Đức Thánh Cha Phanxico: Thánh Lễ là một sự tưởng nhớ
Không chỉ đơn thuần là một sự hồi tưởng về những biến cố đã qua
22 tháng 11, 2017
© L'Osservatore Romano
Đức Thánh Cha Phanxico khẳng định hôm 22 tháng 11, 2017, “Thánh Lễ là một sự tưởng nhớ Mầu nhiệm Vượt qua của Đức Ki-tô. Thánh Lễ biến chúng ta thành những người được dự phần trong cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết của Ngài và tặng ban trọn vẹn ý nghĩa cho sự sống của chúng ta.”
Phân tích của Ngài trong Buổi Tiếp Kiến Chung trong Quảng trường Thánh Phê-rô là một phần trong chủ đề giáo lý mới của ngài về Thánh Lễ.
Ngài nói rằng điều vô cùng quan trọng là phải hiểu được “sự tưởng nhớ” theo ý nghĩa Kinh thánh: “Đó không đơn thuần là một sự hồi tưởng lại những biến cố đã qua, nhưng với ý thức chắc chắn rằng những biến cố đó là hiện thực và thật sự.”
Đức Thánh Cha nhắc nhở những người hiện diện trong quảng trường và đang xem trên CTV rằng “Thánh lễ là một sự tưởng nhớ sự Vượt qua của Ngài, “cuộc xuất hành” của Ngài, Ngài làm điều đó cho chúng ta, để kéo chúng ta thoát ra khỏi tình trạng nô lệ và đưa chúng ta vào Miền đất Hứa của sự sống đời đời.”
Ngài phân tích rằng, “Thánh Thể luôn luôn dẫn đưa chúng ta đến đỉnh điểm của hoạt động cứu độ của Thiên Chúa … Mỗi lần dâng Thánh Thể là một tia sáng của ánh dương không bao giờ tàn, đó chính là Chúa Giê-su Phục sinh.”
Đức Thánh Cha Phanxico kết luận bằng sự nhấn mạnh: “Thánh Lễ là sống lại biến cố đồi Can-vê, đó không phải là buổi trình diễn.”
* * *
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Tiếp tục chủ đề giáo lý mới về Thánh Lễ, chúng ta hãy tự hỏi mình: Thánh Lễ là gì? Thánh Lễ là một sự tưởng nhớ Mầu nhiệm Vượt qua của Đức Ki-tô. Thánh Lễ biến chúng ta thành những người được dự phần trong cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết của Ngài và ban tặng trọn vẹn ý nghĩa cho sự sống của chúng ta.
Vì thế, để hiểu được giá trị của Thánh Lễ, trước hết chúng ta phải hiểu được ý nghĩa theo Kinh thánh của “sự tưởng nhớ.” Đó “ không đơn thuần là một sự hồi tưởng lại những biến cố đã qua, nhưng với ý thức chắc chắn rằng những biến cố đó là hiện thực và thật sự. Quả thật, từ đó người Israel hiểu được sự giải phóng của họ thoát khỏi Ai-cập: mỗi lần Lễ Vượt qua được mừng, thì các biến cố Xuất hành lại trở về với thực tại trong ký ức của người tín hữu, để họ có thể hợp nhất đời sống của họ với những biến cố đó.” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1363). Bằng Cuộc Thương Khó, Cái Chết, sự Phục sinh, và Lên trời, Chúa Giê-su Ki-tô đã đưa Lễ Vượt qua đến bước hoàn thiện. Và Thánh Lễ là sự tưởng nhớ lại sự Vượt qua của Người, tưởng nhớ lại “cuộc xuất hành” của Người, Đấng làm điều đó cho chúng ta, để kéo chúng ta thoát ra khỏi tình trạng nô lệ và đưa chúng ta vào Miền đất Hứa của sự sống đời đời. Đó không chỉ đơn thuần là một sự hồi tưởng. Không, nó còn hơn thế: Thánh Lễ làm tái hiện thật lại những gì đã xảy ra 20 thế kỷ trước. Thánh Thể luôn luôn dẫn đưa chúng ta đến đỉnh điểm của hoạt động cứu độ của Thiên Chúa: là Đức Giê-su Ki-tô, biến chính thân thể ngài thành tấm bánh bẻ ra cho chúng ta, đổ tràn trên chúng ta tất cả lòng thương xót và tình yêu của Người, như Người đã làm trên cây Thánh giá, để canh tân tâm hồn của chúng ta, cuộc sống của chúng ta và mối quan hệ của chúng ta với Người và với anh em. Công đồng Vatican II đã dạy: “Mỗi khi hy tế của thập giá — trên đó Đức Ki-tô, Con Chiên Vượt qua của chúng ta, chịu sát tế –, được dâng trên bàn thờ, thì công trình Ơn Cứu Chuộc cho chúng ta được thực hiện” (Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3).
Mỗi lần dâng Thánh Thể là một tia sáng của ánh dương không bao giờ tàn, đó chính là Chúa Giê-su Phục sinh. Tham dự Thánh Lễ, đặc biệt ngày Chúa Nhật, có nghĩa là đi vào vinh quang của Đấng Phục sinh, để được chiếu sáng bằng ánh sáng của Người, được sưởi ấm bằng hơi ấm của Người. Qua Thánh Lễ, Chúa Thánh Thần biến chúng ta trở thành những người được dự phần trong sự sống của Thiên Chúa, điều đó biến đổi toàn bộ đời sống phải chết của chúng ta. Và hành trình của Người từ cái chết bước sang sự sống, từ bị giới hạn bởi thời gian đến sự trường tồn, Chúa Giê-su kéo chúng ta cùng với Người mừng biến cố Phục sinh. Sự Phục sinh được mừng trong Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ, chúng ta ở cùng Chúa Giê-su, Đấng đã chết và phục sinh, và Người kéo chúng ta đến vói sự sống đời đời. Trong Thánh Lễ, chúng ta được kết hiệp với Ngài. Hơn thế nữa, Đức Ki-tô sống trong chúng ta và chúng ta sống trong Người. Thánh Phao-lô nói, “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gal 2:19-20). Thánh Phao-lô suy nghĩ như vậy.
Quả thật, Máu của Người giải thoát chúng ta khỏi cái chết và khỏi nỗi sợ hãi của cái chết. Máu đó giải thoát chúng ta không chỉ thoát khỏi sự thống trị của cái chết thân xác nhưng cả cái chết tinh thần, đó là sự ác, tội lỗi cầm giữ chúng ta mỗi khi chúng ta trở thành nạn nhân của tội lỗi của chúng ta hoặc của người khác. Và rồi cuộc sống của chúng ta bị ô nhiễm, nó bị mất vẻ đẹp của sự sống, nó bị mất ý nghĩa, nó bị khô héo.
Nhưng Đức Ki-tô đã trao tặng lại sự sống cho chúng ta; Đức Ki-tô là kiện toàn của sự sống, và khi Ngài đối mặt với cái chết, Người đã tiêu diệt nó mãi mãi: “Người sống lại đập tan cái chết và canh tân sự sống,” (Kinh Tạ ơn IV). Sự Vượt qua của Đức Ki-tô là chiến thắng tuyệt đối cái chết vì Người đã biến đổi cái Chết của Người thành một hành động tột đỉnh của yêu thương. Người đã chết vì yêu! Và trong Thánh Thể, Người mong muốn chuyển tải cho chúng ta tình yêu vinh quang, tình yêu vượt qua của Người. Nếu chúng ta đón nhận tình yêu này bằng niềm tin, chúng ta sẽ thực sự yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em, chúng ta có thể yêu thương như Người đã yêu chúng ta, qua cách trao tặng sự sống của người.
Nếu tình yêu của Đức Ki-tô có trong tôi, tôi có thể hoàn toàn cho đi bản thân, với sự xác quyết trong lòng rằng cho dù người khác có làm tôi tổn thương, tôi vẫn không chết; nếu không thì tôi sẽ phải bảo vệ cho tôi. Quả thật, những vị tử đạo đã hy sinh mạng sống vì sự xác quyết về chiến thắng cái chết này của Đức Ki-tô. Chỉ khi chúng ta trải nghiệm được sức mạnh này nơi Đức Ki-tô, sức mạnh của tình yêu của Người, thì chúng ta mới thật sự tự do cho đi bản thân mà không sợ hãi. Đây là ý nghĩa của Thánh Lễ: đi vào cuộc Thương Khó, Cái Chết, Sự Phục Sinh, và Lên Trời của Chúa Giê-su; Khi chúng ta đi tham dự Thánh Lễ là chúng ta bước lên đồi Can-vê, cũng giống như vậy – chúng ta hãy hình dung một chút – và khi chúng ta biết rằng con người ở đó là Đức Giê-su, thì liệu chúng ta có cho phép mình chuyện trò tán gẫu, hoặc chụp hình chụp ảnh, hoặc xem đó như một buổi diễn? Hoàn toàn không! Vì đó chính là Chúa Giê-su! Chúng ta phải hoàn toàn thinh lặng, trong sự than khóc và mừng vui vì được cứu thoát. Khi chúng ta vào nhà thờ tham dự Thánh Lễ chúng ta hãy suy nghĩ như vầy: Tôi đang đi lên đồi Can-vê, nơi Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống của Người vì tôi. Suy nghĩ như vậy là hình ảnh buổi biểu diễn biến mất, sự chuyện trò biến mất, những bình luận và những điều lôi kéo suy nghĩ chúng ta ra khỏi biến cố tuyệt mỹ chính là Thánh Lễ cũng biến mất, đó là chiến thắng của Chúa Giê-su.
Tôi nghĩ đến đây đã có phần nào rõ hơn lý do Sự Vượt qua trở nên thật và hoạt động mỗi khi chúng ta dâng Thánh Lễ, nói một cách khác đó là ý nghĩa của sự tưởng niệm. Tham dự Thánh Lễ cho phép chúng ta đi vào Mầu nhiệm Vượt qua của Đức Ki-tô, cho phép chúng ta cùng với Người vượt qua sự chết để bước đến sự sống, ngay trên đồi Can-vê. Thánh Lễ là sống lại biến cố đồi Can-vê, đó không phải là buổi biểu diễn.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
© Libreria Editrice Vatican
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/11/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét