Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Miến điện: Đức Thánh Cha thúc giục giới trẻ chia sẻ Tin Vui của Đức Ki-tô

Miến điện: Đức Thánh Cha thúc giục giới trẻ chia sẻ Tin Vui của Đức Ki-tô

‘Các con là dấu chỉ cụ thể của niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô của Giáo hội’
30 tháng Mười Một, 2017
Miến điện: Đức Thánh Cha thúc giục giới trẻ chia sẻ Tin Vui của Đức Ki-tô
© L'Osservatore Romano
Ngày 30 tháng Mười Một, 2017, Đức Thánh Cha thúc giục giới trẻ của Miến điện chia sẻ tin vui của Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài nói với họ: “Quả thật, các con là tin vui, vì các con là dấu chỉ cụ thể của niềm tin của Giáo hội vào Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đem đến cho chúng ta niềm vui và hy vọng không bao giờ phải chết.”
Lời của ngài trong bài giảng tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Mary ở Yangon trong Thánh Lễ cho giới trẻ. Ngài nhắc đến những câu hỏi mà Thánh Phao-lô đặt ra trong chương 10 gửi Tín hữu Roma, trong mỗi câu hỏi đều có một từ mà Đức Thánh Cha gọi là một từ “nhỏ”: nếu không.
“Thánh Phao-lô hỏi ba câu hỏi, và cha muốn đặt những câu hỏi này với từng người chúng con,” Đức Thánh Cha thử thách: “Trước hết, làm sao họ tin Thiên Chúa nếu họ không nghe nói về Người? Câu thứ hai, làm sao họ nghe biết Thiên Chúa nếu họ không có một sứ giả là người mang tin vui đến? Và câu thứ ba, làm sao họ có sứ giả nếu không có người được sai đi?”
Ngài yêu cầu các bạn trẻ suy nghĩ về ba câu hỏi đó, nhưng đừng e sợ chúng. Ngài đề nghị học cách lắng nghe, “nói chuyện với các thánh,” và nuôi dưỡng một đời sống nội tâm.
“Bất kể ơn gọi của chúng con là gì thì cha vẫn thúc giục chúng con: hãy can đảm, hãy quảng đại, và trên hết, hãy vui mừng!” Đức Thánh Cha kết luận. “Như Mẹ Maria, nguyện xin để tất cả chúng con trở nên dịu hiền nhưng can đảm khi mang Chúa Giê-su và tình yêu của Người đến với tha nhân.”
Dưới đây là văn bản bài giảng của Đức Thánh Cha
Khi chuyến thăm viếng của cha đến đất nước xinh đẹp của chúng con sắp kết thúc, cha cùng với chúng con tạ ơn Thiên Chúa vì nhiều ơn sủng mà chúng ta đã được đón nhận trong những ngày này. Nhìn xuống chúng con, những người trẻ của Miến điện, và tất cả những bạn cùng hiệp nhất với chúng ta bên ngoài thánh đường, cha muốn chia sẻ với chúng con một cụm từ trong Bài đọc Một hôm nay làm âm vang trong cha. Trích từ ngôn sứ I-sai-a, nó được Thánh Phao-lô lặp lại trong thư của ngài gửi cho cộng đoàn Ki-tô hữu trẻ ở Roma. Một lần nữa chúng ta hãy lắng nghe lại những lời này: “Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin mừng” (Rm 10:15; x. Is 52:7).
Các bạn trẻ Miến điện thân yêu, nghe thấy những giọng nói trẻ trung của chúng con và lắng nghe chúng con cất tiếng hát hôm nay, cha muốn áp dụng những lời này cho chúng con. Đúng vậy, các con là “bước chân đẹp”; chúng con là cảnh tượng rất đẹp và đầy khích lệ, vì chúng con mang đến cho chúng ta ‘tin vui,’ tin vui của tuổi trẻ của chúng con, của đức tin và của lòng nhiệt huyết của chúng con. Quả thật, chúng con là tin vui, vì chúng con là dấu chỉ cụ thể của niềm tin của Giáo hội vào Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đem đến cho chúng ta niềm vui và hy vọng không bao giờ phải chết.
Một số người  hỏi rằng làm sao có thể nói đến tin vui khi có quá nhiều người xung quanh chúng ta đang đau khổ? Tin vui ở đâu khi có quá nhiều bất công, đói nghèo và đau khổ phủ bóng đen trên chúng ta và trên thế giới. Nhưng cha muốn có một thông điệp rõ ràng đi ra từ nơi này. Cha muốn mọi người biết rằng chúng con, những nam nữ thanh niên của Miến điện, không e sợ khi vững tin vào tin vui của lòng thương xót của Chúa, vì nó có một tên gọi và một khuôn mặt: Chúa Giê-su Ki-tô. Cũng như những sứ giả của tin vui này, chúng con hãy sẵn sàng mang đến một lời  nói hy vọng cho Giáo hội, cho đất nước của chúng con, và cho thế giới rộng lớn hơn. Chúng con hãy sẵn sàng mang tin vui đến cho những anh chị em đau khổ của chúng con là những người đang cần lời cầu nguyện và tình liên đới của chúng con, nhưng cũng cần cả sự nhiệt huyết của chúng con hoạt động vì nhân quyền, vì công bằng và vì sự phát triển cho “sự yêu thương và hòa bình” mà Chúa Giê-su đem đến.
Nhưng cha cũng có một thách đố đặt ra trước chúng con. Chúng con có lắng nghe kỹ Bài đọc Một không? Trong đó Thánh Phao-lô lặp lại ba lần từ “nếu không.” Nó là một từ “nếu không” nhỏ bé, nhưng nó đòi chúng ta phải suy nghĩ về vị trí của chúng ta trong chương trình của Người. Trong thực tế, Thánh Phao-lô hỏi ba câu hỏi, và cha muốn đặt những câu hỏi này với từng người chúng con. Trước hết, làm sao họ tin Thiên Chúa nếu họ không nghe nói về Người? Câu thứ hai, làm sao họ nghe biết Thiên Chúa nếu họ không có một sứ giả là người mang tin vui đến? Và câu thứ ba, làm sao họ có sứ giả nếu không có người được sai đi?” (Rm 10:14-15).
Cha muốn tất cả chúng con suy nghĩ thật kỹ về những câu hỏi này. Nhưng đừng lo sợ! Là một “người cha” yêu thương (hay tốt hơn nữa, là một “người ông”!), cha không muốn chúng con phải vật lộn với những câu hỏi này. Để cha gợi một vài ý tưởng có thể hướng dẫn chúng con trên hành trình đức tin, và giúp chúng con nhận thức Thiên Chúa đang yêu cầu những gì nơi chúng con.
Câu hỏi đầu tiên của Thánh Phao-lô là: “Làm sao họ tin Thiên Chúa nếu họ không nghe nói về Người?” Thế giới chúng ta đầy những tiếng nói, rất nhiều những điều làm chúng ta phân tán nhận chìm tiếng nói của Thiên Chúa. Nếu có người muốn nghe thấy và tin tưởng nơi Ngài, họ cần phải tìm kiếm ngài nơi những người chính trực. Những người biết cách lắng nghe! Đó chắc chắn là những gì chúng con muốn! Nhưng chỉ Thiên Chúa mới có thể giúp chúng con trở nên chân chính, vậy hãy chuyện trò với Người trong lời cầu nguyện. Hãy học cách nghe tiếng của Người, hãy nói thầm lặng chuyện trò trong tận sâu thẳm tâm hồn của chúng con.
Nhưng cũng hãy chuyện trò với các thánh, những người bạn của chúng ta trên thiên đàng và có thể khơi nguồn cảm hứng cho chúng ta. Như Thánh An-rê, Đấng chúng ta kính nhớ hôm nay. Thánh An-rê là một ngư phủ khiêm nhường đã trở thành một vị tử đạo vĩ đại, một chứng nhân cho tình yêu của Chúa Giê-su. Nhưng trước khi ngài trở thành một vị tử đạo, ngài vẫn có nhiều những lỗi lầm, và ngài cần phải kiên nhẫn, và từng bước từng bước học cách trở thành môn đệ đích thực của Đức Ki-tô. Vậy, đừng e sợ việc học từ những lỗi lầm của chúng con! Hãy để các thánh dẫn đưa chúng con đến với Chúa Giê-su và dạy chúng con cách đặt cuộc sống của chúng con vào trong tay của Người. Chúng con biết rằng Chúa Giê-su rất giàu lòng thương xót. Vậy hãy chia sẻ với Người tất cả những gì chúng con đang cất giữ trong tâm hồn: những sợ hãi và những lo lắng, cũng như những ước mơ và hy vọng của chúng con. Hãy nuôi dưỡng một đời sống nội tâm, giống như khi chúng con chăm sóc cho một khu vườn hay một cánh đồng. Việc này đòi phải có thời gian; nó đòi sự kiên nhẫn. Nhưng cũng như một người nông dân chờ đợi hoa màu lớn lên, nếu chúng con chờ đợi, Thiên Chúa sẽ làm cho chúng con trổ sinh nhiều hoa trái, hoa trái mà chúng con lại có thể đem chia sẻ với mọi người.
Câu hỏi thứ hai của Thánh Phao-lô là: “Làm sao họ nghe biết Thiên Chúa nếu họ không có một sứ giả?” Đây là một trách vụ được trao phó một cách đặc biệt cho người trẻ: trở nên “những môn đệ thừa sai,” những sứ giả mang tin vui của Chúa Giê-su, trên hết là mang đến cho những người đương thời và bạn bè. Đừng sợ phải tạo ra một chút ồn ào, hay đặt những câu hỏi làm người khác phải suy nghĩ! Và đừng lo nếu đôi khi chúng con cảm thấy chúng con là số ít và đứng ngoài vòng mọi người. Tin mừng luôn luôn lớn lên từ những sự khởi đầu bé nhỏ. Vậy hãy cứ làm sao để mình được lắng nghe. Cha muốn chúng con hãy hét lên! Nhưng không phải bằng giọng của chúng con. Không phải! Cha muốn chúng con hãy hét lên bằng đời sống của chúng con, bằng con tim của chúng con, và đây là cách trở thành những dấu chỉ hy vọng cho những người đang cần sự động viên, trở thành một bàn tay trợ giúp cho những bệnh nhân, một nụ cười chào đón người lạ mặt, một sự hỗ trợ tốt lành cho người cô đơn.
Câu hỏi cuối cùng của Thánh Phao-lô là: “Làm sao họ có sứ giả nếu không có người được sai đi?” Cuối Thánh Lễ này tất cả chúng ta sẽ được sai đi, để mang theo bên mình những món quà mà chúng ta đã đón nhận và chia sẻ chúng với anh em. Điều này có thể làm chúng con hơi nản chí, vì chúng ta chẳng biết Chúa Giê-su sẽ sai chúng ta đi đâu. Nhưng Người chẳng bao giờ sai chúng ta đi mà không cùng đi bên cạnh chúng ta, và luôn luôn chỉ với một chút xíu trước chúng ta, Người dẫn chúng ta đi vào những vùng mới và tuyệt vời của vương quốc của Người.
Chúa đã sai Thánh An-rê và em trai là Simon Phê-rô trong Tin mừng hôm nay ra đi như thế nào? Người nói với các ông “Hãy theo tôi!” (Mt 4:19). Đó là ý nghĩa được sai đi: theo Đức Ki-tô, và đừng mặc cả trước về phần mình!. Chúa sẽ mời một số người trong chúng con theo Ngài làm linh mục, và trong trường hợp này là trở thành “chài lưới người.” Những người khác Người sẽ gọi để trở thành tu sĩ hoặc người sống đời tận hiến. Và còn những người khác Ngài sẽ kêu gọi để sống đời sống gia đình, trở thành những người cha và mẹ yêu thương. Bất kể ơn gọi của chúng con là gì thì cha vẫn thúc giục chúng con: hãy can đảm, hãy quảng đại, và trên hết, hay vui mừng!
Đây là một nhà thờ chính tòa rất đẹp cung hiến cho Trái Tim vẹn sạch Đức Bà, cha khuyến khích chúng con hãy nhìn vào Mẹ Maria. Khi Mẹ nói “xin vâng” trước thông điệp của thiên thần, Mẹ còn trẻ, cũng như chúng con. Nhưng Mẹ có lòng can đảm tín thác vào “tin vui” mà Mẹ đã nghe, và thể hiện nó trong đời sống tận hiến trung tín cho ơn gọi của Mẹ, hoàn toàn cho đi bản thân, và hoàn toàn tin cậy vào sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa. Như Mẹ Maria, nguyện xin để tất cả chúng con trở nên dịu hiền nhưng can đảm khi mang Chúa Giê-su và tình yêu của Người đến với tha nhân.
Các con thân yêu, với lòng yêu mến chân thành cha phó dâng chúng con, gia đình của chúng con, cho sự chuyển cầu của tình mẫu tử của Mẹ. Và cha xin chúng con, đừng quên cầu nguyện cho cha.
Chúa chúc lành cho Miến điện!  [Myanmar pyi ko Payarthakin Kaung gi pei pa sei]
[01795-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/12/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét