Bài giảng Angelus: Nghệ thuật làm mất đi Lòng mến khách
“Khả năng lắng nghe là gốc rễ của hòa bình”
17 tháng 7, 2016
Dưới đây là bản dịch của ZENIT về bài giảng huấn của Đức Thánh Cha Phanxico sáng nay trước khi đọc kinh Truyền tin chính ngọ với những người có mặt tại quảng trường Thánh Phê-rô.
__
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong Tin mừng hôm nay, tác giả Tin mừng Lu-ca tường thuật rằng khi Đức Giê-su đi về hướng Giê-ru-sa-lem, đã vào một thị trấn và được chào đón tại nhà của hai người chị em: (Lc 10:38-42). Cả hai đều đón tiếp Chúa Giê-su, nhưng họ làm theo cách hoàn toàn khác nhau. Mary ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Người (c. 39), trong khi Marta thì bận rộn chuẩn bị mọi thứ. Ngay lúc đó, cô nói với Chúa Giê-su, “Thưa thầy, thầy không để ý là em con để con một mình phục vụ sao? Xin bảo em con giúp con.” (c. 40). Và Chúa Giê-su trả lời, “Marta, Marta, con lo lắng nhiều chuyện quá. Chỉ có một điều cần thiết hơn cả. Mary đã chọn phần tốt hơn và sẽ không ai có thể lấy mất được” (cc. 41-42).
Qua cách bắt mình bận rộn làm mọi thứ, Marta đang đi vào nguy cơ lãng quên — và đây là vấn đề — sự hiện diện của khách, trong trường hợp này là Chúa Giê-su. Bà đã quên sự hiện diện của khách của mình.
Một vị khách thăm không chỉ đơn thuần cần được phục vụ, được ăn uống, và được chăm sóc từng ly từng tí. Trên tất cả khách cần được lắng nghe — chúng ta nhớ kỹ điều này — được lắng nghe. Để người khách có thể được chào đón như một con người, cùng với lịch sử của anh ta, trái tim anh tràn đầy tình cảm và suy tư, để anh ta có thể thực sự cảm thấy mình đang ở trong một gia đình. Nhưng nếu chúng ta chào đón một người khác trong nhà mà chúng ta vẫn cứ tiếp tục làm việc này việc kia, rồi chúng ta để người khách ngồi im, chúng ta bắt người đó ngồi im, coi anh ta như cục đá — một vị khách làm bằng đá. Không được.
Vị khách phải được lắng nghe. Chắc chắn rồi, câu trả lời của Đức Giê-su cho Marta — khi Người nói với bà rằng chỉ có một điều cần thiết — cho thấy ý nghĩa trọn vẹn của việc lắng nghe lời của Chúa Giê-su, lời này mở trí và giúp gìn giữ những gì là của chúng ta và tất cả những gì chúng ta làm. Ví dụ, nếu chúng ta chuẩn bị cầu nguyện trước một thập giá, và chúng ta cứ nói chuyện, nói chuyện, và nói chuyện rồi chúng ta bỏ đi, là chúng ta không lắng nghe Chúa Giê-su. Chúng ta không cho phép Người nói chuyện với tâm hồn chúng ta.
Lắng nghe — đây là một từ khóa. Đừng quên nó. Chúng ta không thể quên rằng lời của Chúa Giê-su soi sáng chúng ta; lời Người gìn giữ chúng ta và gìn giữ tất cả những gì thuộc chúng ta và những gì chúng ta làm.
Chúng ta cũng không thể quên rằng trong căn nhà của chị em Marta và Mary, Đức Giê-su — trước khi Người được gọi là Chúa và là thầy — chỉ là một người lữ khách. Vì thế, câu trả lời của Người có tầm quan trọng trực tiếp với chúng ta: “Marta, Marta, tại sao chị lại quá lo lắng về mọi thứ ngoài vị khách, đến mức chị quên cả sự hiện diện của anh ta?” Đấy là vị khách bằng đá.
Để chào đón Người, có rất nhiều thứ không cần thiết; quả thế, chỉ có một điều là cần thiết: lắng nghe Người, Lời Người, lắng nghe người, thể hiện cho Người thấy một thái độ huynh đệ, một thái độ để Người cảm thấy Người đang ở trong một gia đình, chứ không phải là một trạm dừng chân tạm thời.
Hiểu được điều này, lòng hiếu khác, là một trong những hành động của lòng thương xót, được thực sự nhìn thấy như một nhân đức của người Ki-tô hữu và của con người, một nhân đức mà trong thế giới ngày nay, có nguy cơ bị gạt sang một bên. Quả thực ngày càng có nhiều nhà khách và chỗ ở, nhưng ở những nơi này, lòng hiếu khách không được thể hiện.
Rất nhiều hội đoàn đã được thành lập để hỗ trợ những người đau bệnh, người cô đơn, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, nhưng khả năng để một người nước ngoài, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, người bị loại trừ có thể tìm được ai đó lắng nghe đang giảm bớt rất nhiều. Người nước ngoài, người tị nạn, người di cư — lắng nghe câu chuyện thương tâm của họ. Ngay cả trong một ngôi nhà, ở giữa một gia đình, tìm một dịch vụ và chăm sóc nào đó còn dễ hơn tìm được sự lắng nghe và chào đón.
Ngày nay chúng ta quá bận rộn, và quá vội vã với quá nhiều vấn đề, một số trong đó chẳng thực sự quan trọng, để rồi chúng ta thiếu khả năng lắng nghe. Chúng ta cứ liên tục bận rộn và rồi không còn thời gian để lắng nghe.
Cha muốn hỏi tất cả chúng ta ở đây, và mỗi người hãy tự trả lời cho chính tâm hồn mình: Các anh em, những người chồng, anh em có thời gian để lắng nghe vợ mình không? Các chị em, những người vợ, chị em có thời gian lắng nghe chồng mình không? Quý vị, cha mẹ, quý vị có thời gian, thời gian mất đi để lắng nghe con cái của chúng ta, hay ông bà, những người lớn tuổi không? “Ông bà nói nhiều lắm, ông bà chán lắm.” Nhưng họ cần được lắng nghe. Hãy lắng nghe. Cha kêu gọi chúng ta hãy học cách lắng nghe và dành nhiều thời gian hơn cho nó. Khả năng lắng nghe là gốc rễ của hòa bình.
Xin Mẹ Maria Đồng Trinh, Mẹ của sự lắng nghe và phục vụ ân cần, hãy dạy chúng con biết chào đón và chân tình với anh chị em chúng con.
[Angelus] [Bản dịch của ZENIT]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 18/07/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét