© Vatican Media
TIẾP KIẾN CHUNG: Điều Răn thứ Năm ‘Chớ giết người’ (II) (TOÀN VĂN)
‘Không ai có thể tự lừa gạt mình mà nghĩ rằng: ‘Tôi như vậy là ổn rồi vì tôi chẳng làm gì xấu cả’”
17 tháng Mười, 2018 14:20
Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Tiếp tục loạt giáo lý về các Điều Răn, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về điều răn: “Chớ giết người” theo Chúa Giê-su (trích đoạn sách Thánh theo Tin mừng Thánh Mát-thêu 5:21-24).
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu có mặt.
Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay cha muốn tiếp tục bài giáo lý về Điều thứ Năm trong Mười Điều Răn, “Chớ giết người.” Chúng ta đã nhấn mạnh đến cách thức mà Điều răn này tỏ lộ cho thấy rằng trong đôi mắt của Thiên Chúa thì sự sống con người vô cùng quý giá, thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Không ai được khinh rẻ sự sống của người khác hay của chính mình. Quả thật, con người mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa và là chủ thể của tình yêu vô tận của Người, bất kể tình trạng như thế nào, thì Người vẫn lên tiếng kêu gọi.
Trong trích đoạn Tin mừng, Chúa Giê-su tiết lộ cho chúng ta một ý nghĩa còn sâu xa hơn trong Điều Răn này. Người khẳng định rằng, trước tòa án của Thiên Chúa, ngay cả sự giận ghét một người anh em thì đó cũng là một hình thức của sát nhân. Vì thế, Thánh Tông đồ Gioan nói rằng: “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân” (1 Ga 3:15). Tuy nhiên, Chúa Giê-su không dừng lại ở chỗ này, trong cùng một luận lý, Người nói thêm rằng lăng mạ và khinh miệt cũng có thể là cách giết người. Và chúng ta đã quen với việc lăng mạ, sự thật là vậy. Và sự lăng mạ đến với chúng ta giống như một hơi thở. Chúa Giê-su nói với chúng ta “Hãy dừng lại, vì sự lăng mạ rất nguy hiểm, nó giết người.” Sự khinh miệt. “Nhưng tôi … khinh những người này.” Và đây là cách giết chết nhân phẩm của một con người. Thật tốt biết bao nếu lời dạy của Chúa Giê-su đi vào trong tâm trí và tâm hồn, và mỗi người chúng ta nói rằng: “Tôi sẽ không khinh miệt một ai nữa.” Đó sẽ là một sự quyết tâm rất tốt, vì Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Hãy cẩn thận, nếu ngươi khinh miệt, nếu ngươi lăng mạ, nếu ngươi oán ghét, thì đó là sự giết người.”
Không có bộ luật nào của con người sánh ngang được với những điều khoản đó, áp cho chúng những mức độ xét phạt. Và quả thật, Chúa Giê-su nói rằng hãy dừng lại việc lên đền thờ dâng của lễ hy tế nếu chúng ta nhớ ra rằng mình đã xúc phạm với một người anh em, và hãy đi tìm và làm hòa với người đó. Khi chúng ta đi tham dự Thánh Lễ, chúng ta cũng phải mang lấy thái độ hòa giải này với những người mà chúng ta có chuyện bất hòa, kể cả chuyện chúng ta có những ý nghĩ xấu về họ, nếu chúng ta đã lăng mạ họ. Tuy nhiên, thường trong khi chờ đợi linh mục ra bắt đầu Thánh Lễ, chúng ta lại có chút chuyện để đồn thổi, nói xấu về người khác. Không thể làm như vậy được. Chúng ta hãy nghĩ về tính nghiêm trọng của sự lăng mạ, của sự khinh miệt, của lòng oán ghét: Chúa Giê-su đặt nó ngang hàng với việc giết người.
Chúa Giê-su muốn nói lên điều gì khi đưa vấn đề này lên ngang tầm với Điều Răn thứ Năm? Con người có một sự sống rất cao quý, và nhạy cảm, và con người sở hữu một cái “tôi” rất khó hiểu cũng không kém quan trọng hơn thân xác. Thật vậy, một cách nói không phù hợp cũng đủ xúc phạm đến sự ngây thơ của một đứa trẻ. Một cử chỉ lạnh lùng đủ để làm tổn thương một người phụ nữ. Làm mất lòng tin của một người trẻ cũng đủ để phá vỡ tâm hồn của người đó. Chỉ cần làm lơ một người đàn ông cũng như là giết chết ông ta. Sự thờ ơ là sát nhân. Nó cũng giống như nói với người khác rằng: “Anh là một người đã chết trước mặt tôi,” vì trong thâm tâm bạn đã giết người ấy. Không yêu thương là bước đầu tiên của sự sát nhân, và không sát nhân là bước khởi đầu của sự yêu thương. Từ khởi đầu của Kinh Thánh chúng ta đọc thấy câu nói khủng khiếp phát ra từ miệng của kẻ sát nhân đầu tiên, Cain, sau khi Chúa hỏi anh ta rằng em trai của anh ta đang ở đâu, Cain trả lời: “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?” (St 4:9).[1] Những kẻ sát nhân nói như vậy: “Nó chẳng liên quan gì đến tôi,” “đó là chuyện của riêng anh,” và những cách nói tương tự như vậy. Chúng ta hãy cố gắng trả lời cho câu hỏi này: chúng ta có phải là người trông giữ anh em của chúng ta không? Chắc chắn là vậy rồi! Và đây là con đường của sự sống; nó là con đường không giết người.
Cuộc sống con người cần sự yêu thương. Và tình yêu đích thực là gì? Đó chính là con đường Chúa Giê-su đã vạch ra cho chúng ta, cụ thể đó là lòng thương xót. Điều chúng ta không được thiếu trong tình yêu đó là sự tha thứ, đó là đón nhận người đã không nên không phải với chúng ta. Không ai trong chúng ta có thể tồn tại mà không có lòng thương xót; tất cả chúng ta đều cần sự tha thứ. Vì thế, nếu giết người có nghĩa là phá hủy, là cắt đứt, là loại bỏ sự sống của một người, thì không giết người có nghĩa là phải chăm sóc, phải trân quý, phải bao dung và tha thứ.
Không ai có thể tự lừa gạt mình mà nghĩ rằng: “Tôi như vậy là ổn rồi vì tôi chẳng làm gì xấu cả.” Một khoáng chất và một loại thực vật nào đó đều tồn tại dưới hình thức như vậy, nhưng con người thì không phải như thế — một con người — một người nam hoặc người nữ — không thể như thế. Với một người nam hoặc người nữ phải vượt nhiều hơn thế. Có nhiều việc thiện phải thực hiện, phải được chuẩn bị bởi mỗi người chúng ta, mỗi người theo cách riêng, nó giúp chúng ta đi suốt hành trình.
“Chớ giết người” là một lời khẩn xin tình yêu và thương xót; nó là một tiếng gọi phải sống theo con đường của Chúa Giê-su, Đấng đã hiến mạng sống cho chúng ta và sống lại cho chúng ta. Có một lần tất cả chúng ta đã đồng thanh lặp lại câu nói của một Thánh nhân về vấn đề này, trong Quảng trường đây. Có lẽ nó sẽ giúp nhắc nhở chúng ta: “Không làm điều xấu là tốt, nhưng không làm điều tốt cũng không phải là tốt.” Chúng ta phải luôn làm điều tốt, phải vượt xa hơn nữa. Thiên Chúa, Đấng nhập thể, đã thánh hiến sự sống của chúng ta; Người, Đấng đã làm cho sự sống trở nên vô giá bằng chính Máu của Người; Người, là “tác giả của sự sống” (Cv 3:15), nhờ Người mà mỗi chúng ta trở thành một món quà của Chúa Cha. Trong Người, trong tình yêu mạnh hơn sự chết của Người và bởi sức mạnh của Thần Khí mà Chúa Cha ban tặng cho chúng ta, chúng ta đón nhận Lời “chớ giết người” như một lời kêu gọi trọng yếu nhất: nghĩa là, chớ giết người là một tiếng gọi yêu thương.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/10/2018]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét