© Zenit/María Langarica
Toàn văn bài giảng đêm Vọng Phục sinh của Đức Thánh Cha Phanxico
Hôm nay chúng ta nhìn thấy hành trình của mình không phải là hão huyền
20 tháng Tư, 2019 21:46
Đức Thánh Cha Phanxico chủ tế Đêm Canh thức Phục Sinh ngày 20 tháng Tư, 2019, trong Vương cung Thánh đường của Vatican.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) bài giảng của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp:
Hai người phụ nữ mang thuốc thơm ra mồ, nhưng họ sợ rằng chuyến đi của họ là vô ích, vì một tảng đá lớn chắn lối vào ngôi mộ đá. Chuyến đi của hai người phụ nữ đó cũng là chuyến đi của chính chúng ta; nó giống như hành trình ơn cứu độ mà chúng ta thực hiện trong đêm nay. Có những lúc, mọi thứ xuất hiện phải đối diện với một tảng đá: vẻ đẹp của tạo vật đối diện với thảm kịch của sự dữ; sự giải phóng khỏi tình trạng nô lệ đối mặt với sự bất trung của giao ước; những lời hứa của các ngôn sứ đối mặt với sự thờ ơ vô tâm của dân chúng. Việc cũng xảy ra tương tự như vậy trong lịch sử của Giáo hội và trong lịch sử của cá nhân chúng ta. Dường như những bước chân chúng ta đi chẳng bao giờ dẫn tới đích. Chúng ta có thể bị cám dỗ cho rằng niềm hy vọng bị tan vỡ là quy luật lạnh lùng của cuộc sống.
Tuy nhiên, hôm nay chúng ta nhìn thấy hành trình của mình không hão huyền; nó không vấp phải tảng đá chắn cửa mồ. Một câu hỏi đơn giản làm sững sờ người phụ nữ và thay đổi lịch sử: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24:5). Tại sao anh chị em lại cho rằng mọi sự là vô vọng, rằng không ai có thể gỡ được những tảng đá chắn cửa mồ của riêng mình? Tại sao anh chị em lại đầu hàng bằng cách buông xuôi và chịu thất bại? Lễ Phục sinh là lễ của những tảng đá cửa mồ bị tháo đi, những tảng đá được lăn sang một bên. Thiên Chúa cất đi ngay cả những tảng đá nặng nề nhất làm cho những hy vọng và mong chờ của chúng ta bị tan vỡ: sự chết, tội lỗi, sự sợ hãi, tính thế gian. Lịch sử của con người không dừng lại trước tảng đá cửa mồ, vì hôm nay nó được gặp gỡ “viên đá sống động” (x. 1 Pr 2:4), là Đức Giê-su sống lại. Chúng ta là Giáo hội được xây dựng trên Ngài, và ngay cả khi chúng ta trở nên ngã lòng và bị cám dỗ muốn xét đoán mọi việc dựa trên những thất bại của chúng ta, thì Ngài đến để làm mới lại mọi điều, để lật đổ mọi sự thất vọng của chúng ta. Đêm nay mỗi người chúng ta được kêu gọi hãy tái khám phá nơi Đức Ki-tô Sống lại là Đấng lăn ra khỏi tâm hồn chúng ta những tảng đá nặng nề nhất. Vì vậy trước hết chúng ta hãy tự hỏi: Tảng đá mà tôi cần phải gỡ bỏ ra là gì, nó tên là gì?
Thường thường điều ngăn chặn hy vọng của chúng ta là tảng đá của sự ngã lòng. Khi chúng ta bắt đầu nghĩ rằng mọi việc đang diễn ra rất tệ hại và rằng mọi việc đang ở trong tình trạng tệ hại nhất, chúng ta thấy nản chí và tin rằng sự chết mạnh hơn sự sống. Chúng ta trở nên hoài nghi, tiêu cực và thoái chí. Đá chồng lên đá, chúng ta xây dựng trong lòng mình một tượng đài của sự bất mãn: đó là mồ chôn của hy vọng. Cuộc sống trở thành một chuỗi dài những kêu ca phàn nàn và tâm hồn trở nên bệnh hoạn. Một kiểu tâm lý đưa tang xâm chiếm cõi lòng: mọi sự kết thúc ở đó, chẳng còn hy vọng để sống lại. Nhưng ngay thời điểm đó, chúng ta lại nghe thấy câu hỏi vang lên của ngày Phục sinh: Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Thiên Chúa không được tìm thấy trong sự buông xuôi. Người đã sống lại; Người không còn ở đó. Đừng tìm Người ở nơi bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy Người: Người không phải là Thiên Chúa của người chết nhưng là Thiên Chúa của người sống (x. Lc 22:32). Đừng làm mồ chôn sự hy vọng!
Có một tảng đá khác thường chắn lối cửa tâm hồn: tảng đá tội lỗi. Tội lỗi quyến rũ; nó hứa hẹn mọi điều thật dễ dàng và nhanh chóng, sự giàu có và thành công, nhưng rồi để lại sau nó chỉ là sự cô độc và cái chết. Tội lỗi tìm sự sống nơi người chết, tìm ý nghĩa sự sống giữa những điều chóng qua. Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Tại sao lại không quyết tâm từ bỏ tội đó đi, nó giống như một tảng đá chắn trước cửa tâm hồn của bạn, chắn ánh sáng của Thiên Chúa không lọt vào? Tại sao lại không chọn Chúa Giê-su, là ánh sáng thật (x. Ga 1:9), hơn là chọn sự hào nhoáng của tiền bạc, sự nghiệp, sự kiêu hãnh và thú vui? Tại sao không nói với những điều sáo rỗng của thế gian này rằng bạn không còn sống cho chúng nữa, nhưng sống cho Thiên Chúa của sự sống?
Chúng ta quay lại với những người phụ nữ chạy ra mồ Chúa Giê-su. Họ dừng lại sửng sốt trước tảng đá đã bị lăn ra khỏi mồ. Nhìn thấy các thiên thần, Tin mừng kể cho chúng ta, họ đứng đó “sợ hãi, cúi gầm xuống đất” (Lc 24:5). Họ không còn can đảm để ngước nhìn lên. Đã bao nhiêu lần chúng ta đã có thái độ tương tự? Chúng ta thích lẩn quẩn trong những sai lỗi của chúng ta, thu mình trong những nỗi sợ hãi. Điều đó rất kỳ cục, nhưng tại sao chúng ta lại làm như vậy? Không hiếm khi như vậy, vì chúng ta cảm thấy kiểm soát tốt hơn khi giữ sự u sầu và khóa chặt lòng mình, vì chúng ta thấy dễ dàng duy trì sự cô đơn trong bóng tối của tâm hồn hơn là mở lòng ra với Chúa. Nhưng chỉ có Người mới nâng chúng ta đứng dậy. Một nhà thơ có lần viết: “Chúng ta chẳng bao giờ biết được chúng ta cao bao nhiêu. Cho đến khi chúng ta được kêu gọi đứng dậy” (E. DICKINSON). Chúa gọi chúng ta đứng dậy, vươn dậy với Lời của Người, để ngước nhìn lên và nhận ra rằng chúng ta được tạo dựng cho nước trời, không phải cho thế gian, cho sự vươn cao của cuộc sống không phải cho những vực sâu của sự chết: Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?
Thiên Chúa yêu cầu chúng ta hãy nhìn đến sự sống theo cách nhìn của Người, vì trong mỗi chúng ta Người không ngừng nhìn thấy một điều cốt lõi của cái đẹp. Trong tội, Người nhìn thấy những đứa con được phục hồi; trong cái chết, anh chị em được tái sinh; trong sự cô độc, các tâm hồn được hồi sinh. Vậy đừng e sợ: Chúa yêu thương sự sống của anh chị em, ngay cả khi anh chị em e sợ nhìn đến nó và nâng niu nó trên tay. Trong ngày Phục Sinh Người cho anh chị em thấy rằng Người yêu thương sự sống biết dường nào: thậm chí đến mức sống nó một cách trọn vẹn, trải nghiệm sự đau đớn, sự chối bỏ, cái chết, luyện ngục để đứng dậy chiến thắng vinh quang và nói với anh chị em: “Con không cô đơn; hãy đặt niềm tin nơi Ta!” Chúa Giê-su là một chuyên gia biến những cái chết của chúng ta thành sự sống, sự than khóc thành điệu múa nhảy mừng (x. Tv 30:11). Cùng với Người, chúng ta cũng trải nghiệm một cuộc Vượt qua, tức là một Lễ Vượt qua – từ sự tập trung vào bản thân mình chuyển thành sự hiệp nhất, từ sự cô độc thành ủi an, từ nỗi sợ hãi thành vững tin. Chúng ta đừng giữ khuôn mặt cúi gầm xuống trong sự sợ hãi, nhưng hãy hướng đôi mắt lên Chúa Giê-su sống lại. Ánh mắt nhìn của Người sẽ đổ đầy niềm hy vọng cho chúng ta, vì ánh mắt đó nói với chúng ta rằng chúng ta luôn được yêu thương và rằng dù cho chúng ta có làm mọi thứ đảo lộn lên thì tình yêu của Người vẫn không thay đổi. Đây là một sự xác quyết duy nhất không bàn cãi mà chúng ta có trong cuộc sống: tình yêu của Người không bao giờ thay đổi. Chúng ta hãy tự hỏi mình: Trong cuộc sống của tôi, tôi đang hướng nhìn về đâu? Có phải tôi đang hướng nhìn vào những nghĩa trang, hay tôi đang đi tìm Đấng Hằng sống?
Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Những người phụ nữ nghe thấy lời của các thiên thần, và thiên thần tiếp tục nói: “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê” (Lc 24:6). Những người phụ nữ đó đã mất hy vọng vì họ không thể nhớ lại những lời của Chúa Giê-su, nhớ lại tiếng gọi của Người ở Ga-li-lê. Đã quên kỷ niệm sống động của Chúa Giê-su, họ cứ mải mê nhìn vào ngôi mộ. Đức tin luôn cần phải quay trở lại Ga-li-lê, để tái thức tỉnh tình yêu đầu tiên với Chúa Giê-su và tiếng gọi của Người: để nhớ đến Người, để quay lại với Người bằng trọn tâm hồn trọn trí óc của chúng ta. Quay trở về với tình yêu sống động của Chúa là vô cùng quan trọng. Bằng không, đức tin của chúng ta là một đức tin “của nhà bảo tàng,” không phải là đức tin của ngày Phục sinh. Chúa Giê-su không phải là một nhân vật của quá khứ; Ngài là một người đang sống hôm nay. Chúng ta không biết Ngài từ những sách lịch sử; chúng ta gặp gỡ Ngài trong cuộc sống. Hôm nay, chúng ta hãy nhớ lại cách Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta lần đầu; cách Người vượt qua bóng tối của chúng ta, sự kháng cự, những tội lỗi của chúng ta, và cách Ngài đã chạm đến tâm hồn chúng ta bằng tình yêu của Người.
Những người phụ nữ, nhớ lại lời Chúa Giê-su, rời bỏ ngôi mộ. Ngày Phục sinh dạy chúng ta rằng người tín hữu không nấn ná tại nghĩa trang, vì họ được kêu gọi hãy tiến bước để gặp gỡ Đấng Hằng sống. Chúng ta hãy tự hỏi mình: Trong cuộc sống của tôi, tôi đang hướng nhìn về đâu? Đôi lúc, chúng ta chỉ hướng theo những vấn đề của mình, mà chúng có rất nhiều, và chỉ đến với Chúa để xin giúp đỡ. Nhưng rồi, lại chính những đòi hỏi của chúng ta hướng dẫn bước đi của mình, chứ không phải Chúa Giê-su. Chúng ta cứ miệt mài đi tìm Đấng Hằng sống giữa những người chết. Hoặc không biết bao nhiêu lần, khi chúng ta đã gặp được Chúa, thì chúng ta tiếp tục quay trở lại với người chết, đào xới lên những sự tiếc nuối, những trách móc, những nỗi đau, và những bất mãn, mà không để cho Đấng Phục sinh biến đổi chúng ta? Anh chị em thân mến: hãy đặt Đấng Hằng sống vào trung tâm điểm của đời sống chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn không để bị trôi đi theo dòng chảy, theo biển cả của các vấn đề chúng ta; ơn không chạy lòng vòng quanh những chỗ nước cạn hoặc va vào những dãy đá ngầm là sự ngã lòng và sợ hãi. Chúng ta hãy tìm kiếm Ngài trong mọi sự và trên mọi sự. Cùng với Ngài chúng ta sẽ lại đứng lên.
© Libreria Editrice Vatican
[00670-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/4/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét