Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Chia sẻ của Đức Thánh Cha tại Vatican cho những người bị ảnh hưởng bởi các trận động đất của Ý

Chia sẻ của Đức Thánh Cha tại Vatican cho những người bị ảnh hưởng bởi các trận động đất của Ý

‘Khóc thầm một mình cũng rất tốt; đó là một cách biểu đạt trước bản thân chúng ta và trước Thiên Chúa; nhưng tốt hơn là hãy cùng nhau khóc, chúng ta sẽ tái khám phá ra chính mình khi khóc với hau. Đây là những điều xuất phát từ trong tim của cha khi cha đọc và nghe được những chứng nhân này.’
6 tháng 1, 2017
Huấn từ của Đức Thánh Cha tại Vatican cho những người bị ảnh hưởng bởi các trận động đất của Ý
© PHOTO.VA - Osservatore Romano
Dưới đây là bản dịch của ZENIT những chia sẻ ứng khẩu của Đức Thánh Cha Phanxico sáng hôm qua, trong ngày Áp lễ Hiển Linh, trước các nạn nhân của các trận động đất tấn công miền Trung Ý trong năm qua. Buổi gặp gỡ diễn ra lúc 11:30 sáng trong Sảnh đường Phaolo VI của Vatican và có thể theo dõi qua CTV:
***
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Cha đã viết lại hai chứng tá mà chúng ta đã nghe, và cha đã ghi chú một số cách biểu cảm, một số câu nói đã chạm đến trái tim của cha, và cha muốn được nói về nó. Một từ ngữ được dùng đi dùng lại như một điệp khúc là tái thiết – điều Raffaelo nói rất chính xác và rất mạnh mẽ: “tái thiết tâm hồn thậm chí trước khi tái xây dựng nhà cửa.” Tái thiết tâm hồn. “Tái thiết – cha Don Luciano nói – cấu trúc xã hội và con người của cộng đoàn dân Chúa.” Tái thiết. Trong đầu cha chợt hiện lên hình ảnh một người đàn ông mà cha đã gặp – cha cũng không nhớ đã gặp ông ta ở chỗ nào hôm cha đến thăm [khi ngài đến thăm những nơi bị động đất này 4 tháng 10, 2016], ông ta nói: “Con sẽ bắt đầu xây dựng lại nhà của con lần thứ ba.” Bắt đầu trở lại, không buông xuôi mọi việc – “Con đã mất tất cả” –, thật đau lòng … Nỗi đau quá lớn! Và tái thiết trong nỗi đau … Có những nỗi đau trong tâm hồn! Vài tuần trước cha có gặp bé Giulia ở đây, cùng với cha mẹ của bé, bé bị mất người anh, cùng với em gái của bé … Rồi cha gặp một đôi vợ chồng bị mất hai đứa con sinh đôi … Và bây giờ cha gặp được anh chị em đã mất những người thân yêu trong gia đình. Những tâm hồn đang bị đau đớn. Tuy nhiên, có một cụm từ mà hôm nay chúng ta nghe được từ Rafaele: tái thiết tâm hồn, điều đó không có nghĩa là “ngày mai mọi việc sẽ tốt hơn,” đó không phải là sự lạc quan, không, ở đây không có chỗ cho sự lạc quan: vâng, đúng, đó là sự cậy trông, nhưng không phải sự lạc quan. Lạc quan là một thái độ khá hữu ích tức thời trong một lúc nào đó, nó làm người ta tiến lên, nhưng nó không có sự vững chắc. Hôm nay sự cậy trông rất hữu ích, tái thiết, và việc này được thực hiện bằng đôi tay, một cụm từ khác làm cha xúc động, Raffaele nói đến cụm từ “đôi tay”: cái ôm đầu tiên bằng đôi tay của anh là vợ của anh, rồi khi anh đưa những đứa con của anh ra khỏi nhà: bằng đôi tay. Những đôi tay đó đã giúp những bà con họ hàng thoát khỏi đống đổ nát; bàn tay đó đã đặt đứa trẻ vào trong vòng tay ôm ẵm, đặt vào đôi tay của bất kỳ người nào, rồi lại tiếp tục đi giúp người khác. “Rồi có một bàn tay của ai đó dẫn lối cho tôi,” anh nói. Đôi tay. Tái thiết, và tái thiết tâm hồn, đôi tay của chúng ta rất cần thiết, đôi tay của chúng ta, đôi tay của tất cả mọi người. Đôi tay đó mà chúng ta nói rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới này như một người nghệ sĩ thủ công. Đôi tay chữa lành. Cha chúc lành cho những đôi tay của các y tá và bác sĩ, vì họ chữa lành. Đôi tay của quá nhiều người đã giúp để thoát ra khỏi cơn ác mộng này, khỏi nỗi thống khổ này; đôi tay của những người lính cứu hỏa, quá tuyệt vời, quá dũng cảm … Và đôi tay của tất cả những người nói rằng: “Không, tôi cho đi cái của tôi có, tôi cho đi điều tốt đẹp nhất.” Và bàn tay của Thiên Chúa trước câu hỏi “Tại sao?” – nhưng chúng là những câu hỏi không có câu trả lời, sự việc xảy ra như vậy.
Một cụm từ nữa cũng được sử dụng là tổn thương, làm tổn thương: “Chúng ta ở đó không phải để làm tổn thương thêm mảnh đất của chúng ta,” một linh mục quản xứ nói. Quá tốt. Không làm tổn thương thêm những gì đã bị đau thương. Và không làm tổn thương, rất thường xuyên là những từ ngữ sáo rỗng hay những bản tin chẳng ai tôn trọng, chẳng mang một chút từ tâm trước nỗi thống khổ. Đừng làm tổn thương nữa. Mọi người đều đã phải chịu đau khổ cách này cách khác rồi. Một số đã mất mát quá nhiều, cha không biết nữa, nhà cửa của họ, con cái hay cha mẹ, vợ chồng … Nhưng đừng làm tổn thương nữa. Thinh lặng, quan tâm, dịu dàng trong tâm hồn giúp chúng ta không làm tổn thương. Và rồi phép lạ sẽ xảy ra trong giây phút đau thương: “Có những sự hòa giải,” cha xứ nói. Những lịch sử cũ bị gạt sang một bên và chúng con tái khám phá chính chúng con trong một hoàn cảnh khác. Chúng con tái khám phá: bằng một nụ hôn, bằng một cái ôm, bằng sự giúp đỡ lẫn nhau … cùng bằng cả nước mắt nữa. Khóc thầm một mình cũng rất tốt; đó là một cách biểu đạt trước bản thân chúng ta và trước Thiên Chúa; nhưng tốt hơn là hãy cùng nhau khóc, chúng ta sẽ tái khám phá ra chính mình khi khóc với hau. Đây là những điều đến trong tim của cha khi cha đọc và nghe được những chứng nhân này.
Một cụm từ khác cũng của Raffaele nói: “Hôm nay cuộc sống của chúng con không còn như trước nữa. Thực sự như thế, chúng con bước ra trong sự an toàn, nhưng chúng con đã mất mát,” – an toàn nhưng đã bị đánh bại. Con đường này của sự sống có cái gì đó mới mẻ. Vết thương được chữa lành, các vết thương được chữa lành, nhưng những vết sẹo vẫn còn lại trong cuộc sống, và sẽ là một ký ức cho giây phút đau thương này; nó sẽ là một cuộc sống với một vết sẹo khác. Nó sẽ không như trước đây. Đúng, có một gia tài thật lớn khi bước ra từ cõi đau thương, nhưng nó sẽ không còn như trước đây.
Rồi, cha Don Luciano đưa ra những nhận xét về các nhân đức, các nhân đức của anh chị em: “Con muốn làm chứng – cha nói – cho sức mạnh của tinh thần, lòng can đảm, tính kiên cường đồng thời là sự kiên nhẫn, tình hiệp nhất trong sự giúp đỡ lẫn nhau của mọi người.” Và điều này được gọi là “trổ sinh sự tốt lành,” cha không biết cách nói này có được dùng ở tiếng Ý không, tiếng Tây ban nha là “bien nacido”, nói về một người được sinh trong một gia đình danh giá. Và ngài nói với cương vị của một cha xứ: “Con tự hào về giáo dân của con.” Cha cũng phải nói rằng cha rất tự hào về những linh mục quản xứ, các ngài không rời bỏ vùng đất, và điều này thật tốt: có được những người chăn chiên không bỏ chạy khi họ nhìn thấy sói dữ. Chúng ta đã bị mất mát, đúng, chúng ta đã mất mát quá nhiều: nhà cửa, gia đình, nhưng, về một mặt khác, chúng ta đã trở thành một đại gia đình.
Và có một cụm từ khác được sử dụng hai lần, có vẻ hơi thoáng qua, nhưng nó lại là trung tâm của hai chứng tá này: sự gần gũi. “Chúng con rất gần gũi nhau và duy trì sự gần gũi đó với nhau.” Và sự gần gũi làm chúng ta trở nên nhân bản hơn, trở thành những con người tốt lành hơn, can đảm hơn. Bước đi độc hành trên đường đời là một cách nhưng cùng đi song hành với người khác lại là cách khác, gần gũi nhau, và anh chị em trải nghiệm được sự gần gũi này.
Và một cụm từ khác bị mất trong phần chia sẻ, bắt đầu trở lại, không bị mất khả năng ước mơ, ước mơ được bắt đầu trở lại để có can đảm ước mơ thêm một lần nữa. Đây là một trong những điều làm cha cảm xúc thật nhiều trong hai chứng tá, và vì vậy cha muốn lấy hai cụm từ và dùng như của riêng cha, vì, trong hoàn cảnh của anh chị em, điều tồi tệ nhất có thể làm là đưa ra một bài giảng – bài giảng. Cha chỉ muốn nắm bắt lấy những gì con tim của anh chị em nói ra và dùng như của riêng cho mình và cùng nói lại với anh chị em, và suy tư một chút về nó.
Anh chị em biết rằng cha luôn gần gũi với anh chị em. Và cha nói với anh chị em một điều: cha chợt nhận ra có chuyện gì đó xảy ra vào buổi sáng hôm đó, khi cha vừa tỉnh giấc cha tìm được một tờ ghi chú nói về hai trận động đất đó. Cha cảm nhận ngay được hai điều: cha phải đến đó, cha phải đến đó; và rồi cha cảm thấy đau khổ, đau khổ nhiều. Và cha dâng Lễ ngày hôm đó với sự đau khổ này.
Cảm ơn anh chị em đã đến buổi tiếp kiến hôm nay và một số buổi tiếp kiến khác trong suốt những tháng vừa qua. Cảm ơn về tất cả những điều anh chị em đã làm để giúp đỡ  nhau, để tái thiết, để tái thiết tâm hồn, nhà cửa, cấu trúc xã hội. Cũng là tái thiết bằng tấm gương của anh chị em … Cảm ơn anh chị em rất nhiều. Cha luôn ở gần anh chị em.
[Văn bản gốc: tiếng Ý]
[Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 07/01/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét