đi, và chúng ta nói “xin vâng”, ngay cả khi những gì chúng ta có là quá ít so với nhu cầu cần thiết. Điều này được nhấn mạnh trong Thánh lễ, khi linh mục dâng bánh và rượu trên bàn thờ, và mỗi người dâng chính bản thân, cuộc sống của mình. Đó là một cử chỉ có vẻ bé nhỏ, khi chúng ta nghĩ đến những nhu cầu khổng lồ của nhân loại, giống như năm chiếc bánh và hai con cá trước đám đông hàng ngàn người; nhưng Thiên Chúa biến nó thành nguyên liệu cho phép lạ, phép lạ vĩ đại nhất – là phép lạ trong đó chính Chúa hiện diện giữa chúng ta, để cứu chuộc thế gian.

Và như vậy, chúng ta hiểu được cử chỉ thứ hai: tạ ơn (x. Ga 6:11). Cử chỉ đầu tiên là trao dâng, cử chỉ thứ hai là tạ ơn. Đó là nói với Chúa một cách khiêm nhường, và với niềm vui sướng: “Tất cả những gì con có đây đều là ân huệ của Chúa, và lạy Chúa, để tạ ơn Chúa, con chỉ có thể dâng lại cho Chúa những gì Chúa đã ban cho con, cùng với Chúa Giêsu Kitô, Con của Chúa, cộng thêm những gì con có thể”; mỗi người chúng ta có thể thêm vào một chút gì đó. “Con có thể dâng cho Chúa điều gì? Con có thể dâng cho Chúa điều nhỏ bé nào? Tình yêu nhỏ bé của con”. Cho đi… là nói với Chúa rằng: “Con yêu Chúa”; nhưng chúng ta, sự nghèo nàn, tình yêu của chúng ta quá bé nhỏ, nhưng nếu chúng ta dâng lên Chúa, Người sẽ đón nhận. Trao dâng, tạ ơn, và cử chỉ thứ ba là chia sẻ.

Trong Thánh lễ, đó chính là phần Hiệp lễ, khi chúng ta cùng nhau tiến đến bàn thờ để lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô: hoa trái ân huệ của mọi người được Chúa biến đổi thành lương thực cho tất cả. Đó là khoảnh khắc rất đẹp, khoảnh khắc hiệp thông, dạy chúng ta sống mọi cử chỉ yêu thương như một món quà ân sủng, cho cả những người trao dâng và những người đón nhận.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có thực sự tin rằng, nhờ ơn Chúa, tôi có điều gì đó đặc biệt để trao tặng cho anh chị em của tôi, hay tôi cảm thấy mình vô danh “là một người giữa muôn vàn người”? Tôi có tích cực cho đi điều tốt lành không? Tôi có tạ ơn Chúa vì những ơn mà Người liên tục thể hiện tình yêu của Người không? Tôi có sống chia sẻ với tha nhân như khoảnh khắc gặp gỡ và làm phong phú lẫn nhau không?

Xin Đức Trinh nữ Maria giúp chúng ta sống mỗi cử hành Thánh Thể với đức tin, và nhận biết và nếm trải mỗi ngày những “phép lạ” của ân sủng Thiên Chúa.

_________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân của trận lở đất lớn đã quét qua một ngôi làng ở miền nam Ethiopia. Tôi gần gũi với những người dân đang chịu nhiều đau khổ đó và với những người đang mang đến sự cứu trợ.

Trong khi có nhiều người trên thế giới đang phải chịu đau khổ vì thiên tai và nạn đói, chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí và đốt cháy tài nguyên để tiếp sức cho các cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Đây là một sự vi phạm mà cộng đồng quốc tế không nên dung thứ, và nó đi ngược lại với tinh thần huynh đệ của Thế vận hội Olympic vừa mới khai mạc. Thưa anh chị em, chúng ta đừng quên rằng: chiến tranh là sự thất bại!

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi, với chủ đề “Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng” (x. Tv 71:9). Việc người già bị bỏ rơi quả thật là một thực tế đáng buồn mà chúng ta không được quen với nó. Với nhiều người già và cao niên, đặc biệt là trong những ngày hè này, sự cô đơn có nguy cơ trở thành gánh nặng khó mang nổi. Ngày này kêu gọi chúng ta lắng nghe tiếng nói của những người già khi họ nói: “Xin đừng bỏ rơi tôi!”, và trả lời: “Con sẽ không bỏ rơi ông bà!”. Chúng ta hãy củng cố mối liên minh giữa ông bà và con cháu, giữa những người trẻ và người già. Chúng ta hãy nói “không” với sự cô đơn của người cao tuổi! Tương lai của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào cách ông bà và con cháu học cách chung sống với nhau. Chúng ta đừng quên người cao tuổi! Và hãy dành một tràng pháo tay cho tất cả các ông bà, tất cả họ!

Cha chào tất cả anh chị em, cư dân Roma và những anh chị em hành hương đến từ nhiều vùng khác nhau của Ý và thế giới. Đặc biệt, cha chào những anh chị em tham dự Đại hội đồng thuộc Liên hiệp Tông đồ Công giáo; các bạn trẻ thuộc Phong trào Công giáo Tiến hành Bologna, và những người thuộc đơn vị mục vụ Riviera del Po-Sermide, trong giáo phận Mantua; nhóm các bạn trẻ mười tám tuổi từ giáo phận Verona; và những hoạt náo viên của Nhà nguyện “Carlo Acutis” của Quartu Sant’Elena.

Cha gửi lời chào đến những anh chị em đang tham dự buổi bế mạc Lễ Đức Mẹ Carmine ở Trastevere: tối nay sẽ có cuộc rước Đức Mẹ “fiumarola” trên Sông Tiber. Chúng ta hãy học nơi Đức Maria, Đức Maria của chúng ta, cách đưa Phúc Âm vào thực hành trong đời sống hằng ngày! Cha đã được thưởng thức bài hát của Neocatechumenal … Cha muốn nghe lại sau!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/7/2024]


Tu sĩ dòng Đaminh người Pháp đã sáng tạo khẩu hiệu cho Thế vận hội Olympic

Tu sĩ dòng Đaminh người Pháp đã sáng tạo khẩu hiệu cho Thế vận hội Olympic

Tu sĩ dòng Đaminh người Pháp đã sáng tạo khẩu hiệu cho Thế vận hội Olympic
Khẩu hiệu của Thế vận hội Olympic hiện đại, “Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn,” được tạo bởi tu sĩ dòng Đaminh người Pháp Louis Henri Didon. | Credit: Pixabay / Public Domain



ACI Prensa Staff, 26 tháng 7, 2024 / 17:45 pm


Khẩu hiệu của Thế vận hội Olympic hiện đại, “Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn,” được tạo bởi tu huynh Louis Henri Didon, một tu sĩ dòng Đaminh người Pháp đã trở thành bạn với người sáng lập Thế vận hội Olympic hiện đại, Nam tước Pierre de Coubertin, năm năm trước Thế vận hội Athens năm 1896.

Khẩu hiệu này ban đầu được viết bằng tiếng Latinh là “Citius, Altius, Fortius,” được sử dụng trước phong trào Olympic hiện đại tại Trường Thánh Albertô Cả ở Paris, nơi vị tu sĩ dòng Đa Minh làm hiệu trưởng.

Sinh năm 1840, Didon vào Tiểu chủng viện Rondeau ở Grenoble, Pháp, bắt đầu từ năm chín tuổi, và trong suốt thời niên thiếu, cậu nổi bật với khả năng của một vận động viên. Sau khi đến thăm tu viện Carthusian ở Grenoble, cậu quyết định theo đuổi ơn gọi tu trì và mặc áo dòng của Dòng Thuyết giáo (Dòng Đaminh) khi mới 16 tuổi. Sáu năm sau, sau thời gian đào tạo tại Rome, thầy được thụ phong linh mục ở tuổi 22.

Tuyên úy quân đội, tù nhân và tị nạn

Cha Didon nhanh chóng trở thành một nhà thuyết giáo nổi danh. Trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ ngắn nổ ra vào tháng 7 năm 1870, Cha là một tuyên úy quân đội và có một thời gian bị giam giữ như một tù nhân. Khi ngã bệnh, Cha đã trở thành người tị nạn ở Geneva, Thụy Sĩ. Từ đó, Cha được gửi đến Marseille, tiếp tục hoạt động thuyết giáo đôi khi gây tranh cãi của mình, dẫn đến việc Cha được sai đến Corsica vào năm 1880.

Một thập kỷ sau, Cha được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường Thánh Albertô Cả ở Paris, tại đây Cha thiết lập thể thao như một phần của chương trình giáo dục của trường và thúc đẩy các cuộc thi đấu thể thao. Quyết định này là kết quả của niềm tin vào giá trị của thể thao và mối quan hệ mà Cha đã có với Nam tước Pierre de Coubertin từ năm 1891.

Trong cuộc đua đầu tiên họ tổ chức, Cha Dòng Đaminh đã quyết định thêu lên lá cờ của trường câu khẩu hiệu nổi tiếng, sau này trở thành khẩu hiệu Olympic vào năm 1894, trong Đại hội Olympic đầu tiên được tổ chức tại Paris năm 1894.

Hai năm sau, Athens đăng cai Thế vận hội Olympic đầu tiên, và từ đó được tổ chức bốn năm một lần, chỉ bị gián đoạn ba lần do Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai (năm 1916, 1940 và 1944) và bị hoãn từ năm 2020 đến năm 2021 do đại dịch COVID-19.




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/7/2024]


Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 21.07.2024: “Đón nhận ân sủng của Thiên Chúa trong sự thinh lặng tôn thờ”

“Đón nhận ân sủng của Thiên Chúa trong sự thinh lặng tôn thờ”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 21.07.2024: “Đón nhận ân sủng của Thiên Chúa trong sự thinh lặng tôn thờ”


Trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin với khoảng 12.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Tin Mừng phụng vụ hôm nay (Mc 6:30-34) cho chúng ta biết rằng các tông đồ tụ tập quanh Chúa Giêsu sau khi trở về từ sứ vụ của các ông. Các ông kể cho Người nghe những gì họ đã hoàn thành. Rồi Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (câu 31). Tuy nhiên, dân chúng hiểu các ông đi đâu và khi xuống thuyền, Chúa Giêsu thấy đám đông đang đợi Ngài. Ngài chạnh lòng thương họ và bắt đầu giảng dạy (x. câu 34).

Như vậy, một mặt là lời mời gọi nghỉ ngơi, mặt khác là lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với đám đông. Thật là đẹp khi chúng ta dừng lại để suy ngẫm về lòng thương xót của Chúa Giêsu. Đây có vẻ như là hai điều không tương thích với nhau, nhưng thực ra chúng lại đi đôi với nhau: nghỉ ngơi và thương xót. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn.

Chúa Giêsu quan tâm đến sự mệt mỏi của các môn đệ. Có lẽ Ngài ý thức về mối nguy hiểm, nó cũng liên quan đến đời sống và hoạt động tông đồ của chúng ta. Mối nguy hiểm này có thể đe dọa chúng ta, chẳng hạn khi sự nhiệt huyết của chúng ta trong việc thực hiện sứ vụ hoặc công việc của mình, cũng như các vai trò và trách vụ được giao phó, khiến chúng ta trở thành nạn nhân của chủ nghĩa hoạt động quá chú ý đến những việc phải làm và kết quả, và đây là một điều không tốt. Chúng ta trở nên quá bận tâm đến những gì phải làm, quá bận tâm đến kết quả. Khi đó, chúng ta trở nên bận rộn âu lo và xem nhẹ điều gì là trọng yếu. Chúng ta có nguy cơ bị vắt kiệt năng lượng và rơi vào tình trạng mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần. Đây là một lời cảnh báo quan trọng cho cuộc sống và xã hội của chúng ta thường trở thành tù nhân của sự hối hả, nhưng cũng là lời cảnh báo đối với Giáo hội và việc phục vụ mục vụ: thưa anh chị em, chúng ta hãy cẩn thận với tính độc tài của việc làm!

Và điều này cũng có thể xảy ra do sự cần thiết, chẳng hạn trong gia đình chúng ta khi người cha phải đi làm xa để kiếm sống, do đó phải hy sinh thời gian mà lẽ ra ông dành nó cho gia đình. Thông thường, cha mẹ rời nhà lúc sáng sớm khi các con vẫn đang ngủ và về nhà lúc tối muộn khi chúng đã đi ngủ. Và đây là một sự bất công xã hội. Trong gia đình, cha mẹ phải có thời gian dành cho con cái, để tình yêu thương được lớn lên trong gia đình và không rơi vào chủ nghĩa độc tài của việc làm. Chúng ta hãy nghĩ xem chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ những người bị buộc phải sống theo lối sống này.

Đồng thời, sự nghỉ ngơi mà Chúa Giêsu đề nghị không phải là một cách thoát khỏi thế gian, một sự ẩn dật trong hạnh phúc thuần túy cá nhân. Ngược lại, khi đứng trước đám đông dân chúng bơ vơ, Chúa chạnh lòng xót thương. Và vì vậy, trong Tin Mừng, chúng ta biết được rằng hai thực tại này – sự nghỉ ngơi và chạnh lòng thương xót – có mối liên hệ với nhau: chỉ khi chúng ta học được cách nghỉ ngơi thì chúng ta mới có lòng thương xót. Thật vậy, chỉ có thể có được một cái nhìn đầy lòng trắc ẩn là cái nhìn biết cách trả lời trước những thiếu thốn của người khác, khi tâm hồn chúng ta không bị kiệt sức bởi nỗi lo toan làm việc, khi chúng ta biết dừng lại và biết cách đón nhận Ân sủng của Thiên Chúa trong sự thinh lặng tôn thờ.

Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có khả năng dừng lại trong ngày của tôi không? Tôi có khả năng dành một chút thời gian cho chính bản thân và với Chúa không, hay tôi luôn hối hả, liên tục vội vàng cho những việc phải làm? Chúng ta có khả năng tìm được một loại “sa mạc nội tâm” nào đó giữa những ồn ào và các hoạt động thường ngày không?

Xin Đức Nữ Trinh rất Thánh giúp chúng ta “nghỉ ngơi trong Thần Khí” ngay cả trong mọi hoạt động hàng ngày, và có thái độ sẵn sàng và thương xót với người khác.

______________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Tuần này, Thế vận hội Olympic sẽ bắt đầu tại Paris và tiếp theo là Thế vận hội dành cho người khuyết tật. Thể thao cũng có sức mạnh xã hội to lớn và nó có thể đoàn kết mọi người từ các văn hóa khác nhau theo con đường hòa bình. Tôi hy vọng rằng sự kiện này có thể là ngọn hải đăng cho một thế giới bao gồm mà chúng ta muốn xây dựng và các vận động viên có thể trở thành những sứ giả hòa bình và những gương mẫu đích thực cho giới trẻ bằng những chứng tá thể thao của họ. Đặc biệt, như phong tục của truyền thống lâu đời này, ước mong Thế vận hội Olympic là một dịp để kêu gọi ngừng bắn trong các cuộc chiến tranh, thể hiện lòng tha thiết mong muốn hòa bình.

Cha chào tất cả anh chị em, người dân Rome và anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia. Đặc biệt, cha xin chào Notre Dame Équipe đến từ giáo phận Quixadá ở Brazil, và Hiệp hội “Trung tâm Khoa học Assumpta Ofekata”, đang thực hiện các dự án liên đới cho Châu Phi.

Cha cũng gửi lời chào các Công nhân Thập giá Thầm lặng và Trung tâm các Tình nguyện viên Đau khổ, tập trung để tưởng nhớ đấng sáng lập của họ là Chân phước Luigi Novarese; các thỉnh sinh và các nữ tu trẻ tuyên khấn của Dòng Nữ tu Truyền giáo Chúa Kitô Vua; các bạn trẻ thuộc nhóm ơn gọi của Tiểu Chủng viện Rôma đã đi trên con đường của Thánh Phanxicô từ Assisi đến Rôma.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình. Chúng ta đừng quên Ukraine chịu đau khổ, Palestine, Israel, Myanmar và nhiều quốc gia khác đang có chiến tranh. Chúng ta đừng quên, chúng ta đừng bao giờ quên, chiến tranh là một thất bại!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/7/2024]


Hallow bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng Trung Quốc vì nội dung ‘bất hợp pháp’

Hallow bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng Trung Quốc vì nội dung ‘bất hợp pháp’

Hallow bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng Trung Quốc vì nội dung ‘bất hợp pháp’

Photos Courtesy of Hallow, Inc.

J-P Mauro

19/07/24


Chính quyền Trung Quốc đã gỡ bỏ ứng dụng cầu nguyện phổ biến nhất thế giới mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào, nhưng Hallow vẫn tiếp tục có ý cầu nguyện cho Trung Quốc.

Hallow, ứng dụng cầu nguyện số 1 trên thế giới, đã bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng Trung Quốc sau khi quốc gia cộng sản này cho rằng một số nội dung của nó là “bất hợp pháp”. Được xếp hạng ứng dụng phổ biến sau khi chạy quảng cáo Super Bowl có Mark Whalberg và Jonathan Roumie, ứng dụng này cam kết tiếp tục phục vụ Giáo hội ở Trung Quốc, nhưng không rõ liệu Hallow có thể thực hiện những bước đi nào để quay trở lại chợ ứng dụng của Trung Quốc.

Ông Alex Jones, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Hallow, Inc., cho biết tình hình trong một bài đăng ngắn trên X (trước đây là Twitter), trong đó ông chỉ tuyên bố ngắn gọn rằng ứng dụng Hallow không có sẵn ở Trung Quốc nữa:

Theo Catholic World Report, Cơ quan Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc (CAC) đã thông báo cho ông Jones rằng ứng dụng Hallow “được xét thấy có nội dung đăng tải trên ứng dụng là bất hợp pháp ở Trung Quốc và do đó phải bị xóa bỏ”. Chính phủ Trung Quốc không đưa ra lời giải thích thêm nào về lý do ứng dụng bị xóa khỏi các cửa hàng hoặc có thể thực hiện những bước nào để Hallow quay trở lại kho ứng dụng.

Trong khi ông Jones không muốn vội vàng đưa ra những suy đoán về lý do ứng dụng bị xóa, nhưng Catholic World Report chỉ cho thấy rằng việc Hallow gần đây bổ sung loạt chương trình phát thanh trình bày về cuộc đời và các các tác phẩm của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Với tựa đề “Chứng nhân hy vọng”, chương trình đề cập đến sự phản kháng quyết liệt của Đức Gioan Phaolô II đối với chủ nghĩa cộng sản, một chủ đề bị chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, ông Jones bình luận:

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng phục vụ anh chị em trong Đức Kitô ở Trung Quốc cách tốt nhất theo khả năng thông qua trang web, ứng dụng web, nội dung mạng xã hội, nhưng chủ yếu là bằng lời cầu nguyện của chúng tôi,” ông Jones nói.

Chính quyền Trung Quốc có lịch sử kiểm duyệt các ứng dụng tôn giáo. Năm 2021, CAC đã sử dụng luật mạng để loại bỏ ứng dụng Kinh Thánh và ứng dụng Kinh Qur'an khỏi kho Ứng dụng của Apple ở Trung Quốc. Không chỉ giới hạn đối với các ứng dụng tôn giáo, những ứng dụng cung cấp tin nhắn mã hóa riêng tư – như WhatsApp và Telegram – cũng đã bị xóa, với lý do CAC trích dẫn cho là “có những lo ngại về an ninh quốc gia”.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/7/2024]


Thứ Hai, 15 tháng 7, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 14.07.2024 - “Hiệp thông và tiết độ là những giá trị quan trọng đối với đời sống Kitô hữu của chúng ta”

“Hiệp thông và tiết độ là những giá trị quan trọng đối với đời sống Kitô hữu của chúng ta”

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 14.07.2024 - “Hiệp thông và tiết độ là những giá trị quan trọng đối với đời sống Kitô hữu của chúng ta”

*******

Trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin với khoảng 12.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

_____________________________________



Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay Tin Mừng kể cho chúng ta về việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng (x. Mc 6:7-13). Chúa sai họ đi “từng hai người một” và yêu cầu một điều quan trọng: chỉ mang theo những gì cần thiết.

Chúng ta hãy dừng lại một chút ở hình ảnh này: các môn đệ được sai đi cùng nhau và chỉ mang theo những gì cần thiết.

Chúng ta không rao giảng Tin Mừng một mình, không: Tin Mừng được loan báo cùng nhau, như một cộng đoàn, và để làm được việc này, điều quan trọng là phải biết cách giữ gìn sự tiết độ: biết tỉnh táo trong việc sử dụng của cải, chia sẻ tài nguyên, năng lực và các ơn, và làm mà không thừa. Tại sao? Để được tự do: sự dư thừa biến anh chị em thành nô lệ, đồng thời để tất cả chúng ta đều có được những gì chúng ta cần để sống một cách xứng đáng và tích cực đóng góp cho sứ mạng; rồi tỉnh táo trong suy nghĩ, tỉnh táo trong cảm xúc, từ bỏ những định kiến ​​và từ bỏ tính cứng nhắc, giống như những hành lý vô nghĩa, đè nặng chúng ta và cản trở cuộc hành trình, thay vào đó khuyến khích thảo luận và lắng nghe, và nhờ đó làm chứng hiệu quả hơn.

Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến những gì xảy ra trong gia đình và cộng đồng của chúng ta: khi chúng ta bằng lòng với những gì cần thiết, dù là ít, và với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta có thể tiến bước và hòa hợp, chia sẻ những gì có, mọi người đều từ bỏ điều gì đó và hỗ trợ lẫn nhau (xem Cv 4:32-35). Và đây đã là một lời loan báo truyền giáo, đi trước và thậm chí còn hơn cả lời nói, bởi vì nó thể hiện nét đẹp của sứ điệp của Chúa Giêsu trong tính hữu hình của cuộc sống. Thật vậy, một gia đình hay một cộng đoàn sống theo cách này sẽ tạo ra một môi trường giàu tình yêu thương xung quanh mình, trong đó con người dễ dàng rộng mở hơn với đức tin và sự mới mẻ của Tin Mừng, và từ đó người ta bắt đầu tốt hơn, người ta bắt đầu thanh thản hơn.

Mặt khác, nếu mỗi người đi theo con đường riêng của mình, nếu chỉ quan tâm đến vật chất – điều không bao giờ là đủ – nếu người ta không lắng nghe, nếu chủ nghĩa cá nhân và lòng ghen tị chiếm ưu thế – thì tính ghen tị là một thứ gì đó làm chết người, một chất độc! – khi chủ nghĩa cá nhân và lòng ghen tị ngự trị, bầu khí trở nên nặng nề, cuộc sống trở nên khó khăn, và những cuộc gặp gỡ trở thành một sự bồn chồn, buồn bã và chán nản, hơn là một sự kiện vui mừng (x. Mt. 19:22).

Anh chị em thân mến, sự hiệp thông và tiết độ là những giá trị quan trọng đối với đời sống Kitô hữu của chúng ta: sự hiệp thông, hòa hợp giữa chúng ta và sự tiết độ là những giá trị quan trọng, những giá trị không thể thiếu đối với một Giáo hội truyền giáo ở mọi cấp độ.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có nếm trải được niềm vui của việc loan báo Tin Mừng, mang đến nơi tôi sống niềm vui và ánh sáng đến từ cuộc gặp gỡ với Chúa không? Và để làm được điều này, tôi có cam kết đồng hành cùng người khác, chia sẻ các ý tưởng và kỹ năng với họ, với tâm trí rộng mở và tâm hồn quảng đại không? Và cuối cùng: tôi có biết tu dưỡng một đời sống tiết độ, một lối sống biết quan tâm đến nhu cầu của anh chị em tôi không? Đó là những câu hỏi mà chúng ta nên tự hỏi mình.

Xin Mẹ Maria, Nữ vương các Thánh Tông đồ, giúp chúng ta trở thành những người môn đệ truyền giáo đích thực, trong sự hiệp thông và đời sống tiết độ. Trong sự hiệp thông, trong sự hòa hợp giữa chúng ta và trong sự tiết độ của cuộc sống.


________________


Sau kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Cha gửi lời chào anh chị em người Rome và những anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia. Đặc biệt, cha chào anh chị em đang tham dự Đại hội Quốc tế giáo dân của Dòng Thánh Augustinô; cha chào các Nữ tu dòng Thánh gia Nadarét đang cử hành Tổng Tu nghị; cha chào các bạn trẻ của giáo xứ Luson, Alto Adige, đã du hành qua đường Via Francigena; Hội đồng Giới trẻ Địa Trung Hải, được truyền cảm hứng từ thông điệp của Đấng Đáng kính Giorgio La Pira; và các bạn trẻ tham gia Khóa học quốc tế Regnum Christi dành cho những nhà đào tạo tập sinh và chủng sinh.

Cha gửi lời chào mừng đến các tín hữu Ba Lan đang tập trung tại Đền thờ Đức Mẹ Black Madonna ở Częstochowa, nhân dịp cuộc hành hương hàng năm của gia đình Radio Maria.

Trong ngày Chủ nhật Biển, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người làm việc trong lĩnh vực hàng hải và những người chăm sóc họ.

Xin Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta kính nhớ trong 2 ngày tới với tước hiệu Đức Mẹ núi Camêlô, an ủi và ban hòa bình cho tất cả những người dân bị đè nặng bởi sự khủng khiếp của chiến tranh. Xin chúng ta đừng quên Ukraine, Palestine, Israel và Myanmar đang bị khốn khổ.

Cha chào các bạn trẻ Immacolata.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/7/2024]


Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi cuộc họp “Đạo đức AI vì hòa bình” (Hiroshima, ngày 9-10 tháng 7 năm 2024)

“Bảo vệ phẩm giá con người trong kỷ nguyên máy móc mới”

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi cuộc họp “Đạo đức AI vì hòa bình” (Hiroshima, ngày 9-10 tháng 7 năm 2024)

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi cuộc họp “Đạo đức AI vì hòa bình” (Hiroshima, ngày 9-10 tháng 7 năm 2024)

*******

“Đạo đức AI vì hòa bình.” Vào ngày 9 tháng 7, sự kiện kéo dài hai ngày quy tụ các nhà lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới nhằm thúc đẩy việc phát triển đạo đức Trí tuệ Nhân tạo bắt đầu tại Hiroshima (Nhật Bản). Nghi thức ký kết Lời kêu gọi Rôma cũng sẽ diễn ra, một tài liệu nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tiếp cận đa tôn giáo.

Dưới đây là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến những tham dự viên cuộc họp “Đạo đức AI vì hòa bình” (Hiroshima, ngày 9-10 tháng 7 năm 2024):

_____________________________


Thông điệp của Đức Thánh Cha

Các bạn thân mến, tôi gửi lời chào đến tất cả các bạn đang tham dự cuộc họp “Đạo đức AI vì Hòa bình”. Trí tuệ nhân tạo và hòa bình là hai vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu, như tôi đã có dịp nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo chính trị tại hội nghị G7: “Cần phải luôn nhớ rằng một cỗ máy có thể tạo ra các lựa chọn thuật toán theo cách nào đó và bằng những phương pháp mới này. Máy đưa ra một lựa chọn về mặt kỹ thuật trong số nhiều khả năng dựa trên những tiêu chí được xác định cụ thể hoặc dựa trên những kết luận thống kê. Tuy nhiên, con người không chỉ lựa chọn mà trong con tim họ còn có khả năng quyết định. Quyết định là điều chúng ta có thể gọi là yếu tố mang tính chiến lược hơn là sự lựa chọn và đòi hỏi sự đánh giá thực tế. Đôi khi, thường trong nhiệm vụ quản lý khó khăn, chúng ta được yêu cầu phải đưa ra những quyết định dẫn đến hậu quả cho nhiều người. Về vấn đề này, suy tư của con người luôn nói lên sự khôn ngoan, phronesis (sự khôn ngoan) của triết học Hy Lạp và ít nhất một phần là sự khôn ngoan của Kinh Thánh. Trước sự kỳ diệu của máy móc dường như có thể lựa chọn một cách độc lập, chúng ta phải hiểu rành mạch rằng việc đưa ra quyết định luôn phải được giao cho con người, ngay cả khi chúng ta phải đối mặt với những chiều kích quan trọng và cấp bách của nó. Chúng ta sẽ đẩy nhân loại vào một tương lai không còn hy vọng nếu chúng ta tước đi khả năng đưa ra quyết định về bản thân và đời sống của con người qua việc bắt họ phải lệ thuộc vào những lựa chọn của máy móc. Chúng ta cần bảo đảm và bảo vệ một không gian để con người có thể kiểm soát những lựa chọn do các chương trình của trí tuệ nhân tạo thực hiện: phẩm giá con người phụ thuộc vào điều đó.” (Diễn từ tại G7, ngày 14 tháng 6 năm 2024).

Sáng kiến ​​của các bạn thật đáng khen ngợi, tôi xin các bạn hãy cho thế giới thấy rằng chúng ta hiệp nhất trong việc yêu cầu một cam kết tích cực bảo vệ phẩm giá con người trong kỷ nguyên máy móc mới này.

Việc các bạn tập trung tại Hiroshima để thảo luận về trí tuệ nhân tạo và hòa bình có tầm quan trọng mang tính biểu tượng rất lớn. Trong các cuộc xung đột hiện đang ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta – bao gồm cả sự căm ghét chiến tranh – chúng ta ngày càng nghe nhiều hơn về công nghệ này. Đó là lý do tại sao tôi coi sự kiện này ở Hiroshima có tầm quan trọng đặc biệt. Khi đoàn kết như anh chị em, điều rất hệ trọng là chúng ta phải nhắc nhở thế giới rằng “trước thảm kịch xung đột vũ trang, việc cấp bách là phải xem xét lại việc phát triển và sử dụng các thiết bị như những thứ được gọi là “vũ khí tự động gây chết người” và về căn bản là cấm sử dụng chúng. Điều này bắt đầu từ một cam kết hữu hiệu và cụ thể nhằm đưa ra việc kiểm soát thích đáng và lớn hơn bao giờ hết của con người. Không một cỗ máy nào được chọn để tước đi mạng sống con người.” (Diễn từ tại G7, ngày 14 tháng 6 năm 2024).

Khi chúng ta xét đến tính phức tạp của các vấn đề trước mắt, việc thừa nhận sự đóng góp của các kho tàng văn hóa của các dân tộc và tôn giáo trong việc điều chỉnh trí tuệ nhân tạo là chìa khóa cho sự thành công trong cam kết của các bạn đối với việc quản lý sự đổi mới công nghệ cách khôn ngoan.

Hy vọng rằng cuộc gặp gỡ của các bạn dẫn đến kết quả mang lại tình huynh đệ và sự hợp tác, tôi cầu nguyện để mỗi người chúng ta có thể trở thành khí cụ hòa bình cho thế giới.

PHANXICÔ



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/7/2024]


Thứ Năm, 11 tháng 7, 2024

Những câu nói hài hước nhất của các vị thánh

Những câu nói hài hước nhất của các vị thánh

Những câu nói hài hước nhất của các vị thánh

Faces: Wikipedia | Collage: John Touhey | Aleteia

Cerith Gardiner

09/07/24



Cuộc gặp gỡ gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô với các diễn viên hài làm nổi bật giá trị của tiếng cười. Sau đây là một chút hài hước của các vị thánh để mang đến nụ cười trên khuôn mặt của bạn!

Xét đến cuộc gặp gỡ gần đây của Đức Thánh Cha với một số diễn viên hài nổi tiếng nhất thế giới khẳng định tầm quan trọng của tiếng cười vui vẻ, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần nhìn đến một vài ví dụ điển hình về sự hài hước của một số vị thánh.

Những con người thánh thiện này đã chứng tỏ rằng họ không chỉ biết cười mà còn thường xuyên đùa cợt ngay cả bản thân và thậm chí khi phải đối mặt với cái chết.


Đấng đáng kính Fulton Sheen

Câu nói dí dỏm này được cho là của vị giám mục quá cố người Mỹ, nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông và kỹ năng thuyết giảng của ngài:

“Nghe các Sơ xưng tội giống như bị ném đá tới chết bằng bắp nổ.”


Thánh Lôrensô

Thật không thể tin được khi nghĩ rằng lúc đối mặt với một cái chết đau đớn mà vẫn có thể giữ được một chút hài hước. Tuy nhiên, vị tử đạo Kitô giáo của thế kỷ thứ 3 nổi tiếng với câu nói khi ngài bị nướng sống trên vỉ sắt:

“Lật tôi qua bên kia, bên này chín rồi."


Thánh Thomas More

Giống như Thánh Lôrensô, vị chính khách người Anh đùa cợt với kẻ hành quyết ngài trước khi bị chặt đầu vào thế kỷ 16. Khi leo lên đoạn đầu đài, ngài yêu cầu được giúp đỡ nhưng quả quyết với những kẻ hành hình rằng ngài sẽ không cần ai giúp đi xuống!

Thánh Thomas cũng nổi tiếng với những lời nhận xét hài hước của ngài, chẳng hạn như:

“Nếu danh dự mà sinh lợi thì mọi người đều sẽ thể hiện danh dự.”


Mẹ Angelica

Dù Mẹ Mary Angelica, người sáng lập mạng lưới truyền hình cáp EWTN, chưa phải là một vị thánh, nhưng trong suốt cuộc đời, mẹ đã mang đức tin Công giáo vào nhà của hàng triệu người Mỹ. Mẹ nổi tiếng với tính hài hước và thường tự bỡn cợt. Sau đây là trích một vài lời ngọc của mẹ:

“Nếu bạn đang gặp căng thẳng, hãy dâng nó cho Chúa Giêsu. Hãy thưa với Ngài, ‘Con cảm thấy như đang bò trên tường, nhưng con yêu mến Chúa và con muốn dâng điều này cho Người.’ Bạn có nghĩ rằng Chúa của chúng ta lại không căng thẳng khi sống chung với mười hai tông đồ ương ương dở dở đó không?”

Và câu nói này nói lên sự thiếu kiên nhẫn của chính mẹ!

“Khi còn là một tập sinh trẻ, tôi thường cầu nguyện vào sáng sớm: ‘Lạy Chúa, hôm nay con sẽ kiên nhẫn dù cho dù địa ngục hay nước biển dâng trào.’ Và đến chín giờ thì địa ngục và nước dâng cao ập đến! Tôi đã làm nó bùng lên!”


Thánh Gioan XXIII

Một trong những vị giáo hoàng của thế kỷ trước nổi tiếng với sự tự giễu cợt bản thân. Câu chuyện nổi tiếng khi ngài được một nhà báo người Ý hỏi: “Thưa Đức Thánh Cha, có bao nhiêu người làm việc ở Vatican?” Đức Giáo hoàng suy nghĩ một lát và châm biếm: “Khoảng một nửa trong số họ.”

Đức Thánh Cha cũng có lời khuyên lý tưởng dành cho một cậu bé mà ngài đến thăm trong bệnh viện. Theo Emily Antenucci và Carol Glatz của Catholic News Service:

“Ngài hỏi cậu bé rằng lớn lên cậu muốn làm gì. Cậu bé nói hoặc là cảnh sát hoặc giáo hoàng. ‘Nếu cha là con, cha sẽ làm cảnh sát’, vị giáo hoàng nói. 'Ai cũng đều có thể trở thành giáo hoàng được hết, nhìn cha đây này!’”


Thánh Patrick

Khó mà chắc chắn rằng câu nói khôn ngoan dí dỏm này là của vị thánh bổn mạng xứ Ireland, nhưng chúng ta có thể hình dung rằng nó hoàn toàn có thể xuất phát từ miệng của thánh nhân:

“Đừng bao giờ tin tưởng một con chó sẽ canh giữ thức ăn cho bạn.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/7/2024]


Đức Thánh Cha Phanxicô rời Vatican đến bác sĩ nhãn khoa

Đức Thánh Cha Phanxicô rời Vatican đến bác sĩ nhãn khoa

Đức Thánh Cha Phanxicô rời Vatican đến bác sĩ nhãn khoa

Antoine Mekary | ALETEIA

Isabella H. de Carvalho

09/07/24



Theo các nguồn tin truyền thông của Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến bác sĩ nhãn khoa thân tín của ngài ở trung tâm thành Rome chiều Thứ Hai, ngày 8 tháng Bảy.

Một số cơ quan truyền thông Ý đưa tin vào cuối chiều Thứ Hai, ngày 8 tháng Bảy năm 2024 rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã rời Vatican để đến một bác sĩ nhãn khoa ở trung tâm Rome, cách Đài phun nước Trevi không xa.

Theo nhật báo Avvenire tiếng Ý của các giám mục Ý, Đức Thánh Cha đã gọi điện cho chủ cửa hàng là ông Alessandro Spiezia vào sáng thứ Bảy trước đó, đặt hẹn đến cửa hàng để kiểm tra kiếng của ngài.

Dường như Đức Phanxicô nói với bác sĩ nhãn khoa rằng “Bác sĩ phải mất công đến gặp tôi hai lần rồi, lần này tôi sẽ đến gặp bác sĩ.”

Đức Thánh Cha Phanxicô rời Vatican đến bác sĩ nhãn khoa

Thật ra, bác sĩ Spiezia là bác sĩ nhãn khoa thường xuyên của Đức Phanxicô trong ít năm gần đây và đây cũng không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha đích thân đến phòng nhãn khoa “Ottica Spiezia”.

Trở lại năm 2015, ngài cũng đến cửa hàng với cùng một lý do như chuyến đi gần đây nhất này: để thay tròng kính nhưng vẫn dùng lại gọng kính cũ. Giống như lần trước, cửa hàng nhanh chóng bị vây kín bởi đám đông khách du lịch hiếu kỳ và người dân Rome cố gắng được nhìn thấy Đức Giáo hoàng.

Theo tờ Avvenire, Đức Thánh Cha dừng lại để chào những người vây quanh và phát một số cỗ tràng hạt cho đám đông và kẹo cho thiếu nhi.


Cảm xúc khi nhìn thấy Đức Giáo hoàng trong cửa hàng

“Nhiều năm qua, tôi có vinh dự được gặp Đức Thánh Cha nhiều lần, nhưng cảm xúc luôn dâng trào”, bác sĩ Alessandro Spiezia nói với Avvenire. “Tôi không giấu giếm rằng lần này tôi thậm chí còn phấn khởi hơn bình thường. Và biết rằng tôi rất trân quý sự tôn trọng của ngài và tình bạn của ngài, tha thứ cho tôi về cách nói này, đã khiến tôi tràn ngập niềm vui.”

Quả thật, bản tin cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành khoảng nửa giờ trong cửa hàng và chào hỏi chị Anna Maria là vợ của ông Alessandro, qua điện thoại, và cả con trai của họ là Luca có mặt ở đó và cũng là một bác sĩ nhãn khoa.

Bà Anna Maria dường như đã nói qua điện thoại, “Thưa Đức Thánh Cha, xin hãy đến bất cứ lúc nào [để dùng bữa tối]. Con sẽ làm cho cha một dĩa carbonara thật ngon”.

Hôm Chúa Nhật ngày 7 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Trieste, một thành phố thuộc vùng đông bắc nước Ý, để kết thúc Tuần lễ Xã hội lần thứ 50 của người Công giáo Ý, và nhiều nhà quan sát nhận thấy ngài gặp khó khăn khi đọc bài giảng. Có thể chỉ đơn giản vì ngài đang phải chờ để làm mới cặp kiếng của ngài!


Những chuyến ra ngoài của Đức Thánh Cha Phanxicô

Về thực tế, Đức Giáo hoàng hiện đang trong thời gian nghỉ hè vì các buổi tiếp kiến ​​chung và riêng của ngài tạm ngưng trong tháng Bảy. Tuy nhiên, ngài thích ở lại Vatican trong những ngày nghỉ của mình.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Phanxicô rời Vatican để thực hiện chuyến thăm bất ngờ ở Rome. Năm 2022, ngài đến một cửa hàng băng đĩa ở trung tâm Rome và vào năm 2016, ngài đến mua giày tại một cửa hàng chỉnh hình cách Vatican không xa.

Vào tháng Hai năm 2021, vị Giám mục Rome cũng đã có chuyến thăm đột xuất tại nhà nữ thi sĩ Edith Bruck ở Rome, một nhà thơ và người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/7/2024]


Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

Lịch trình chuyến Tông du Châu Á và Châu Đại dương của Đức Thánh Cha


Lịch trình chuyến Tông du Châu Á và Châu Đại dương của Đức Thánh Cha

Lịch trình chuyến Tông du Châu Á và Châu Đại dương của Đức Thánh Cha

Lịch trình đầy đủ chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore đã được công bố.


Francesca Merlo

Bốn quốc gia trong vòng chưa đầy hai tuần: Tháng Chín sẽ là một tháng bận rộn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô và với các tín hữu thuộc bốn quốc gia chuẩn bị chào đón ngài khi ngài đến thăm họ trong chuyến tông du lần thứ 45 ra nước ngoài: Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore.

Khởi hành từ Rome vào ngày 2 tháng Chín, Đức Thánh Cha Phanxicô trước tiên sẽ lên đường đến Indonesia, hạ cánh tại thủ đô Jakarta. Sau đó, vào ngày 6 tháng Chín, ngài sẽ đến Port Moresby để chào các tín hữu thuộc quốc đảo Thái Bình Dương Papua New Guinea, và ngài sẽ ở lại đây cho đến ngày 9 tháng 9. Từ đó ngài bay đến Dili, thủ đô của Timor Leste. Và rồi từ Dili, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Singapore trong chặng cuối của chuyến hành trình của ngài, từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Chín, ngày đó ngài trở về nhà, về Rôma.

Dưới đây là lịch trình đầy đủ hành trình của Đức Thánh Cha:


Thứ Hai, 2 tháng Chín, 2024

ROME
17:15    Khởi hành bằng máy bay từ Sân bay Quốc tế Rome/Fiumicino đến Jakarta


Thứ Ba, 3 tháng Chín, 2024

JAKARTA
11:30    Đến sân bay quốc tế Jakarta Soekarno-Hatta
11:30    LỄ CHÀO MỪNG


Thứ Tư, 4 tháng Chín, 2024

JAKARTA
09:30    NGHI THỨC CHÀO ĐÓN phía ngoài Dinh Tổng thống Istana Merdeka
10:00    THĂM NGOẠI GIAO THỐNG NƯỚC CỘNG HÒA tại Dinh Tổng thống Istana 
             Merdeka
10:35    GẶP GỠ CÁC GIỚI CHỨC CHÍNH QUYỀN, XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ ĐOÀN NGOẠI 
             GIAO tại Hội trường Dinh Tổng thống Istana Negara - Diễn từ của Đức Thánh Cha
11:30    GẶP RIÊNG CÁC THÀNH VIÊN DÒNG TÊN tại Tòa Khâm Sứ
16:30    GẶP GỠ CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ GIÁO LÝ 
             VIÊN tại Nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời - Huấn từ của Đức Thánh Cha
17:35    GẶP GỠ CÁC BẠN TRẺ CỦA TỔ CHỨC SCHOLAS OCCURRENTES tại Trung tâm 
             Thanh niên Grha Pemuda


Thứ Năm, 5 tháng Chín, 2024

JAKARTA
09:00    GẶP GỠ LIÊN TÔN GIÁO tại Đền thờ Hồi giáo Istiqlal - Diễn từ của Đức Thánh Cha
10:15    GẶP GỠ NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC BẢO TRỢ BỞI CÁC TỔ CHỨC BÁC ÁI tại Trụ sở 
             Hội đồng Giám mục Indonesia
17:00    THÁNH LỄ tại sân vận động Gelora Bung Karno - Bài giảng của Đức Thánh Cha


Thứ Sáu, 6 tháng Chín, 2024

JAKARTA – PORT MORESBY
09:15    NGHI THỨC TẠM BIỆT tại Sân bay Quốc tế Jakarta Soekarno-Hatta
09:45    Khởi hành bằng máy bay từ Sân bay Quốc tế Jakarta Soekarno-Hatta đến Port 
             Moresby
18:50    Đến Sân bay Quốc tế Port Moresby Jacksons
18:50    NGHI THỨC CHÀO MỪNG


Thứ Bảy, 7 tháng Chín, 2024

PORT MORESBY
09:45    THĂM NGOẠI GIAO TOÀN QUYỀN tại Tòa nhà Chính phủ
10:25    GẶP GỠ CÁC GIỚI CHỨC CHÍNH QUYỀN, XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ NGOẠI GIAO 
             ĐOÀN tại tòa nhà APEC Haus - Diễn từ của Đức Thánh Cha
17:00    THĂM CÁC THIẾU NHI CỦA THỪA TÁC VỤ ĐƯỜNG PHỐ VÀ NHÓM PHỤC VỤ 
             CALLAN tại Trường Trung học Kỹ thuật Caritas
17:40    GẶP GỠ CÁC GIÁM MỤC CỦA PAPUA NEW GUINEA VÀ QUẦN ĐẢO SOLOMON, 
             CÁC LINH MỤC, PHÓ TẾ, CÁC TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ GIÁO LÝ VIÊN TẠI Đền 
             Thờ Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu - Huấn từ của Đức Thánh Cha


Chúa nhật, 8 tháng Chín, 2024

PORT MORESBY – VANIMO
07:30    GẶP GỠ THỦ TƯỚNG TẠI Tòa Khâm sứ
08:45    THÁNH LỄ tại sân vận động Sir John Guise - Bài giảng của Đức Thánh Cha - 
             Kinh Truyền tin
13:00    Khởi hành bằng máy bay từ Sân bay Quốc tế Port Moresby Jacksons đến Vanimo
15:15    Đến sân bay Vanimo
15:30    GẶP GỠ CÁC TÍN HỮU GIÁO PHẬN VANIMO tại nhà hát Esplanade trước Nhà thờ 
             Chánh tòa Thánh Giá - Huấn từ của Đức Thánh Cha
16:50    GẶP RIÊNG NHÓM CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO tại Trường Holy Trinity Humanities ở 
             Baro
17:40    Khởi hành bằng máy bay từ Sân bay Vanimo đến Port Moresby
19:55    Đến Sân bay Quốc tế Port Moresby Jacksons


Thứ Hai, 9 tháng Chín, 2024

PORT MORESBY – DILI
09:45    GẶP GỠ GIỚI TRẺ tại Sân vận động Sir John Guise - Huấn từ của Đức Thánh Cha
11:10    NGHI THỨC TẠM BIỆT tại Sân bay Quốc tế Port Moresby Jacksons
11:40    Khởi hành bằng máy bay từ Sân bay Quốc tế Port Moresby Jacksons đến Dili
14:10    Đến Sân bay Quốc tế Dili Presidente Nicolau Lobato
14:10    LỄ CHÀO MỪNG
18:00    NGHI THỨC CHÀO ĐÓN bên ngoài Dinh Tổng thống
18:30    THĂM NGOẠI GIAO TỔNG THỐNG NƯỚC CỘNG HÒA tại Dinh Tổng thống
19:00    GẶP GỠ CÁC GIỚI CHỨC CHÍNH QUYỀN, XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ NGOẠI GIAO 
             ĐOÀN tại Hội trường Dinh Tổng thống - Diễn từ của Đức Thánh Cha


Thứ Ba, 10 Tháng Chín, 2024

DILI

08:45    THĂM TRẺ EM KHUYẾT TẬT CỦA TRƯỜNG IRMÃS ALMA
09:30    GẶP GỠ CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, CÁC TU SĨ, CHỦNG SINH, VÀ 
             GIÁO LÝ VIÊN tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội - Huấn từ của Đức thánh
             Cha
10:45    GẶP RIÊNG CÁC THÀNH VIÊN DÒNG TÊN tại Tòa Khâm Sứ
16:30    THÁNH LỄ tại Nhà hát Taci Tolu - Bài giảng của Đức Thánh Cha


Thứ Tư, 11 tháng Chín, 2024

DILI – SINGAPORE

09:30    GẶP GỠ GIỚI TRẺ tại tòa nhà Centro de Convenções - Huấn từ của Đức Thánh Cha
10:45    NGHI THỨC TẠM BIỆT tại Sân bay Quốc tế Dili Presidente Nicolau Lobato
11:15    Khởi hành bằng máy bay từ Sân bay Quốc tế Dili Presidente Nicolau Lobato đến 
             Singapore
14:15    Đến sân bay quốc tế Changi Singapore
14:15    LỄ CHÀO MỪNG
18:15    GẶP RIÊNG CÁC THÀNH VIÊN DÒNG TÊN tại Trung tâm Tĩnh tâm Thánh Phanxicô 
            Xaviê


Thứ Năm, 12 tháng Chín, 2024

SINGAPORE

09:00    NGHI THỨC CHÀO MỪNG tại Tòa nhà Quốc hội
09:30    THĂM NGOẠI GIAO TỔNG THỐNG NƯỚC CỘNG HÒA
09:55    GẶP GỠ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
10:30    GẶP GỠ CÁC GIỚI CHỨC CHÍNH QUYỀN, XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ ĐOÀN NGOẠI 
             GIAO tại nhà hát của Trung tâm Văn hóa Đại học Quốc gia Singapore - Diễn từ của 
             Đức Thánh Cha
17:15    THÁNH LỄ tại Sân vận động Quốc gia SportsHub Singapore - Bài giảng của Đức
             Thánh Cha


Thứ Sáu, 13 tháng Chín, 2024

SINGAPORE – ROME

09:15    THĂM NHÓM NGƯỜI CAO TUỔI VÀ BỆNH NHÂN tại Nhà Thánh Teresa
10:00    GẶP GỠ LIÊN TÔN VỚI GIỚI TRẺ tại Trường Cao Đẳng Công Giáo - Diễn từ của 
             Đức Thánh Cha
11:20    NGHI THỨC TẠM BIỆT tại sân bay quốc tế Changi Singapore
11:50    Khởi hành bằng máy bay từ Sân bay Quốc tế Changi Singapore trở về Rome
18:25    Đến Sân bay Quốc tế Rome/Fiumicino


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/4/2024]



Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Mười quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho Giáo hoàng vào năm 2023

Mười quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho Giáo hoàng vào năm 2023

Peter's Pence (Đồng tiền của Thánh Phêrô) là những khoản quyên góp hoặc thanh toán được thực hiện trực tiếp cho Tòa thánh của Giáo hội Công giáo. Ảnh: Truyền thông Vatican

Mười quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho Giáo hoàng trong năm 2023

*******

Ba quốc gia Châu Mỹ, sáu quốc gia Châu Âu và một quốc gia Châu Á là những quốc gia hỗ trợ tài chính nhiều nhất cho Giáo hoàng.


30 tháng 06, 2024 05:42
JORGE ENRIQUE MÚJICAAN


(ZENIT News / Rome, 30.06.2024). - Những quốc gia nào đóng góp tài chính lớn nhất cho Giáo hoàng trong năm 2023? Thông tin này được ghi lại trong Báo cáo thường niên của quỹ Peter's Pence (Đồng tiền của Thánh Phêrô).

Đồng tiền Thánh Phêrô (Peter’s Pence) là gì?

Peter's Pence là các khoản quyên góp hoặc thanh toán được thực hiện trực tiếp cho Tòa Thánh của Giáo hội Công giáo. Chúng được sử dụng cho các nhu cầu của Giáo hội trên toàn thế giới, bắt đầu từ Giáo triều Rôma và các Đại diện của Giáo hoàng, cũng như những sáng kiến ​​hỗ trợ người thiếu thốn nhất.

Tổng thu nhập năm 2023 là 52 triệu euro so với chi tiêu là 109,4 triệu euro; thiếu hụt 57,4 triệu euro.


Thống kê thu nhập

Trong tổng số 52 triệu euro, 48,4 triệu được quyên góp theo ba cách:

Thứ nhất là khoản quyên góp thường niên nhân dịp Lễ Thánh Phêrô và Phaolô. Khoản quyên góp này được chuyển đến thông qua các Sứ thần trên toàn thế giới và ở Ý là thông qua các Giáo phận.

Khoản quyên góp thứ 2 được thực hiện trực tiếp cho Trang web Peter's Pence

Tài sản thứ 3 là thông qua các di chúc, trong đó người quá cố bày tỏ mong muốn để lại toàn bộ hoặc một phần tài sản của mình cho Giáo hoàng.

Trong số 48,4 triệu euro nêu trên, các nguồn dâng cúng bao gồm:

1. Các giáo phận có 31,2 triệu (64.4%)

2. Các nhà dâng cúng tư nhân với 2,1 triệu (4.4%)

3. Các tổ chức với 13,9 triệu (28.8%)

4. Các dòng tu, với 1,2 triệu (2,4%)

Mười quốc gia đứng đầu

Xét về các giáo phận và các nhà tài trợ tư nhân, mười quốc gia quyên góp hàng đầu cho Giáo hoàng là:

1 Hoa Kỳ với 13,6 triệu (28.1%)

2 Ý với 3,1 triệu (6.4%)

3 Brazil với 1,9 triệu (3.9%)

4 Đức với 1,3 triệu (2.7%)

6 Pháp với 1 triệu (2%)

7 Mexico với 900 ngàn euros (1.8%)

8 Ireland với 900 ngàn euros (1.8%)

9 Cộng hòa Séc với 800 ngàn euros (1.7%)

10 Tây Ban Nha với 800 ngàn euros (1.7%)

Tiền được chi tiêu như thế nào?

Trong năm 2023, Quỹ Peter’s Pence đã nhận được 103 triệu euro, trong đó 900 triệu euro được phân bổ để hỗ trợ các hoạt động của Tòa thánh nhằm phục vụ sứ mạng tông đồ của Đức Thánh Cha và 13 triệu euro để hỗ trợ các dự án trợ giúp trực tiếp cho những người cần giúp đỡ nhất.

Các đóng góp này đến từ những khoản dâng cúng nhận được lên tới 48,4 triệu euro và thu nhập tài chính từ tiền sinh lợi của các tài sản lên tới 3,6 triệu euro. 51 triệu euro còn lại đến từ tài sản của Quỹ Peter's Pence (tài sản). Được hiểu là “ủng hộ sứ mạng tông đồ của Đức Thánh Cha” đối với Giáo triều Rôma và các Sứ thần (Đại sứ quán) tại các quốc gia mà Tòa thánh có quan hệ ngoại giao. Khoản “hỗ trợ trực tiếp” là sự hỗ trợ vật chất cho các cá nhân, gia đình gặp khó khăn, người di cư, tị nạn, người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, nạn đói và người dân chịu hậu quả của thiên tai. Sự trợ giúp của Đức Thánh Cha được thực hiện thông qua các Giáo phận và các Dòng tu.

Đức Thánh Cha hỗ trợ những dự án nào?

Năm 2023, quỹ Peter’s Pence đã hỗ trợ 236 dự án ở 76 quốc gia với số tiền lên tới 13 triệu euro. Sự phân bổ theo châu lục như sau:

– Châu Phi, 68 dự án, 5,4 triệu (41.6%)

– Châu Âu, 100 dự án, 2,4 triệu (18.5%)

– Châu Mỹ, 34 dự án, 2,3 triệu (17.7%)

– Châu Á, 33 dự án, 2,8 triệu (21.4%)

– Châu Đại dương, 1 dự án, 0,1 triệu (0.8%)

Báo cáo nêu rõ rằng trong số các dự án được hỗ trợ ở Châu Âu có các khoản tài trợ học tập nghiên cứu cho các linh mục, chủng sinh và nam tu sĩ từ Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á (500 ngàn euro), cũng như các quỹ được phân bổ để tài trợ cho những sáng kiến ​​mục vụ và xã hội ở Ukraine.

Một phần thú vị là phần đề cập đến chi phí mà các Bộ của Giáo triều Rôma phải gánh chịu, trong đó chi phí truyền thông là đắt nhất. 68 Bộ, cơ quan và ban ngành của Tòa thánh đã phải chi tới 370,4 triệu euro vào năm 2023. 90 triệu euro (24% tổng số) của Peter's Pence đã được phân bổ để trợ cấp một phần chi phí này.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/7/2024]