Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

Đức Thánh Cha nói ‘Trái đất phải được đối xử với lòng nhân hậu’

Đức Thánh Cha nói ‘Trái đất phải được đối xử với lòng nhân hậu’

Đức Thánh Cha nói ‘Trái đất phải được đối xử với lòng nhân hậu

Đức Thánh Cha gửi thông điệp đến các tham dự viên Ngày Nghiên cứu về Nước do FAO tổ chức ở Madrid

13 tháng Mười Hai, 2018 15:59

“Trái đất phải được cư xử với lòng nhân hậu, để không gây ra những tổn hại, để không tàn phá công trình do bàn tay của Đấng Tạo Hóa dựng lên. Nếu không thực hiện như vậy, trái đất sẽ không còn là một nguồn mạch sự sống cho gia đình nhân loại.”

Đây là trọng tâm trong thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico gửi các tham dự viên trong Ngày Nghiên cứu về Nước do FAO tổ chức với chủ đề: “Nước, nông nghiệp và lương thực: chúng ta cùng xây dựng tương lai,” được tổ chức ở Madrid ngày 13 tháng Mười hai, 2018, tại Escuela Técnica Superior de Ingeniería Agronómica, Alimentaria y de Biosistemas, thuộc Đại học Politécnica của Madrid.

Phản ánh về tầm quan trọng của nước và việc chăm sóc cho Ngôi nhà Chung của chúng ta nói chung, Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Tôi cầu xin Thiên Chúa Cha rằng tất cả những ai tham dự trong Ngày quan trọng này rời khỏi Hội nghị vời một niềm khát khao được canh tân để làm cho trái đất trở thành ngôi nhà chung chào đón tất cả chúng ta, một ngôi nhà mở rộng các cánh cửa, một nơi của tình thân ái và chung sống tốt đẹp.”

Ngài tiếp tục, “Bằng con đường này, tương lai sẽ trở nên tràn đầy ánh sáng và mọi người đều có thể vững tâm hy vọng để đối mặt, nó như là kết quả của một sự bình an thấm đẫm trong những hạt giống của đức hạnh và niềm hy vọng.”

Dưới đây là văn bản huấn từ bằng tiếng Anh của Vatican:


***

Thông điệp của Đức Thánh Cha

Gửi các tham dự viên trong Ngày

Nước, nông nghiệp và lương thực: chúng ta cùng xây dựng tương lai

Tôi cảm ơn quý vị đã mời tôi phát biểu tại buổi khai mạc của Hội nghị “Nước, nông nghiệp và lương thực: chúng ta cùng xây dựng tương lai,” được tổ chức bởi nhiều tổ chức hàn lâm, tổ chức xã hội và giáo hội, cùng với sự tham dự của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp quốc trụ sở tại Roma.

Chủ đề đã đem quý vị họp lại với nhau nhắc tôi nhớ đến tác giả thánh vịnh, người với lòng tri ân chân nhận rằng “Chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc, và đất chúng ta trổ sinh hoa trái” (Tv 85: 12). Trong một thời điểm khác, ngôn sứ I-sai-a so sánh Lời Chúa với nguồn nước mưa thấm đẫm vào lòng đất, giúp nó bắt đầu đâm chồi nảy lộc “cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn” (55: 10). Nước mưa, vụ mùa, lương thực: sự thông thái của Sách Thánh nhìn thấy một mối liên kết chặt chẽ giữa những yếu tố này và giải thích chúng trên cách nhìn của lòng tri ân, không bao giờ với lòng tham lam hay bóc lột. Đức tin và kinh nghiệm của người tín hữu dẫn đến sự chân nhận này, nó biến đổi chúng ta trở thành một tiếng kêu gọi khẩn thiết đối với tính trách nhiệm, không để bản thân bị khóa chặt trong những tính toán nhỏ nhen khiến chúng ta không còn khả năng giúp đỡ những người kém may mắn, là những người bị tước mất các nhu cầu căn bản nhất của họ. Liên quan đến vấn đề này, tiêu đề quý vị chọn để nêu lên những suy tư của mình mang đầy chất thúc giục, vì từ “xây dựng” ngụ ý nói đến một ý thức cương quyết, nói đến sự đóng góp cho ích lợi, sự mở lòng ra với người khác, tương nhượng lẫn nhau và hợp tác. Những từ then chốt này phải luôn được ghi nhớ, vì tương lai mà tất cả chúng ta mong muốn chỉ có thể là kết quả của sự hợp tác trung tín, hỗ trợ và quảng đại.

Thật vậy, những thách đố của nhân loại trong thời đại hôm nay quá phức tạp đến mức cần phải có sự tổng hợp chung những ý tưởng, một sự hợp nhất các nỗ lực, một sự liên kết các cách nhìn, đồng thời từ bỏ tính ích kỷ muốn loại trừ người khác và chủ nghĩa bá chủ rất nguy hại. Bằng con đường như vậy, những quyết định tốt đẹp sẽ được đưa ra và những nền tảng vững chắc sẽ được đặt ra để xây dựng một xã hội công bằng và bao gồm trong đó không ai bị bỏ rơi lại đàng sau. Một xã hội đặt nhân vị và những quyền căn bản của con người vào vị trí trung tâm, không bị lệch hướng sang những lợi ích đáng ngờ chỉ làm giàu cho một số ít người, thật đáng buồn khi đây là tình trạng luôn xảy ra. Đây cũng sẽ là con đường để bảo đảm rằng các thế hệ tương lai sẽ tìm được một thế giới hòa hợp không có những tranh chấp, cùng với những tài nguyên cần thiết cho một đời sống có phẩm giá và trọn vẹn.

Cho dù đất đai có những tài nguyên dành đủ cho mọi người, cả về số lượng và chất lượng, nhưng một số rất nhiều người phải chịu đựng nạn đó và bị khổ sở vì sự đói kém. Để xóa được những tai họa này, chỉ cần loại trừ những bất công và những sự bất bình đẳng và đưa ra được những chính sách có tầm nhìn xa trông rộng và dài lâu, những biện pháp hiệu quả và hợp tác, để không người nào bị thiếu lương thực hàng ngày hoặc những phương tiện cần thiết cho sự sống. Trong số những nhu cầu đó, nước là vô cùng hệ trọng, nhưng đáng tiếc, không phải tất cả mọi người đều tiếp cận được với nó, do vậy vấn đề vô cùng hệ trọng là phải phân phối và quản lý nước tốt hơn theo con đường bền vững và sáng suốt. Cũng vậy, cần phải bảo đảm được sự chăm sóc và bảo vệ môi trường, bảo vệ vẻ đẹp của nó, bảo tồn tính đa dạng của các hệ sinh thái, canh tác trên các cánh đồng với sự cẩn trọng, không tham lam và không gây ra những tàn phá không thể cứu vãn được.

Trái đất phải được cư xử với lòng nhân hậu, để không gây ra những tổn hại, để không tàn phá công trình do bàn tay của Đấng Tạo Hóa dựng lên. Nếu không thực hiện như vậy, trái đất sẽ không còn là một nguồn mạch sự sống cho gia đình nhân loại. Và đây là những gì đang xảy ra ở nhiều vùng trên hành tinh của chúng ta, nơi nguồn nước bị nhiễm bẩn, rác thải chồng chất, nạn phá rừng lan rộng, không khí ô nhiễm và đất bị a-xít hóa. Tất cả những tình trạng này sản sinh ra hàng loạt những căn bệnh và hoàn cảnh khốn khổ, chúng ta cũng tìm thấy tình trạng này khi lương thực bị lãng phí và không được chia sẻ; đó là lý do tại sao vấn đề rất quan trọng là phải giáo dục trẻ em và giới trẻ biết nuôi dưỡng bản thân một cách lành mạnh, không chỉ đơn thuần sống để ăn. Chế độ ăn uống đúng bao gồm kiến thức hiểu biết về giá trị của thực phẩm, thoát khỏi thái độ ăn uống vô độ và hổ lốn, và biết lấy bàn ăn thành một nơi để gặp gỡ và huynh đệ, chứ không phải là nơi cho sự phô trương, lãng phí hoặc thỏa mãn ý thích.

Tôi cầu xin Thiên Chúa Cha rằng tất cả những ai tham dự trong Ngày quan trọng này rời khỏi Hội nghị với một niềm khát khao được canh tân để làm cho trái đất trở thành ngôi nhà chung chào đón tất cả chúng ta, một ngôi nhà mở rộng các cánh cửa, một nơi của tình thân ái và chung sống tốt đẹp. Bằng con đường này, tương lai sẽ trở nên tràn đầy ánh sáng và mọi người đều có thể vững tâm hy vọng để đối mặt, nó như là kết quả của một sự bình an thấm đẫm trong những hạt giống của đức hạnh và niềm hy vọng.

Tôi xin chúc tất cả quý vị những điều tốt đẹp nhất cho công việc của quý vị. Tôi hân hạnh được gửi đến quý vị Phép Lành Tòa Thánh, và tôi xin quý vị hãy cầu nguyện cho tôi

Thành Vatican, 13 tháng Mười Hai, 2018

PHANXICO

[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/12/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét