TIẾP KIẾN CHUNG: Đức Thánh Cha Phanxico nói: Niềm Hy vọng của người Ki-tô hữu là “Sự Chờ Đợi Phục Sinh.”
Suy niệm về chủ đề: Chiếc mũ bảo hiểm của niềm hy vọng ơn cứu độ (Bản dịch)
1 tháng 2, 2017
Tiếp kiến chung, 1 tháng Hai 2017 / © PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Niềm hy vọng của người Ki-tô hữu cũng là “sự chờ đợi phục sinh,” Đức Thánh Cha Phanxico xác quyết trong buổi Tiếp Kiến Chung ngày 1 tháng Hai, 2017.
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9.30 trong Sảnh đường Phao-lô VI, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Tiếp nối loạt giáo lý về chủ đề niềm hy vọng của người Ki-tô hữu, trong bài giảng huấn bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy tư vào chủ đề: Chiếc mũ bảo hiểm của niềm hy vọng ơn cứu độ, mà Thánh Phao-lô đã nói (1 Tx 5:4-11). Trong suốt bài giáo lý bằng tiếng Ý, ngài mời gọi đám đông trong Sảnh đường Phao-lô VI lặp lại lời của Thánh Phao-lô: “Như thế chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi” (1 Tx 4-17). Ngài mời gọi hãy “cầu nguyện cho những người thân yêu đã ra đi, đang sống với Đức Ki-tô trong sự hiệp thông với chúng ta.”
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng nhiều ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi những lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài ca Kinh Pater Noster (Lạy Cha) và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
BÀI GIẢNG GIÁO LÝ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong các bài giáo lý trước chúng ta đã suy tư về loạt chủ đề hy vọng qua việc đọc lại một số trang trong Cựu Ước. Bây giờ chúng ta sẽ làm sáng tỏ mục tiêu đặc biệt mà nhân đức này mang lấy trong Tân Ước, khi nhân đức này gặp gỡ tính mới lạ được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô và biến cố vượt qua: niềm hy vọng của người Ki-tô hữu. Chúng ta, những người Ki-tô hữu, là những con người của hy vọng.
Đó là điều đã được làm sáng tỏ trong bài đọc Một, cụ thể là, Thư Thứ Nhất của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Được trình bày trong văn bản chúng ta đã nghe là toàn bộ tính mới mẻ và nét đẹp của sự tuyên xưng của những Ki-tô hữu đầu tiên. Cộng đoàn Thê-sa-lô-ni-ca là một cộng đoàn non trẻ, vừa được thành lập, tuy nhiên đã gặp nhiều khó khăn và thử thách, cộng đoàn đã bén rễ sâu trong đức tin và hân hoan mừng vui Sự Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Vì vậy Thánh Tông Đồ cùng hân hoan mừng vui với tất cả mọi người, giống như những người đã được tái sinh trong ngày Phục sinh thực sự trở thành “con cái của ánh sáng và con cái của ban ngày” (5:5), nhờ sự kết hiệp trọn vẹn với Chúa Ki-tô.
Khi Thánh Phao-lô viết thư cho họ, cộng đoàn Thê-sa-lô-ni-ca vừa được thành lập, chỉ một vài năm sau biến cố Vượt Qua của Đức Ki-tô. Vì thế, Thánh Tông đồ cố gắng làm cho họ hiểu được mọi ảnh hưởng và kết quả mà biến cố quyết định và duy nhất này, cụ thể là Sự Phục Sinh của Thiên Chúa, có ý nghĩa trong lịch sử và đời sống của mỗi người. Đặc biệt, sự khó khăn cho cộng đoàn đó là chưa hiểu thấu được sự Phục Sinh của Chúa Giê-su, tin tất cả mọi điều, ngoại trừ tin vào sự Phục sinh từ cõi chết. Vâng, Chúa Giê-su đã sống lại, nhưng điều khó khăn đó là tin rằng người chết sẽ sống lại. Về vấn đề này, lá Thư luôn cho thấy sự phù hợp trong mọi thời đại. Mỗi khi chúng ta thấy mình đối mặt với cái chết của chúng ta, hoặc của một người thân, chúng ta cảm thấy đức tin của mình bị thử thách. Mọi sự nghi ngờ của chúng ta trỗi dậy, mọi sự mỏng giòn của chúng ta, và chúng ta tự hỏi: “Vậy thực sự có cuộc sống sau cái chết không …? Liệu tôi sẽ có thể được nhìn thấy và ôm những người tôi yêu …?” Một phụ nữ đã hỏi tôi câu hỏi này vài ngày trước trong một lần gặp gỡ, thể hiện một sự nghi ngờ: “Con sẽ gặp lại người thân yêu của con chứ?” Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cũng cần phải quay lại với cội rễ và nền tảng của đức tin của chúng ta, để chúng ta ý thức được tất cả mọi điều Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su và cái chết của chúng ta mang ý nghĩa gì. Tất cả chúng ta đều ít nhiều lo sợ về tình trạng không rõ ràng này của cái chết. Tôi nhớ một người đàn ông nhỏ bé, một người cao tuổi tốt lành, nói: “Con không sợ cái chết. Con chỉ hơi sợ khi nhìn thấy nó đến.” Ông sợ điều này.
Đối mặt với những nỗi sợ hãi và bối rối của cộng đoàn, Phao-lô mời gọi phải giữ vững trong đầu như một cái mũ bảo hiểm “niềm hy vọng ơn cứu độ”, đặc biệt trong những lúc thử thách và trong những giây phút khó khăn nhất của cuộc đời. Đó là một chiếc mũ bảo hiểm. Anh chị em thấy niềm hy vọng của người Ki-tô hữu là gì chưa. Khi có cuộc nói chuyện về sự hy vọng, chúng ta hướng đến cách hiểu về nó theo ý nghĩa bình thường của cụm từ, cụ thể là, nó chỉ về một sự tốt lành mà chúng ta mong muốn, nhưng chúng ta có thể hoặc không thể thấy rõ nó là gì. Chúng ta hy vọng nó sẽ xảy ra; nó giống như một sự khát khao. Ví dụ, một người có thể nói: “Tôi hy vọng thời tiết ngày mai sẽ tốt!” nhưng chúng ta cũng biết rằng thời tiết ngày mai có thể xấu … Niềm hy vọng của người Ki-tô hữu không giống như vậy. Niềm hy vọng của người Ki-tô hữu là sự chờ đợi một điều đã được hoàn tất; cánh cửa ở đó, và tôi hy vọng bước đến được cánh cửa. Tôi phải làm gì? Tôi phải bước tới cánh cửa! Tôi chắc chắn tôi sẽ đến được cánh cửa. Sự hy vọng của người Ki-tô hữu là như vậy: có sự chắc chắn rằng tôi đang trên đường đi đến một địa điểm đã có, không phải hy vọng có.
Đây là sự hy vọng của người Ki-tô hữu. Niềm hy vọng của người Ki-tô hữu là sự chờ đợi một điều đã được hoàn tất và là điều chắc chắn mỗi người chúng ta có thể thấy rõ. Vì thế, sự phục sinh của chúng ta, cũng như của những người thân yêu của chúng ta đã qua đời, cũng không phải là một điều có thể hoặc không có thể xảy ra, nhưng là một hiện thực chắc chắn, tới mức ngang bằng với biến cố Phục sinh của Đức Ki-tô. Vì thế, hy vọng có nghĩa là học cách sống trong sự chờ đợi; học cách sống trong sự mong chờ và tìm được sự sống. Khi một người phụ nữ biết mình thụ thai, bà học cách sống mỗi ngày trong sự mong chờ được nhìn thấy cái nhìn của đứa con sẽ ra đời. Vì vậy chúng ta cũng phải sống và học từ những sự mong chờ của con người và sống trong sự chờ đợi được diện kiến Thiên Chúa, được gặp gỡ Người. Điều này không phải dễ, nhưng chúng ta có thể học được: sống trong sự mong chờ. Hy vọng có nghĩa và hàm ý là một tâm hồn khiêm nhu, một tâm hồn nghèo khó. Chỉ một người nghèo khó mới biết cách chờ đợi như thế nào. Một người thấy thỏa mãn với bản thân và những thứ ông ta sở hữu chẳng còn đặt niềm tin vào bất cứ điều gì ngoài bản thân ông ta.
Một lần nữa, Thánh Phao-lô viết: “Đấng [Chúa Giê-su] đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người” (1 Tx 5:10). Lời này luôn luôn là một động lực an ủi và bình an lớn. Vì thế, chúng ta cũng được kêu gọi phải cầu nguyện cho những người thân yêu đã ra đi, đang sống với Đức Ki-tô trong sự hiệp thông trọn vẹn với chúng ta. Một điều đã chạm đến tâm hồn tôi rất nhiều là câu nói của Thánh Phao-lô, cũng gửi cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Câu nói làm tôi ngập tràn sự chắc chắn của niềm hy vọng. Ngài nói: “Như thế chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi” (1 Tx 4:17). Một điều tuyệt mỹ: mọi sự qua đi nhưng, sau cái chết, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi. Đó là sự bảo đảm vững chắc tuyệt đối cho niềm hy vọng. Tương tự như vậy, trước đó rất lâu Gióp đã kêu lên: “Tôi biết rằng Đấng Bênh Vực tôi vẫn sống [...] Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ” (G 19:25.27). Và như vậy chúng ta sẽ mãi mãi được ở cùng Chúa. Anh chị em có tin điều này không? Tôi hỏi anh chị em, anh chị em có tin điều này không? Hơi bắt buộc anh chị em một chút, tôi mời gọi anh chị em lặp lại ba lần cùng với tôi: “Chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi.” Và chúng ta sẽ gặp nhau ở đó cùng với Thiên Chúa.
[Văn bản gốc: tiếng Ý]
(c) Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT, Virginia Forrester
*
Tôi xin chào đón nồng hậu phái đoàn của Phong trào Khí hậu Công giáo Toàn cầu (Global Catholic Climate Movement) và tôi xin cảm ơn phong trào vì sự cam kết chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta trong những thời gian khủng hoảng môi sinh nặng nề hiện nay. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục đan kết những mạng lưới để các Giáo hội địa phương cùng tham gia với sự quyết tâm lên tiếng kêu cho trái đất và lên tiếng kêu cho người nghèo.
Tôi xin chào mừng anh chị em hành hương nói tiếng Ý. Tôi xin chào các tham dự viên trong Hội nghị Liên minh Linh mục Maria được tổ chức bởi Những Lao công Thánh Giá Thầm Lặng và các vị khách của Quỹ Thánh Lucy, anh chị em hãy bền bỉ trong lời cầu nguyện, có những phương thuốc hiệu quả cho người đau yếu và người đau khổ.
Tôi xin chào Tổ chức Bảo vệ Thương Mại Parma và các thành viên của Trung Tâm Linh Tu Lòng Thương Xót, cùng với Đức Giám mục giáo phận Piazza Armerina, Đức ông Rosario Gisana, đến cùng với Linh ảnh Mẹ Thương Xót, sẽ được trưng bày tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô. Tôi xin mời gọi anh chị em tiếp tục thực hành những mối phúc thương xót, để chúng trở thành nhân đức thường xuyên của cuộc sống hàng ngày.
Cha gửi lời chào đến các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Ngày mai chúng ta sẽ mừng Lễ Dâng Chúa trong Đền Thờ và Ngày Đời Sống Tận Hiến Thế Giới. Cha xin phó dâng qua lời cầu nguyện của anh chị em những người được kêu gọi rao giảng phúc âm, để qua chứng tá của cuộc sống, họ có thể chiếu tỏa tình yêu của Đức Ki-tô và ân sủng của Tin mừng trên thế giới.
[Văn bản gốc: tiếng Ý]
(c) Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT, Virgina Forrester
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 02/02/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét