Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Lời cảnh báo ‘Sự đối đầu sau cùng’ với ‘phe chống đối Giáo hội’

Lời cảnh báo ‘Sự đối đầu sau cùng’ với ‘phe chống đối Giáo hội’

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II và Tổng thống Hoa kỳ Ronald Reagan tản bộ qua các khu vườn trong Bảo tàng Vizcaya ở Miami, 10 tháng Chín, 1987. (Mike Sargent/AFP/Getty Images)


5 tháng Mười, 2018


Lời cảnh báo ‘Sự đối đầu sau cùng’ với ‘phe chống đối Giáo hội’

Có vẻ như chúng ta đang thật sự đứng trước, như Đức Hồng y Karol Wojtyla nói năm 1976, một sự đối đầu lớn nhất trong lịch sử mà nhân loại từng trải qua.

Paul Kengor


Một cuộc họp mặt đáng chú ý diễn ra tại thủ đô đất nước (Hoa kỳ) ngày 26 tháng Chín. Tại hai địa điểm, Đền thánh Gioan Phaolo II trong khuôn viên trường Đại học Công giáo Hoa kỳ và Tòa nhà Ronald Reagan trên Đại lộ Pennsylvania Avenue, trên 500 người nhóm họp tại một hội nghị tôn vinh Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II và Tổng thống Ronald Reagan và con đường mà hai vị đã làm thế giới thay đổi tốt hơn.

Sự kiện có các diễn giả trên khắp thế giới, từ những người đã từng đứng bên cạnh Giáo hoàng và Tổng thống đến những sử gia và các học giả đã viết nhiều về các ngài. Họ là những người như Peter Robinson, người từng viết các bài diễn văn cho Tổng thống Reagan, trong đó có diễn văn Bức tường Bá linh lịch sử, đến Monika Jablonska, nhà nghiên cứu các bài viết của Đức Karol Wojtyla cũng như các bài thơ và kịch của ngài. Họ là Đức ông Slawomir Oder, cáo thỉnh viên án tuyên phong Chân phước và tuyên phong Thánh của Đức Gioan Phaolo II, và Arturo Mari, nhiếp ảnh gia giáo hoàng cho L’Osservatore Romano, người đã bắt đầu sự nghiệp chụp ảnh các giáo hoàng từ năm 1956 với Đức Piô XII.

Khi tôi hỏi Mari xem ông có thích ai nhất không, ông trả lời không lưỡng lự bằng tiếng Ý “Giovanni Paolo.” Ông diễn tả bằng đôi mắt và nói về Đức Gioan Phaolo II: “Anh có thể nhìn thấy sự thánh thiện trong đôi mắt của ngài.”

Nhưng có lẽ bài tham luận gây chú ý nhất trong hội nghị là bài diễn văn khai mạc của John Lenczowski, người từng là một thành viên chủ chốt của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) của ông Reagan và phụ tá chính của ông, Judge William Clark. Lenczowski khi đó là giám đốc sự vụ về Châu Âu và Xô viết tại NSC, tại đó ông giữ một vai trò rất quan trọng trong nỗ lực của Tổng thống Reagan nhằm làm suy yếu “đế quốc xấu xa” của Cộng sản Xô viết. Lenczowski, một tín hữu Công giáo Mỹ thuộc gốc Ba lan, cũng nhìn đến Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II để tìm nguồn cảm hứng.

Lenczowski hướng sự chú ý đến một lời cảnh báo đầy thú vị nếu không muốn nói là khá bí ẩn của Đức Hồng y Karol Wojtyla đã đưa ra tại nước Mỹ năm 1976.

Mùa hè năm đó, người Công giáo Mỹ chào đón vị tổng giám mục người Ba lan này từ Krakow đến, sự thật là lúc đó rất ít người Mỹ biết đến ngài. Đó là dịp kỷ niệm 200 năm của đất nước, và Philadelphia, nơi khai sinh của bản Tuyên ngôn Độc lập mùa hè năm 1776, đã được chọn là một thành phố hiếm hoi của Hoa kỳ làm chủ nhà cho một đại hội của Giáo hội Công giáo quốc tế: Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 41.

Một con người ái quốc và ủng hộ người Mỹ đến đất nước Hoa kỳ sáu tuần lễ, lưu trú tại Boston. Ngài đi thăm nhiều thành phố, lớn và nhỏ, từ Baltimore và Los Angeles đến Geyser, Montana, và Stevens Point, Wisconsin.

Trong chuyến đi này, Đức Hồng y Karol Wojtyla đến Philadelphia để dự Đại hội Thánh Thể, diễn ra từ 1-8 tháng Tám. Sự kiện vĩ đại này cũng có mặt của một nữ tu người Albania ít ai biết đến tên Mẹ Teresa. Đức Wojtyla và Mẹ Teresa bị chìm khuất trước những tên tuổi lừng danh khi đó như: Dorothy Day, Hồng y John Krol và thậm chí cả Tổng thống Gerald Ford, người đã đến tham dự Thánh Lễ trong Sân Vận động Municipal (John F. Kennedy) của thành phố.

Gần cuối chuyến đi, vào tháng Chín, Đức Hồng y Wojtyla chia sẻ một đôi lời thu hút sự chú ý. Ý nghĩa chính xác của những lời đó vẫn còn là sự bí ẩn đối với các học giả, cho dù chúng được tường thuật trên tờ The Wall Street Journal là đã được nói bởi vị giáo hoàng tương lai trong bài diễn từ cuối cùng tại Hoa kỳ trước khi trở về. Trong một trích đoạn đầy cảm xúc, được đăng trong số báo Journal ngày 9 tháng Mười Một, 1978 (thời gian ngắn sau khi ngài lên ngôi giáo hoàng), Đức Karol Wojtyla nói:

“Bây giờ chúng ta đang đứng trước một sự đối đầu lớn nhất lịch sử mà nhân loại từng trải qua. Tôi không nghĩ là những tầng lớp rộng lớn của xã hội Mỹ hay các tầng lớp rộng lớn của cộng đồng Ki-tô giáo nhận thức trọn vẹn được điều này. Chúng ta sẽ đứng trước sự đối đầu sau cùng giữa Giáo hội và bên chống đối Giáo hội, giữa Tin mừng và bên chống đối Tin mừng. Sự đối đầu này nằm trong những chương trình của Đấng Quan Phòng; nó là sự thử thách mà toàn thể Giáo hội, và đặc biệt là Giáo hội Ba lan, phải đón nhận. Nó là một sự thử thách không chỉ cho dân tộc chúng ta và cho Giáo hội, nhưng theo một ý nghĩa, nó sẽ là sự thử thách cho 2000 năm của văn hóa và văn minh Ki-tô giáo với tất cả những hậu quả của nó ảnh hưởng đến nhân phẩm, những quyền cá nhân, nhân quyền và quyền của các dân tộc.”

Đây là một bài phát biểu đầy khó hiểu. Lưu ý đến câu, “Chúng ta đang đứng trước một sự đối đầu lớn nhất lịch sử mà nhân loại từng trải qua.” Sự đối đầu mà Đức Hồng y Wojtyla đang nói đó là gì? Cuộc Chiến tranh lạnh chống lại chủ nghĩa cộng sản vô thần bao trùm lên bối cảnh toàn cầu, nhưng nó có thật sự là “sự đối đầu lớn nhất lịch sử” mà nhân loại từng trải qua? Những con người của mùa hè 1976 đó có phải đối mặt với sự đối đầu đặc biệt đó?

Nhà viết tiểu sử, George Weigel, ghi chú trong quyển Witness to Hope (Chứng nhân của hy vọng), “Ngài Wojtyla không bao giờ đặt giới hạn cho ‘sự đối đầu’ này, điều mà ngài nhấn mạnh rằng ‘nằm trong những chương trình của Đấng Quan Phòng,” dẫn đến sự xung đột giữa nền dân chủ và cộng sản chủ nghĩa,” thì ngay khi đó chủ nghĩa cộng sản rõ ràng là “một sự đe dọa đặc biệt” của cuộc xung đột đó trong cuối thế kỷ 20.

Chắc chắn khi đó trong tâm trí của vị giáo hoàng tương lai còn có thêm nhiều điều. Sự chống đối Giáo hội mà đức hồng y người Ba lan khi đó nói đến là ai hay là điều gì? Sự đối đầu sau cùng đó là gì? Đó có phải là một lời tiên báo kinh khủng mà ngay cả chính Đức Hồng y Wojtyla lúc đó cũng không hiểu rõ hoàn toàn?

Đúng trong tháng Tám-tháng Chín năm 1976 đó, sự đối đầu sau cùng với chủ nghĩa cộng sản Xô Viết quả thật đang rất gần — trong thập niên sau đó. Nó cũng khá ồn ào, và một chút máu đã đổ, trong đó có cả máu của Đức Thánh Cha khi ngài bị bắn vào tháng Năm, 1981, nhưng sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản cũng rất ít máu đổ và lặng lẽ hơn nhiều so với những gì người ta dự đoán. Cũng vậy, điều đáng chú ý là vị giáo hoàng tương lai đã chia sẻ cái nhìn ở Hoa Kỳ vào đúng dịp kỷ niệm hai trăm năm ngày khai sinh của nó, một trong vài chuyến thăm ít ỏi của ngài đến đất nước trước khi lên ngôi giáo hoàng — và một ngày kia đất nước cùng chung sức với ngài, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ronald Reagan, trong việc hạ bệ Chủ nghĩa Cộng sản Xô Viết và chấm dứt chiến tranh lạnh.

Vì vậy một lần nữa đó có phải là chiến thắng của cuộc Chiến Tranh Lạnh chống lại chủ nghĩa cộng sản vô thần vào khoảng 1989-91 là sự đối đầu sau cùng, hay cuộc đối đầu này vẫn sẽ còn đến?

Đây là một lời tuyên bố, một sự tiên báo, từ một người sau đó không chỉ trở thành một giáo hoàng, nhưng trở thành một thánh nhân. Lời tiên tri đó đã trở thành hiện thực trong thời đại của ngài? Hay nó hàm ý cho chúng ta đi sau thời đại của ngài?

Lenczowski gợi lại những lời đó ngày 26 tháng Chín, hơn bốn thập kỷ sau khi chúng được đưa ra, dường như làm mọi người giật mình. Tôi đã tường thuật lại những lời đó trong quyển A Pope and a President (Giáo hoàng và Tổng thống), xuất bản tháng Năm 2017; chúng đóng băng trong tôi kể từ lần đầu tôi đọc được cách đây nhiều năm.

Kể từ đó, các vấn đề mà Giáo hội phải đối mặt cả bên ngoài và bên trong — và người ta có thể cho rằng sự chống đối Giáo hội — dường như trở nên tồi tệ hơn. Chúng bắt nguồn từ những tranh cãi về sự lạm dụng tình dục, về những linh mục và giám mục và hồng y bị hủ hóa, về giáo lý của Giáo hội, về chính bản thân Đức Thánh Cha đương đại, và trên toàn thế giới (đặc biệt là ở Tây phương), về những vấn đề tưởng đã đi vào ổn định từ buổi bình minh của nhân loại nhưng bây giờ lại nổ ra tranh cãi lớn: tính dục, giới tính, gia đình, hôn nhân và bản chất nguyên tuyền của nhân loại.

Một trong những người vững vàng đứng lên chống lại tính độc tài của thuyết tương đối này (như cách nói của Đức Giáo hoàng Benedict XVI) là Đức Hồng y Carlo Caffarra, người đã giúp thành lập Học viện Giáo hoàng Gioan Phaolo II các Môn học về Hôn nhân và Gia đình năm 1981. Đức Hồng y Caffarra nhắc chúng ta nhớ lại những lời tại Fatima mà Nữ tu thị nhân Lucia và những điều ngài gọi là một “sự chống lại tạo hóa.” Ngài chia sẻ một lá thư của Sơ Lucia viết, trong đó chị cảnh báo rằng “sẽ đến một thời gian khi có sự đối đầu quyết liệt giữa Nước Thiên Chúa và Satan nổ ra về vấn đề hôn nhân và gia đình.”

Hiện nay chúng ta dường như đang thật sự ở trong cuộc đối đầu đó. Sự bùng nổ và trải rộng của cuộc đối đầu đó hôm nay dường như rất phù hợp với những lời cảnh báo mang tính khải huyền của Đức Hồng y Karol Wojtyla vào năm 1976. Có vẻ năm 2018 này quả thật chúng ta đang đứng trước sự đối đầu lớn nhất của lịch sử mà nhân loại đã từng trải qua. Và Giáo hội và kẻ thù của mình — phe chống đối Giáo hội — là trung tâm của trận chiến.

Paul Kengor là giáo sư môn khoa học chính trị tại Đại học Grove City.




[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/10/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét