Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2018

Ô nhiễm làm thiệt hại sinh mạng ở Trung quốc

Ô nhiễm làm thiệt hại sinh mạng ở Trung quốc

10 tháng Mười Hai, 2018
Ô nhiễm làm thiệt hại sinh mạng ở Trung quốc
Jun Yasukawa Yomiuri | The Yomiuri Shimbun | AFP


Không khí độc là nguyên nhân của hơn một triệu trường hợp chết non mỗi năm.

Trung quốc đã hy sinh môi trường và bầu không khí cho sự phát triển kinh tế trong nhiều thập niên; đúng theo khẩu hiệu “phát triển là ưu tiên trên tất cả,” theo các báo cáo của tờ Neue Zürcher trong một chuyên mục viết bằng tiếng Đức xuất bản ngày 8 tháng Mười tập trung vào những biến đổi môi trường mà quốc gia khổng lồ này của Châu Á đang phải đối mặt.

Quả thật tình trạng nghiêm trọng ở Bắc Kinh hiện nay có thể nhìn thấy trong một bài phát biểu vào mùa thu năm 2017 của Chủ tịch của nước Cộng hòa Nhân dân và là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung quốc (CCP), Tập Cận Bình, tại Đại hội XIX của đảng. Trong bài phát biểu, con người quyền lực quê ở Bắc Kinh, ông đã được tái bầu chọn bởi CCP cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo, đã lặp đi lặp lại từ “môi trường” 89 lần, trong khi thuật ngữ “kinh tế” chỉ có 70 lần, theo nhận xét của tờ nhật báo Thụy Sĩ.


Không khí độc

Có lẽ thách đố dễ thấy nhất là ô nhiễm không khí. Đặc biệt Vùng Thủ phủ Jingjinji, đó là vùng thủ phủ bao gồm cả Bắc Kinh, thành phố cảng Thiên Tân, và tỉnh Hà Bắc, lớp mù dày đặc phủ kín thường làm cho không khí trở nên ngột ngạt khó thở.

Theo Neue Zürcher, trong vùng này giá trị trung bình hàng năm của PM2.5, hay hạt vật chất với đường kính dưới 2,5 microns có thể hít vào và thâm nhập sâu vào trong phổi, đã vượt quá xa — 90 micrograms (μg) trong một mét khối không khí — 10 μg là ngưỡng cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo Guardian, vào tháng Hai năm 2014, mức độ PM2.5 dày đặc thậm chí lên đến 505 μg ở Bắc Kinh.

Theo ước tính cho biết hạt vật chất PM2.5 gây ra trên một triệu trường hợp chết non ở đất nước này. Để cải thiện chất lượng không khí, giới chức Trung quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp, trong đó có việc giảm bớt tiêu thụ than — nguồn năng lượng thô gây ô nhiễm nhiều nhất — và thúc đẩy năng lượng tái sinh.

Không như Hoa kỳ là quốc gia đã rút khỏi Hiệp ước Khí hậu Paris, Trung quốc đưa ra cam kết rất mạnh mẽ rằng quốc gia này sẽ chiếm ưu thế trong lĩnh vực năng lượng tái sinh trong những thập niên sắp tới, theo báo cáo của IEFA (Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính), theo trích dẫn của Guardian (10 tháng Một). Trong khi Trung quốc nổi lên như nước dẫn đầu về công nghệ toàn cầu, thì “chính phủ Mỹ lại hướng sang một hướng khác,” giám đốc cơ quan và là người viết báo cáo, Tim Buckley, cho biết.

Neue Zürcher tiếp tục, Trung quốc cũng đẩy nhanh tốc độ phát triển các loại xe điện. Vào năm 2025, một trong năm xe hơi (20 phần trăm) được bán ở Trung quốc sẽ phải sử dụng những công nghệ lực đẩy thay thế. Tờ báo này của Thụy sĩ cho biết tỷ lệ năm ngoái chỉ là 3 phần trăm. Hiện tại, 40 phần trăm trong số khoảng 3,1 triệu xe hơi chạy bằng năng lượng điện được bán trên thế giới đang lưu thông trên các con đường của Trung quốc.


Đất nông nghiệp bị ô nhiễm

Không chỉ không khí nhưng đất đai của Trung quốc cũng bị ô nhiễm nặng; điều này là do hậu quả của việc không có những chính sách phù hợp cho việc phân loại rác hủy hay tái chế. Sự ô nhiễm đất nông nghiệp là đáng lo ngại.

Theo báo cáo của Guardian (23 tháng Một, 2014), tháng Mười Hai năm 2013, một nguồn tin chính thức cho biết khoảng 3,3 triệu héc-ta đất nông nghiệp bị ô nhiễm, hầu hết là đất trồng các loại ngũ cốc. Theo ước tính của bộ nông nghiệp, khoảng 12 triệu tấn ngũ cốc bị hủy bỏ mỗi năm vì chúng bị nhiễm các kim loại nặng và do đó không phù hợp cho con người sử dụng.

Theo các giới chức Trung quốc, một diện tích đất nông nghiệp tương đương với diện tích nước Bỉ (khoảng 30.500 km²) phải được cải tạo, vì nó bị ô nhiễm quá nặng. Mục tiêu của Bắc Kinh là phải phục hồi lại hầu hết các vùng đất nông nghiệp bị ô nhiễm vào cuối năm 2020, hay 90 phần trăm, bộ trưởng Môi trường Lý Cán Kiệt cho biết hồi tháng Hai.


Vấn đề nước sinh hoạt

Neue Zürcher cho biết vấn đề nước sinh hoạt ở Trung quốc cũng vô cùng nghiêm trọng. Trước hết, nó đã trở nên khan hiếm ở đất nước khổng lồ này. Trong khi hơn ba phần tư các nguồn nước, 80 phần trăm, đều nằm ở phía nam đất nước, thì một nửa dân số Trung quốc lại sống ở phía bắc, là vùng rất khô cằn: lượng nước cho các thành phố như Bắc Kinh và Thiên Tân chỉ hơn Ả-rập Xê-út một chút.

Vì lý do này, Trung quốc đã và đang chạy một loạt các dự án lớn về nước trong nhiều thập niên qua, trong đó có các đập thủy điện, là nơi tích trữ những lượng nước khổng lồ trong các hồ chứa nhân tạo.

Theo Brahma Chellaney giải thích trong South China Morning Post, Trung quốc gần đây có tổng cộng 86.000 đập nước, có nghĩa nếu tính trung bình từ năm 1949, năm khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân, thì đất nước này mỗi ngày xây hơn một đập.

Cũng theo tác giả, việc xây dựng những đập nước này không chỉ có tác động rất lớn đến môi trường — chẳng hạn 350 hồ nước đã biến mất — nhưng cũng trở thành một công cụ nắm trong tay của Bắc Kinh để gây áp lực đối với các quốc gia láng giềng. Thật vậy, nhiều đập nước đã được xây dựng trên những con sông lớn xuyên quốc gia, trong đó có sông Mekong và sông Brahmaputra, là những con sông vô cùng hệ trọng đối với hàng triệu cư dân của nhiều quốc gia Châu Á, chẳng hạn Miến Điện và Việt Nam (Mekong), và Ấn Độ (Brahmaputra).

Trung quốc đã xây tám con đập khổng lồ trên sông Mekong ngay cửa ngõ trước khi nó chảy vào vùng Đông Nam Á, và hiện đang xây hoặc đang lên kế hoạch cho 20 đập khác, tác giả cho biết, và ông tố cáo chính sách “triệt để” của Bắc Kinh. Qua cách khống chế những nguồn nước vượt biên giới bằng cách gia tăng số lượng các dự án thủy điện, Trung quốc “đang kéo những người hàng xóm ven sông của mình vào những trò chơi đầy rủi ro của những canh bạc địa chính trị đối với các vấn đề liên quan đến nước,” Chellaney nói.


Tây Tạng: Tháp nước của Châu Á

Tình hình của Tây Tạng là một điển hình, tại đây Bắc Kinh dự định xây dựng một hệ thống khổng lồ các lò đốt nhiên liệu — chúng tôi đang nói đến con số hàng chục ngàn lò — với mục đích gia tăng lượng mưa trong vùng lên 10 tỷ mét khối mỗi năm, hoặc vào khoảng 7 phần trăm lượng nước tiêu thụ trong cả nước. Đây cũng là thông tin lấy từ tờ South China Morning Post.

Dù phương pháp này không phải là mới — chẳng hạn nó đã được thử nghiệm tại Hoa kỳ — nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, các con số khổng lồ kia là đáng kinh hoàng. Theo báo Hong Kong, các lò đốt sẽ được xây dựng trên bề mặt diện tích lớn gấp ba lần diện tích Tây Ban nha. Về mặt lý thuyết, hệ thống các lò đốt có thể ảnh ảnh hưởng đến thời tiết và vì thế ảnh hưởng đến khí hậu trên cao nguyên Tây Tạng — cũng được gọi là “tháp nước của Châu Á,” vì các con sông như Dương Tử giang và Brahmaputra đều bắt nguồn từ đó — hiện đã bị ảnh hưởng bởi các vụ nổ khai thác hầm mỏ, mà con số này cũng đang gia tăng rất nhanh.

Các chuyên gia, trong đó có Brahma Chellaney, lo lắng rằng nguồn nước của Tây Tạng đi vào tầm ngắm của ngành công nghiệp nước khoáng của Trung quốc. Thật vậy, nước của các sông băng của Tây Tạng được người tiêu dùng Trung quốc rất yêu thích, họ không tin tưởng lắm đối với nguồn nước máy trong các thành phố lớn và do đó thích sử dụng nước đóng chai hơn — nếu có thể, phải là nước đến từ các cao nguyên Tây Tạng.


Nước bị ô nhiễm

Thật vậy, ngay cả tầng nước trên mặt — cũng giống tầng đất cái — ở Trung quốc đang bị ô nhiễm trầm trọng. Theo trang web Facts and Details, khoảng một phần ba lượng nước thải công nghiệp và trên 90 phần trăm nước thải gia đình đều đổ ra các sông và hồ không qua xử lý trước. Vì vậy các mức độ ô nhiễm của những con sông tiêu biểu nhất của quốc gia như Dương tử giang (Yangtze), Hoàng hà và Châu giang, vô cùng nặng nề.

Gần 80 phần trăm các thành phố của Trung quốc không có các nhà máy xử lý nước thải và trong 90 phần trăm các thành phố của Trung quốc thì các trữ lượng thủy văn dưới lòng đất đều bị ô nhiễm. Guardian tường thuật (2 tháng Sáu 2017) tại Bắc Kinh 39,9 phần trăm nguồn nước bị ô nhiễm quá nặng và hoàn toàn không sử dụng được.

Cũng theo website Fact and Details cho biết một nửa dân số Trung quốc không tiếp cận được với nguồn nước uống an toàn và gần hai phần ba dân số vùng nông thôn, tức là hơn 500 triệu người dân, phải sử dụng nước bị nhiễm các chất thải công nghiệp và của con người.

Cho nên cũng chẳng ngạc nhiên khi thấy ông Tập Cận Bình sử dụng từ “môi trường” 89 lần trong bài diễn văn mùa thu năm trước. Việc bảo vệ môi trường thật sự là vấn đề sống hoặc chết cho hàng triệu người dân Trung quốc, và đến một mức độ nào đó là cho chính CCP, mà họ đang lo sợ sự bất mãn, cả từ phía công chức và dân chúng nói chung.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/12/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét