Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

Tuyên ngôn của các giám mục Đức và Ba Lan nhân Kỷ niệm 80 năm ngày bùng nổ Đệ nhị Thế chiến

Tuyên ngôn của các giám mục Đức và Ba Lan nhân Kỷ niệm 80 năm ngày bùng nổ Đệ nhị Thế chiến
Polilsh Bishops' Conference

Tuyên ngôn của các giám mục Đức và Ba Lan nhân Kỷ niệm 80 năm ngày bùng nổ Đệ nhị Thế chiến

‘Ký ức chung là nguồn cảm hứng cho một hiện tại và tương lai chung.’

31 tháng Tám, 2019 23:05

Ba Lan trở thành nạn nhân đầu tiên của Đệ nhị Thế chiến chịu đau khổ suốt sáu năm dưới sự chiếm đóng, kèm theo đó là vô vàn những cảnh hung tàn và những chính sách chính trị hủy diệt dân tộc Ba Lan, đặc biệt dân Do thái – Tuyên ngôn của các Giám mục Đức và Ba Lan viết nhân kỷ niệm 80 năm ngày bùng nổ Đệ Nhị Thế chiến – 1 tháng Chín, 2019 – với tiêu đề “Ký ức chung là nguồn cảm hứng cho một hiện tại và tương lai chung.”

Tài liệu nhắc lại rằng 6 triệu người Ba Lan, trong đó có 3 triệu người Ba Lan gốc Do Thái là nạn nhân của hệ thống tội ác Đức Quốc xã. Các giám mục mời gọi hãy vượt qua nỗi đau và những ký ức đau thương qua sự hợp tác chân thành trong tiến trình hòa giải giữa hai dân tộc.

“Chúng tôi lấy được sức mạnh từ lòng can đảm của các giám mục Ba Lan năm 1965 đã mời gọi Đức và Ba Lan quyết tâm tìm kiếm sự thật và đi theo những con đường hòa giải. Thông điệp của các ngài, nổi bật với câu “chúng tôi tha thứ và chúng tôi xin tha thứ,” mở ra một chương mới trong các mối quan hệ giữa hai dân tộc chúng tôi, trong khi các giám mục Đức đón nhận bàn tay vươn tới với lòng cảm kích. Hôm nay chúng tôi thể hiện sự tôn trọng sâu sắc nhất với tất cả mọi người đã bắt đầu cuộc đối thoại chân thành này” – Tuyên ngôn viết.

Các giám mục nhắc nhớ rằng ngày nay việc củng cố và đào sâu tình hiệp nhất của Châu Âu là tùy thuộc vào chúng ta, bất kể những điểm đặc thù về lịch sử của các dân tộc và quốc gia, nhưng đều được xây dựng trên các nền tảng Ki-tô giáo. “Chúng tôi kêu gọi mọi người rút ra bài học từ ký ức chung của quá khứ, bị đè nặng bởi bạo lực và bất công, nhưng cũng học từ ký ức của những chứng nhân đầy khích lệ của nhân loại, nguồn cảm hứng cho những hành động chung mở rộng hơn cho hòa bình và sự hiệp nhất” – tài liệu viết.

Cuối cùng, các giám mục phó thác lên Chúa cả hai dân tộc và toàn Châu Âu cũng như toàn thế giới. “Chúng tôi kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới trong tất cả các Thánh Lễ dâng trong ngày 1 tháng Chín. Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các tín hữu trong những giờ cầu nguyện riêng của họ hãy cầu nguyện cho sự chấm dứt mọi xung đột và chiến tranh, mọi sự kinh hoàng và bạo lực, và khẩn xin sự bình an cho mọi người. Xin Mẹ Maria, Nữ vương Hòa bình, hỗ trợ chúng ta trong lời cầu nguyện và khẩn xin qua sự can thiệp của Mẹ với Chúa Con Giê-su Ki-tô của Mẹ.” – văn bản viết.

Chúng tôi đăng toàn văn tài liệu:


KÝ ỨC CHUNG LÀ NGUỒN CẢM HỨNG

CHO MỘT HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI CHUNG

Tuyên ngôn của các Giám mục Đức và Ba Lan nhân kỷ niệm 80 năm ngày bùng nổ Đệ nhị Thế chiến

Tám mươi năm trước, đảng Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa Đức đã khơi ngòi Đệ Nhị Thế chiến. Những trái bom đầu tiên được thả xuống ngày Thứ Sáu, 1 tháng Chín năm 1939, trên thành phố Wielun, gây ra những thiệt hại và tàn phá đau thương. Nhiều công dân đã bị giết hoặc bị thương. Cũng vậy, nhà thương và những bệnh nhân không được bảo vệ đã phải chịu đau khổ. Thảm họa kinh hoàng của Đệ Nhị Thế chiến đã bắt đầu tại Wielun, nó ảnh hưởng đến Ba Lan và nhiều quốc gia khác. Trong cùng ngày hôm đó, những khẩu đại bác của tàu chiến địch quân đã tấn công Westerplatte.

Như vậy, Ba Lan trở thành nạn nhân đầu tiên của Đệ nhị Thế chiến chịu đau khổ suốt sáu năm dưới sự chiếm đóng, kèm theo đó là biết bao hung tàn và những chính sách chính trị hủy diệt dân tộc Ba Lan, đặc biệt dân Do thái. Nhân kỷ niệm 80 năm ngày bùng nổ Đệ Nhị Thế chiến, chúng ta tưởng nhớ lại 6 triệu người Ba Lan, trong đó có 3 triệu người Ba Lan gốc Do Thái, họ là nạn nhân của hệ thống tội ác Đức Quốc xã. Chúng tôi ý thức được nỗi đau đớn mà các nạn nhân và những người thân yêu của họ phải gánh chịu và vẫn còn ghi dấu cho đến ngày nay. Chiến tranh đã gây ra sự tổn hại quá lớn, và sự đau khổ cho con người, đặc biệt đối với những việc tái định cư: hàng triệu người Ba Lan, và sau đó là người Đức, đã phải rời bỏ nhà cửa và tìm kiếm một quê hương mới.

Để vượt qua sự đau khổ và những ký ức đau thương này, tất cả chúng ta phải cùng dự phần vào tiến trình hòa giải giữa hai dân tộc chúng ta. Chúng tôi lấy được sức mạnh từ lòng can đảm của các giám mục Ba Lan năm 1965 đã mời gọi Đức và Ba Lan quyết tâm tìm kiếm sự thật và đi theo những con đường hòa giải. Thông điệp của các ngài, nổi bật với câu “chúng tôi tha thứ và chúng tôi xin tha thứ,” mở ra một chương mới trong các mối quan hệ giữa hai dân tộc chúng tôi, trong khi các giám mục Đức đón nhận bàn tay vươn tới với lòng cảm kích. Hôm nay chúng tôi thể hiện sự tôn trọng sâu sắc nhất với tất cả mọi người đã bắt đầu cuộc đối thoại chân thành này.

Tám mươi năm sau ngày bùng nổ chiến tranh, thế hệ hôm nay ở Ba Lan và Đức, cũng như trên khắp Châu Âu, đang trải qua nhiều thay đổi tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta phải đón nhận những hoa trái của sự hòa giải với tinh thần trách nhiệm; những hoa trái đó không được phép thỏa hiệp một cách khinh suất vì những lợi ích chính trị. Vì thế, trong thời điểm lịch sử đặc biệt này, chúng tôi thúc giục rằng những mối quan hệ của chúng ta không được đánh dấu bằng bạo lực, sự nghi ngờ lẫn nhau hoặc bất công. Ngày nay việc củng cố và đào sâu tình hiệp nhất của Châu Âu là tùy thuộc vào chúng ta, bất kể những điểm đặc thù về lịch sử của các dân tộc và quốc gia, nhưng đều được xây dựng trên các nền tảng Ki-tô giáo. Về phần Giáo hội, chúng tôi rất trân trọng những sáng kiến mà Ba Lan và Đức đang thực hiện để đối mặt với những thách đố của thời đại – thường thường cùng với các quốc gia láng giềng. Chúng tôi kêu gọi mọi người rút ra bài học từ ký ức chung của quá khứ, bị đè nặng bởi bạo lực và bất công, nhưng cũng học từ ký ức của những chứng nhân đầy khích lệ của nhân loại, nguồn cảm hứng cho những hành động chung mở rộng hơn cho hòa bình và sự hiệp nhất.

Đồng thời, chúng tôi tin tưởng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi phó thác cho Người cả hai dân tộc và toàn Châu Âu cũng như toàn thế giới. Chúng tôi kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới trong tất cả các Thánh Lễ dâng trong ngày 1 tháng Chín. Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các tín hữu trong những giờ cầu nguyện riêng của họ hãy cầu nguyện cho sự chấm dứt mọi cuộc xung đột và chiến tranh, mọi sự kinh hoàng và bạo lực, và khẩn xin bình an cho mọi người. Xin Mẹ Maria, Nữ vương Hòa bình, hỗ trợ chúng ta trong lời cầu nguyện và khẩn xin qua sự can thiệp của Mẹ với Chúa Con Giê-su Ki-tô của Mẹ.

Ký tên

Hồng y Reinhard Marx
Tổng Giám mục Chính tòa của Munich và Freising
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức

Tổng Giám mục Stanisław Gądecki
Tổng Giám mục Chính tòa Poznań
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan
Phó Chủ tịch của Ủy ban các Hội đồng Giám mục Châu Âu

Giám mục Ludwig Schick
Giám mục Chính Tòa Bamberg
Đồng chủ tịch Nhóm Liên lạc giữa các giám mục Ba Lan và Đức

Giám mục Jan Kopiec
Giám mục Chính tòa Gliwice
Đồng chủ tịch Nhóm Liên lạc giữa các giám mục Ba Lan và Đức

1 tháng Chín, 2019



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/9/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét