Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

Nam Sudan: chuyện gì đang xảy ra, và tại sao Đức Thánh Cha muốn đến thăm?

Nam Sudan: chuyện gì đang xảy ra, và tại sao Đức Thánh Cha muốn đến thăm?

26 tháng Mười Hai, 2017
Nam Sudan: chuyện gì đang xảy ra, và tại sao Đức Thánh Cha muốn đến thăm?

Tại sao Nam Sudan không tìm được hòa bình?

Gần bốn năm chiến tranh, và hàng triệu người di tản: là một trong những xung đột nghiêm trọng nhất trên thế giới ngày nay. Từ năm 2011, Nam Sudan độc lập khỏi Sudan. Tuy nhiên, một năm rưỡi sau khi đất nước giành được độc lập, cuộc chiến kinh hoàng nổ ra đang gây ra rất nhiều cái chết mỗi ngày. Đâu là những nguyên nhân chính của cuộc xung đột này? Đâu là những chướng ngại ngăn cản con đường tiến đến hòa bình?

Cuộc chiến hiện tại: cuộc xung đột này đã bắt đầu từ năm 2013 là sự đối đầu giữa tổng thống và phó tổng thống của đất nước, hai người đến từ hai sắc tộc khác nhau: người Dinka và người Nuer. Một bên có tổng thống Salva Kiir của người Dinka; một bên là nhà lãnh đạo người Nuer và là cựu phó tổng thống, ông Riek Machar. Bốn năm trước, đứng trước những sự chỉ trích của ông Machar, Tổng thống Kiir đã không có thái độ phản ứng như một nhà lãnh đạo dân chủ nên làm, nhưng hành động như một nhà độc tài quân sự: nhìn những khác biệt về ý kiến của ông Machar như là một sự đe dọa cho quyền lực của mình, Kiir sa thải ông, giải thích với ký giả Xavier Aldekoa trong quyển sách Hijos del Nilo (“Những đứa con của Nile, nhà xuất bản Peninsula) của ông. Cộng đồng quốc tế tạo sức ép buộc hai người phải ngồi lại đàm phán, và hai đảng đối lập ký một hiệp ước hòa bình vào tháng Tám năm 2015, trong đó tạo ra một sự chuyển đổi về chính quyền vào tháng Tư năm 2016. Tuy nhiên, hai tháng sau (tháng Bảy), một cuộc xung đột khác nổ ra giữa hai người ký kết chính và những người thuộc hai phe nhóm.

Những cuộc chiến trong quá khứ: “Người dân rất sợ hãi, vì không ai sợ chiến tranh bằng những người đã sống qua những sự kinh hoàng của nó,” ký giả Aldekoa nói trong quyển sách của ông, kể lại thời gian ông ở trong đất nước này mùa hè năm 2016. Nam Sudan được sinh ra từ hai cuộc xung đột, đã tồn tại qua toàn bộ thời gian gần bốn thập niên, bắt đầu từ năm 1955: cuộc chiến lần thứ nhất kéo dài từ năm 1955 đến 1972, và cuộc chiến thứ hai từ năm 1983 đến 2005. Những cuộc chiến bị ngắt đoạn bởi cuộc ngừng bắn kéo dài 11 năm. Sự độc lập của Nam Sudan năm 2011 (được Hoa kỳ ủng hộ, rõ ràng vì những ích lợi của dầu mỏ trong nước) mang đến hòa bình và hy vọng cho vùng này.

Dầu hỏa và nghèo đói: Trước khi độc lập, miền nam sản xuất 85% tổng lượng dầu của đất nước. Tuy nhiên, một trong những nguồn tạo của cải chính lại trở thành nguyên nhân đầu tiên cho cuộc xung đột tạo ra sự nghèo đói kinh hoàng cho đất nước. Ngoài những khác biệt về sắc tộc, Nam Sudan bị thiếu đường ra biển trực tiếp để xuất khẩu dầu, và những khó khăn của họ trong việc đạt được những thỏa thuận về vận chuyển qua Sudan, là những nguyên nhân chính của các cuộc chiến trong quá khứ và vẫn còn là nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột hiện nay. Tình hình kinh tế trong nước xuống dốc khi chính phủ Nam Sudan, vào tháng Một năm 2012, quyết định dừng khai thác dầu vì những bất đồng song phương với Sudan. Hiện tại, nạn lạm phát của đất nước lên đến 800%.

Khủng hoảng nhân đạo: xung đột giữa chính phủ và phe đối lập đã tạo ra sự khủng hoảng lớn về nhân đạo, với con số hơn hai triệu người Nam Sudan phải di tản trong nước và gần một triệu người khác phải di cư sang những quốc gia khác như Kenya, Uganda, Ethiopia, và Sudan. Tháng Hai năm nay, nạn đói đã chính thức được công bố.

Chết sản phụ: Nam Sudan là một trong những quốc gia có tỷ lệ chết sản phụ cao nhất vì nhiều lý do chẳng hạn thiếu dịch vụ y tế, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, và những truyền thống cho phép phụ nữ có con rất sớm, sinh con tại nhà có sự hỗ trợ, do đó rất khó khăn khi phải vượt qua những biến chứng trong thời gian mang thai và sinh nở.

Giáo dục: dưới một phần ba dân số biết đọc biết viết. Chính xác là 85% dân số không thể đọc chữ. Lý do cho vấn đề này là thiếu những nguồn tài nguyên, cũng như vấn đề di tản vì xung đột.

Tôn giáo: Các tôn giáo chính ở Nam Sudan là Ki-tô giáo và những giáo phái theo thuyết vật linh khác có sự hiện hữu rất mạnh trong nước. Ở Sudan, Hồi giáo là tôn giáo chiếm ưu thế. Sự khác biệt này cũng có nguyên nhân từ xung đột. Tuy nhiên, “trong những lúc có chiến tranh, các tôn giáo có thể góp nhiều cơ hội cho đối thoại và cho việc xây dựng hòa bình,” Cha Pau Vidal giải thích, ngài là linh mục dòng Tên người Tây Ban nha hiện đang phục vụ tại trại tị nạn ở Maban (Nam Sudan). Ngài chia sẻ những suy nghĩ trong một phỏng vấn với chương trình Signes dels temps (“Những dấu chỉ Thời đại”) vài tuần trước trên đài Truyền hình Catalonian. Nhà thừa sai kể lại việc người dân ở đó sống tinh thần đạo một cách vui mừng; “Đó là một yếu tố của niềm hy vọng, nó thấm nhuần vào đời sống hàng ngày của họ. Các Thánh lễ kéo dài gần hai giờ, vì đó là thời gian mọi người được đến với nhau và cùng cử hành, bất kể những khó khăn. Họ là bằng chứng cho thấy rằng chúng ta vẫn có ý nghĩa trong cuộc sống, và mừng vui với sự sống,” ngài nói.

Cha Vidal đã nói với chúng tôi hai năm trước rằng tình hình đáng báo động.

Cha Vidal, một linh mục dòng Tên, đã học ngành kiến trúc và thần học, cũng như đã có một bằng thạc sĩ về thần học di cư, một bộ môn mới tìm cách khám phá ra kinh nghiệm của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi những người phải di tản. Trong phỏng vấn cha nhấn mạnh, “Đó là vấn đề nhận ra Chúa Giê-su trong người đang gõ cửa nhà bạn. Đây là một sự phức tạp và là hoàn cảnh bi đát. Chúng tôi đang đi qua một màn đêm tăm tối, cùng đồng hành với những người đang trải qua thời gian khó khăn,” cha nói thêm và liên hệ đến cả người di cư và cư dân địa phương. Những hoạt động của dòng Tên ở đó tập trung vào giáo dục, công việc mục vụ, và công việc xã hội. “Nếu chúng tôi không chuẩn bị cho những kỹ sư, những giáo sư, hoặc những bác sĩ ngay từ bây giờ — cho dù chúng tôi đang ở giữa cuộc khủng hoảng — thì tương lai sẽ không bao giờ đến,” cha giải thích.

Cha Vidal nói, người dân Nam Sudan “cần sống cuộc sống có ý nghĩa và cần phải nghĩ đến một ngày mai khác đi. Điều đó không hề dễ dàng trong một trại tị nạn, nhưng bất kể tất cả mọi khó khăn, sự khát khao này vẫn thấy rất rõ.” Rồi cha nói thêm, “Cuộc sống tìm một con đường tiến về phía trước ngay trong những kinh nghiệm đau thương; từ một cách nhìn của Ki-tô giáo, đây là sự phục sinh, nó còn quan trọng hơn cả cái chết.”

Như Aleteia đã đưa tin hồi tháng Mười một, hiện tại Đức Thánh Cha đã phải hủy chuyến đi đến Nam Sudan trong năm 2017, do nội chiến. Ông Greg Burke, phát ngôn viên giáo hoàng nói, “Chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Nam Sudan sẽ không được thực hiện trong năm nay, dù đã được nghiên cứu.”

Nói chuyện với phái đoàn các Giám mục Sudan hồi tháng Năm, Đức Phanxico đã gợi ý một chuyến đi đến quốc gia Châu Phi này cùng với vị lãnh đạo Anh giáo, Justin Welby, để thực hiện “sự đại kết bác ái” trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng mà quốc gia trẻ nhất của lục địa này đang phải đối mặt.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/12/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét