Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2025

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 33 (11 tháng 2 năm 2025), 27.01.2025

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 33 (11 tháng 2 năm 2025), 27.01.2025

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 33 (11 tháng 2 năm 2025), 27.01.2025

*******

Sau đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 33, diễn ra vào ngày 11 tháng 2, phụng vụ lễ nhớ Đức Mẹ Lộ Đức, với chủ đề: “Hy vọng không làm chúng ta thất vọng” (Rm 5:5) nhưng củng cố chúng ta trong những thời gian thử thách:

_________________________________


Sứ điệp của Đức Thánh Cha

“Hy vọng không làm chúng ta thất vọng” (Rm 5:5),

nhưng củng cố chúng ta trong những thời gian thử thách

Anh chị em thân mến,

Chúng ta cử hành Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 33 trong Năm Thánh 2025, trong đó Giáo hội mời gọi chúng ta trở thành “những người lữ hành hy vọng”. Lời Chúa đồng hành với chúng ta, và theo lời của Thánh Phaolô, trao cho chúng ta một sứ điệp đầy khích lệ: “Hy vọng không làm chúng ta thất vọng” (Rm 5:5); thực vậy, nó củng cố chúng ta trong những lúc thử thách.

Đây là những lời an ủi, nhưng chúng cũng có thể gây bối rối, đặc biệt là đối với những người đang đau khổ. Chẳng hạn, làm sao chúng ta có thể mạnh mẽ khi cơ thể chúng ta đang là nạn nhân của những căn bệnh nghiêm trọng, suy nhược đòi hỏi phải điều trị tốn kém trong khi chúng ta có thể không đủ khả năng chi trả? Làm sao chúng ta có thể thể hiện sự mạnh mẽ, khi cùng với những đau khổ của chính bản thân, chúng ta nhìn thấy những người thân yêu hỗ trợ chúng ta nhưng lại thấy bất lực không thể giúp chúng ta? Trong những hoàn cảnh này, chúng ta cảm thấy cần một sức mạnh lớn hơn sức mạnh của chính mình. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần sự trợ giúp của Chúa, cần ân sủng của Người, sự Quan phòng của Người và sức mạnh là món quà của Chúa Thánh Thần (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1808).

Chúng ta hãy dừng lại một chút để suy ngẫm về cách Thiên Chúa luôn gần gũi với những người đang đau khổ theo ba con đường cụ thể: qua sự gặp gỡ, món quà và sự chia sẻ.

1. Gặp gỡ. Khi Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng (x. Lc 10:1-9), Người bảo họ công bố cho người bệnh: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” (c. 9). Nói cách khác, Chúa yêu cầu các ông giúp người bệnh nhìn thấy sự yếu đuối của họ như một cơ hội để gặp gỡ Chúa, dù có đau đớn và khó hiểu đến đâu. Trong những lúc đau ốm, chúng ta cảm nhận được tính mỏng giòn của con người ở mặt thể chất, tâm lý và tinh thần. Tuy nhiên, chúng ta cũng cảm nghiệm được sự gần gũi và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, Đấng qua Chúa Giêsu đã chia sẻ sự đau khổ của con người chúng ta. Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và thường làm chúng ta ngạc nhiên bằng cách trao ban cho chúng ta sức mạnh mà chúng ta không bao giờ mong đợi, và không bao giờ tự mình tìm thấy.

Do đó, bệnh tật trở thành một cơ hội cho một cuộc gặp gỡ biến đổi, khám phá ra tảng đá vững chắc mà chúng ta có thể bám chặt vào giữa những giông tố của cuộc sống, một kinh nghiệm làm cho tất cả chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, ngay cả khi phải trả giá đắt, vì nó dạy chúng ta rằng chúng ta không đơn độc. Đau khổ luôn mang đến một lời hứa huyền nhiệm của ơn cứu độ, vì nó làm cho chúng ta trải nghiệm sự gần gũi và thực tế của sự hiện diện an ủi của Thiên Chúa. Theo cách này, chúng ta biết được “sự viên mãn của Tin Mừng với tất cả lời hứa và sự sống của Tin mừng” (THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Diễn từ với giới trẻ, New Orleans, ngày 12 tháng 9 năm 1987).

2. Điều này đưa chúng ta đến cách thứ hai mà Thiên Chúa gần gũi với người đau khổ: như một món quà. Hơn bất cứ điều gì khác, sự đau khổ làm cho chúng ta nhận ra rằng niềm hy vọng đến từ Chúa. Do đó, trên tất cả, đó là một món quà cần được đón nhận và vun trồng, bằng cách luôn giữ “sự trung thành với lòng trung tín của Thiên Chúa”, theo cách diễn đạt tuyệt vời của nhà văn Madeleine Delbrêl (x. La speranza è una luce nella notte, Vatican City 2024, Lời tựa).

Thật vậy, chỉ trong sự phục sinh của Chúa Kitô, cuộc sống và vận mệnh của chúng ta mới tìm thấy vị trí của nó trong chân trời vô tận của cõi vĩnh hằng. Chỉ trong mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, chúng ta mới đạt được sự chắc chắn rằng “cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8:38-39). “Niềm hy vọng lớn lao” này là nguồn gốc của tất cả những tia sáng bé nhỏ giúp chúng ta nhìn thấy con đường của mình qua các thử thách và trở ngại của cuộc sống (x. BENEDICT XVI, Spe Salvi, 27, 31). Chúa phục sinh thậm chí còn tiến xa hơn đến mức đồng hành cùng chúng ta trên đường, giống như Người đã làm với các môn đệ trên đường về Emmau (x. Lc 24:13-53). Cũng như họ, chúng ta có thể chia sẻ với Chúa những lo lắng, bận tâm và thất vọng của mình, và lắng nghe lời Người, Lời soi sáng và sưởi ấm trái tim chúng ta. Giống như các môn đệ, chúng ta cũng có thể nhận ra Người hiện diện trong việc bẻ bánh và từ đó chúng ta cảm nhận được, ngay cả trong hiện tại, “thực tại lớn hơn” đang đến gần chúng ta và khôi phục lòng can đảm và sự vững tin của chúng ta.

3. Bây giờ chúng ta đến với cách thứ ba Chúa gần gũi chúng ta: thông qua việc chia sẻ. Những nơi đau khổ thường cũng là nơi chia sẻ và làm phong phú lẫn nhau. Đã bao nhiêu lần chúng ta học được cách hy vọng bên giường bệnh! Có bao nhiêu lần, chúng ta học được niềm tin qua sự gần gũi của chúng ta với những người đau khổ! Đã bao nhiêu lần chúng ta khám phá ra tình yêu khi chúng ta chăm sóc những người đang cần! Chúng ta nhận ra rằng chúng ta là những “thiên thần” của hy vọng và là sứ giả của Chúa cho nhau, tất cả chúng ta cùng nhau: dù là bệnh nhân, bác sĩ, y tá, các thành viên gia đình, bạn bè, linh mục, nam nữ tu sĩ, bất kể chúng ta ở đâu, dù trong gia đình hay trong phòng khám, viện dưỡng lão, bệnh viện hay trung tâm y tế.

Chúng ta cần học cách trân quý vẻ đẹp và ý nghĩa của những cuộc gặp gỡ đầy ân sủng này. Chúng ta cần học cách trân trọng nụ cười hiền hậu của một y tá, lòng biết ơn và sự tin tưởng của một bệnh nhân, khuôn mặt chăm sóc của một bác sĩ hoặc tình nguyện viên, hoặc vẻ mặt lo lắng và chờ đợi của một người bạn đời, một đứa con, một đứa cháu hoặc một người bạn thân. Tất cả những điều này là những tia sáng cần được giữ gìn; ngay cả giữa đêm đen của nghịch cảnh, chúng vẫn mang lại cho chúng ta sức mạnh, đồng thời dạy chúng ta về ý nghĩa sâu sắc hơn của sự sống, trong tình yêu và sự gần gũi (x. Lc 10:25-37).

Thưa anh chị em, những người đang đau yếu hoặc đang chăm sóc người đau khổ, trong Năm Thánh này, anh chị em đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Hành trình chung của anh chị em là một dấu chỉ cho mọi người: “một bài thánh ca về phẩm giá con người, một bài ca hy vọng” (Spes Non Confundit, 11). Những giai điệu của bài thánh ca này vượt xa hơn những căn phòng và giường bệnh của các cơ sở y tế, và khơi dậy “sự tham gia hợp xướng của toàn thể xã hội” trong đức ái (ibid.) trong một sự hòa hợp đôi khi khó đạt được, nhưng chính vì lý do đó mà nó đầy an ủi và mạnh mẽ, có khả năng mang đến ánh sáng và sự ấm áp ở bất cứ nơi nào cần nhất.

Toàn thể Giáo hội cảm ơn anh chị em vì điều này! Tôi cũng vậy, và tôi luôn nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện của tôi. Tôi phó thác anh chị em cho Đức Mẹ, Đấng là Sức khỏe của Người bệnh, bằng những lời mà rất nhiều anh chị em của chúng ta đã thưa với Mẹ trong giờ phút cần thiết nhất của họ:

Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm đến sự che chở của Mẹ.

Xin đừng khinh dể lời cầu xin của chúng con trong cơn túng thiếu,

nhưng xin luôn cứu chúng con khỏi mọi cơn nguy biến, lạy Đức Nữ Trinh Quang vinh và Đầy Ơn phúc.

Tôi chúc lành cho anh chị em, cùng với gia đình và những người thân yêu của anh chị em, và tôi xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Rome, Đền Thờ Thánh Gioan Lateran, 14 Tháng 01, 2025

PHANXICÔ

___________________________


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/01/2025]


Đức Thánh Cha Phanxicô cập nhật thông tin như thế nào?

Đức Thánh Cha Phanxicô cập nhật thông tin như thế nào?

Đức Thánh Cha Phanxicô cập nhật thông tin như thế nào?

ANDREAS SOLARO | AFP


Anna Kurian

30/01/25



Đức Thánh Cha Phanxicô thường trích dẫn từ một tạp chí hoặc thậm chí là một cuộc điện đàm để bình luận về các sự kiện hiện tại hoặc chia sẻ suy nghĩ với các tín hữu.

Thông qua báo chí, những cuộc gặp gỡ riêng và mạng lưới ngoại giao của Tòa thánh: Đức Thánh Cha Phanxicô luôn cập nhật tin tức thế giới qua nhiều kênh khác nhau. Dù chúng ta không biết tất cả mọi chi tiết về cuộc sống hàng ngày của ngài, điều mà Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vẫn rất kín tiếng, ngài Jorge Mario Bergoglio thỉnh thoảng vẫn nói về điều đó trong những lần phỏng vấn mà ngài đồng ý.


Báo chí in

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo địa phương La Voz del Pueblo của Argentina vào tháng 5 năm 2015, chúng ta biết được rằng ngài đọc báo hàng ngày — ngay cả khi bình luận này tạo ra một ít nhầm lẫn. Thật vậy, Đức Thánh Cha khẳng định với chúng tôi rằng: “Tôi chỉ đọc một tờ báo, La Repubblica, một tờ báo dành cho tầng lớp trung lưu. Tôi đọc nó vào buổi sáng và không dành quá 10 phút để đọc.”

Việc nhắc đến tờ báo nổi tiếng này — đứng thứ hai ở Ý về doanh số bán — có đường lối biên tập khá thiên tả và đôi khi thù địch với Giáo hội, đã khiến một số người kinh ngạc và làm những người khác thú vị.

Tuy nhiên, vài ngày sau, trang web Dagospia tiết lộ rằng Đức Thánh Cha đã nhầm lẫn khi trích dẫn sai tên tờ báo. Ngài không có ý nói đến La Repubblica, mà là Messaggero, tờ nhật báo của Rome và nó là của giáo phận của ngài. Theo các nguồn tin của Vatican, Đức Phanxicô cam đoan với chúng tôi rằng đây là một sự “lỡ lời”.

Việc làm sáng tỏ này sau đó đã được nhà báo Paloma García Ovejero, phóng viên của đài phát thanh Tây Ban Nha Cope, nhắc lại trên tài khoản X (khi đó là Twitter) của chị: “Bạn có biết...? Đức Giáo hoàng đã nói trong cuộc phỏng vấn gần đây nhất rằng ngài đọc tờ La Repubblica, nhưng thực ra ngài muốn nói đến tờ Il Messaggero. Đó là một sự lỡ lời!”

Vẫn về chủ đề truyền thông in ấn, vị giáo hoàng nói tiếng Tây Ban Nha cũng được cho là đọc tạp chí hàng tuần Vida Nueva vào mỗi chiều Chúa Nhật, tạp chí này đưa tin về Giáo hội ở Tây Ban Nha và trên toàn thế giới. Một nhà báo của tạp chí xác nhận rằng ông gửi hai số báo đến Santa Marta vào mỗi cuối tuần và nói rằng Đức Giáo hoàng đọc nó “từ A đến Z”.


Không tìm kiếm trực tuyến

Mặt khác, như Đức Phanxicô thường nói, ngài chưa bao giờ rành rẽ về máy tính và không phải là một người dùng internet. Ngài không tra cứu web, vì vậy ngài không có cơ hội bắt gặp một trong nhiều tấm ảnh giả của ngài, cho thấy ngài đang bận rộn kết hôn tại bàn thờ, mô tả ngài là một rapper, hoặc quấn mình trong chiếc áo khoác lông vũ màu trắng kim loại trông đáng ngạc nhiên và buồn cười.

Theo nguồn tin của Vatican, vị đứng đầu Giáo hội Công giáo nhận được bản tin báo chí hàng ngày. Ngài cũng nhận được thông tin do Bộ Truyền thông gửi đến thông qua thư ký riêng. Mạng lưới ngoại giao Vatican cũng cung cấp cho ngài tin tức các địa phương, thông qua các sứ thần trên toàn thế giới.


Những kênh không chính thức

Ở cấp độ rộng hơn, Đức Thánh Cha Phanxicô được thông báo bởi những người mà ngài gặp gỡ hoặc điện đàm trong các buổi tiếp kiến. Chẳng hạn, liên quan đến cuộc xung đột Israel-Palestine, Đức Thánh Cha nhiều lần nói rằng ngài liên lạc qua điện thoại hàng ngày với vị linh mục chánh xứ ở Gaza — một người cùng quê Argentina với ngài — vị linh mục luôn cập nhật tình hình cho ngài. Sau những cuộc trao đổi đôi khi chưa chắt lọc này với những người đối thoại, Đức Thánh Cha có những lúc phản ứng công khai với bình luận cách tự phát rằng, “Tôi được cho biết rằng…”

Tháng 12 năm ngoái, một thông tin không chính thức như vậy suýt nữa đã gây ra một sự cố về ngoại giao. Trước mặt những người cộng tác của ngài trong Giáo triều, vị đứng đầu Giáo hội Công giáo than phiền rằng Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ La tinh của Giêrusalem, đã bị ngăn cản không được đến thăm Gaza. Tuy nhiên, Israel đã phủ nhận điều này.

“Ngược lại với những cáo buộc sai được đăng tải trên các phương tiện truyền thông hôm nay, yêu cầu của Đức Thượng phụ [...] được vào Gaza đã được chấp thuận, cũng như trước đây và theo đúng nguyện vọng của ngài,” đại sứ quán Israel tại Tòa thánh đã khẳng định với báo chí trong một dòng tweet vào cuối ngày. Đức Hồng y cuối cùng đã có thể cử hành Thánh lễ tại giáo xứ Công giáo của Gaza.


Đức Thánh Cha không xem tivi (nhiều)

Đức Thánh Cha Phanxicô không xem tivi nhiều, như chính ngài tiết lộ. “Tôi đã không xem tivi kể từ năm 1990. Đó là lời tuyên thệ mà tôi đã hứa với Đức Mẹ Núi Camêlô vào đêm ngày 15 tháng 7 năm 1990,” ngài nói với La Voz del Pueblo năm 2015. Duyên cớ của lời tuyên thệ “không có gì đặc biệt”.

“Tôi nhận ra rằng nó không dành cho tôi,” ngài giải thích một cách đơn giản, nói rằng ngài thậm chí còn không xem các trận đấu của đội bóng đá yêu thích, San Lorenzo. “Một cận vệ Thụy sĩ cho tôi biết kết quả và bảng xếp hạng mỗi tuần,” ngài nói thêm.

Tuy nhiên, trong những năm qua, Đức Thánh Cha đã có một số ngoại lệ đối với quy tắc này. Ngài thường trích dẫn từ một chương trình truyền hình mà ngài thích: chương trình tôn giáo A Sua Immagine (“Theo hình ảnh của Người”), trên kênh truyền hình RAI của Ý.

Vào ngày 4 tháng 3, khi tiếp đoàn làm chương trình tại Vatican, ngài nói với họ rằng ngài xem chương trình này trước khi chủ trì buổi đọc kinh Truyền tin tại Quảng trường Thánh Phêrô vào các ngày Chúa Nhật. “Trước khi xuất hiện ở cửa sổ, tôi thích xem chương trình này trong ít phút, và đôi khi tôi đã đề cập đến một số nội dung đặc biệt gây ấn tượng với tôi.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/02/2025]


Thứ Hai, 27 tháng 1, 2025

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Truyền thông Xã hội Thế giới lần thứ 59, 24.01.2025

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Truyền thông Xã hội Thế giới lần thứ 59, 24.01.2025

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Truyền thông Xã hội Thế giới lần thứ 59, 24.01.2025

*******

Sau đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Truyền thông Xã hội Thế giới lần thứ 59, với chủ đề: “Hãy chia sẻ niềm hy vọng trong lòng anh em với sự hiền hòa (x. 1 Pr 3:15-16)”:

Sứ điệp của Đức Thánh Cha


Hãy chia sẻ niềm hy vọng trong lòng anh em với sự hiền hòa (x. 1 Pr 3:15-16)

Anh chị em thân mến!

Trong thời đại của chúng ta, đặc trưng bởi thông tin sai lệch và phân cực, khi một số ít trung tâm quyền lực kiểm soát một khối lượng dữ liệu và thông tin chưa từng có, tôi muốn nói chuyện với anh chị em với tư cách là người hiểu rõ tầm quan trọng của công việc của anh chị em – bây giờ hơn bao giờ hết – trong vai trò là những nhà báo và người làm truyền thông. Những nỗ lực can đảm của anh chị em đưa trách nhiệm cá nhân và tập thể đối với người khác vào trọng tâm của truyền thông thực là cần thiết.

Khi tôi suy ngẫm về Năm Thánh mà chúng ta đang cử hành trong năm nay như một khoảng thời gian của ân sủng trong thời điểm khó khăn này, trong Sứ điệp này, tôi muốn mời gọi anh chị em hãy trở thành “những người truyền thông của hy vọng”, bắt đầu từ việc đổi mới công việc và sứ mệnh của anh chị em theo tinh thần của Tin Mừng.

Tước bỏ vũ khí truyền thông

Ngày nay, giao tiếp thường không tạo ra niềm hy vọng mà là nỗi sợ hãi và tuyệt vọng, định kiến ​​và oán giận, cuồng tín và thậm chí là hận thù. Nó rất thường xuyên đơn giản hóa thực tế để kích động những phản ứng theo bản năng; nó sử dụng từ ngữ như dao cạo; nó thậm chí sử dụng thông tin giả hoặc bị bóp méo một cách khéo léo để gửi những thông điệp được thiết kế nhằm khích động, khiêu khích hoặc gây tổn thương. Trong nhiều lần, tôi đã nói về việc chúng ta cần phải “tước bỏ vũ khí” truyền thông và thanh lọc nó khỏi tính gây hấn. Nó không bao giờ giúp biến thực tế thành những khẩu hiệu. Tất cả chúng ta đều thấy rằng – từ các chương trình trò chuyện trên truyền hình đến các cuộc tấn công bằng lời nói trên các phương tiện truyền thông xã hội – có nguy cơ trở thành mô hình cạnh tranh, đối lập, ý chí thống trị và sở hữu, và sự thao túng dư luận sẽ thắng thế.

Cũng có một hiện tượng đáng lo ngại khác: cái mà chúng ta có thể gọi là “phân tán sự chú ý được lập trình” thông qua các hệ thống kỹ thuật số, bằng cách định hình chúng ta theo luận lý của thị trường, làm thay đổi nhận thức của chúng ta về thực tế. Kết quả là, chúng ta chứng kiến, thường là bất lực, một kiểu phân tán nhỏ lẻ các lợi ích cuối cùng làm suy yếu nền tảng cuộc sống của chúng ta như một cộng đồng, suy yếu khả năng tham gia theo đuổi lợi ích chung, lắng nghe nhau và hiểu quan điểm của nhau. Do đó, việc xác định một “kẻ thù” để công kích dường như là điều không thể thiếu như một cách nhằm khẳng định bản thân. Tuy nhiên, khi người khác trở thành “kẻ thù” của chúng ta, khi chúng ta xem thường cá tính và phẩm giá của họ để chế giễu và nhạo báng họ, chúng ta cũng mất đi khả năng tạo ra niềm hy vọng. Như Đức Cha Don Tonino Bello nhận xét, mọi xung đột “bắt đầu khi khuôn mặt cá nhân tan ra và biến mất”.[1] Chúng ta không được đầu hàng trước lối suy nghĩ này.

Quả thật, niềm hy vọng không phải là điều gì đó dễ dàng. Nhà văn Georges Bernanos đã từng nói rằng, “chỉ những ai có khả năng hy vọng, những người đã có can đảm làm tuyệt vọng những ảo tưởng và dối trá mà họ từng tìm thấy ở chúng sự an toàn và họ đã nhầm lẫn một cách sai lầm rằng đó là niềm hy vọng... Hy vọng là một sự rủi ro phải chấp nhận. Đó là rủi ro của những rủi ro”.[2] Hy vọng là một nhân đức ẩn giấu, bền bỉ và kiên nhẫn. Đối với những người Kitô hữu, đó không phải là một lựa chọn mà là một điều kiện cần thiết. Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã lưu ý trong Thông điệp Spe Salvi, hy vọng không phải là sự lạc quan thụ động mà ngược lại, là một đức tính “thực hiện” có khả năng thay đổi đời sống của chúng ta: “Người có hy vọng sẽ sống khác đi; người hy vọng được ban tặng món quà là một đời sống mới” (Số 2).

Hãy trả lời cách nhẹ nhàng về niềm hy vọng trong chúng ta

Trong Thư thứ nhất của Thánh Phêrô (3:15-16), chúng ta thấy một sự tổng hợp đáng ngưỡng mộ trong đó niềm hy vọng được liên kết với chứng tá và truyền thông của Kitô giáo: “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng”. Tôi muốn dừng lại ở ba thông điệp mà chúng ta có thể rút ra từ những lời này.

“Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em”. Niềm hy vọng của người Kitô hữu có một khuôn mặt, khuôn mặt của Chúa phục sinh. Lời hứa của Người sẽ luôn ở lại với chúng ta qua ân sủng của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hy vọng ngay cả khi không còn hy vọng, và nhận ra sự thiện lành âm thầm hiện diện cách lặng lẽ ngay cả khi mọi thứ khác dường như đã mất.

Thông điệp thứ hai là chúng ta cần sẵn sàng để giải thích về niềm hy vọng ở trong chúng ta. Điều đáng chú ý là Thánh Tông đồ nói chúng ta phải giải thích về niềm hy vọng của mình “cho bất cứ ai chất vấn” về nó. Người Kitô hữu không phải là những người “nói về” Chúa, nhưng là những người rung cảm với vẻ đẹp của tình yêu của Người và một cách mới để trải nghiệm mọi sự. Tình yêu của họ là tình yêu sống động, làm gợi nên câu hỏi và cần có câu trả lời: Tại sao bạn sống như vậy? Tại sao bạn lại như thế này?

Trong lời của Thánh Phêrô, cuối cùng chúng ta tìm thấy một thông điệp thứ ba: câu trả lời của chúng ta cho câu hỏi này phải được thực hiện “với sự dịu dàng và kính trọng”. Truyền thông Kitô giáo – nhưng tôi cũng muốn nói về truyền thông nói chung – phải thấm đẫm sự dịu dàng và gần gũi, giống như cách nói chuyện của những người bạn đồng hành trên đường. Đây là phương pháp của nhà truyền thông vĩ đại nhất mọi thời đại, Chúa Giêsu Nadarét khi đồng hành bên cạnh hai môn đệ về làng Emmau, Người đã chuyện trò với họ và khiến trái tim họ bừng cháy trong họ khi Người giải thích các sự kiện dưới ánh sáng của Kinh thánh.

Tôi mơ về một truyền thông có khả năng biến chúng ta thành những người bạn đồng hành, cùng bước đi với những người anh chị em của chúng ta và động viên họ hy vọng trong thời điểm khó khăn này. Một truyền thông có khả năng nói với trái tim, khơi dậy không phải những phản ứng nóng nảy của thái độ phòng thủ và tức giận, mà là thái độ cởi mở và tình bạn. Một truyền thông có khả năng tập trung vào cái đẹp và niềm hy vọng ngay cả trong những hoàn cảnh dường như tuyệt vọng, và tạo ra sự cam kết, sự đồng cảm và quan tâm đến người khác. Một truyền thông có thể giúp chúng ta “nhận ra phẩm giá của mỗi con người và [trong] việc cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” (Dilexit số, 217).

Tôi mơ về một phương tiện truyền thông không rao bán những ảo tưởng hay nỗi sợ hãi, nhưng có thể đưa ra những lý do để hy vọng. Martin Luther King từng nói: “Nếu tôi có thể giúp đỡ ai đó khi tôi đi qua, nếu tôi có thể cổ vũ ai đó bằng một lời nói hay một bài hát... thì cuộc sống của tôi sẽ không vô ích”.[3] Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta phải được chữa lành khỏi “căn bệnh” tự đề cao và quy ngã của mình, và tránh nguy cơ hét lớn át tiếng người khác để tiếng nói của chúng ta được nghe thấy. Một người truyền thông giỏi bảo đảm rằng những người lắng nghe, đọc hoặc xem đều có thể tham gia, có thể đến gần, có thể tiếp xúc với phần tốt nhất của bản thân và bước vào những câu chuyện được kể với những thái độ này. Truyền thông theo cách này giúp chúng ta trở thành “những người hành hương của hy vọng”, đó là phương châm của Năm Thánh hiện tại.

Cùng nhau hy vọng

Hy vọng luôn là một dự án cộng đồng. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về sự lớn lao của thông điệp được đưa ra bởi Năm Ân sủng này. Tất cả chúng ta đều được mời gọi – tất cả chúng ta! – hãy bắt đầu lại, để Chúa nâng chúng ta lên, để Người ôm lấy chúng ta và tuôn đổ lòng thương xót cho chúng ta. Về vấn đề này, các khía cạnh cá nhân và cộng đoàn được kết nối không thể tách rời: chúng ta cùng nhau lên đường, chúng ta cùng hành trình với nhiều anh chị em của mình, và chúng ta cùng nhau đi qua Cửa Thánh.

Năm Thánh có nhiều ý nghĩa về mặt xã hội. Chẳng hạn, chúng ta có thể nghĩ đến thông điệp về lòng thương xót và hy vọng dành cho những người đang sống trong tù, hoặc lời kêu gọi gần gũi và dịu dàng đối với những người đau khổ và ở bên lề. Năm Thánh nhắc nhở chúng ta rằng những ai xây dựng hòa bình “sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9), và theo cách này, Năm Thánh truyền cảm hứng cho hy vọng, chỉ cho chúng ta thấy sự cần thiết của truyền thông biết lưu tâm, nhẹ nhàng và sâu sắc, có khả năng chỉ ra những con đường đối thoại.

Vì lý do này, tôi khuyến khích anh chị em hãy khám phá và công bố nhiều câu chuyện về lòng tốt ẩn giấu trong các bản tin, noi gương những người tìm vàng không biết mệt mỏi sàng cát để tìm kiếm một cục vàng nhỏ. Thật tốt khi tìm kiếm những hạt giống hy vọng như vậy và công bố chúng. Nó giúp thế giới của chúng ta bớt điếc hơn một chút trước tiếng kêu của người nghèo, bớt thờ ơ hơn một chút, bớt khép kín hơn một chút. Ước mong anh chị em luôn tìm thấy những tia sáng của lòng tốt truyền cảm hứng cho chúng ta biết hy vọng. Hình thức truyền thông này có thể giúp xây dựng sự hiệp thông, giúp chúng ta cảm thấy bớt cô đơn, tái khám phá tầm quan trọng của việc cùng nhau bước đi.

Không quên trái tim

Anh chị em thân mến, trước những thành tựu đáng kinh ngạc của công nghệ, tôi động viên anh chị em hãy chăm sóc trái tim mình, cho đời sống nội tâm của mình. Điều đó có nghĩa là gì? Tôi xin chia sẻ với anh chị em một vài suy nghĩ.

Hãy hiền lành và đừng bao giờ quên khuôn mặt của người khác; hãy nói chuyện với trái tim của những người mà anh chị em phục vụ khi thực hiện công việc của mình.

Đừng để những phản ứng theo bản năng chi phối truyền thông của anh chị em. Luôn luôn lan tỏa niềm hy vọng, ngay cả khi khó khăn, ngay cả khi phải trả giá, ngay cả khi có vẻ như không mang lại kết quả.

Cố gắng thúc đẩy một truyền thông có thể chữa lành những vết thương của nhân loại.

Hãy tạo không gian cho niềm tin chân thành, giống như một bông hoa mảnh mai nhưng bền bỉ, không khuất phục trước sự tàn phá của cuộc sống, mà nở rộ và phát triển ở những nơi bất ngờ nhất. Niềm tin đó nằm trong niềm hy vọng của những người mẹ hằng ngày cầu nguyện để thấy con mình trở về từ chiến hào của một cuộc xung đột, và trong hy vọng của những người cha di cư với các mối hiểm nguy lớn để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Niềm tin đó cũng nằm trong hy vọng của những đứa trẻ bằng cách nào đó vẫn có thể chơi, cười đùa và tin tưởng vào cuộc sống ngay cả giữa đống đổ nát của chiến tranh và trên những con phố nghèo đói của khu ổ chuột.

Hãy là những chứng nhân ​​và người thúc đẩy một phương pháp truyền thông không gây hấn; giúp lan tỏa văn hóa quan tâm, xây dựng những cầu nối và phá bỏ những rào cản hữu hình và vô hình của thời gian hiện tại.

Hãy kể những câu chuyện tràn đầy hy vọng, quan tâm đến vận mệnh chung của chúng ta và nỗ lực cùng nhau viết nên lịch sử tương lai của chúng ta.

Anh chị em có thể làm, và chúng ta có thể làm tất cả những điều này, với ân sủng của Thiên Chúa, mà Năm Thánh giúp chúng ta đón nhận cách dồi dào. Đây là lời cầu nguyện của tôi, và với nó, tôi chúc lành cho từng người trong anh chị em và công việc của anh chị em.

Rome, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 24 tháng 1 năm 2025, Lễ nhớ Thánh Phanxicô de Sales

PHANXICÔ

__________________

[1] “La pace come ricerca del volto”, in Omelie e scritti quaresimali, Molfetta 1994, 317.

[2] La liberté, pour quoi faire?, Paris 1995.

[3] “The Drum Major Instinct”, Sermon (4 February 1968).


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/01/2025]


Đức Giáo Hoàng gửi thông điệp tới ông Trump vào Ngày nhậm chức

Đức Giáo Hoàng gửi thông điệp tới ông Trump vào Ngày nhậm chức

Đức Giáo Hoàng gửi thông điệp tới ông Trump vào Ngày nhậm chức

CPP / Polaris/East News


Kathleen N. Hattrup - I.Media

20/01/25



Khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dâng lời cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn ông trong việc thúc đẩy hòa bình giữa các dân tộc.

Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới Tổng thống Donald Trump nhân lễ nhậm chức của ông.

Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng “dưới sự lãnh đạo của ngài, người dân Mỹ sẽ thịnh vượng và luôn phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng hơn, nơi không có chỗ cho sự thù hận, phân biệt đối xử hoặc loại trừ”.

Đức Thánh Cha cũng lưu ý đến vai trò của tổng thống trong chính sách đối ngoại và thúc đẩy hòa bình giữa các quốc gia.

Sau đây là thông điệp của Đức Thánh Cha.

___________________________


Gửi Ngài Donald J. Trump đáng kính

Tổng thống Hoa Kỳ

Nhà Trắng

Washington

Nhân dịp ngài nhậm chức Tổng thống thứ bốn mươi bảy của Hoa Kỳ, tôi xin gửi lời chào trân trọng và lời cầu nguyện của tôi lên Thiên Chúa Toàn năng xin Người ban cho ngài sự khôn ngoan, sức mạnh và sự chở che trong việc thực hiện các nhiệm vụ cao cả của mình. Được truyền cảm hứng từ những lý tưởng quốc gia của ngài là trở thành vùng đất của cơ hội và chào đón tất cả mọi người, tôi hy vọng rằng dưới sự lãnh đạo của ngài, người dân Mỹ sẽ thịnh vượng và luôn phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng hơn, nơi không có chỗ cho sự thù hận, phân biệt đối xử hoặc loại trừ. Đồng thời, khi gia đình nhân loại của chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thách thức, chưa kể đến tai họa của chiến tranh, tôi cũng cầu xin Chúa hướng dẫn những nỗ lực của ngài trong việc thúc đẩy hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc. Với những tình cảm này, nguyện xin Chúa tuôn đổ muôn phúc lành xuống trên ngài, trên gia đình ngài và người dân Mỹ thân yêu.

PHANXICÔ
________________________________________

Vấn đề nhập cư

Hôm qua, trong một chương trình truyền hình của Ý, Đức Thánh Cha đã công khai chỉ trích chương trình chính sách di cư của ông Donald Trump. Về kế hoạch của ông Trump bắt đầu trục xuất ngay khi ông lên nắm quyền, Đức Giáo hoàng nói: “Nếu đó là thật, thì nó sẽ là một điều đáng xấu hổ”.

Ngài nói, “Điều này sẽ làm cho những người bất hạnh đáng thương chẳng có gì trong tay phải trả giá cho sự mất cân bằng này”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô và ông Donald Trump đã gặp nhau tại Vatican vào tháng 5 năm 2017 trong nhiệm kỳ đầu tiên của vị tỷ phú này.

Khi được hỏi vào tháng 9 năm ngoái trong chiến dịch tranh cử tổng thống về tình thế khó xử của người Công giáo Mỹ trong cuộc bầu cử, Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận những khó khăn các cử tri đang phải đối mặt:

Ngài nói:

Phá thai là giết chết một con người. Cho dù bạn có thích nghe từ này hay không, thì đó là giết người. Giáo hội không phải là bảo thủ vì cấm phá thai; Giáo hội cấm phá thai vì nó là giết người. Đó là giết người; đó là giết người!

Và chúng ta cần phải rõ ràng về điều này: Việc tống khứ những người di cư đi, không cho họ phát triển, không cho họ có cuộc sống là điều sai, là sự tàn ác. Việc tống khứ một đứa trẻ ra khỏi bụng mẹ là giết người vì có sự sống. Và chúng ta phải nói rõ ràng về những điều này. “Không, nhưng tuy nhiên…” “Không, nhưng tuy nhiên.” Cả hai điều đều rõ ràng. Trẻ mồ côi, người ngoại kiều và góa phụ — đừng quên điều này.

Nhà báo hỏi thêm: Theo Đức Thánh Cha, liệu có trường hợp nào khi việc bỏ phiếu cho một ứng cử viên ủng hộ phá thai là được phép về mặt đạo đức không?

Trong đạo đức chính trị, người ta thường nói rằng không bỏ phiếu là xấu, không tốt. Người ta phải bỏ phiếu. Và người ta phải chọn bên ít ác hơn. Đâu là bên ít ác hơn? Quý bà kia hay quý ông kia? Tôi không biết; mỗi người phải suy nghĩ và quyết định theo lương tâm của mình.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/1/2025]


Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NGÀY 19.01.2025

KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NGÀY 19.01.2025

KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa nhật, 19 tháng Một, 2025

_________________________


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật tốt lành!

Tin Mừng phụng vụ hôm nay (Ga 2:1-11) kể cho chúng ta về dấu lạ đầu tiên của Chúa Giêsu, khi Người biến nước thành rượu trong một tiệc cưới ở Cana, thuộc miền Galilê. Đây là một trình thuật báo trước và tóm lược toàn bộ sứ mệnh của Chúa Giêsu: vào ngày Đấng Mêsia đến – như các ngôn sứ đã nói – Chúa sẽ chuẩn bị “một bữa tiệc gồm… rượu ngon” (Is 25:6) và “núi đồi sẽ ứa ra nước cốt nho” (Am 9:13); Chúa Giêsu là Tân Lang mang đến “rượu ngon”.

Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể tìm thấy hai điều: thiếu thốn và dư dật. Một mặt, xảy ra tình trạng thiếu rượu và Đức Maria nói với Con của Mẹ: “Họ hết rượu rồi” (câu 3); mặt khác, Chúa Giêsu can thiệp, đổ đầy sáu chum lớn và cuối cùng, rượu quá nhiều và tuyệt hảo đến nỗi người quản tiệc hỏi chú rể tại sao lại giữ rượu ngon đến phút cuối (câu 10). Vì vậy, dấu hiệu của chúng ta luôn là sự thiếu thốn, nhưng “dấu hiệu của Thiên Chúa là sự dư dật”, và sự dư dật ở Cana là dấu hiệu đó (x. Benedict XVI, Chúa Giêsu thành Nazareth, tập I, 294). Thiên Chúa đáp lại sự thiếu thốn của con người như thế nào? Bằng sự dư dật (x. Rm 5:20). Thiên Chúa không hề tính toán chi ly! Khi Người trao ban, Người ban cho thật nhiều. Người không ban cho bạn một chút ít, Người ban cho bạn rất nhiều. Chúa đáp lại những thiếu thốn của chúng ta bằng sự dư dật của Người.

Trong bữa tiệc của cuộc đời chúng ta – chúng ta có thể nói – có những lúc chúng ta nhận ra rằng rượu đã hết: rằng chúng ta thiếu sức mạnh và nhiều thứ khác. Điều đó xảy ra khi những lo lắng giày vò chúng ta, những nỗi sợ hãi tấn công chúng ta hoặc những thế lực áp đảo của sự dữ cướp đi của chúng ta hương vị cuộc sống, sự phấn khởi của niềm vui và hương vị của hy vọng. Hãy lưu ý: trước sự thiếu thốn này, khi Chúa ban tặng, Ngài ban cho một cách dồi dào. Có vẻ như là một sự mâu thuẫn: chúng ta càng thiếu thốn, thì sự dư dật của Chúa càng lớn. Bởi vì Chúa muốn ăn mừng với chúng ta, trong một bữa tiệc bất tận.

Vậy chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria. Xin Mẹ, là “người nữ của rượu mới” (x. A. Bello, Maria, donna dei nostri giorni), chuyển cầu cho chúng ta, và trong Năm Thánh này, giúp chúng ta tái khám phá niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu.

__________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Trong những ngày gần đây, lệnh ngừng bắn ở Gaza đã được công bố sẽ có hiệu lực vào hôm nay. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với tất cả những người làm trung gian. Làm trung gian để tạo ra hòa bình là một công việc thật tốt lành. Cảm ơn những người làm trung gian! Và tôi cũng cảm ơn tất cả các bên liên quan đến kết quả quan trọng này. Tôi hy vọng rằng những gì đã được thỏa thuận sẽ được các bên tôn trọng ngay lập tức, và tất cả các con tin cuối cùng có thể trở về nhà và ôm lấy những người thân yêu của họ. Tôi cầu nguyện rất nhiều cho họ và cho gia đình họ. Tôi cũng hy vọng rằng viện trợ nhân đạo sẽ đến được với người dân Gaza, những người đang rất cần nó, thậm chí là nhanh hơn nữa và với số lượng lớn hơn.

Cả người Israel và người Palestine đều cần những tín hiệu hy vọng rõ ràng: Tôi tin rằng các nhà hữu trách chính trị của cả hai bên, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, có thể đạt được giải pháp đúng đắn cho hai Nhà nước. Mong rằng mọi người có thể nói: Có với đối thoại, Có với hòa giải, Có với hòa bình. Và chúng ta hãy cầu nguyện cho việc này: cho đối thoại, hòa giải và hòa bình.

Vài ngày trước, một nhóm tù nhân đã được phóng thích khỏi nhà tù của Cuba. Đây là một cử chỉ của niềm hy vọng lớn lao thể hiện một trong những ý chỉ của năm Thánh này. Tôi hy vọng rằng trong những tháng tới, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện các sáng kiến ​​như vậy, tạo nên sự tin tưởng vào hành trình của con người và của các dân tộc.

Và cha gửi lời chào tất cả anh chị em người dân Rome, khách hành hương, các bạn trẻ Immacolata, các Nữ tu dòng Thánh Augustinô từ Ba Lan, nhóm tín hữu Guatemala với bức ảnh Señor de Esquipulas, và các sinh viên từ Trường “Pedro Mercedes” ở Cuenca và Trường “Juan Pablo II” ở Parla, Tây Ban Nha, và các sinh viên từ Trường Piggott của Wargrave, Anh. Cha chào các bạn trẻ và các nhà truyền giáo của Phong trào Operation Mato Grosso, các tín hữu của đơn vị mục vụ Guizza ở Padua, những người ở Malgrate, Civate và Lecco Alta, và những người ở Locorotondo; cũng như nhóm “Amici Speciali”, “Những người bạn đặc biệt”, của Este.

Trong những ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu này, chúng ta hãy liên lỷ cầu xin Thiên Chúa ban cho món quà quý giá là sự hiệp thông trọn vẹn giữa tất cả các môn đệ của Chúa. Và chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho Ukraine đang bị đau khổ, cho Palestine, Israel, Myanmar và tất cả những người dân đang phải chịu đau khổ vì chiến tranh.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành, và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/01/2025]


Đức Giáo Hoàng Phanxicô trải lòng trong quyển ‘tự truyện’ mới

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trải lòng trong quyển ‘tự truyện’ mới

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mở lòng trong quyển ‘tự truyện’ mới

John Touhey


I.Media

15/01/25


Trong những trích đoạn đầu tiên từ quyển sách phỏng vấn mới của Đức Giáo hoàng, ngài kể về tuổi thơ và lịch sử gia đình mình, tầm quan trọng của sự hài hước cùng nhiều nội dung khác.

“Tôi vẫn cảm nhận một tình yêu lớn lao và thẳm sâu như vậy” dành cho Argentina, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói trong quyển sách mới của ngài, Hope. Sách được viết theo phong cách tự truyện vừa được phát hành trên toàn thế giới bằng 16 ngôn ngữ (kể cả tiếng Anh). Đây là cuốn sách nổi bật trên “Big Winter Books” của Aleteia năm 2025.

Vài ngày trước, bốn tờ nhật báo của Ý (La Stampa, Avvenire, Il Messaggero và Il Giorno) đã đăng một loạt các trích đoạn từ cuốn sách mới, dựa trên các cuộc phỏng vấn của nhà báo Carlo Musso.

Trong nhiều chủ đề, Đức Giáo hoàng nói về lai lịch gia đình của ngài và cuộc di cư của cha mẹ ngài từ Ý đến Argentina vào cuối những năm 1920.


Những kinh nghiệm tuổi thơ

Ngài Jorge Mario Bergoglio tiết lộ một số câu chuyện bạo lực và đau thương trong thời trẻ của ngài ở Argentina. Một đó là vụ tự tử của một bạn học cũ trường kỹ thuật, “người thông minh và tài năng nhất trong chúng tôi”, đã bị bỏ tù sau khi bắn một người bạn hàng xóm.

Đối với vị giáo hoàng tương lai, những chuyến đến thăm người bạn đồng môn bị cầm tù này chính là “trải nghiệm thực tế đầu tiên của ngài về nhà tù”, một nơi mà ngài mô tả là khủng khiếp và đáng ngại. Về sau, trong đời sống tôn giáo và linh mục ngài đã dành sự quan tâm lớn cho các tù nhân, và sau đó là trong chức vụ giám mục và giáo hoàng.


Gặp nhà văn Jorge Luis Borges

Đức Giáo hoàng nhắc lại mối tương quan của ngài với nhà văn Jorge Luis Borges (1899-1989) người Argentina, người mà ngài đã chào đón cùng với các sinh viên của mình khi là giáo sư văn chương và tâm lý học tại Cao đẳng Santa Fe. Đức Phanxicô bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cây bút vĩ đại này, ông đã hoàn toàn mù lòa vào thời điểm đó và cố gắng rất nhiều về mặt thể chất để gặp gỡ các sinh viên.

Đức Giáo hoàng Phanxicô kể lại, “Ở tuổi sáu mươi sáu, ông đi xe ngựa từ Buenos Aires và đi suốt tám giờ, vào ban đêm, để đến Santa Fe. Một trong những lần đó chúng tôi đến muộn vì khi tôi đến đón ông ở khách sạn, ông hỏi tôi có thể giúp ông cạo râu không”.

Ngài mô tả nhà văn Borges là “một người theo thuyết bất khả tri, ông đọc Kinh Lạy Cha mỗi đêm vì đã hứa với mẹ ông sẽ làm như vậy, và ông đã chết sau khi lãnh nhận các phép cuối cùng”.


Tầm quan trọng của tính hài hước

Đức Giáo hoàng nhấn mạnh tầm quan trọng của tính hài hước, trích dẫn lời nhà văn người Pháp Romain Gary (1914-1980) định nghĩa sự hài hước là “sự khẳng định phẩm giá, lời tuyên bố về sự vượt trội của con người đối với tất cả những gì xảy đến với họ”.

Đức Phanxicô giải thích rằng gia đình ngài “đã trải qua không ít khó khăn, đau khổ, nước mắt, nhưng ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất, chúng tôi đã khám phá ra rằng một nụ cười, một tiếng cười có thể mang lại cho chúng tôi thêm sức mạnh để quay lại đúng hướng”.

Đức Giáo hoàng nhắc lại buổi tiếp kiến các nghệ sĩ hài vào mùa xuân năm ngoái với sự thích thú.

Ngài kể lại, “Một nghệ sĩ nói vui rằng thật tuyệt khi cố gắng làm Chúa bật cười … ngoại trừ việc, vì là Đấng toàn năng, Ngài sẽ biết trước tất cả những chuyện tiếu lâm … và sẽ làm hỏng câu đùa của bạn.”

Đức Phanxicô lưu ý rằng nhiều linh mục có khiếu hài hước, nhưng các giáo hoàng cũng vậy, ngài đặc biệt đề cập đến khiếu hài của những vị tiền nhiệm như Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II.


Những câu chuyện cười của Đức Giáo Hoàng Dòng Tên

Vị Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên cho biết ngài đặc biệt thích những câu chuyện cười về các tu sĩ Dòng Tên, chúng khiến ngài nhớ đến “những câu chuyện cười về lực lượng cảnh sát ở Ý, hay những bà mẹ Do Thái trong truyện cười Yiddish”.

Đức Phanxicô chia sẻ một ví dụ như sau:

…Tôi nhớ câu chuyện về một tu sĩ Dòng Tên hơi tự phụ nhưng bị bệnh tim và phải điều trị trong bệnh viện. Trước khi vào phòng mỗ, tu sĩ hỏi Chúa: “Chúa ơi, giờ của con đã đến chưa?”

Chúa trả lời, “Chưa, con sẽ sống ít nhất thêm bốn mươi năm nữa”. Sau lần giải phẫu, tu sĩ quyết định tận dụng tối đa thời gian và đi cấy tóc, căng da mặt, hút mỡ, lông mày, răng… tóm lại, ông đã trở thành một người khác. Ngay khi ra ngoài bệnh viện, vị tu sĩ bị một chiếc xe tông và chết. Khi đến trước mặt Chúa, tu sĩ phản đối: “Lạy Chúa, nhưng… Chúa đã nói với con rằng con sẽ sống thêm bốn mươi năm nữa!” Chúa trả lời, “Ồ, Ta xin lỗi! Ta không nhận ra con…”

Với khiếu tự trào rất dí dỏm, đức giáo hoàng cũng vui vẻ kể lại câu chuyện cười về “Đức Giáo hoàng Phanxicô ở Mỹ”. Trong câu chuyện này, ngài hạ cánh xuống New York trong chuyến tông du của mình và quyết định cầm lái chiếc xe limousine được cử đến đón ngài. Đang khi lái xe quá tốc độ, ngài bị cảnh sát truy đuổi và chặn lại, và câu chuyện có một bước ngoặt bất ngờ …

Đức Giáo hoàng cũng làm nổi bật tính đơn sơ của trẻ em, chúng “là những tấm gương về tính nhưng không, về lòng nhân, và nhắc nhở chúng ta rằng những ai từ bỏ lòng nhân của mình là từ bỏ tất cả, và khi chúng ta khó có thể khóc một cách nghiêm túc hay cười một cách thoải mái, thì lúc đó chúng ta thực sự đang đi xuống triền dốc”.


Gốc Argentina và thoát được một vụ đắm tàu

Đức Giáo hoàng quay lại với cội nguồn gốc gia đình ngài ở Argentina, gợi lại vụ đắm tàu ​​Mafalda mà ông bà và thân phụ của ngài được cho là đã lên tàu. Vụ đắm tàu “​Titanic của Ý” đã cướp đi sinh mạng của khoảng 300 đến 600 người, một con số khó xác định vì có rất nhiều người đi chui trên tàu.

Ông bà tôi và người con trai duy nhất của ông bà là Mario, người thanh niên sau này là cha tôi, đã mua vé cho chuyến hành trình vượt biển dài đó, lên tàu khởi hành từ cảng Genoa vào ngày 11 tháng 10 năm 1927, hướng đến Buenos Aires.

Nhưng họ đã không đi chuyến tàu đó (...).

Họ không thể bán tài sản kịp thời. Cuối cùng, gia đình Bergoglio miễn cưỡng phải đổi vé, để hoãn chuyến khởi hành đến Argentina.

Đó là lý do tại sao bây giờ tôi ở đây.

Bạn không thể tưởng tượng được đã bao nhiêu lần tôi cảm tạ Thiên Chúa Đấng Quan Phòng.


Một gia đình gắn bó chặt chẽ

Đức Phanxicô cũng nhớ lại sự chào đời của những người anh chị em của mình trong một gia đình gắn bó chặt chẽ. Ngài cũng nhớ lại sự hiện diện của một chú chó cưng đã ghi dấu tuổi thơ của mình: “Churrinche, một con chó nhỏ thuộc giống không xác định và không thể xác định được, mà chúng tôi đặt tên để vinh danh một sinh vật bốn chân bất kham khác từ Pampas thuộc về ông bà ngoại của chúng tôi.”

Đức Phanxicô mô tả Argentina là “một quốc gia trẻ trên một đồng bằng xa xôi và mênh mông, được tạo ra từ một trong những thuộc địa của vùng ngoại ô xa xôi nhất thuộc đế quốc Tây Ban Nha rộng lớn, mặc dù không có sức hấp dẫn lấp lánh của những kim loại quý. Một đất nước có lịch sử phức tạp, bi thảm và kỳ diệu được cô đọng lại chỉ trong hơn hai thế kỷ và một số ít thế hệ. Quê hương của tôi, nơi tôi vẫn cảm thấy vĩ đại, sâu sắc như vậy. Những người mà tôi cầu nguyện mỗi ngày, những người đã đào tạo tôi, những người đã rèn luyện và sau đó giới thiệu tôi cho những người khác,” Đức Giáo hoàng Phanxicô nói thêm.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/01/2025]


Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Tiếp kiến ​​Đoàn ngoại giao Chính thức tại Tòa thánh Chúc mừng Năm mới, ngày 09.01.2025

Tiếp kiến ​​Đoàn ngoại giao Chính thức tại Tòa thánh Chúc mừng Năm mới, ngày 09.01.2025

Tiếp kiến ​​Đoàn ngoại giao Chính thức tại Tòa Thánh Chúc mừng Năm mới, ngày 09.01.2025

*******

Lúc 10:00 sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp các thành viên của đoàn Ngoại giao chính thức tại Tòa thánh trong Khán phòng Blessings của Điện Tông tòa nhân buổi họp mặt chúc mừng năm mới.

Sau đôi lời giới thiệu của Trưởng đoàn Ngoại giao đoàn, Ngài Georges Poulides, đại sứ của Síp tại Tòa thánh, và sau lời chào mừng của Đức Thánh Cha, Đức ông Filippo Ciampanelli, phó thư ký Bộ các Giáo hội Đông phương, đọc bài diễn từ sau đây của Đức Thánh Cha Phanxicô soạn:

__________________________________________


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa quý ngài, thưa quý ông và quý bà,

Sáng nay, chúng ta đến để tham dự một buổi gặp gỡ, ngoài đặc tính thuộc về thể chế, trên hết là tìm cách để trở thành một sự kiện gia đình: một khoảnh khắc tượng trưng khi gia đình các dân tộc họp mặt, ​​thông qua sự hiện diện của quý vị, để trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp của tình anh em, để bỏ lại sau lưng những tranh chấp chia rẽ chúng ta và thay vào đó là tìm kiếm điều để đoàn kết chúng ta. Đầu năm nay, một năm đặc biệt có ý nghĩa đối với Giáo hội Công giáo, việc chúng ta đến với nhau mang tính biểu tượng riêng. Vì Năm Thánh nhằm giúp chúng ta thoát khỏi nhịp sống ngày càng quay cuồng của cuộc sống thường nhật để trở nên tươi mới và được nuôi dưỡng bởi những gì thực sự quan trọng. Nói một cách ngắn gọn, để tái khám phá lại chính mình, với tư cách là những người con của Thiên Chúa và là anh chị em trong Người, để tha thứ cho những xúc phạm, để hỗ trợ những người yếu đuối và nghèo khổ xung quanh chúng ta, để mang lại sự nghỉ ngơi và nhẹ nhàng cho trái đất, để thực hành công lý và khôi phục lại niềm hy vọng. Đây là lời hiệu triệu gửi đến tất cả những ai phục vụ ích chung và thực hiện đức ái cao cả – có lẽ là hình thức bác ái cao nhất – đó là chính trị.

Trong tinh thần này, tôi xin gửi đến quý vị lời chào nồng hậu. Trước hết, tôi xin cảm ơn Ngài Đại sứ George Poulides, Trưởng đoàn Ngoại giao, vì những lời tốt đẹp truyền đạt tình cảm chung của quý vị. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả quý vị, về tình cảm và sự tôn trọng mà dân tộc và chính phủ quý vị đại diện dành cho Tòa thánh. Điều này được thể hiện qua các chuyến thăm của hơn ba mươi Nguyên thủ quốc gia hoặc Chính phủ mà tôi rất vui mừng được tiếp đón tại Vatican vào năm 2024, cũng như việc ký kết Nghị định thư bổ sung thứ hai cho Hiệp định giữa Tòa thánh và Burkina Faso về tình trạng pháp lý của Giáo hội Công giáo tại Burkina Faso và Hiệp định giữa Tòa thánh và Cộng hòa Séc về một số vấn đề pháp lý, được ký kết trong suốt năm qua. Tiếp theo, vào tháng 10 năm ngoái, Thỏa thuận tạm thời giữa Tòa thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa liên quan đến việc bổ nhiệm các Giám mục đã được gia hạn thêm bốn năm, một tín hiệu cho thấy mong muốn tiếp tục cuộc đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng vì lợi ích của Giáo hội Công giáo trong đất nước Trung Quốc và của toàn thể người dân.

Về phần mình, tôi đã đáp lại tình cảm này qua các Chuyến tông du gần đây đưa tôi đến những vùng đất xa xôi như Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore, cũng như đến những quốc gia gần hơn như Bỉ và Luxembourg và gần đây nhất là Corsica. Mặc dù rõ ràng đây là những điểm đến rất khác nhau, nhưng mỗi chuyến đi đều là cơ hội để tôi gặp gỡ và tham gia đối thoại với những dân tộc, những nền văn hóa và truyền thống tôn giáo khác nhau, và mang đến những lời động viên và an ủi, đặc biệt là cho những người đang cần nhất. Thêm vào các chuyến đi này là ba chuyến viếng thăm tôi đã thực hiện đến Verona, VeniceTrieste trong nước Ý này.

Nhân dịp đầu năm Thánh, tôi xin gửi lời cảm ơn cách đặc biệt đến các nhà chức trách quốc gia và địa phương của nước Ý, vì các sự cố gắng đã bỏ ra để chuẩn bị cho Rome mừng Năm Thánh. Công việc ráo riết trong những tháng vừa qua, chắc chắn đã gây ra không ít những bất tiện, giờ đây được đền đáp bằng việc cải thiện một số dịch vụ và không gian công cộng, để mọi người, công dân, khách hành hương và du khách, có thể tận hưởng nhiều hơn vẻ đẹp của Thành phố Vĩnh cửu. Tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến người dân Rome, nổi tiếng với lòng hiếu khách, vì sự kiên nhẫn mà họ đã thể hiện trong những tháng gần đây, đồng thời là sự hiếu khách mà họ sẽ thể hiện khi chào đón nhiều du khách đến đây trong năm nay. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến lực lượng cảnh sát, các cơ quan bảo vệ dân sự và chăm sóc sức khỏe, và tất cả những người tình nguyện đang nỗ lực hết mình mỗi ngày để đảm bảo an ninh và một Năm Thánh bình yên.

Thưa các vị Đại sứ,

Trong lời của tiên tri Isaia mà Chúa Giêsu đã đọc trong hội đường ở Nadarét khi Ngài bắt đầu đời sống công khai, như chúng ta đọc trong Tin mừng theo Thánh Luca (4:16-21), chúng ta tìm thấy hình ảnh thu nhỏ không riêng của mầu nhiệm Giáng sinh mà chúng ta vừa cử hành, mà còn là của Năm Thánh hiện tại. Đức Kitô đến để “loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân; công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Is 61:1-2a).

Thật đáng buồn, chúng ta khởi đầu năm mới này khi thế giới chứng kiến ​​cảnh chia rẽ bởi nhiều cuộc xung đột lớn nhỏ, được biết đến nhiều hoặc ít, và cả với sự tái diễn của các hành động khủng bố tàn bạo, chẳng hạn như những hành động vừa xảy ra ở Magdeburg, Đức và New Orleans, Hoa Kỳ.

Chúng ta cũng thấy những căng thẳng xã hội và chính trị ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia. Chúng ta nhìn thấy các xã hội ngày càng phân cực, được ghi dấu bằng cảm giác chung là nỗi sợ hãi và ngờ vực người khác và hoài nghi về tương lai, điều này trở nên trầm trọng hơn do những tin giả liên tục được tạo ra và lan truyền, không những bóp méo sự thật mà còn cả nhận thức. Hiện tượng này tạo ra những hình ảnh sai lệch về thực tại, một bầu không khí nghi ngờ kích động lòng căm thù, làm suy yếu cảm giác an toàn của mọi người và gây tổn hại đến sự chung sống của người dân và sự ổn định của tất cả các quốc gia. Những ví dụ bi thảm cho vấn đề này là các vụ tấn công vào ngài Chủ tịch Chính phủ Cộng hòa Slovakia và Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ.

Bầu không khí bất ổn này dẫn đến việc dựng lên những hàng rào mới và vẽ ra những đường biên giới mới, trong khi các hàng rào khác vẫn tồn tại vững chắc, chẳng hạn như hàng rào chia cắt đảo Síp trong hơn năm mươi năm và hàng rào chia đôi bán đảo Triều Tiên trong hơn bảy mươi năm, chia cách các gia đình và chia cắt nhà cửa và thành phố. Những đường biên giới mới này được cho là ranh giới phân định bản sắc, qua đó sự đa dạng trở thành lý do để hoài nghi, ngờ vực và sợ hãi: “Bất cứ điều gì đến từ bên kia đều không đáng tin cậy, vì nó là thứ xa lạ, không quen thuộc, không phải là một phần của làng ... Kết quả là, những bức tường mới được dựng lên để tự bảo vệ, thế giới bên ngoài không còn tồn tại và chỉ còn lại thế giới ‘của tôi’, đến mức những người khác không còn được coi là con người có phẩm giá bất khả xâm phạm mà chỉ là ‘họ’.” [1] Thật trớ trêu, từ “biên giới” (“giới hạn”) không có nghĩa là một nơi chia cắt, nhưng là nơi hợp nhất, (cum-finis), nơi người ta có thể gặp gỡ người khác, tìm hiểu về họ và đối thoại với họ.

Niềm hy vọng của tôi trong năm mới này là Năm Thánh có thể tượng trưng cho tất cả mọi người, Kitô hữu cũng như không phải Kitô hữu, một cơ hội để suy nghĩ lại về các mối tương quan ràng buộc chúng ta với nhau như những con người và cộng đồng chính trị. Nhưng cũng để vượt qua luận lý đối đầu và thay vào đó bằng luận lý gặp gỡ; để tương lai không thấy chúng ta trôi dạt cách vô vọng, nhưng tiến về phía trước như những người lữ khách của hy vọng, những cá nhân và cộng đồng di chuyển, cam kết xây dựng một tương lai hòa bình.

Hơn nữa, trước mối đe dọa ngày càng cụ thể của một cuộc chiến tranh thế giới, sứ mệnh của ngoại giao là thúc đẩy đối thoại với tất cả các bên, gồm cả những bên đối thoại được coi là ít “thuận tiện” hơn hoặc không được coi là hợp pháp để đàm phán. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể phá vỡ xiềng xích của lòng hận thù và sự trả thù đang trói buộc và làm giảm sức mạnh bùng phát của lòng ích kỷ, lòng kiêu hãnh và sự ngạo mạn của con người, chúng là gốc rễ của mọi quyết tâm tiến hành chiến tranh hủy diệt.

Thưa quý ngài,

Dựa trên những cân nhắc ngắn gọn ở trên, sáng nay tôi muốn cùng quý vị vạch ra một số đặc điểm của nền ngoại giao hy vọng, bắt nguồn từ những lời của tiên tri Isaia, mà tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành sứ giả, để những đám mây đen của chiến tranh có thể bị quét sạch bởi các luồng gió mới của hòa bình. Nói chung, tôi muốn nhấn mạnh một số trách nhiệm mà mọi nhà lãnh đạo chính trị nên ghi nhớ khi thực hiện trách nhiệm của mình, những trách nhiệm này phải hướng tới việc theo đuổi ích chung và sự phát triển toàn diện của con người.

Mang tin vui đến cho những người bị áp bức

Trong mọi lúc và mọi nơi, con người luôn bị cuốn hút bởi ý nghĩ cho rằng tự bản thân họ có đủ khả năng và là kiến ​​trúc sư cho số phận của chính họ. Bất cứ khi nào chúng ta để cho mình bị chi phối bởi tính tự phụ như vậy, chúng ta ngay lập tức thấy mình bị các biến cố và hoàn cảnh bên ngoài buộc phải nhận biết rằng chúng ta mong manh và bất lực, nghèo nàn và thiếu thốn, phải chịu nghịch cảnh về tinh thần và vật chất. Nói cách ngắn gọn, chúng ta khám phá ra nỗi khốn khổ của mình và cần một ai đó để cứu chúng ta thoát khỏi tình cảnh đó.

Thật khốn khổ cho thời đại chúng ta. Hơn bao giờ hết, nhân loại đã nếm trải sự tiến bộ, phát triển và giàu có, nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng ta lại thấy mình cô đơn và lạc lõng đến thế, thậm chí đôi khi còn thích nuôi thú cưng hơn con cái. Một nhu cầu cấp bách hiện có là được nghe tin vui. Một tin vui mà theo quan điểm của Kitô giáo được Thiên Chúa trao ban cho chúng ta vào đêm Giáng sinh! Do đó, mọi người – ngay cả những người không phải là tín hữu – đều có thể trở thành người mang thông điệp hy vọng và sự thật.

Vì vậy, con người được phú bẩm một lòng khát khao chân lý từ bẩm sinh. Đó là một khía cạnh căn bản về tình trạng con người của chúng ta, vì mỗi người đều mang trong thẳm sâu mình một lòng khát khao chân lý khách quan và mong muốn vô bờ đối với kiến ​​thức. Cho dù điều này luôn đúng, nhưng trong thời đại của chúng ta, việc phủ nhận những chân lý hiển nhiên dường như đã chiếm ưu thế. Một số người không tin vào luận chứng lý tính, tin rằng đó là công cụ trong tay của một thế lực vô hình nào đó, trong khi những người khác tin rằng họ chắc chắn nắm giữ một chân lý do chính họ tạo ra, và vì vậy miễn thảo luận và đối thoại với những người có suy nghĩ khác. Những người khác có khuynh hướng phát minh ra “chân lý” của riêng họ, bất chấp tính khách quan của thực tế. Những xu hướng này có thể được thổi phồng bởi các phương tiện truyền thông hiện đại và trí tuệ nhân tạo; chúng có thể bị lạm dụng để thao túng tâm trí vì mục đích kinh tế, chính trị và ý thức hệ.

Sự tiến bộ khoa học hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, đã mang lại những lợi ích hiển nhiên cho nhân loại. Nó cho phép chúng ta đơn giản hóa nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, giữ liên lạc với những người thân yêu ngay cả khi họ cách xa về mặt vật lý, luôn cập nhật thông tin và tăng thêm kiến ​​thức của chúng ta. Nhưng đồng thời, không thể bị bỏ qua những hạn chế và nguy hiểm của nó, vì nó thường góp phần gây ra sự phân cực, thu hẹp quan điểm trí tuệ, đơn giản hóa thực tế, lạm dụng, lo lắng, và thật trớ trêu, đó là tình trạng cô lập, đặc biệt là do sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và trò chơi trực tuyến.

Sự phát triển trí tuệ nhân tạo làm dấy lên mối quan ngại rộng hơn về quyền sở hữu trí tuệ, an ninh việc làm của hàng triệu người, nhu cầu tôn trọng quyền riêng tư và bảo vệ môi trường khỏi rác thải điện tử. Hầu như không có góc nào trên thế giới của chúng ta không bị ảnh hưởng bởi sự chuyển đổi văn hóa rộng lớn do những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ mang lại, sự liên kết với lợi ích thương mại ngày càng rõ ràng, tạo ra một văn hóa xuất phát từ chủ nghĩa tiêu dùng.

Sự mất cân bằng này đe dọa phá vỡ trật tự các giá trị vốn có trong việc tạo ra những mối quan hệ, giáo dục và truyền tải các chuẩn mực xã hội, trong khi cha mẹ, họ hàng thân thiết và các nhà giáo dục vẫn phải là những kênh chính để truyền tải văn hóa, vì mục đích này, các chính phủ nên giới hạn hỗ trợ chúng trong những trách nhiệm giáo dục. Ở đây chúng ta thấy tầm quan trọng của giáo dục hiểu biết truyền thông, nhằm mục đích cung cấp các công cụ vô cùng cần thiết để thúc đẩy các kỹ năng tư duy phản biện, trang bị cho lớp người trẻ tuổi những phương tiện cần thiết cho sự phát triển cá nhân và sự tham gia tích cực của họ vào tương lai của xã hội.

Do đó, ngoại giao hy vọng trước hết là ngoại giao sự thật. Nếu thiếu đi mối liên hệ giữa thực tế, sự thật và kiến ​​thức, con người sẽ không còn khả năng nói và hiểu nhau nữa, vì đang thiếu nền tảng của một ngôn ngữ chung, được neo giữ trong thực tế của mọi sự và từ đó có thể hiểu được trên toàn thế giới. Mục đích của ngôn ngữ là giao tiếp, chỉ thành công khi các từ ngữ chính xác và ý nghĩa của các thuật ngữ được chấp nhận. Trình thuật trong Kinh thánh về Tháp Babel cho thấy điều gì xảy ra khi mọi người chỉ nói bằng ngôn ngữ “của riêng mình”.

Do đó, giao tiếp, đối thoại và cam kết vì ích chung đòi hỏi phải có thiện chí vững chắc và tuân thủ một ngôn ngữ chung. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực ngoại giao, nhất là trong những bối cảnh đa phương. Tác động và thành công của bất kỳ tuyên bố, tuyên ngôn, nghị quyết và nói chung là các văn bản đàm phán đều phụ thuộc vào điều này. Một thực tế đã được chứng minh là chủ nghĩa đa phương chỉ vững mạnh và hiệu quả khi tập trung vào những vấn đề đang được thảo luận và sử dụng ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng và được thống nhất.

Do đó, nỗ lực thao túng các văn bản đa phương – bằng cách thay đổi ý nghĩa của các thuật ngữ hoặc đơn phương diễn giải lại nội dung của các hiệp ước nhân quyền – nhằm thúc đẩy các hệ tư tưởng gây chia rẽ, chà đạp lên các giá trị và niềm tin của các dân tộc là đặc biệt đáng lo ngại. Nó đại diện cho một hình thức thực dân hóa hệ tư tưởng, cố gắng nhổ tận gốc các truyền thống, lịch sử và những mối ràng buộc tôn giáo của các dân tộc, dựa theo các chương trình hành động được lên kế hoạch cẩn thận. Đây là một tâm thức mở ra cánh cửa cho “văn hóa loại bỏ”, bằng cách gạt lại đằng sau những gì được coi là “những trang đen tối của lịch sử”. Nó không khoan dung cho bất kỳ sự khác biệt nào và tập trung vào quyền cá nhân, gây tổn hại đến nghĩa vụ đối với tha nhân, đặc biệt là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất. [2] Vấn đề này không thể chấp nhận được, ví dụ, khi nói về điều được gọi là “quyền phá thai” là nghịch lại với các quyền con người, đặc biệt là quyền được sống. Mọi sự sống phải được bảo vệ tại mọi thời điểm, từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên, bởi vì không có đứa trẻ nào là sai lầm hoặc là điều sai trái khi sinh ra, cũng như không có người già hoặc người bệnh nào có thể bị tước mất hy vọng và bị bỏ rơi.

Cách tiếp cận này đặc biệt có liên quan trong bối cảnh của các cơ quan đa phương khác nhau. Tôi đặc biệt nghĩ đến Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu, trong đó Tòa thánh là thành viên sáng lập, đã tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán dẫn đến Tuyên ngôn Helsinki năm 1975 cách đây nửa thế kỷ. Việc khôi phục lại “tinh thần Helsinki” là cấp thiết hơn bao giờ hết, qua đó những quốc gia đối lập, được coi là “kẻ thù”, đã thành công trong việc tạo ra một không gian gặp gỡ và không từ bỏ đối thoại như một phương tiện để giải quyết các xung đột.

Tuy nhiên, các thể chế đa phương, phần lớn ra đời vào cuối Đệ Nhị Thế chiến cách đây khoảng tám mươi năm, dường như không còn khả năng bảo đảm hòa bình và ổn định, hoặc tiếp tục cuộc chiến chống đói nghèo và thúc đẩy sự phát triển, là những lý do mà các tổ chức này được tạo ra. Dường như các tổ chức cũng không có khả năng phản ứng theo cách hiệu quả thực sự đối với những thách thức mới của thế kỷ 21 này, chẳng hạn như các vấn đề về môi trường, sức khỏe cộng đồng, văn hóa và xã hội, chưa kể đến những thách thức do trí tuệ nhân tạo đặt ra. Trong đó nhiều tổ chức cần phải được cải cách, lưu ý rằng bất kỳ sự cải cách nào cũng cần dựa trên những nguyên tắc bổ trợ và đoàn kết, và tôn trọng chủ quyền bình đẳng của các quốc gia. Đáng tiếc là có nguy cơ tồn tại một “đơn thể luận” và sự phân mảnh thành các câu lạc bộ đồng chí chỉ cho phép những người có cùng suy nghĩ tham gia.

Tuy nhiên, đã có và vẫn đang có những dấu hiệu đáng khích lệ ở bất cứ nơi nào có thiện chí muốn xích lại gần nhau. Tôi nghĩ đến Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị giữa Chile và Argentina, được ký kết tại Thành phố Vatican vào ngày 29 tháng 11 năm 1984, với sự trung gian của Tòa thánh và thiện chí của các Bên, đã chấm dứt tranh chấp Kênh đào Beagle. Theo cách này, nó cho thấy rằng hòa bình và hữu nghị là có thể khi hai thành viên của cộng đồng quốc tế từ bỏ việc sử dụng vũ lực và long trọng cam kết tôn trọng mọi quy tắc của luật pháp quốc tế và thúc đẩy hợp tác song phương. Gần đây hơn, tôi nghĩ đến những dấu hiệu tích cực của việc nối lại các đàm phán để quay trở lại khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân Iran, với mục đích bảo đảm một thế giới an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Băng bó những trái tim tan vỡ

Ngoại giao hy vọng cũng là ngoại giao tha thứ, có khả năng hàn gắn các mối quan hệ bị chia cắt bởi hận thù và bạo lực trong thời điểm có quá nhiều những cuộc xung đột công khai hoặc tiềm ẩn, và từ đó chăm sóc những trái tim tan vỡ của không biết bao nhiêu nạn nhân. Mong muốn của tôi cho năm 2025 là toàn thể cộng đồng quốc tế sẽ nỗ lực hết mình để chấm dứt cuộc xung đột đã gây ra quá nhiều máu đổ trong gần ba năm qua tại Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, trong đó có nhiều dân thường. Một số dấu hiệu đáng khích lệ đã xuất hiện ở phía chân trời, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để tạo điều kiện cho một nền hòa bình công bằng và dài lâu, cũng như chữa lành những vết thương do cuộc xâm lược gây ra.

Cũng vậy, tôi lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn và trả tự do cho các con tin Israel ở Gaza, nơi hiện đang trong tình trạng nhân đạo rất nghiêm trọng và đáng xấu hổ, và tôi yêu cầu để người dân Palestine được nhận mọi sự hỗ trợ cần thiết. Tôi hy vọng rằng người Israel và người Palestine có thể xây dựng lại những cây cầu đối thoại và tin tưởng lẫn nhau, bắt đầu từ những cây cầu nhỏ nhất, để các thế hệ tương lai có thể sống bên nhau trong hai Nhà nước, trong hòa bình và an ninh, và hy vọng rằng Giêrusalem có thể trở thành “thành phố cho sự gặp gỡ”, nơi những người Kitô giáo, Do Thái và Hồi giáo chung sống hòa hợp và tôn trọng. Vào tháng 6 năm ngoái, trong khu vườn Vatican, chúng ta đã kỷ niệm 10 năm Lời kêu gọi Hòa bình tại Đất Thánh, vào ngày 8 tháng 6 năm 2014, có sự hiện diện của Tổng thống Nhà nước Israel lúc bấy giờ là ông Shimon Peres, và Tổng thống Nhà nước Palestine, Mahmoud Abbas, cùng với Đức Thượng phụ Bartholomew I. Cuộc gặp gỡ đó đã chứng minh rằng đối thoại luôn có thể thực hiện được và chúng ta không thể đầu hàng trước ý tưởng rằng sự thù địch và hận thù giữa các dân tộc sẽ chiếm ưu thế.

Đồng thời, cũng cần phải chỉ thẳng ra rằng chiến tranh được thúc đẩy bởi sự gia tăng liên tục các loại vũ khí hủy diệt ngày càng tinh vi hơn. Sáng nay, tôi nhắc lại lời kêu gọi rằng “với số tiền chi cho vũ khí và các chi phí quân sự khác, chúng ta hãy thành lập một quỹ toàn cầu để có thể chấm dứt nạn đói và thúc đẩy phát triển ở các quốc gia nghèo đói nhất, để công dân của họ sẽ không phải dùng đến các giải pháp bạo lực hoặc ảo tưởng, hoặc phải rời bỏ đất nước của họ để tìm kiếm một cuộc sống đúng phẩm giá hơn”. [3]

Chiến tranh luôn là một thất bại! Sự dính líu đến người dân thường, đặc biệt là trẻ em, và việc phá hủy cơ sở hạ tầng không chỉ là một thảm họa, mà về cơ bản có nghĩa là giữa hai bên chỉ có cái ác mới là kẻ chiến thắng. Chúng ta hoàn toàn không thể chấp nhận việc ném bom xuống đầu thường dân hoặc tấn công vào các cơ sở hạ tầng cần thiết cho sự sống còn của họ. Chúng ta không thể chấp nhận rằng trẻ em bị chết cóng vì các bệnh viện đã bị phá hủy hoặc mạng lưới năng lượng của một quốc gia đã bị tấn công.

Toàn thể cộng đồng quốc tế dường như đều đồng ý về tính cần thiết đối với việc tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, nhưng sự thất bại trong việc thực hiện trọn vẹn và cụ thể luật đó đặt ra nhiều câu hỏi. Nếu chúng ta quên đi nền tảng cuộc sống của chúng ta, tính thiêng liêng của sự sống, là những nguyên tắc làm thế giới chuyển động, thì làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng quyền này được tôn trọng một cách hiệu quả?

Chúng ta cần khôi phục lại những giá trị này và thể hiện chúng trong các nguyên tắc của lương tâm đại chúng, để nguyên tắc nhân đạo thực sự trở thành nền tảng cho hoạt động của chúng ta. Do đó, tôi tin rằng Năm Thánh này sẽ là thời gian thuận lợi để cộng đồng quốc tế có những bước đi tích cực nhằm bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người không bị hy sinh cho nhu cầu quân sự.

Trên cơ sở này, tôi yêu cầu rằng những nỗ lực được thực hiện nhằm tiếp tục bảo đảm rằng việc coi thường luật nhân đạo quốc tế không còn là một tùy chọn nữa. Cũng cần phải có nhiều cố gắng hơn nữa để chắc chắn rằng những vấn đề được thảo luận tại Hội nghị Hồng Thập tự và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế lần thứ 34 diễn ra vào tháng 10 năm ngoái tại Geneva sẽ được thực hiện. Lễ Kỷ niệm 75 năm Công ước Geneva vừa được tổ chức, và đó vẫn là một mệnh lệnh phải thực hiện các chuẩn mực và nguyên tắc đặt nền tảng cho các Công ước này trong rất nhiều vùng chiến sự mở.

Trong số đó, tôi nghĩ đến nhiều cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn ở lục địa châu Phi, đặc biệt là ở Sudan, Sahel, Sừng châu Phi, Mozambique, nơi đang diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, và ở các vùng phía đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi người dân phải chịu cảnh thiếu thốn về y tế và nhân đạo nghiêm trọng, có những lúc trở nên trầm trọng hơn bởi nạn khủng bố, dẫn đến sự mất mát về nhân mạng và hàng triệu người phải di tản. Ngoài ra, chúng ta có thể thêm vào đó là những tác động tàn phá của lũ lụt và hạn hán, làm trầm trọng thêm tình trạng vốn đã bấp bênh ở nhiều nơi khác nhau của châu Phi.

Tuy nhiên, viễn cảnh về một nền ngoại giao tha thứ không chỉ có nghĩa là chữa lành các cuộc xung đột quốc tế hay trong khu vực. Nó làm cho mọi người có trách nhiệm trở thành một nghệ nhân của hòa bình, để xây dựng những xã hội thực sự hòa bình, trong đó những khác biệt về chính trị, xã hội, văn hóa, sắc tộc và tôn giáo hợp pháp góp phần tạo nên một gia sản chứ không phải là khởi nguồn của hận thù và chia rẽ.

Tôi đặc biệt nghĩ đến Myanmar, nơi người dân phải chịu đựng rất nhiều đau khổ vì các cuộc đụng độ vũ trang triền miên khiến họ phải rời bỏ nhà cửa và sống trong nỗi hãi hùng.

Cũng thật đau khổ khi thấy rằng vẫn còn nhiều tình huống xung đột chính trị và xã hội gay gắt, đặc biệt là ở châu Mỹ. Tôi nghĩ đến Haiti, nơi tôi tin rằng cần phải thực hiện các bước cần thiết để tái lập trật tự dân chủ và chấm dứt bạo lực càng sớm càng tốt. Tôi cũng nghĩ đến Venezuela và cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng mà đất nước này đang trải qua, cuộc khủng hoảng này chỉ có thể được khắc phục bằng sự tuân thủ nghiêm túc các giá trị của sự thật, công lý và tự do, bằng sự tôn trọng sự sống, phẩm giá và quyền của mọi người, bao gồm cả những người bị bắt do các biến cố trong những tháng gần đây, bằng sự từ chối mọi hình thức bạo lực và chúng ta hy vọng, bằng việc bắt đầu các cuộc đàm phán một cách thiện chí và hướng đến lợi ích chung của đất nước. Tương tự như vậy, tôi nghĩ đến Bolivia, nơi đang trải qua tình hình chính trị, xã hội và kinh tế đáng lo ngại, và Colombia, nơi tôi tin rằng với sự giúp đỡ của mọi người, có thể chấm dứt nhiều cuộc xung đột từ lâu đã xé nát đất nước. Cuối cùng, tôi nghĩ đến Nicaragua, nơi Tòa thánh luôn rộng mở cho việc đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng, luôn quan tâm theo dõi các biện pháp được áp dụng đối với các cá nhân và tổ chức của Giáo hội và yêu cầu quyền tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác phải được đảm bảo trọn vẹn cho tất cả mọi người.

Cuối cùng, không thể có hòa bình thực sự nếu không có sự bảo đảm quyền tự do tôn giáo, trong đó có sự tôn trọng lương tâm của các cá nhân và quyền công khai thể hiện niềm tin và tư cách thành viên của một người trong một cộng đồng. Về vấn đề này, những thái độ thể hiện chủ nghĩa bài Do Thái ngày càng gia tăng, mà tôi cực lực lên án và ảnh hưởng ngày càng nhiều đến các cộng đồng Do Thái trên khắp thế giới, là mối quan ngại sâu sắc.

Tôi cũng không thể im lặng về nhiều cuộc đàn áp chống lại các cộng đồng Kitô giáo khác nhau, thường do những nhóm khủng bố thực hiện, đặc biệt là ở Châu Phi và Châu Á. Cũng không thể im lặng về những hình thức hạn chế tự do tôn giáo “kín đáo” hơn được tìm thấy ở Châu Âu, nơi các chuẩn mực pháp lý và thông lệ hành chính đang gia tăng, “hạn chế hoặc thực tế là hủy bỏ các quyền được Hiến pháp chính thức công nhận đối với cá nhân các tín đồ và các nhóm tôn giáo”. [4] Về vấn đề này, tôi xin nhắc lại rằng tự do tôn giáo tạo nên sự “thành tựu của một nền văn hóa chính trị và pháp lý lành mạnh”, [5] bởi vì khi nó “được thừa nhận, phẩm giá của con người được tôn trọng từ căn nguyên, và bản sắc và thể chế của các dân tộc được vững mạnh”. [6]

Người Kitô giáo có khả năng và mong muốn đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng xã hội nơi họ sinh sống. Ngay cả khi họ không phải là nhóm đa số trong xã hội, họ vẫn là công dân theo đúng nghĩa của mình, đặc biệt là ở những vùng đất mà họ đã sinh sống từ lâu đời. Tôi đặc biệt nói về Syria, sau nhiều năm chiến tranh và tàn phá, dường như đang đi theo con đường ổn định. Tôi hy vọng rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, sự thống nhất của người dân Syria và các cải cách hiến pháp cần thiết sẽ không bị bất kỳ ai xâm phạm, và cộng đồng quốc tế sẽ giúp Syria trở thành vùng đất chung sống hòa bình, nơi tất cả người Syria, gồm cả cộng đồng người Kitô giáo, thấy mình là người công dân trọn vẹn và chia sẻ lợi ích chung của quốc gia yêu dấu đó.

Tôi cũng nghĩ đến đất nước Li Băng thân yêu, và bày tỏ hy vọng rằng đất nước này, với sự giúp đỡ nhiệt tình của cộng đồng Kitô giáo, có thể có được sự ổn định về mặt thể chế nhằm giải quyết tình hình kinh tế và xã hội nghiêm trọng, để xây dựng lại miền Nam đất nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, và thực hiện đầy đủ Hiến pháp và Hiệp định Taif. Ước mong toàn thể người dân Li Băng sẽ làm việc để bảo đảm rằng đất nước của những cây tuyết tùng vĩ đại không bao giờ bị biến dạng bởi sự chia rẽ, mà thay vào đó thể hiện “sự chung sống”. Ước mong Li Băng vẫn là một đất nước và là một thông điệp của sự chung sống và hòa bình.

Công bố tự do cho những người bị giam cầm

Hai ngàn năm của Kitô giáo đã giúp xóa bỏ chế độ nô lệ khỏi mọi hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, nhiều hình thức nô lệ vẫn tồn tại, bắt đầu từ hình thức nô lệ ít được thừa nhận nhưng được áp dụng cách rộng rãi liên quan đến lao động. Quá nhiều người sống như nô lệ cho công việc của họ, từ một phương tiện trở thành mục đích, và thường bị bó chặt vào các điều kiện làm việc vô nhân đạo về mặt an toàn, giờ làm việc và tiền lương. Cần phải nỗ lực để tạo ra các điều kiện làm việc có phẩm giá, để công việc không trở thành rào cản đối với sự hoàn thiện và phát triển của con người, vì bản thân nó là cao quý và cao cả. Đồng thời, cần phải bảo đảm chắc chắn có các cơ hội việc làm thật sự, nhất là khi tình trạng thất nghiệp lan rộng khuyến khích làm việc không khai báo và đó là tội phạm.

Tiếp đến là tình trạng nô lệ kinh khủng cho ma túy, đặc biệt ảnh hưởng đến những người trẻ. Không thể chấp nhận được khi nhìn thấy số lượng những người, những gia đình và quốc gia bị hủy hoại bởi tệ nạn này, mà nó dường như đang gia tăng, nhất là sự xuất hiện của các loại ma túy tổng hợp giết người, được bán rộng rãi do hiện tượng buôn bán ma túy vô cùng tàn ác.

Giữa những hình thức nô lệ khác nhau trong thời đại của chúng ta, một hình thức nô lệ kinh khủng nhất là nạn buôn người do những kẻ vô đạo đức lợi dụng nhu cầu của hàng ngàn người chạy trốn chiến tranh, nạn đói, sự đàn áp hoặc những tác động của biến đổi khí hậu nhằm tìm một nơi an toàn để sinh sống. Ngoại giao hy vọng là ngoại giao tự do, đòi hỏi sự cam kết chung của cộng đồng quốc tế nhằm xóa bỏ hoạt động thương mại kinh hoàng này.

Đồng thời, cần phải chăm sóc những nạn nhân của nạn buôn người, những người di cư, sau khi bị buộc phải đi bộ hàng ngàn cây số ở Trung Mỹ hoặc sa mạc Sahara, hoặc băng qua Biển Địa Trung Hải hoặc Eo biển Manche trên những chiếc thuyền tạm bợ chật cứng, để cuối cùng bị từ chối hoặc buộc phải sống lén lút ở một quốc gia xa lạ. Chúng ta có thể dễ dàng quên đi rằng chúng ta đang đứng trước những con người thật cần được chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hòa nhập. [7]

Tôi nặng lòng khi thấy rằng di cư vẫn bị bao phủ trong một đám mây đen ngờ vực, thay vì được coi là nguồn để trao cơ hội. Những người di cư chỉ đơn giản được xem là một vấn đề cần quản lý. Họ không thể bị đối xử như những đồ vật để đẩy qua đẩy lại; họ có phẩm giá và nguồn lực có thể cung cấp cho người khác; họ có những kinh nghiệm, những nhu cầu, những nỗi sợ hãi, khát vọng, ước mơ, kỹ năng và tài năng của riêng mình. Chỉ bằng cách nhìn nhận mọi việc theo góc độ này, chúng ta mới có thể đạt được sự tiến bộ khi đối mặt với một hiện tượng đòi hỏi sự đóng góp của tất cả các quốc gia, đặc biệt là thông qua việc tạo ra các con đường hợp thức an toàn.

Sau đó, điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di tản, để việc rời bỏ quê hương đến nơi khác là một lựa chọn chứ không phải là phương thức cần thiết để sinh tồn. Với suy nghĩ này, tôi coi cam kết chung về hợp tác phát triển, như một phương tiện giúp loại bỏ một số nguyên nhân khiến con người phải di cư, là điều cần thiết.

Trả tự do cho tù nhân

Cuối cùng, ngoại giao hy vọng là ngoại giao công lý, nếu không có nó thì không thể có hòa bình. Năm Thánh là thời điểm thuận lợi để thực hành công lý, xóa nợ và giảm án cho tù nhân. Tuy nhiên, không có khoản nợ nào cho phép bất kỳ ai, kể cả Chính phủ, đòi lấy mạng sống của người khác. Về vấn đề này, tôi lặp lại lời kêu gọi xóa bỏ án tử hình ở mọi quốc gia, [8] vì ngày nay không tìm thấy lý do chính đáng nào trong số các công cụ có khả năng khôi phục công lý.

Chúng ta cũng không thể quên rằng tất cả chúng ta đều là tù nhân theo một nghĩa nào đó, vì tất cả chúng ta đều là con nợ: đối với Thiên Chúa, đối với người khác, và cả với trái đất thân yêu của chúng ta, nơi chúng ta kín múc lấy nguồn sống hàng ngày. Như tôi nhận xét trong Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới, “mỗi người chúng ta phải cảm nhận theo một cách nào đó có trách nhiệm đối với sự tàn phá mà Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, đã phải gánh chịu”. [9] Chính thiên nhiên dường như ngày càng nổi loạn chống lại hành động của con người bằng những biểu hiện cực đoan về sức mạnh của nó. Những ví dụ cho vấn đề này là lũ lụt tàn hại ở Trung Âu và Tây Ban Nha, các cơn bão tấn công Madagascar vào mùa xuân và ngay trước Giáng sinh, vùng Mayotte của Pháp và Mozambique.

Chúng ta không thể thờ ơ trước tất cả những điều này! Chúng ta không có quyền đó! Thay vào đó, chúng ta có nhiệm vụ phải nỗ lực hết sức để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và cư dân của nó, hiện tại và trong tương lai.

Tại COP 29 ở Baku, các quyết định đã được đưa ra để bảo đảm nguồn tài chính lớn hơn cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tôi tin rằng những quyết định này sẽ cho phép chia sẻ nguồn lực cho nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng lớn do khủng hoảng khí hậu và chịu gánh nặng nợ kinh tế. Với suy nghĩ này, tôi kêu gọi các quốc gia giàu có hơn hãy xóa nợ cho các quốc gia không bao giờ có khả năng hoàn trả. Đây không chỉ đơn thuần là một hành động của tình liên đới hay quảng đại, mà trên hết là một hành động của công bình, xét đến một hình thức bất bình đẳng mới mà chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn ngày nay: món “nợ sinh thái” hiện hữu cách đặc biệt giữa Bắc và Nam toàn cầu. [10]

Cũng xét đến món nợ sinh thái này, điều quan trọng là phải tìm ra những cách thức hiệu quả để chuyển đổi nợ nước ngoài của những quốc gia nghèo thành các chính sách và chương trình hiệu quả, sáng tạo và có trách nhiệm để thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho con người. Tòa Thánh sẵn sàng đồng hành với tiến trình này, với nhận thức rằng chúng ta không còn có thể ẩn núp đằng sau bất kỳ biên giới hay rào cản nào, về chính trị hay xã hội. [11]

Trước khi kết thúc, tôi xin chia buồn và cầu nguyện cho các nạn nhân và những người đang phải chịu đựng hậu quả của trận động đất xảy ra ở Tây Tạng hai ngày trước.

Thưa các vị Đại sứ,

Theo quan điểm Kitô giáo, Năm Thánh là mùa ân sủng. Tôi vô cùng mong muốn năm 2025 này thực sự là năm ân sủng, tuôn tràn sự thật, sự tha thứ, tự do, công lý và hòa bình! “Trong trái tim của mỗi con người, niềm hy vọng cư ngự như là khát vọng về những điều tốt đẹp sẽ đến”, [12] và mỗi người chúng ta được kêu gọi làm cho niềm hy vọng nở rộ xung quanh chúng ta. Thưa các vị Đại sứ, đây là lời chúc chân thành của tôi gửi đến tất cả quý vị, gia đình quý vị, và các chính phủ và dân tộc mà quý vị đại diện. Ước mong niềm hy vọng sẽ nở rộ trong tâm hồn chúng ta và mong rằng thời đại của chúng ta tìm thấy nền hòa bình mà chúng ta vô cùng khao khát. Cảm ơn quý vị.

________________________________________________

[1] Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 27.


[3] Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 262; cf. SAINT PAUL VI, Encyclical Letter Populorum Progressio (26 March 1967), 51.

[4] SAINT JOHN PAUL II, Message for the 1988 World Day of Peace, 1 January 1988, 2.

[5] BENEDICT XVI, Message for the 2011 World Day of Peace, 1 January 2011, 5.

[6] Ibid.


[8] Cf. Message for the 2025 World Day of Peace, 1 January 2025, 11.

[9] Ibid., 4.

[10] Cf. Bull Spes Non Confundit (9 May 2024), 16; Encyclical Letter Laudato Si’ (24 May 2015), 51.

[11] Cf. Encyclical Laudato Si’, 52.

[12] Bull Spes Non Confundit, 1.

__________________________________________________


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/1/2025]