Kinh nghiệm bệnh tật, một ngôi trường nơi chúng ta học cách yêu thương và cho phép bản thân được yêu thương mỗi ngày
Bài giảng, Năm Thánh cho Người Bệnh và Thế giới Y tế
Sáng nay, Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay, nhân dịp Năm Thánh cho Người Bệnh và Thế giới Sức khỏe, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Phó Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, thuộc Phân ban các Vấn đề Cơ bản của Truyền giáo trên Thế giới, đã chủ sự Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự cuộc hành hương Năm Thánh của người bệnh và thế giới sức khỏe. Trước khi gửi lời chào những người hành hương và các tín hữu hiện diện tại quảng trường, Đức Thánh Cha nhận bí tích hòa giải tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, tham dự cầu nguyện và đi qua Cửa Thánh.
Dưới đây là văn bản bài giảng của Đức Thánh Cha chuẩn bị, do Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella đọc:
__________________________________
“Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?” (Is 43:19). Thiên Chúa nói những lời này với dân Israel qua miệng tiên tri Isaia trong thời gian họ bị lưu đày ở Babylon. Với người Israel, đó là một thời kỳ rất khó khăn: dường như đã mất tất cả. Giêrusalem đã bị xâm chiếm và phá hủy bởi quân lính của Vua Nebuchadnezzar II, và dân chúng, giờ đây bị lưu đày, chẳng còn chút gì trong tay. Tương lai thật ảm đạm và mọi hy vọng dường như đều tan vỡ. Mọi điều xúi giục những người lưu đày hãy từ bỏ, trở nên cay đắng và cảm thấy rằng họ không còn được Thiên Chúa chúc phúc nữa.
Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh này, Chúa mời gọi họ đón nhận một điều mới mẻ đang mở ra. Không phải điều sẽ xảy ra trong tương lai, mà là điều đang xảy ra, điều đang nảy nở như một chồi non. Nó là gì? Điều gì có thể hình thành, hoặc thậm chí đã nảy mầm, trong một khung cảnh hoang vắng và đìu hiu như vậy?
Một dân tộc mới đang được sinh ra. Một dân tộc trong quá khứ đã trải qua sự thất bại của những điều chắc chắn giả tạo, giờ đây đã khám phá ra điều cốt yếu: duy trì sự hiệp nhất và cùng nhau bước đi trong ánh sáng của Chúa (x. Is 2:5). Một dân tộc có thể xây dựng lại Giêrusalem vì, xa Thành Thánh nơi đền thờ nằm trong đống đổ nát và các nghi lễ long trọng không còn được cử hành, dân tộc này đã học cách gặp gỡ Chúa theo một cách khác: qua sự hoán cải của tâm hồn (x. Gr 4:4), qua việc thực hành lề luật và công bình, qua việc chăm sóc người nghèo và người thiếu thốn (x. Gr 22:3), qua các công việc thương xót.
Đó cũng là thông điệp mà chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng hôm nay, theo một cách khác (x. Ga 8:1-11). Ở đây cũng có một người — một người phụ nữ — với cuộc đời đã bị hủy hoại, không phải bởi sự lưu đày về thể xác, mà bởi sự kết án về mặt đạo đức. Bà là một tội nhân, và do đó theo luật bà bị kết án bị loại trừ và chịu tử hình. Dường như cũng không còn hy vọng nào cho bà nữa. Nhưng, Thiên Chúa không bỏ rơi bà. Trên thực tế, ngay tại thời điểm những kẻ buộc tội chuẩn bị ném đá bà — chính là lúc đó — Chúa Giêsu đã đi vào cuộc đời bà, bảo vệ và cứu bà khỏi bạo lực của họ, từ đó trao cho bà cơ hội để bắt đầu một đời sống mới. “Chị cứ về đi,” Chúa nói với bà, “chị được tự do”, “chị đã được cứu” (x. câu 11). Qua những câu chuyện đầy kịch tính và cảm động này, phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta, giữa hành trình Mùa Chay, hãy đổi mới lòng tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn gần gũi và sẵn sàng cứu chúng ta. Không có hoàn cảnh bị lưu đày nào, không có bạo lực nào, không có tội lỗi nào, không có sự kiện nào trong cuộc sống có thể chặn Người ở ngoài cửa nhà chúng ta và gõ cửa, sẵn sàng bước vào ngay khi chúng ta mở cửa đón Người (x. Kh 3:20). Thật vậy, chính khi những thử thách càng trở nên khó khăn hơn, thì ân sủng và tình yêu của Người càng ôm ấp chúng ta hơn nữa để nâng chúng ta lên.
Thưa anh chị em, chúng ta đọc những dòng văn bản này khi chúng ta cử hành Năm Thánh của Người bệnh và Nhân viên Y tế. Bệnh tật chắc chắn là một trong những thử thách nghiệt ngã và khó khăn nhất của đời sống, khi chúng ta trải nghiệm sự yếu đuối chung của con người trong chính xác thịt của mình. Nó có thể khiến chúng ta cảm thấy mình như những người lưu vong, hoặc như người phụ nữ trong Tin Mừng: bị tước mất niềm hy vọng về tương lai. Nhưng không phải như vậy. Ngay cả trong những thời điểm như vậy, Thiên Chúa không để chúng ta đơn độc, và nếu chúng ta phó thác cuộc sống cho Người, chính trong lúc sức lực của chúng ta gục ngã, chúng ta sẽ có thể trải nghiệm niềm an ủi từ sự hiện diện của Người. Khi xuống trần làm con người, Chúa muốn chia sẻ sự yếu đuối của chúng ta trong mọi sự (x. Phil 2: 6-8). Người thấu biết thế nào là đau khổ (x. Is 53: 3). Vì vậy, chúng ta hãy hướng về Chúa và dâng lên Người sự đau đớn của mình, vững tin rằng chúng ta sẽ gặp được lòng trắc ẩn, sự gần gũi và sự dịu dàng.
Nhưng không chỉ có vậy. Trong tình yêu trung tín, Chúa mời gọi chúng ta trở thành “những thiên thần” cho nhau, trở thành những sứ giả cho sự hiện diện của Người, đến mức giường bệnh có thể trở thành “nơi thánh” của ơn cứu độ và cứu chuộc, cho cả người bệnh và những người chăm sóc họ.
Thưa các bác sĩ, các y tá và nhân viên y tế, khi chăm sóc các bệnh nhân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, Chúa liên tục ban cho anh chị em cơ hội để đổi mới cuộc sống của mình qua lòng biết ơn, lòng thương xót và niềm hy vọng (x. Sắc chỉ Spes Non Confundit, 11). Chúa kêu gọi anh chị em, với lòng khiêm nhường, nhận biết rằng không có điều gì trong cuộc sống là sự hiển nhiên và mọi sự đều là ân ban của Chúa; để làm phong phú đời sống của anh chị em với ý thức về lòng nhân mà chúng ta trải nghiệm khi, vượt qua hình thức bên ngoài, chỉ còn những gì quan trọng mới tồn tại: những dấu chỉ lớn và nhỏ của tình yêu. Hãy cho phép sự hiện diện của người bệnh bước vào đời sống anh chị em như một món quà, để chữa lành tâm hồn anh chị em, để thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi điều không thuộc về lòng bác ái, và sưởi ấm tâm hồn bằng ngọn lửa nồng cháy và nhẹ nhàng của lòng trắc ẩn.
Những anh chị em đang bệnh nhân thân yêu, tôi có nhiều điểm chung với anh chị em vào thời điểm này trong đời: kinh nghiệm về bệnh tật, về sự yếu đuối, về việc phải phụ thuộc vào người khác trong rất nhiều thứ, và cần sự hỗ trợ của họ. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đây là một ngôi trường để chúng ta học cách yêu thương và cho phép bản thân được yêu thương mỗi ngày, không đòi hỏi hay chống đối, không hối tiếc và không tuyệt vọng, mà đúng hơn là cảm tạ Chúa và cảm ơn anh chị em của chúng ta về lòng tốt mà chúng ta nhận được, hướng về tương lai với sự chấp nhận và tin tưởng. Phòng bệnh viện và giường bệnh cũng có thể là nơi chúng ta nghe thấy tiếng Chúa nói với chúng ta: “Này, Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?” (Is 43:19). Bằng cách này, chúng ta đổi mới và củng cố đức tin của mình.
Đức Bênêđictô XVI — người đã cho chúng ta một chứng ngôn tuyệt đẹp về sự thanh thản trong thời gian ngài lâm bệnh — ngài đã viết rằng, “thước đo đích thực của lòng nhân được xác định trong mối quan hệ với người đau khổ” và rằng “một xã hội không thể chấp nhận những thành viên đau khổ của mình… là một xã hội tàn ác và vô nhân” (Thông điệp Spe Salvi, 38). Đúng vậy: cùng nhau đối mặt với đau khổ làm cho chúng ta trở nên nhân bản hơn, và khả năng chia sẻ nỗi đau đớn của người khác là một bước tiến quan trọng trong bất kỳ hành trình nên thánh nào.”
Các bạn thân mến, đừng loại trừ những người yếu đuối khỏi cuộc sống của chúng ta, như đôi khi, thật đáng buồn, não trạng ngày nay. Chúng ta đừng xua đuổi người đau khổ khỏi môi trường xung quanh chúng ta. Ngược lại, chúng ta hãy biến nó thành cơ hội để cùng nhau phát triển và vun trồng niềm hy vọng, nhờ tình yêu mà Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta ban đầu (x. Rm 5:5), tình yêu, mà vượt trên hết mọi sự, tồn tại muôn đời (x. 1 Cr 13:8-10, 13).
[Nguồn: exaudi]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/4/2025]