Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

Đức Tổng Giám mục Auza: Bền vững có nghĩa là toàn diện

Đức Tổng Giám mục Auza: Bền vững có nghĩa là toàn diện

Lặp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha “hoán cải môi sinh”
11 tháng Mười, 2017
Archbishop Bernardito Auza ©Holy See Mission
Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza ©Holy See Mission
Sự Phát triển bền vừng phải mang tính toàn diện và vượt xa hơn sự tăng trưởng kinh tế để có sự phát triển trọn vẹn nhân vị của mỗi con người trong bối cảnh của cộng đồng và môi trường, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên Hợp quốc, trình bày hôm 10 tháng Mười, 2017.
Những trình bày của ngài trong phiên tranh luận Ủy ban thứ Hai về Chương trình Nghị sự Mục 19, về “Sự Phát triển Bền vững” tại LHQ ở New York.
Ngài nói, sự phát triển bền vững phải loại bỏ chủ nghĩa tiêu dùng thừa mứa và chủ nghĩa đề cao cá nhân đồng thời phải nhắm đến sự tiêu thụ và sản xuất bền vững. Ngài hướng sự chú ý đặc biệt đến những sự tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển và nói rằng tính công bằng đòi hỏi sự đoàn kết với những người chịu đau khổ do những tai ương của môi trường. Ngài lặp lại những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxico hướng tới “hoán cải môi sinh” và đoàn kết liên thế hệ.
Dưới đây là phát biểu của Đức Tổng Giám mục Auza:

Phát biểu của Tổng Giám mục Bernardito Auza
Khâm sứ và Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh
Phiên họp thứ 72 của Đại Hội Đồng LHQ, Ủy ban thứ hai
Chương trình nghị sự Mục 19: Sự phát triển bền vững
New York, 10 tháng Mười 2017
Thưa ông Chủ tịch,
Chúng tôi chào đón những báo cáo mới đây của Tổng Thư ký về sự phát triển bền vững. Xây dựng dựa trên khái niệm về sự phát triển con người toàn diện, sự phát triển bền vững phải vượt xa hơn sự tăng trưởng kinh tế thuần túy. Nó phải hướng đến sự phát triển trọn vẹn nhân vị và mỗi người trong bối cảnh của cộng đồng và môi trường tự nhiên. Sự phát triển bền vững đòi hỏi sự tiêu dùng bền vững và sản xuất bền vững, kết nối con người trong những mắt xích toàn cầu trong đó mọi người trên chuỗi mắt xích đó ý thức được những kết quả những hành động của họ ảnh hưởng trên người khác trong một thế giới tương thuộc toàn cầu. Trọng tâm những nỗ lực của chúng ta phải là chối bỏ chủ nghĩa đề cao cá nhân và chủ nghĩa tiêu dùng thừa mứa để mọi người được hưởng một đời sống xứng đáng trong một hành tinh bền vững.
Thưa ông Chủ tịch,
Bằng chứng ngày càng trở nên rõ ràng rằng thiếu tính ổn định về môi trường và kinh tế là rào chắn chính đối với sự phát triển con người toàn diện. Cường độ và sự thường xuyên diễn ra của những thảm họa tự nhiên vắt kiệt các nguồn tài lực và những khả năng thậm chí của cả những quốc gia giàu có nhất và nhanh chóng lấn át những quốc gia nhỏ hơn, kém phát triển hơn. Những Đảo quốc, đặc biệt là những Đảo quốc nhỏ đang phát triển, [1] gánh thêm vấn đề nữa là cần có nhân viên cứu hộ và các nguồn trợ cấp. Tòa Thánh ủng hộ một định hướng mới của cộng đồng LHQ nhằm xây dựng nội lực và những nỗ lực khác hướng tới xây dựng năng lực cho các cộng đồng, đặc biệt trong những Đảo quốc nhỏ và những quốc gia kém phát triển nhất.
Những biến đổi khí hậu đột ngột có thể gây ra những lượng mưa vượt mức ở một số vùng, và tình trạng hạn hán và sa mạc hóa ở những khu vực khác. Châu Phi đã hứng chịu tình trạng hạn hán và sa mạc hóa nặng nề, tàn phá đời sống và những phương kế sinh nhai, tăng thêm sự trầm trọng của những xung đột về sắc tộc và bộ lạc và đe dọa tính an ninh, ổn định và bền vững của nó. [2] Mỗi năm 12 triệu héc-ta, một diện tích tương đương với diện tích của Nicaragua, bị mất do sa mạc hóa.
Tình đoàn kết với những anh chị em của chúng ta đang gánh chịu những hậu quả do các tai ương của môi trường không phải là một lời cầu xin sự bố thí; nó là một tiếng kêu đòi công bằng. Hầu hết những mối nguy hiểm đang tăng cao, chẳng hạn mực nước biển tăng và tình trạng sa mạc hóa, mà những quốc gia nghèo và nhược tiểu đang phải đối mặt thường bị gây ra bởi những nguyên nhân mà họ không chịu trách nhiệm. Như Đức Giáo hoàng Phanxico đã nêu ra trong Tông huấn Laudato Si’: “Có một “món nợ về mặt môi sinh” – đặc biệt giữa bắc bán cầu và nam bán cầu – liên kết với sự bất bình đẳng trong thương mại và những hậu quả của chúng trên bình diện môi trường cũng như với việc sử dụng bất bình đẳng các tài nguyên thiên nhiên của một số quốc gia trong những khoảng thời gian dài” (51).
Đức Giáo hoàng Phanxico kêu gọi chúng ta hãy tiến đến với một “sự hoán cải môi sinh” (Laudato Si’, 216). Không thể đơn thuần giải quyết những vấn đề liên quan đến tính bền vững bằng kỹ thuật hay trợ cấp, nhưng đòi hỏi một sự tái kiểm điểm công bằng hơn những hệ thống kinh tế của chúng ta để khiến chúng tạo ích lợi không chỉ riêng cho những người giàu có nhưng cho cả những người nghèo, và đòi hỏi một sự thay đổi về lối sống cá nhân cũng như xã hội để bảo vệ tốt hơn cho ngôi nhà chung của chúng ta. Phái đoàn của tôi rất vui khi tìm thấy sự cần thiết có mối quan hệ mới này giữa nhân loại và hành tinh cũng được nhấn mạnh trong báo cáo của Tổng Thư ký về Sự Hòa hợp với Thiên nhiên.[3]
Cuối cùng, Phái đoàn của tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình đoàn kết liên thế hệ để duy trì được sự phát triển bền vừng và sự chăm sóc dài lâu cho môi trường. Đức Giáo hoàng Phanxico đã trình bày trong Tông huấn Laudato Si’: “Quan niệm về thiện ích chung phải liên hệ đến các thế hệ tương lai. .... Nếu không có sự liên đới giữa các thế hệ, thì không thể nào nói đến việc phát triển lâu dài được. Khi chúng ta bắt đầu suy nghĩ về một thế giới mà chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ mai sau, chúng ta sẽ nhìn mọi việc một cách khác đi; chúng ta nhận ra rằng thế giới này là một quà tặng mà chúng ta đã đón nhận một cách nhưng không và sẽ phải trao lại cho những thế hệ sau. Khi trái đất được ban cho chúng ta, thì chúng ta không thể nào chỉ nghĩ theo tiêu chuẩn hiệu năng và khả năng sản xuất cho việc sử dụng cá nhân chúng ta được. Sự công bằng liên thế hệ không phải là một tùy chọn, nhưng là một câu hỏi nền tảng về tính công bằng, vì trái đất mà chúng ta lãnh nhận, cũng thuộc về những người sẽ tới sau chúng ta” (159).
Cảm ơn ông Chủ tịch.
1. A/72/119.
2. A/72/152.
3. A/72/175.
Copyright © 2017 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.
JF

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 13/10/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét