Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

CRS đang thay đổi cuộc sống của các trẻ em khuyết tật ở Việt nam như thế nào

CRS đang thay đổi cuộc sống của các trẻ em khuyết tật ở Việt nam như thế nào

CRS đang thay đổi cuộc sống của các trẻ em khuyết tật ở Việt nam như thế nào

Một em trong chương trình CRS/Special Olympics dành cho trẻ em khuyết tật ở Việt nam. Credit: Nguyen Minh Duc for CRS

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt nam, 27 tháng Bảy, 2018 / 04:54 chiều (CNA). - Cuộc sống của em Hồ Ngọc Linh, 11 tuổi sống ở miền Trung Việt nam, trước đây hoàn toàn bị cô lập.

Em sống ở nhà với gia đình và đi học với bạn bè, nhưng em không thể có được những mối quan hệ như em mong muốn - và cần thiết - vì em bị điếc.

“Bạn có thể hình dung được không; bạn 11 tuổi, bạn không thể giao tiếp được với gia đình hay bạn bè, hay thầy cô giáo của bạn, vì bạn không thể nghe được,” Leia Isanhart nói, bà là một cố vấn kỹ thuật cấp cao cho Tổ chức Cứu trợ Nhân đạo Công giáo (CRS).

“Đó là điều vô cùng bực bội. Đặc biệt khi bạn bước vào tuổi trưởng thành.”

Nhưng thế giới của Linh đã được thay đổi trong năm nay khi em là một trong số hơn 5.400 trẻ em được hưởng phúc lợi từ những chương trình của Tổ chức Cứu trợ Nhân đạo Công giáo dành cho thiếu nhi và người lớn bị khuyết tật ở Việt nam.

Vào tháng Hai, Tổ chức Cứu trợ Nhân đạo Công giáo gửi đến cho Linh một chuyên gia trị liệu ngôn ngữ để dạy cho em cách đọc ngôn ngữ trên môi. Phương pháp đọc môi là liệu pháp tốt nhất cho Linh vì thính lực của Linh quá yếu đến mức không sử dụng được máy trợ thính và không ai trong cộng đồng của Linh biết ngôn ngữ ký hiệu.

Linh đi học ở trường của nhà nước và chẳng bạn bè hay thầy cô giáo nào của em biết cách giao tiếp với em. Nhưng khi Linh về nhà, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ giúp em thực hành cách đọc môi trong khi ôn bài của lớp.

Khi Linh bắt đầu liệu pháp trị liệu ngôn ngữ vào tháng Hai, em hoàn toàn không nói được lời nào. Đến tháng Sáu, em đã kết hợp tạo ra được nhiều âm thanh.

Bà Isanhart nói, “Đó là một bước bứt phá rất lớn … Em là một cô bé rất thông minh.”

Isanhart đến thăm gia đình của Linh thuộc huyện Thăng bình, tỉnh Quảng nam của Việt nam vào tháng Sáu. Bà nói rằng những kỹ năng mới của Linh đã thay đổi cuộc sống gia đình của cô bé 11 tuổi.

Isanhart nói rằng cha mẹ của Linh có vẻ bớt nặng nề hơn, vì cuối cùng họ đã có thể giao tiếp được với con gái của họ. Cha mẹ của Linh cũng có thêm sự hỗ trợ nhờ hiệp hội cha mẹ được CRS tổ chức cho những cha mẹ có con bị khuyết tật. Các cha mẹ họp mặt trong xóm để học những kỹ năng và kỹ thuật hỗ trợ tích cực cho cha mẹ để xử lý những tình huống về thái độ thường có nơi các em.

“Chúng tôi cho các gia đình và những thiếu nhi này tiếp cận với liệu pháp ngôn ngữ để mở cửa thế giới của họ ra và giúp họ biết giao tiếp,” bà Isanhart nói. “Điều đó làm giảm bớt những sự nặng nề trong gia đình.”

Nhưng Linh cũng đã có được những sự quan hệ tích cực với các bạn thiếu nhi khác trong khu xóm.

Trong lần đến thăm em vào tháng Sáu, bà Isanhart theo dõi khi chuyên gia trị liệu ngôn ngữ gọi Linh, các anh chị em của Linh và mấy trẻ em ngồi quây quần theo vòng tròn. Sau đó chuyên gia này hướng dẫn tất cả các em nhiều trò chơi phổ biến của trẻ em Việt nam.

Có một trò chơi buộc các trẻ phải lặp đi lặp lại từ ngữ trong khi chỉ vào đồ vật mà từ ngữ đó miêu tả. Linh nhìn vào miệng của các anh chị em và bạn bè để xem âm thanh hoặc từ ngữ đó trông như thế nào trên môi của người khác trong khi cũng thực hiện sự liên kết giữa từ ngữ và đồ vật mà các bạn mô tả.

Bà Isanhart nói, “Thăng tiến sự bao gồm của xã hội qua các trò chơi; nó rất ấn tượng.”

Câu truyện về Linh chỉ là một trong hàng ngàn câu truyện của chương trình lâu dài của Tổ chức Cứu trợ Nhân đạo Công giáo cho các thiếu nhi và người lớn bị khuyết tật ở Việt nam.

CRS, năm nay đang kỷ niệm năm thứ 75 phục vụ, có nhiều dự án ở Việt nam; trong đó có chương trình rà tìm mìn chưa nổ trong Cuộc chiến tranh Việt nam, giảm thiểu nguy cơ thảm họa và chương trình nước sạch. Nhưng Julie Keane, giám đốc quốc gia của CRS tại Việt nam, cho biết công việc với thiếu nhi và người lớn khuyết tật là dự án tốt nhất ở đất nước này.

Trong suốt hơn 20 năm, CRS hoạt động để cung cấp sự phục vụ cho những người như Linh và gia đình của em, đồng thời cũng ủng hộ cho những thay đổi trên phạm vi lớn để làm cho xã hội Việt nam tốt đẹp hơn cho những người khuyết tật. Công việc của họ bao gồm nhiều phạm vi từ việc xây những đường lên xuống dốc và tay vịn ở trường học đến những chương trình huấn luyện trẻ em khuyết tật nhận dạng và báo cáo hành vi lạm dụng.

Keane nói, “Hình thức tiếp cận hai chiều này thật sự thành công và hữu ích vì bạn không phải đưa ra sự phục vụ cho đến khi xong là xong, nhưng nó quả thật đang thay đổi toàn bộ hệ thống hỗ trợ cho trẻ em và người lớn bị khuyết tật.”

Năm nay CRS cũng đang giới thiệu các trò chơi và những môn thể thao có tổ chức cho người khuyết tật ở Việt nam. Qua sự hợp tác với Olympics cho người Khuyết tật, CRS đã đứng ra tổ chức được giải bóng đá và thi bóng bocce cho 100 trẻ em khuyết tật và hàng chục bạn bè đồng tuổi vào tháng Sáu.

Bà Isandhart nói, “Có rất nhiều ích lợi cho sự phát triển của một đứa trẻ qua thể thao. Chúng tôi sẽ theo dõi ghi chép lại những lợi ích đối với mọi đứa trẻ chơi với nhau và việc xây dựng tình bạn giữa các trẻ.”

Bà Isanhart nói rằng mục tiêu cuối cùng của CRS là giúp cho các cộng đồng có thể tự tổ chức được những môn thể thao bao gồm. Các tỉnh chủ nhà của những trận đấu tháng Sáu đã thu về hơn $800 tiền đóng góp từ các thành viên của cộng đồng.

Bà Isanhart nói, “Thật tuyệt vời khi thấy lượng mua vé của rất nhiều người trong cộng đồng để ủng hộ cho những trẻ em này có cơ hội chơi vui và xây dựng tình bạn qua môn thể thao có tổ chức.”

Đối với Keane, chương trình của CRS cho người khuyết tật ở Việt nam là một trong những chương trình làm thay đổi đời sống nhiều nhất mà bà đã từng chứng kiến trong suốt hơn một thập kỷ làm việc với cơ quan cứu trợ Công giáo.

Bà nói, “Ở Việt nam, có một đứa con bị khuyết tật vẫn còn bị coi là một điều sỉ nhục và thường cha mẹ không đi tìm sự giúp đỡ cho đứa trẻ … và sự can thiệp sớm lại vô cùng quan trọng.”

“Tôi nghĩ đối với chúng tôi - đối với CRS - phải bảo đảm rằng tất cả mọi con người đều có một cuộc sống có giá trị và những người dễ bị xúc phạm nhất không bị bỏ rơi đằng sau. Còn rất nhiều việc phải làm … chúng tôi đang tạo được những tiến bộ cho cuộc sống cho những người khuyết tật không còn bị xem thường, nhưng vẫn còn nhiều bước đường phải đi.”


[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/8/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét