Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

TRIỀU YẾT CHUNG: xin được làm sạch

TRIỀU YẾT CHUNG: xin được làm sạch

‘Lời van xin của người phong hủi cho thấy rằng khi chúng ta trình bày cùng Chúa Giê-su, những diễn văn dài dòng là không cần thiết. Một vài lời là đủ, nhưng phải cùng với lòng cậy trông hoàn toàn quyền năng của Người và lòng nhân hậu của Người.’
22 tháng 6, 2016
pope francis
© PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài giảng huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi triều yết chung sáng nay tại Quảng trường Thánh Phê-rô.
__
Anh chị em thân mến, xin chào tất cả anh chị em!
“Lạy Chúa, nếu ngài muốn, ngài có thể làm tôi được sạch,” (Lc 5:12) là một lời khẩn cầu mà chúng ta nghe một người phong hủi kêu lên với Chúa Giê-su. Người này không chỉ xin được chữa lành, mà còn được “làm sạch,” nghĩa là được chữa lành trọn vẹn, cả thân xác lẫn tâm hồn. Quả thật, ngày xưa chứng phong hủi bị coi là một lời chúc dữ của Thiên Chúa, của sự không trong sạch. Người phong hủi phải giữ mình tránh xa khỏi mọi người; anh ta không được vào trong Đền thờ hay bất kỳ một nghi thức tế lễ gì. Anh ta phải xa Thiên Chúa và xa con người. Cuộc sống của những người này thật buồn tủi!
Bất kể tình trạng như vậy, người phong hủi không chịu đầu hàng căn bệnh của mình hay những khuynh hướng xã hội biến anh ta thành một kẻ bị loại trừ. Để có thể tiếp cận được Chúa Giê-su, anh ta đã không sợ bị phạm lề luật và đi vào trong thành – một điều anh ta không được làm, anh ta bị cấm làm – và khi anh ta tìm thấy Người “anh ta phủ phục xuống, van xin Người và nói, “Lạy Chúa, nếu ngài muốn, ngài có thể làm tôi được sạch.” (c. 12). Tất cả những gì anh ta nói và làm, trong khi anh ta bị xem là ô uế, là một câu tuyên tín! Anh ta nhận ra quyền năng của Chúa Giê-su: anh ta tin chắc rằng Người có quyền năng chữa lành cho anh và mọi sự đều tùy thuộc vào ý muốn của Người. Lòng tin này là sức mạnh làm cho anh ta phá vỡ mọi nguyên tắc và tìm cách gặp được Chúa Giê-su, và quỳ xuống trước Người, anh ta kêu lên “Lạy Chúa.” Lời van xin của người phong hủi cho thấy rằng khi chúng ta trình bày cùng Chúa Giê-su, những diễn văn dài dòng là không cần thiết. Một vài lời là đủ, nhưng phải kèm với lòng cậy trông hoàn toàn quyền năng của Người và lòng nhân hậu của Người. Quả thật, phó thác chúng ta cho ý muốn của Thiên Chúa có nghĩa là đăng ký vào lòng thương xót vô biên của Người. Cha xin chia sẻ riêng tư với anh em ít điều. Buổi tối trước khi đi ngủ, cha dâng lên lời cầu nguyện vắn tắt sau: “Lạy Chúa, nếu Người muốn, Người có thể làm con được sạch!” Và cha đọc 5 kinh “Lạy Cha,” mỗi kinh cho một vết thương của Chúa Giê-su, vì Chúa Giê-su làm chúng ta nên sạch bằng các vết thương của Người. Vậy nếu cha làm như vậy, tất cả anh chị em cũng có thể làm được ở nhà, cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, nếu Người muốn, Người có thể làm con được sạch!” – và suy niệm về các vết thương của Chúa Giê-su và đọc một kinh “Lạy Cha” cho mỗi vết thương. Và Chúa Giê-su chắc chắn luôn lắng nghe chúng ta.
Chúa Giê-su đã rất xúc động vì người này. Tin Mừng Mác-cô nhấn mạnh rằng “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi!” (1:41). Hành động của Chúa Giê-su cùng với những lời của Người làm cho giáo huấn của Người rõ ràng hơn. Chống lại những sự sắp đặt trong Luật Môi-sê ngăn cấm đến gần người phong hủi (Levi 13:45-46), Chúa Giê-su đưa tay Người ra và thậm chí chạm vào anh. Đã bao nhiêu lần chúng ta gặp một người nghèo đến với chúng ta? Chúng ta có thể rất hào phóng, chúng ta có lòng trắc ẩn, nhưng chúng ta thường không đụng chạm đến họ. Chúng ta cho họ tiền, chúng ta quăng tiền ở đó, nhưng chúng ta tránh đụng chạm vào tay họ. Và chúng ta quên rằng đó là thân xác của Chúa Ki-tô! Chúa Giê-su dạy chúng ta không e sợ đụng chạm vào người nghèo và người bị bỏ ra bên lề, vì đó là Người ở trong họ. Đụng chạm vào một người nghèo có thể làm sạch thói đạo đức giả của chúng ta và làm cho chúng ta biết khắc khoải về tình trạng của người đó. Hãy đụng chạm vào người bị gạt ra bên lề. Hôm nay cha được hộ tống đến đây bởi 3 bạn trẻ. Rất nhiều người nghĩ rằng sẽ tốt hơn cho họ nếu họ cứ ở tại quê hương của họ, nhưng họ đã chịu đựng quá nhiều đau khổ ở đó. Họ là những người tị nạn, nhưng quá nhiều người lại xem họ là người bị gạt bỏ ra ngoài: Xin làm ơn, họ là anh em của chúng ta! Một Ki-tô hữu không bao giờ loại trừ một ai, nhưng dành chỗ cho mọi người, cho phép mọi người bước vào.
Sau khi chữa cho người bị phong hủi, Chúa Giê-su nghiêm nghị bắt anh ta không được nói với ai, và bảo anh ta: “nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” (c. 44). Sự sắp đặt này của Chúa Giê-su cho thấy ít nhất 3 điều. Thứ nhất: ân sủng hoạt động trong chúng ta không tìm kiếm tính giật gân. Ân sủng chuyển động với sự tự do mà không cần sự ồn ào. Để điều trị cho những vết thương của chúng ta và hướng dẫn chúng ta trên con đường nên thánh, ân sủng rèn giũa tâm hồn chúng ta một cách kiên nhẫn  theo Thánh Tâm Chúa, để nhận lãnh nhiều hơn nữa những ý định và tình thương của Người. Thứ hai: khi việc chữa lành xảy ra cần phải được xác minh chính thức từ các tư tế và dâng lên của lễ hy sinh đền tội, người phong hủi được đón nhận lại vào trong cộng đoàn các tín hữu và trong đời sống xã hội. Sự phục hồi của anh ta hoàn tất việc chữa lành. Vì anh ta đã xin, nên anh ta được sạch hoàn toàn! Cuối cùng, qua việc trình diện anh ta trước các tư tế, người phong hủi mang đến cho họ chứng tá về Chúa Giê-su và vai trò cứu chuộc của Người. Sức mạnh của lòng trắc ẩn mà nhờ đó Chúa Giê-su đã chữa lành người phong hủi và dẫn đưa đức tin của người này biết mở rộng tâm hồn đón nhận sứ vụ. Anh ta đã bị gạt ra ngoài lề, nhưng bây giờ anh ta là một người trong chúng ta.
Chúng ta hãy nghĩ về bản thân, về những sự bất hạnh của chúng ta … Mỗi người đều có nỗi niềm riêng. Chúng ta suy nghĩ với tính chân thành. Đã bao nhiêu lần chúng ta cưu mang họ với lòng đạo đức giả của “người tốt bụng.” Vậy thì, chúng ta cần phải ở một mình, quỳ xuống trước mặt Chúa và cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu Người muốn, Người có thể làm con được sạch!” Và anh em hãy làm đi, hãy làm mỗi tối trước khi đi ngủ. Và bây giờ chúng ta cùng đồng thanh dâng lời cầu nguyện rất đẹp này: “Lạy Chúa, nếu Người muốn, Người có thể làm con được sạch!”

[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

[Nguồn: ZENIT]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/06/2016]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét