Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Tòa Thánh: Đối thoại cần thiết để giúp cho môi trường

Tòa Thánh: Đối thoại cần thiết để giúp cho môi trường

Tòa Thánh: Đối thoại cần thiết để giúp cho môi trường
Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza - AP
16/02/2017 08:09
(Vatican Radio) Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, hôm thứ Tư phát biểu trong cuộc họp Chuẩn bị cho Hội nghị của Liên Hợp quốc Hỗ trợ Áp dụng Mục tiêu Phát triển Bền vững 14: Bảo tồn và sử dụng dài lâu các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển.
“Đức Thánh Cha Phanxico thúc giục sự đối thoại ở mọi cấp độ và giữa nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau để đối mặt một cách hiệu quả với những thách thức về môi trường của chúng ta,” – Đức Tổng Giám mục Auza nói – “Đặc biệt, Đức Giáo hoàng đề nghị cần có sự đối thoại về một bước tiếp cận chung và hành động chung trong cộng đồng quốc tế, trong các chính sách quốc gia và địa phương, trong sự quyết định những vấn đề quan trọng, trong chính trị và kinh tế, cũng như một sự đối thoại giữa các tôn giáo và khoa học.”
Dưới đây là toàn văn diễn văn của Đức Tổng Giám mục
Tổng Giám mục Bernardito Auza
Khâm sứ và Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc
Phiên họp chuẩn bị cho Hội nghị của Liên Hợp quốc Ủng hộ Mục tiêu Phát triển Bền vững 14: Bảo tồn và sử dụng dài lâu các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển. Thảo luận về “Những chủ đề Đối thoại Hợp tác”
New York, 15-16 tháng Hai, 2017

Kính thưa các vị Đồng Giải viên,
Phái đoàn của tôi xin chúc mừng quý vị với vị trí được bổ nhiệm là các đồng điều giải viên của tiến trình chuẩn bị này dẫn đến Hội nghị Cấp cao ủng hộ áp dụng Mục tiêu Phát triển Bền vững 14. Phái đoàn của tôi rất vinh dự có cơ hội được chia sẻ cái nhìn về “những chủ điểm đối thoại hợp tác” được đưa ra.
Năm 2015, Đức Giáo hoàng công bố Tông thư có tựa đề Chúc tụng Chúa (Laudato Si’): Chăm sóc Ngôi nhà Chung của Chúng ta,” liên quan đến nhu cầu khẩn thiết để bảo vệ hành tinh của chúng ta và phát triển một sinh thái học nhân văn toàn diện hơn. Ngài cân nhắc nhiều khía cạnh khác nhau của sự khủng hoảng sinh thái hiện tại, bao gồm ô nhiễm biển, ô-xít hóa đại dương, sự giảm sút trữ lượng cá, mất đa dạng sinh học, và sự sụt giảm những hệ sinh thái biển và ven biển.
Những thách thức môi trường này và những tiếng kêu gọi hành động tạo nên một phần của bảy “chủ điểm đối thoại hợp tác” được đưa ra. Cốt lõi của những chủ điểm này là các nguyên tắc tôn trọng tạo vật, thiện ích chung, phẩm giá của mọi con người và công bằng cho tất cả.
Đức Giáo hoàng Phanxico thúc giục sự đối thoại ở mọi cấp độ và giữa nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau để đối mặt một cách hiệu quả với những thách thức về môi trường của chúng ta. Đặc biệt, Đức Giáo hoàng đề nghị cần có sự đối thoại về một bước tiếp cận chung và hành động chung trong cộng đồng quốc tế, trong các chính sách quốc gia và địa phương, trong sự quyết định những vấn đề quan trọng, trong chính trị và kinh tế, cũng như một sự đối thoại giữa các tôn giáo và khoa học. Vì lý do này ngài đã gửi Tông huấn đến “mọi dân tộc” chứ không chỉ riêng người Công giáo. Sự đối thoại này phải dẫn đến một hành động thay đổi vượt ra ngoài mục đích kinh doanh bình thường, mang đến sự chung sức của khoa học và tôn giáo, công nghệ và triết học, văn hóa, kinh tế và chính trị, của các cá nhân và các nhóm.
Vì thế phái đoàn của chúng tôi kêu gọi ủy ban chuẩn bị không chỉ cân nhắc về sự hợp tác giữa khoa học, luật pháp và kinh doanh – đương nhiên tất cả đều rất cần thiết – nhưng cũng phải cân nhắc đến những cơ quan mang nét đặc thù về luân lý và tôn giáo, vì cuộc chiến chống lại những vấn đề thuộc sinh thái học có những chiều kích đạo đức và thiêng liêng. Như Đức Giáo hoàng Phanxico khẳng định, sự suy giảm về môi trường và suy giảm về nhân văn và đạo đức đi song song với nhau. Không thể nào giải quyết thỏa đáng ảnh hưởng tiêu cực của thái độ con người đối với môi trường mà không cân nhắc đến những nguyên nhân và hậu quả của thái độ này.
Đối với vấn đề này, phái đoàn của tôi kêu gọi ủy ban chuẩn bị cân nhắc đến những sự hợp tác với các cộng đồng có nền tảng đức tin và các tổ chức dân sự khác, vì trực tiếp trong từng vấn đề và trên phạm vi ủng hộ quốc tế họ thúc đẩy sự chăm sóc tốt hơn và sự tôn trọng lớn hơn đối với các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển của chúng ta.
Phái đoàn của tôi ủng hộ sự cân nhắc tích cực về những hợp tác ở mọi cấp độ. Việc này sẽ cần có sự tham gia của mọi thành phần tìm kiếm cách giảm bớt ô nhiễm và tính a-xít đại dương, ngư trường bền vững, thúc đẩy phương kế sinh nhai của những ngư dân nhỏ lẻ, nhận biết những hoàn cảnh đặc biệt của người nghèo — đặc biệt người ở các quốc gia kém phát triển nhất và những chính phủ đảo quốc đang phát triển — và việc áp dụng các luật và chính sách quốc tế, khu vực và địa phương để đẩy mạnh những mục tiêu này. Không sự hợp tác nào bị loại trừ khỏi cuộc đối thoại như vậy.
Xin cảm ơn quý vị Đồng Giải viên.

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 05/03/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét