Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Tiếp kiến chung: “Chúng ta hãy đặt bước chân đầu tiên”

Tiếp kiến chung: “Chúng ta hãy đặt bước chân đầu tiên”

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha bằng tiếng Anh ngày 13/09/2017
13 tháng Chín, 2017
Tiếp kiến chung: “Chúng ta hãy đặt bước chân đầu tiên”
CTV Screenshot
Đức Thánh Cha lặp lại chủ đề của chuyến đi vừa kết thúc của ngài đến Columbia — “Chúng ta hãy đặt bước chân đầu tiên” — trong Buổi Tiếp Kiến Chung tại Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 13 tháng Chín, 2017.
“Chúng ta hãy đặt bước chân đầu tiên” liên quan đến tiến trình hòa giải mà Columbia đang thực hiện sau nửa thế kỷ nổi lên những xung đột trong nước. Ngài tiếp tục nói rằng chuyến đi đã tạo điều kiện để lời chúc lành cho sự sống và hòa bình của Giáo hội được “tuôn chảy ra từ trái tim của dân tộc.”
Đức Thánh Cha nói rằng ngài đã rất xúc động bởi cách mà người dân trong đám đông ở bất kỳ nơi nào ngài đến giới thiệu những đứa con nhỏ của họ ra, khi họ chào đón người bằng “sự trìu mến và niềm vui mừng” quá đỗi như vậy. Ngài nói tiếp: “Tôi nghĩ: một dân tộc có khả năng sinh con cái và giới thiệu chúng ra với niềm tự hào, như là niềm hy vọng của họ; dân tộc này có một tương lai. Và tôi rất thích điều đó.”
Đức Thánh Cha kết luận: “Một lần nữa tôi xin tán dương Columbia và dân tộc thân yêu của đất nước thân yêu đó lên Mẹ, Đức Mẹ Chiquinquirá, là Đấng tôi đã được đến tôn kính trong Nhà thờ Chính tòa của Bogotá. Với sự trợ giúp của Mẹ Maria, cầu cho mọi người dân Columbia có thể đặt bước chân đầu tiên mỗi ngày tiến đến với anh em và chị em của họ, và bằng cách này cùng nhau xây dựng hòa bình, từng ngày từng ngày, hòa bình trong tình yêu thương, trong công bằng và trong sự thật.”
Bản dịch tiếng Anh Bài giáo lý Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha ngày 13 tháng Chín, 2017, trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Như anh chị em biết, trong những ngày vừa qua tôi thực hiện chuyến tông du đến Columbia. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân vĩ đại này; và tôi xin bày tỏ lại lòng tri ân của tôi đến ông Tổng thống của nước Cộng hòa, ông đã đón tiếp tôi thật nồng hậu, các giám mục của Columbia là những vị đã làm việc rất vất vả để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này, cũng những các giới chức khác của đất nước, và tất cả những người đã góp phần trong việc làm cho chuyến đi này trở thành hiện thực. Và tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến người dân Columbia đã chào đón tôi với một lòng thương mến đặc biệt như vậy và với muôn vàn hân hoan! Một dân tộc hân hoan, cùng với rất nhiều đau khổ, nhưng vẫn hân hoan; một dân tộc với niềm vui. Một trong những điều đã làm tôi xúc động nhất trong tất cả các thành phố, là trong giữa các đám đông có những người cha và người mẹ cùng với con cái của họ, họ nâng bổng những đứa con của họ lên để Đức Thánh Cha có thể ban phép lành cho chúng, nhưng cũng với niềm tự hào, giơ những đứa con của họ lên dường như muốn nói, “Đây là niềm tự hào của chúng tôi! Đây là niềm hy vọng của chúng tôi.” Tôi nghĩ: một dân tộc có khả năng sinh con cái và giới thiệu chúng với niềm tự hào, như là niềm hy vọng của họ; dân tộc này có tương lai. Tôi rất thích điều này.
Trong chuyến đi này, tôi ý thức được sự tiếp nối với hai Đức Thánh Cha đã đến thăm Columbia trước tôi bằng một cách đặc biệt: Chân phước Phao-lô VI năm 1968, và Thánh Gio-an Phao-lô II năm 1986. Một sự tiếp nối được khơi gợi mạnh mẽ bởi Thần Khí, Đấng đã hướng dẫn những bước đi của dân Chúa trên những con đường lịch sử.
Khẩu hiệu của chuyến đi là “Demos el primer paso”, nghĩa là, “Chúng ta hãy đặt những bước đi đầu tiên,” liên quan đến tiến trình hòa giải mà Columbia đang thực hiện sau nửa thế kỷ nổi lên những xung đột trong nước, gieo rắc sự đau khổ và hận thù, gây ra biết bao vết thương khó chữa lành. Nhưng với sự trợ giúp của Thiên Chúa thì hành trình đã bắt đầu. Bằng chuyến đi của tôi, tôi muốn chúc lành cho nỗ lực của dân tộc, để làm họ vững mạnh trong đức tin và trong hy vọng, và để đón lấy chứng tá của họ, đó là một gia tài cho thừa tác vụ của tôi và cho toàn Giáo hội. Chứng tá của dân tộc này là một gia tài cho toàn Giáo hội.
Cũng giống như đa số các quốc gia Mỹ La-tinh khác, Colombia là một đất nước có nguồn cội Ki-tô giáo rất mạnh. Và vì sự thật này nó làm cho sự đau đớn do thảm kịch chiến tranh gây ra lớn gấp nhiều lần, nhưng đồng thời nó góp phần bảo đảm cho hòa bình, nền tảng vững chắc cho việc tái kiến thiết, là nhựa sống cho niềm hy vọng không thể đánh bại được của họ. Rõ ràng rằng ác thần đã tìm cách chia rẽ dân tộc này để phá hủy công trình của Thiên Chúa, nhưng cũng thật rõ ràng rằng tình yêu của Đức Ki-tô, lòng thương xót vô biên của Người, còn mạnh hơn tội lỗi và sự chết.
Chuyến đi với mục đích mang đến phép lành của Đức Ki-tô, phép lành của Giáo hội cho lòng khát khao sự sống và hòa bình tuôn chảy từ trái tim của dân tộc; tôi đã có thể nhìn thấy được điều đó trong đôi mắt của hàng ngàn hàng ngàn thiếu nhi, thiếu niên và giới trẻ đứng chật quảng trường ở Bogota và những người tôi gặp ở mọi nơi; nguồn sức sống đó mà chính thiên nhiên cho thấy sự phong phú và đa dạng sinh thái của nó. Columbia là quốc gia đứng hàng thứ hai trên thế giới về sự đa dạng sinh thái. Ở Bogota, tôi đã được gặp tất cả các Đức Giám mục trong nước, và cả Ủy ban Điều hành Hội đồng Giám mục Mỹ La-tinh. Tôi tạ ơn Chúa vì đã có cơ hội được ôm lấy các ngài và tôi đã có thể cho các ngài những lời động viên về mục vụ, về sứ mạng phục vụ Giáo hội của các ngài, phục vụ bí tích của Đức Ki-tô là hòa bình và là nguồn hy vọng của chúng ta.
Toàn bộ thời gian dành đặc biệt cho chủ đề hòa giải, cao điểm nhất của tất cả mọi chuyến thăm đã diễn ra ở Villavicencio. Buổi sáng có một Thánh lễ trọng thể, Lễ phong Chân phước cho hai vị tử đạo là Đức Giám mục Jesús Emilio Jaramilla Monsalve, và linh mục Pedro María Ramírez Ramos; vào buổi chiều có một Nghi thức Hòa giải đặc biệt, trước nhan thánh Đức Ki-tô Bocayá, không có tay chân, đã bị cắt mất các phần chi thể như dân của Người.
Việc phong chân phước cho hai vị tử đạo nhắc chúng ta, và có lẽ là trên tất cả mọi điều, rằng ý nghĩa thực sự của hòa bình được đặt trên máu của nhiều chứng nhân tình yêu, sự thật và công bằng, và cũng còn đặt trên nhiều vị tử đạo khác, hy sinh vì đức tin, giống như hai vị mà tôi vừa nói đến. Lắng nghe tiểu sử của hai vị đã làm tôi xúc động phải rơi lệ; nước mắt của sự đau đớn hòa lẫn với niềm vui. Trước những thánh tích và khuôn mặt của các vị, dân thánh trung thành của Thiên Chúa cảm nhận mạnh mẽ giá trị của riêng họ, với nỗi đau khi nhớ đến rất nhiều, rất nhiều những nạn nhân, và với niềm vui bởi lòng thương xót của Chúa được trải rộng ra cho tất cả những ai kính sợ Người (x. Lc 1: 50).
Chúng ta đã nghe câu này từ ban đầu, “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên” (Tv 85: 11), câu Thánh vịnh này chứa đựng một lời tiên tri về những gì xảy ra hôm thứ Sáu tuần trước ở Columbia; lời tiên tri và ơn sủng của Thiên Chúa dành cho dân tộc bị tổn thương, để nó có thể một lần nữa đứng dậy và tiến bước về một đời sống mới. Chúng ta đã nhìn thấy những lời tiên tri đầy ơn sủng này, hiện lên trong những câu chuyện của các chứng nhân là những người nói thay cho rất nhiều người, bắt đầu từ những vết thương của riêng họ, với ơn sủng của Đức Ki-tô đã thoát ra khỏi con người của họ và mở đường đến với sự gặp gỡ, tha thứ, hòa giải.
Ở Medellín, với viễn cảnh là đời sống người Ki-tô hữu làm tông đồ: ơn gọi và sứ mạng. Khi người Ki-tô hữu cam kết trọn vẹn bản thân bước theo Đức Giê-su Ki-tô, họ thực sự trở nên muối, ánh sáng và men cho trần gian, và chúng ta nhìn thấy rất nhiều hoa trái. Một trong những hoa trái này là Hogares, cụ thể là những nhà dành cho trẻ em và thanh thiếu niên đã bị tàn phá cuộc sống có thể tìm thấy một gia đình mới nơi mà các em được yêu thương, được chào đón, được bảo vệ và được đồng hành. Và rất nhiều hoa trái khác là những ơn gọi vào thiên chức linh mục và đời sống tận hiến, nhiều rất nhiều như giàn nho, mà tôi đã có cơ hội được ban phép lành và động viên với niềm hân hoan trong một cuộc gặp gỡ không thể quên được với những người sống đời thánh hiến và gia đình của họ.
Và cuối cùng ở Cartagena, thành phố của Thánh Phê-rô Claver, tông đồ của những nô lệ, trọng tâm tập trung vào thúc đẩy nhân vị và những quyền căn bản. Thánh Phê-rô Claver, giống như Thánh Maria Bernarda Bütler gần đây, đã hy sinh đời sống cho người nghèo nhất và người bị gạt ra bên lề, và bằng cách này họ đã cho thấy con đường của cuộc cách mạng thực sự, cuộc cách mạng của phúc âm hóa hơn là cách mạng của hệ tư tưởng, nó thực sự giải phóng con người khỏi tình trạng nô lệ của ngày hôm qua mà thật không may nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Theo ý nghĩa này, “đặt bước chân đầu tiên” – khẩu hiệu của chuyến đi – có nghĩa là đến gần hơn, cúi xuống, đụng chạm vào da thịt của người anh em bị thương tổn và bị bỏ rơi của chúng ta. Và làm việc đó với Đức Ki-tô, Thiên Chúa Đấng đã trở thành một nô lệ cho chúng ta. Nhờ Người mà có hy vọng, vì Người là lòng thương xót và bình an.
Một lần nữa tôi xin tán dương Columbia và dân tộc thân yêu của đất nước thân yêu đó lên Mẹ, Đức Mẹ Chiquinquirá, là Đấng tôi đã được đến tôn kính trong Nhà thờ Chính tòa của Bogotá. Với sự trợ giúp của Mẹ Maria, cầu cho mọi người dân Columbia có thể đặt bước chân đầu tiên mỗi ngày tiến đến với anh em và chị em của họ, và bằng cách này cùng nhau xây dựng hòa bình, từng ngày từng ngày, hòa bình trong tình yêu thương, trong công bằng và trong sự thật.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/09/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét