Đức Tổng Giám mục Auza kêu gọi giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela, kể cả những biện pháp khẩn cấp
‘Tòa Thánh vẫn luôn duy trì một lập trường rõ ràng, kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị chấm dứt bạo lực và thúc đẩy họ tôn trọng sự thật và công bằng’
21 tháng Sáu, 2017
Archbishop Bernardito Auza ©Holy See Mission
Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Khâm sứ và là Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên hợp quốc, có một bài phát biểu về “Tình hình ở Venezuela,” tại Đại Hội đồng thứ 47 của Tổ chức các Chính phủ Châu Mỹ, được tổ chức ở Cancun, Mexico, ngày 20 tháng Sáu, 2017.
Trong phần nhận xét, viên chức của Vatican nhấn mạnh ba điểm: Tòa Thánh ủng hộ việc làm trung gian cho các nhóm của các quốc gia hoặc khu vực; bốn điểm được nhấn mạnh bởi Tòa Thánh trong một lá thư hồi tháng Mười Hai theo sau các cuộc họp của Bàn Đối Thoại Quốc gia giữa Chính phủ và Phe Đối lập ở Venezuela, được tổ chức ngày 23 tháng Mười và ngày 11-12 thánh Mười Một năm 2016, ở Caracas; và những can thiệp của Đức Thánh Cha về thiện ích chung, và tiếng nói của người dân phải được lắng nghe.
Đức Tổng Giám mục Auza kêu gọi một giải pháp hòa bình, lâu dài, và có thể đứng vững trước cuộc khủng hoảng ở Venezuela, kể cả những biện pháp khẩn cấp để làm dịu bớt việc thiếu lương thực và thuốc trị bệnh cho người dân của Venezuela đang gánh chịu, để bảo đảm cho các tổ chức Công giáo có thể hỗ trợ và cung cấp cứu trợ, kêu gọi các bên đồng ý một ngày bầu cử, và đẩy nhanh tiến trình thả những người đang bị giam giữ.
Dưới đây là bản dịch của Zenit bài phát biểu của Tổng Giám mục Auza bằng tiếng Tây Ban nha:
* * *
Bài phát biểu của Tổng Giám mục Bernardito Auza,
Khâm sứ và Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh
Tại Tổ chức các Chính phủ Châu Mỹ,
Về Tình hình ở Venezuela
19-21 tháng Sáu, 2017, Cancun, Mexico
Thưa ông Chủ tịch,
Phái đoàn Tòa Thánh xin cảm ơn vì có cơ hội được chia sẻ những quan tâm về tình hình hiện tại ở Venezuela, cũng như sự hy vọng rằng buổi họp này, trong khuôn khổ của Đại Hội đồng của Tổ chức các Chính phủ Châu Mỹ, có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nặng nề mà quốc gia này đang chịu đựng.
Như chúng ta đều biết rõ, trong nhiều lần can thiệp ngay từ đầu của cuộc khủng hoảng, cả Đức Thánh Cha, cũng như Bộ Ngoại giao và Hội đồng Giám mục Venezuela, đã kêu gọi những giới chức dân sự và chính trị, vượt qua được những lợi ích đảng phái và những hệ tư tưởng, để lắng nghe tiếng nói của người dân, bảo vệ thiện ích chung, xây dựng một không khí bình ổn và hòa bình xã hội, tôn trọng tính tổ chức vì lợi ích của sự chung sống trong nước và thăng tiến hoạt động xã hội của những tổ chức quốc gia và quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi mà Venezuela sẽ gánh chịu và chắc chắn ảnh hưởng nặng nề đến người dân. Vì thế, Tòa Thánh luôn luôn duy trì một lập trường rõ ràng, kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị chấm dứt bạo lực và thúc đẩy họ tôn trọng sự thật và công bằng.
Thưa ông,
Không ngừng kêu gọi đàm phán, hoặc cảnh báo về những mối nguy hiểm của các bài diễn văn mang tính hiếu chiến và gây hấn, Tòa Thánh vẫn luôn thể hiện sự sẵn sàng cộng tác trong việc tìm ra một giải pháp hòa bình, lâu dài và có thể đứng vững trước cuộc khủng hoảng của Venezuela, với điều kiện mà cả phía Chính phủ và Phe Đối lập yêu cầu, như thực tế đã diễn ra.
Như chúng ta biết, vào tháng Mười và tháng Mười Một năm 2016, các cuộc họp đã được tổ chức tại Bàn Đối thoại Quốc gia ở Caracas và, xét rằng những thỏa thuận đạt được ở đó đã không được thực hiện, Đức Hồng y Quốc vụ khanh, nhân danh và theo ý của Đức Giáo hoàng Phanxico, đã gửi một lá thư ngày 1 tháng Mười Hai đến các bên và các bên hỗ trợ còn lại. Để hoàn thành vai trò hỗ trợ mà Tòa Thánh được kêu gọi, trong thư yêu cầu:
- Có sự dự phòng cần thiết thể hiện qua việc áp dụng những biện pháp khẩn cấp nhắm mục tiêu làm giảm nhẹ sự khủng hoảng nặng nề về thực phẩm và thuốc trị bệnh mà người dân đang gánh chịu, đồng thời bảo đảm cho các tổ chức của Giáo hội Công giáo, trong đó có Caritas, đưa ra được những trợ giúp khả thi, theo sự sắp xếp của họ, để thoát khỏi tình trạng khẩn cấp xã hội này;
- Các bên phải đồng ý ngày bầu cử, tạo điều kiện cho người dân Venezuela quyết định tương lai của họ không được chậm trễ;
- Phải có những biện pháp giải quyết cần thiết để phục hồi cho vai trò của Quốc hội đã được quyết định theo Hiến pháp càng sớm càng tốt;
- Phải tìm cách để đẩy nhanh tiến trình thả những người bị bắt giữ.
Thưa ông,
Nhân dịp Hội nghị Bình thường lần thứ 36 của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La-tinh, được tổ chức gần đây ở San Salvador, các Giám mục của Châu lục cho thấy rằng ở Venezuela, “việc thiếu lương thực, thiếu thuốc trị bệnh và thiếu quyền tự do đang vượt quá sức chịu đựng.”
Tòa Thánh rất lo lắng khi nhìn thấy, bất kể những nỗ lực đã được thực hiện mà tất cả chúng ta đều biết, lý do tại sao tình hình dẫn đến những cách bùng nổ thảm kịch như vậy trong những tháng qua. Ngày 30 tháng tư, sau Kinh Truyền tin, Đức Giáo hoàng đã thỉnh cầu Chính phủ và tất cả các thành phần của xã hội Venezuela tránh làm bùng nổ thêm bất kỳ hình thức bạo lực nào, hãy tôn trọng nhân quyền và tìm ra những giải pháp đàm phán cho cuộc khủng hoảng nhân đạo, xã hội, chính trị và kinh tế nặng nề đang ảnh hưởng đến người dân.
Liên quan đến vấn đề này, phái đoàn của tôi muốn chỉ ra không khí hiện tại mà Giáo hội Công giáo ở Venezuela cũng đang phải sự đối mặt. Những tình tiết đang được thẩm tra về các đe dọa đối với linh mục, những bùng nổ bạo lực trong các giờ kinh lễ phụng vụ, những tố cáo bất công chống lại những hội đoàn hội thánh và những vụ tấn công phỉ báng chung chống lại các Giám mục.
Bất kể những việc này, Tòa Thánh vẫn vững tin rằng chính những người dân là người đặt nền tảng giải quyết những vấn đề trong nước, tin rằng không nên bỏ qua bất kỳ một nỗ lực nào nhắm giúp cho đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nặng nề này, vì như Đức Giáo hoàng Phanxico nói hôm 29 tháng Tư vừa qua, “phải làm bất cứ điều gì có thể làm được cho Venezuela, với những bảo đảm cần thiết.”
Thưa ông Chủ tịch,
Với mục đích duy nhất là thúc đẩy những điều tốt đẹp cho mỗi người và mọi người dân Venezuela và khuyến khích một giải pháp hòa bình và dân chủ cho tình hình hiện tại, Tòa Thánh lặp lại lập trường của mình, như chúng ta đã biết, rằng sự đàm phán nghiêm túc và chân thành phải được diễn ra giữa các bên, dựa trên những điều kiện rõ ràng đã được nêu cụ thể trong lá thư đã trích dẫn ở trên vào ngày 1 tháng Mười Hai năm 2016, bắt đầu bằng việc tổ chức những cuộc bầu cử trực tiếp, tự do và minh bạch cho các năm 2016 và 2017, như là một con đường duy nhất để thoát khỏi sự khủng hoảng nặng nề mà quốc gia đang chìm ngập vào. Tiến đến mục tiêu này, quyết định gần đây của chính phủ triệu tập một Quốc hội Lập hiến, thay vì giúp giải quyết các vấn đề, nó lại tạo ra nguy cơ càng làm phức tạp thêm và làm lung lay tương lai dân chủ của đất nước.
Về mặt khác, khả năng được đánh giá là tích cực khi một nhóm các quốc gia trong khu vực, gần đây có cả những châu lục, được chính phủ cũng như phe đối lập chọn, theo dõi những cuộc đàm phán với vai trò là những người bảo lãnh.
Xin cảm ơn ông Chủ tịch rất nhiều.
[Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha] [Bản dịch (tiếng Anh) của Zenit, Virginia M. Forrester]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/06/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét