Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Công bố Sứ điệp Ngày Người Nghèo Thế Giới Lần Thứ Nhất

Công bố Sứ điệp Ngày Người Nghèo Thế Giới Lần Thứ Nhất

Công bố Sứ điệp Ngày Người Nghèo Thế Giới Lần Thứ Nhất
Ảnh lưu trữ Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm một khu nghèo khổ thuộc ngoại ô Roma - REUTERS
13/06/2017 10:52
(Vatican Radio) Hôm thứ Ba Vatican công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho Ngày Người Nghèo Thế Giới Lần Thứ Nhất sẽ được tổ chức cuối năm nay ngày 19 tháng Mười Một.
Dưới đây là bản dịch tiếng Anh toàn Sứ điệp:
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho Ngày Người Nghèo Thế Giới Lần Thứ Nhất
Chúa Nhật Ba Mươi Ba Mùa Thường Niên
19 tháng Mười Một 2017
Chúng ta hãy yêu thương, không bằng lời nói nhưng bằng hành động
1.      Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3:18).  Những lời này của Thánh Gio-an Tông đồ vang lên một mệnh lệnh không một Ki-tô hữu nào có thể xem nhẹ. Tính quan trọng mà “người môn đệ được yêu” chuyển lại mệnh lệnh của Chúa Giê-su cho thời đại của chúng ta thậm chí trở nên rõ ràng hơn bởi sự tương phản giữa những lời nói trống rỗng quá thường xuyên trên môi của chúng ta và những công việc cụ thể mà qua đó chúng ta được kêu gọi để tự soi chiếu bản thân. Yêu thương không có cớ để thoái thác. Bất cứ khi nào chúng ta bắt đầu yêu thương như Chúa Giê-su đã yêu, chúng ta phải lấy Chúa như là mẫu gương của chúng ta; đặc biệt khi nó là sự yêu thương người nghèo. Con đường yêu thương của Con Thiên Chúa rất rõ ràng, và Thánh Gio-an kể ra một cách rạch ròi. Tình yêu đó đứng trên hai rường cột: Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước (x. 1 Ga 4:10.19), và Người đã yêu thương chúng ta bằng cách cho đi trọn vẹn thân mình, đến nỗi hy sinh mạng sống của Người (x. 1 Ga 3:16).
        Tình yêu như vậy không thể cho đi mà không có đáp lời. Dù là được cho đi vô điều kiện, không đòi hỏi một sự đáp trả, nhưng nó làm bừng cháy lên trong tim của tất cả những người trải nghiệm nó và được dẫn đưa để yêu thương trở lại, bất chấp những giới hạn và tội lỗi của họ. Tuy nhiên điều này chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta đón chào ơn sủng của Thiên Chúa, lòng từ bi hay thương xót của Người, đổ tràn đầy trong tâm hồn chúng ta, để chí hướng và thậm chí những cảm xúc của chúng ta cũng được hướng đến lòng mến yêu Thiên Chúa và yêu anh em. Bằng cách này, lòng thương xót tuôn đổ ra từ thánh tâm của Chúa Ba Ngôi có thể định hình cho cuộc sống của chúng ta và trổ sinh lòng trắc ẩn và công cuộc của lòng thương xót vì lợi ích cho anh chị em túng thiếu.
2.      Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn” (Tv 34:6). Giáo Hội luôn hiểu tầm quan trọng của tiếng kêu này. Chúng ta có một chứng ngôn nổi bật cho điều này ngay trong những trang đầu tiên của Sách Công vụ Tông đồ, trong đó Thánh Phê-rô yêu cầu bảy người, “đầy tràn Thần Khí và khôn ngoan” (6:3), được chọn ra cho sứ vụ chăm sóc người nghèo. Việc này thực sự là một trong những dấu chỉ đầu tiên của con đường đi vào thế giới của cộng đoàn Ki-tô hữu: phục vụ người nghèo. Cộng đoàn tiên khởi nhận ra việc trở thành một môn đệ của Chúa Giê-su có nghĩa là thể hiện tình huynh đệ và tình liên đới, tuân theo lời tuyên bố của Thầy rằng người nghèo được chúc phúc và là người thừa tự trong Vương quốc nước trời (x. Mt 5:3).
        Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 2:45). Trong câu này, chúng ta được miêu tả rất rõ sự quan tâm rất sống động của những Ki-tô hữu tiên khởi. Tác giả Tin mừng Lu-ca, người nói nhiều về lòng thương xót hơn ai hết, không ngoa ngôn khi ngài mô tả về việc thực hành chia sẻ trong cộng đoàn tiên khởi. Về mặt khác, lời của ngài gửi đến cho các tín hữu thuộc mọi thế hệ, và vì thế cho cả chúng ta, để duy trì chứng tá riêng của chúng ta và để khuyến khích chúng ta biết chăm sóc cho những người thiếu thốn nhất. Thánh Gia-cô-bê Tông đồ cũng chuyển tải một thông điệp tương tự đầy thuyết phục. Trong thư, ngài không nói thừa một lời nào: “Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao? Thế mà anh em, anh em lại khinh dể người nghèo! Chẳng phải những người giàu áp bức anh em đó sao? Chẳng phải họ lôi anh em ra toà đó sao? ... Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. (2:5-6.14-17).
3.      Tuy nhiên có những lúc người Ki-tô hữu không toàn tâm chú ý đến lời kêu gọi này, và mang lấy một lối suy nghĩ trần tục. Nhưng Thánh Thần không ngừng kêu gọi họ luôn giữ vững đôi mắt hướng nhìn về điều quan trọng. Người đã nâng dậy những con người hiến dâng cuộc sống của họ cho việc phục vụ người nghèo theo nhiều cách khác nhau. Trong suốt hơn hai ngàn năm qua, đã có không biết bao nhiêu trang sử được viết bởi những Ki-tô hữu phục vụ cho những anh chị em nghèo khó nhất của mình bằng sự đơn sơ và lòng khiêm nhường tuyệt đối của mình, và bằng đức ái quảng đại và sáng tạo!
        Mẫu gương nổi bật nhất là của Thánh Phanxico Assisi, tiếp theo là của rất nhiều con người thánh thiện khác qua các thế kỷ. Ngài không hài lòng với việc ôm lấy người phong hủi và trao cho họ của bố thí, nhưng ngài đã chọn cách đi đến Gubbio để cùng ở với họ. Ngài xem sự gặp gỡ này như là bước ngoặt cho sự hối cải của ngài: “Khi tôi còn ở trong tội lỗi, nhìn đến những người phong hủi dường như là điều quá cay đắng, và chính Thiên Chúa đã dẫn dắt tôi đi vào giữa họ để thể hiện lòng thương xót cho họ. Và khi tôi rời họ, những gì có vẻ là cay đắng đối với tôi bây giờ chuyển thành sự ngọt ngào trong tâm hồn và thể xác” (Văn bản 1-3: FF 110). Chứng ngôn này cho thấy sức mạnh biến đổi của đức ái và lối sống của người Ki-tô hữu.
        Chúng ta có thể chỉ nghĩ đến người nghèo như là những người thụ hưởng của công việc thiện nguyện thỉnh thoảng của chúng ta, hay của những hành động bất chợt của lòng rộng rãi vỗ về lương tâm của chúng ta. Tuy nhiên những hành động tốt lành và hữu ích như vậy có thể làm cho chúng ta biết trở nên nhạy cảm trước nhu cầu của tha nhân và những bất công mà họ thường phải gánh chịu, những hành động đó phải dẫn đến một sự gặp gỡ thực sự với người nghèo và sự chia sẻ trở thành một cách sống. Việc cầu nguyện và hành trình làm môn đệ và hoán cải của chúng ta sẽ tìm được tính vững chắc của việc rao giảng phúc âm đích thực qua lòng bác ái và sự chia sẻ như vậy. Lối sống này sẽ tạo nên niềm vui và sự bình an của tâm hồn, vì chúng ta được đụng chạm đến chính da thịt của Đức Ki-tô bằng chính bàn tay của chúng ta. Nếu chúng ta thực sự muốn gặp gỡ Đức Ki-tô, chúng ta phải đụng chạm đến thân thể của Người trong những thân thể đau khổ của người nghèo, như một cách đáp lời cho sự hiệp nhất bí tích được ban tặng trong Phép Thánh Thể. Chúng ta có thể nhìn thấy Thân Thể của Đức Ki-tô, bị tan vỡ trong phụng vụ thánh, qua lòng bác ái và sự chia sẻ, trong khuôn mặt của những người thấp hèn nhất của anh chị em của chúng ta. Lời quở trách của Thánh John Chrysostom vẫn còn vang vọng mãi: “Nếu các người muốn tôn vinh thân thể Đức Ki-tô, hãy đừng khinh rẻ khi thân thể đó trần truồng; đừng tôn vinh Đức Ki-tô Thánh Thể bằng những áo choàng lụa là, nhưng rồi ra khỏi nhà thờ, bỏ mặc sự đau khổ của Đức Ki-tô nơi những người đang chịu giá rét và không có quần áo mặc” (Bài giảng ở Matthaeum, 50.3: PG 58).
        Vì vậy chúng ta được kêu gọi đến gần với người nghèo, gặp gỡ họ, đón lấy ánh mắt của họ, ôm lấy họ và để cho họ cảm nhận được hơi ấm của tình yêu phá vỡ sự cô đơn của họ. Bàn tay giơ cao van xin của họ cũng là một lời mời gọi chúng ta bước ra khỏi môi trường an toàn và tiện nghi của mình, và thừa nhận giá trị của chính sự nghèo khó.
4.      Chúng ta đừng bao giờ quên rằng, với các môn đệ của Đức Ki-tô, sự nghèo khó trên hết là một lời kêu gọi đi theo Chúa Giê-su trong chính sự nghèo khó của Ngài. Nó có nghĩa là bước đi theo Ngài và bên Ngài, trên hành trình dẫn đến vẻ tuyệt mỹ của Vương quốc nước trời (x. Mt 5:3; Lc 6:20). Sự nghèo khó có nghĩa là có một tâm hồn khiêm nhường chấp nhận những giới hạn và tội lỗi của loài thụ tạo của chúng ta, và từ đó giúp chúng ta vượt qua được cám dỗ cảm thấy mình có quyền hạn tuyệt đối và bất tử. Nghèo khó là một thái độ nội tâm tránh không xem tiền bạc, sự nghiệp và những thứ xa hoa như là mục đích của cuộc sống và là điều kiện cho hạnh phúc của chúng ta. Nhưng nghèo khó tạo ra những điều kiện để chúng ta tự do gánh lấy những trách nhiệm cá nhân và xã hội, bất kể những giới hạn của chúng ta, với lòng tín thác vào sự gần gũi của Thiên Chúa và sự trợ giúp quan phòng của Người. Hiểu theo cách này, nghèo khó là một thước đo cho phép chúng ta đánh giá những cách tốt nhất để sử dụng của cải vật chất và để xây dựng những mối quan hệ không ích kỷ và cũng không chiếm hữu (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, số. 25-45).
        Vậy chúng ta hãy lấy gương của Thánh Phanxico và chứng tá của ngài về tinh thần nghèo khó đích thực. Chính vì ngài gắn chặt đôi mắt hướng về Đức Ki-tô, Thánh Phanxico đã có thể nhìn thấy và phục vụ Ngài trong những người nghèo. Nếu chúng ta muốn góp phần thay đổi lịch sử và  thúc đẩy sự phát triển thực sự, chúng ta cần phải nghe thấy tiếng kêu của người nghèo và cam kết bản thân chấm dứt tình trạng bị gạt ra bên lề của họ. Đồng thời, tôi kêu gọi người nghèo trong các thành phố và cộng đoàn của chúng ta không đánh mất ý nghĩa của tinh thần nghèo khó phúc âm là một phần của cuộc sống hàng ngày của họ.
5.      Chúng ta thấy vô cùng khó khăn cho thế giới ngày nay nhìn thấy sự nghèo khó rõ ràng dưới những hình thức của nó. Tuy nhiên sự nghèo khó thách đố chúng ta bằng hàng ngàn cách khác nhau mỗi ngày, trong những khuôn mặt hằn lên những dấu vết đau khổ, bị gạt ra bên lề, đàn áp, bạo lực, tra tấn và tù tội, chiến tranh, bị tước mất tự do và nhân phẩm, dốt nát và mù chữ, bệnh nan y và thiếu việc làm, buôn người và nô lệ, di tản, nghèo khổ và di cư cưỡng bức. Sự nghèo khó mang khuôn mặt của những phụ nữ, đàn ông và trẻ em bị bóc lột vì lợi tức, bị nghiền nát bởi những âm mưu của quyền lực và tiền bạc. Một danh sách vô cùng cay đắng và dài vô tận mà chúng ta phải thống kê để thêm vào cho sự nghèo khó được sinh ra từ bất công xã hội, sự suy đồi về đạo đức, lòng tham của một nhóm ít người được chọn, và sự thờ ơ chung!
        Thật đáng buồn, trong thời đại của chúng ta, ngay cả những gia sản phô trương tích lũy trong tay của số ít người đặc quyền, thường có liên quan đến những hoạt động phi pháp và sự bóc lột kinh hoàng về nhân phẩm, có một sự phát triển chóng mặt về nghèo túng trong nhiều khu vực xã hội rộng lớn trên khắp thế giới. Đứng trước viễn cảnh này, chúng ta không thể giữ thụ động, càng không thể đầu hàng. Có một cái nghèo dập tắt tinh thần sáng kiến của nhiều người trẻ bằng cách không cho họ có cơ hội tìm được việc làm. Có một cái nghèo làm lu mờ ý thức về trách nhiệm cá nhân và bắt người khác phải làm việc trong khi chúng ta đi tìm đặc quyền. Có một cái nghèo đầu độc những sức mạnh của sự chung sức và để rất ít chỗ trống cho những tài năng; bằng cách này nó hạ thấp công lao của những người lao động và sản xuất. Với tất cả những hình thức nghèo đó chúng ta phải trả lời bằng một tầm nhìn mới về cuộc sống và xã hội.
        Tất cả những người nghèo – như Chân phước Phao-lô VI thích sử dụng – thuộc về Giáo hội theo “quyền phúc âm” (Diễn từ khai mạc Phiên họp thứ hai của Công đồng Vatican Hai, 29 tháng Chín, 1963), và đòi hỏi chúng ta một sự lựa chọn căn bản thay cho họ. Vì vậy, phúc cho những bàn tay rộng mở ôm lấy người nghèo và giúp đỡ họ: đó là những bàn tay đem lại hy vọng. Phúc cho những bàn tay vượt qua được rào cản về văn hóa, tôn giáo và quốc tịch, và rót đổ dầu thơm của sự ủi an trên những vết thương của nhân loại. Phúc cho những bàn tay không đòi hỏi sự hoàn trả, những bàn tay không bao giờ nói “nếu” hoặc “nhưng” hoặc “có lẽ”: đó là những bàn tay chuyển phúc lành của Thiên Chúa xuống trên những anh chị em của họ.
6.      Kết thúc Năm Thánh Lòng Thương xót, tôi muốn đưa ra cho Giáo hội một Ngày Người Nghèo Thế Giới, để các cộng đoàn Ki-tô hữu trên khắp thế giới có thể trở thành một dấu chỉ mạnh mẽ hơn cho tình thương của Đức Ki-tô cho những người hèn mọn nhất và thiếu thốn nhất. Cùng với những Ngày Thế Giới được khởi xướng bởi các vị Tiền nhiệm của tôi, đã trở thành một truyền thống trong đời sống của các cộng đoàn của chúng ta, tôi mong rằng khi thêm ngày này sẽ làm rõ nét cho tính trọn vẹn của phúc âm, tức là tình yêu thương đặc biệt dành cho người nghèo.
        Tôi mời gọi toàn thể Giáo hội, và tất cả mọi người thiện chí ở khắp nơi, hướng về ngày này để nhìn đến tất cả những người giơ tay lên cao để cầu xin sự giúp đỡ và tình liên đới của chúng ta. Họ là anh chị em của chúng ta, được tạo dựng và được yêu thương bởi một Cha Trên Trời. Trên hết, Ngày này ngụ ý khuyến khích tất cả các tín hữu hãy chống lại văn hóa loại trừ và lãng phí, và giữ lấy văn hóa gặp gỡ. Đồng thời, tất cả mọi người, không phụ thuộc vào nền tảng tôn giáo, được mời gọi hãy mở rộng vòng tay và chia sẻ với người nghèo qua những dấu chỉ cụ thể của tình liên đới và tình huynh đệ. Thiên Chúa tạo dựng thiên đàng và trái đất cho tất cả mọi người; nhưng thật đáng buồn một số người lại dựng nên những rào chắn, những bức tường và hàng rào, phản bội lại quà tặng nguyên thủy được ban cho toàn thể nhân loại, không ai bị loại trừ.
7.      Mong ước của tôi là, trong tuần lễ trước Ngày Người Nghèo Thế giới, năm nay rơi vào ngày 19 tháng Mười Một, Chúa nhật Ba mươi ba của Mùa Thường Niên, các cộng đoàn Ki-tô hữu sẽ dùng mọi cố gắng để tạo ra những cuộc gặp gỡ và tình bạn, sự hỗ trợ cụ thể và trong tình liên đới. Họ có thể mời người nghèo và những người thiện nguyện cùng tham dự Thánh Lễ trong Chúa nhật này, theo cách để nó trở thành một lễ mừng đích thực hơn nữa trong Ngày Lễ trọng Chúa Giê-su Ki-tô Vua Vũ trụ, vào Chúa nhật sau đó. Vương quyền của Đức Ki-tô trở nên rõ nét nhất trên đồi Gôn-gô-tha, khi mà Đấng Vô Tội, bị đóng đinh trên thập giá, nghèo hèn, trần truồng và bị tước hết tất cả mọi thứ, nhập thế và mặc khải tính toàn vẹn của tình yêu của Thiên Chúa. Sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Giê-su với Chúa Cha thể hiện sự hoàn toàn nghèo khó của Ngài và tỏ lộ sức mạnh của Tình yêu đã đưa Ngài đến sự sống mới trong ngày Phục sinh.
        Trong ngày Chúa nhật này, nếu ở nơi chúng ta sống có người nghèo đi tìm sự bảo vệ và hỗ trợ, chúng ta hãy đến gần họ: nó sẽ là một giây phút rất hữu ích để gặp gỡ Thiên Chúa mà chúng ta tìm kiếm. Đi theo giáo huấn của Tin mừng (x. St 18:3-5; Heb 13:2), chúng ta hãy chào đón họ như là những người khách được trọng vọng tại bàn của chúng ta; họ có thể trở thành những người thầy giúp chúng ta sống đức tin một cách vững vàng hơn. Bằng sự tin tưởng và sẵn sàng đón nhận giúp đỡ, trong cách thầm lặng và mừng vui, họ cho chúng ta thấy cách sống đơn sơ và trút bỏ hoàn toàn bản thân trước sự quan phòng của Thiên Chúa là vô cùng quan trọng.
8.      Cầu nguyện phải là trung tâm của tất cả những sáng kiến cụ thể được thực hiện trong ngày này. Chúng ta không quên rằng Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện của người nghèo. Lời xin lương thực hàng ngày bày tỏ lòng phó thác của chúng ta nơi Thiên Chúa xin những nhu cầu căn bản cho cuộc sống. Mọi điều Chúa Giê-su dạy chúng ta trong lời kinh này diễn tả và mang đến tiếng kêu của tất cả những người đang chịu đựng sự bấp bênh của cuộc sống và thiếu thốn những nhu cầu cần thiết cho họ. Khi các môn đệ xin Chúa Giê-su dạy các ông cầu nguyện, Người đã trả lời bằng những lời của người nghèo kêu xin lên Chúa Cha duy nhất của chúng ta, trong Ngài mọi người đều là anh chị em. Kinh Lạy Cha là lời kinh cầu với số nhiều: lương thực mà chúng ta xin là “của chúng con,” việc đó đòi hỏi sự chia sẻ, cùng tham gia và trách nhiệm chung. Trong lời kinh này, tất cả chúng ta thừa nhận những nhu cầu của chúng ta để vượt qua được mọi hình thức của tính ích kỷ, để đi vào niềm vui của sự chấp nhận lẫn nhau.
9.      Tôi yêu cầu các huynh đệ Giám mục của tôi, và tất cả những linh mục và phó tế theo ơn gọi của mình có sứ vụ hỗ trợ người nghèo, cùng với tất cả những người tận hiến và các hội đoàn, các phong trào và những người thiện nguyện ở khắp mọi nơi, giúp làm cho Ngày Người Nghèo Thế Giới này trở thành một truyền thống góp phần thiết thực và công cuộc rao giảng phúc âm trong thế giới hôm nay.
        Vì vậy, Ngày Thế Giới mới này, trở thành một lời thỉnh cầu mạnh mẽ đối với lương tâm người tín hữu chúng ta, cho phép chúng ta phát triển trong niềm tin vững rằng chia sẻ với người nghèo làm cho chúng ta có thể hiểu được chân lý sâu thẳm của Tin mừng. Người nghèo không phải là một vấn đề: họ là một nguồn gia tài để chúng ta có thể lấy ra trong khi phấn đấu để chấp nhận và thực hành đời sống của chúng ta theo đúng bản chất của Tin mừng.
Viết từ Vatican, 13 tháng Sáu, 2017
Kính nhớ Thánh An-tôn Padua

[Nguồn: radiovaticana]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/06/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét