Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico với giới trẻ Chile

Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico với giới trẻ Chile

Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico với giới trẻ Chile

Xin đọc toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico với giới trẻ Chile, họp mặt tại Đền thánh Quốc gia Maipu ở Santiago.

17 tháng Một 2018, 20:54
Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico với giới trẻ Chile
CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO ĐẾN CHILE

Diễn từ tại Cuộc Gặp gỡ Giới trẻ

Đền thánh Quốc gia Maipú, Santiago

Thứ Tư, 17 tháng Một 2018

Ariel, cha rất hạnh phúc được đến đây với chúng con. Cảm ơn con về những lời chào mừng đại diện cho tất cả các bạn. Cha phải cảm ơn vì được đến đây để chia sẻ thời gian với chúng con. Với cha, điều quan trọng là chúng ta phải gặp gỡ và cùng bước đi với nhau một lát. Chúng ta hãy giúp nhau giữ ánh mắt hướng về phía trước!

Cha rất vui vì buổi gặp gỡ này diễn ra ở Maipú. Trong vùng đất lịch sử này của Chile đã bắt đầu bằng cái ôm huynh đệ, Đền Thánh này đứng tại ngã tư của miền bắc và miền nam, kết nối giữa miền tuyết rơi và biển cả, và là quê hương giữa thiên đàng và trần thế. Một ngôi nhà cho Chile, một ngôi nhà cho chúng con, các bạn trẻ thân yêu, nơi Đức Bà Núi Carmel đang chờ đợi chúng con và chào đón chúng con bằng trái tim rộng mở. Như Mẹ đã đồng hành với sự khai sinh ra đất nước này và đã đồng hành với biết bao người Chile trong suốt chiều dài thời gian hai trăm năm, thì nay Mẹ muốn tiếp tục đồng hành với những ước mơ mà Thiên Chúa đã đặt vào tâm hồn chúng con: những ước mơ tự do, những ước mơ niềm vui, những ước mơ về một tương lai tươi đẹp hơn: niềm khát khao, như con đã nói, Ariel, “muốn trở thành những vai chính của sự thay đổi.” Trở thành những vai chính. Đức Bà Núi Carmel đồng hành với chúng con để chúng con có thể trở thành những vai chính cho đất nước Chile mà con tim của chúng con mơ ước. Cha biết rằng con tim của giới trẻ Chile đang ước mơ, và biết rằng chúng đang mang những ước mơ ớn, vì miền đất này đã vươn lên từ những kinh nghiệm được trải rộng và nhân gấp lên nhiều lần trên nhiều quốc gia trong châu lục này. Ai đã khơi nguồn cảm hứng cho những ước mơ đó? Chính là những người trẻ như chúng con, là những người được khơi dậy cảm hứng muốn trải nghiệm cuộc phiêu lưu đức tin. Vì đức tin làm phấn khích cảm xúc muốn phiêu lưu của những người trẻ, một cuộc phiêu lưu cuốn hút họ vượt qua những phong cảnh đầy kinh ngạc, những địa hình gập ghềnh và hiểm trở …, vì chúng con thích những cuộc phiêu lưu và những thử thách! Vì chúng con sẽ cảm thấy chán chường khi chẳng có thách đố nào gây hứng thú cho chúng con. Chúng ta nhìn thấy điều này rất rõ, vì dụ, bất cứ nơi nào có một thảm họa thiên nhiên. Chúng con có một khả năng kỳ diệu sẵn sàng lao vào phục vụ, đây là một dấu chỉ chắc chắn của lòng quảng đại trong tâm hồn chúng con.

Trong sứ vụ làm giám mục của cha, cha đã nhìn thấy không biết bao nhiêu ý tưởng tuyệt vời có trong các bạn trẻ, trong trí óc và trong con tim của các bạn. Tuổi trẻ luôn bồn chồn thao thức; họ là những người luôn đi tìm kiếm và là người lý tưởng hóa. Vấn đề mà người lớn như cha thường mắc phải, giống như mấy người “biết tuốt”, là hay nói rằng: “Chúng nghĩ theo cách đó vì chúng nó còn trẻ; chúng vẫn còn phải trưởng thành.” Dường như sự trưởng thành có nghĩa là chấp nhận những bất công, tin rằng chẳng có thể thay đổi được gì, rằng đây là cách mà mọi việc luôn luôn diễn ra.

Nhận ra sự quan trọng của giới trẻ và những kinh nghiệm của họ, năm nay cha muốn triệu tập Thượng Hội đồng, và trước đó là buổi họp với những bạn trẻ, để chúng con có thể cảm nhận – và thực sự là vậy – là những vai chính trong trung tâm của Giáo hội. Để giúp giữ cho khuôn mặt của Giáo hội trẻ trung, không phải bằng cách sử dụng mỹ phẩm nhưng bằng cách để mình bị thách đố bởi những người con trai và con gái của mình, để giúp mình mỗi ngày trở nên trung thành với Tin mừng hơn. Giáo hội Chile rất cần chúng con “làm rung chuyển mặt đất dưới chân” và giúp chúng ta đến gần với Chúa Giê-su hơn! Những câu hỏi của chúng con, những điều chúng con muốn biết, khát khao sống quảng đại, là tất cả những gì cần thiết cho chúng ta đến gần với Chúa Giê-su hơn. Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi, một lần nữa, lại gần với Chúa Giê-su hơn.

Cho cha chia sẻ với chúng con một câu chuyện. Một ngày nọ cha chuyện trò vui với một bạn thanh niên, cha hỏi bạn ấy điều gì làm bạn ấy buồn. Bạn ấy nói với cha: “Khi điện thoại của con hết pin hoặc khi mất sóng internet.” Cha mới hỏi bạn ấy: “Tại sao?” Bạn ấy trả lời: “Thưa cha, đơn giản thôi; con bị lỡ mất những việc đang xảy ra, con bị mù tịt trước tin tức thế giới, bí luôn. Những lúc đó, con nhảy dựng lên và chạy đi tìm ngay bộ sạc hoặc mạng Wi-Fi và tìm password để kết nối trở lại.”

Việc này làm cha nghĩ rằng chuyện tương tự cũng xảy ra với đức tin của chúng ta. Sau một thời gian trên hành trình hoặc sau một sự bộc phát ban đầu, có những lúc, thậm chí không nhận ra, “tần sóng” của chúng ta bắt đầu yếu dần và chúng ta mất sóng, mất nguồn; rồi chúng ta trở nên buồn và chúng ta mất niềm tin, chúng ta thấy chán nản và bơ phờ, và chúng ta bắt đầu xem xét mọi thứ dưới một ánh sáng tệ hại. Khi chúng ta thiếu “sự kết nối” để sạc thêm năng lượng cho những ước mơ của chúng ta, tâm hồn chúng ta bắt đầu mất sức mạnh. Khi nguồn năng lượng chúng ta hết, chúng ta cảm nhận giống như một bài hát miêu tả – “Những âm thanh ồn ào xung quanh và sự cô đơn của thành phố cắt đứt chúng ta khỏi mọi thứ. Thế giới này quay lưng lại, cố chôn vùi tôi và nhận chìm tất cả những ý nghĩ và tư tưởng của tôi”.[1]

Không có sự kết nối, sự kết nối với Chúa Giê-su, cuối cùng chúng ta bị chôn vùi những tư tưởng và suy nghĩ, những ước mơ và niềm tin của chúng ta, và thế là chúng ta thấy tuyệt vọng và bực bội. Là những vai chính, chúng ta là như vậy và đó là điều chúng ta muốn – chúng ta có thể đến với một cảm giác rằng sẽ chẳng có gì khác biệt cho dù chúng ta có hành động hay không. Chúng ta bắt đầu mang cảm giác rằng chúng ta “bị cắt đứt ra khỏi thế giới,” như bạn thanh niên đó nói với cha. Điều đáng lo là khi họ đã bị mất “sóng kết nối,” nhiều người cho rằng họ chẳng có gì để cho đi; họ cảm thấy lạc lối. Đừng bao giờ nghĩ rằng chúng con chẳng có gì để cho đi hoặc chẳng ai quan tâm đến chúng con. Đừng bao giờ! Ý nghĩ đó, như Alberto Hurtado đã từng nói “là tiếng nói của ma quỷ,” hắn muốn làm cho chúng con cảm thấy mình là vô dụng … và cứ để cho mọi việc y nguyên như vậy. Tất cả chúng ta đều rất cần thiết và qua trọng; tất cả chúng ta đều có gì đó để cho đi.

Những người trẻ tuổi trong Tin mừng chúng ta nghe hôm nay muốn có “sự kết nối” đó để giúp họ giữ được ngọn lửa cháy rực trong con tim của họ. Họ muốn biết cách sạc năng lượng cho tâm hồn của họ. Anrê và người môn đệ kia – tên của người này không được nói ra, vì thế chúng ta có thể hình dung rằng mỗi người chúng ta là một người môn đệ “kia” – đang đi tìm mật khẩu (password) để kết nối với Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6). Chính Gioan Tẩy Giả là người chỉ cho họ con đường. Cha tin rằng chúng con cũng có một vị thánh vĩ đại có thể là người chỉ đường cho chúng con, một vị thánh đã biến cuộc đời của ngài thành một bài ca: “Con rất hạnh phúc, lạy Chúa, con rất hạnh phúc.” Alberto Hurtado có một quy tắc vàng, một quy tắc làm cho tâm hồn rực cháy lên với ngọn lửa giữ mãi niềm vui. Vì Đức Giê-su là ngọn lửa đó; mọi người đến gần với ngọn lửa đó đều được làm rực cháy lên.

Mật khẩu của Thánh Hurtado rất đơn giản – nếu điện thoại của chúng con đang mở, cha muốn chúng con gõ vào câu này. Thánh nhân hỏi: “Đức Ki-tô sẽ làm gì nếu ở vị trí của mình?” Ở trường, ở đại học, khi ra ngoài, khi ở nhà, ở giữa những người bạn, ở nơi làm việc, khi bị mắng nhiếc: “Đức Ki-tô sẽ là gì nếu ở vị trí của mình?” Khi chúng con đi khiêu vũ, khi chúng con đi chơi hoặc xem thể thao: “Đức Ki-tô sẽ là gì nếu ở vị trí của mình?” Ngài chính là mật khẩu, là nguồn năng lượng cung cấp cho con tim của chúng ta, làm rực cháy niềm tin của chúng ta và làm đôi mắt chúng ta rực sáng lên. Đó chính là ý nghĩa của một người giữ vai chính của lịch sử. Đôi mắt chúng ta rực sáng, vì chúng ta khám phá ra rằng Chúa Giê-su là nguồn mạch sự sống và niềm vui. Là những vai chính của lịch sử, vì chúng ta muốn truyền sự rực sáng đó sang những con tim đã trở nên nguội lạnh và u ám đến mức chúng đã quên ý nghĩa của niềm hy vọng, truyền sang những con tim đang “vật vờ” và chờ đợi một ai đó đến và thử thách chúng với một điều gì đó đáng giá. Là vai chính có nghĩa là làm những điều Chúa Giê-su đã làm. Bất kể chúng con ở đâu, bất kể chúng con ở với ai, bất kể chúng con gặp nhau lúc nào: “Đức Ki-tô sẽ là gì nếu ở vị trí của mình?” Cách duy nhất để không quên mật khẩu là thường xuyên sử dụng nó. Ngày này sang ngày khác. Thời gian sẽ đến khi chúng con đã thuộc lòng nó, và ngày đó sẽ đến khi, thậm chí không nhận ra, con tim của chúng con sẽ đập như trái tim của Chúa Giê-su.

Nếu chỉ nghe một bài giảng hay học và trả lời giáo lý là chưa đủ; chúng ta phải sống theo con đường Chúa Giê-su đã sống. Để làm được điều đó, những người thanh niên trong Tin mừng hỏi: “Thưa thầy, thầy ở đâu” (Ga 1:38). Chúng con sống như thế nào? Chúng ta phải sống giống như Chúa Giê-su, với tiếng “xin vâng” đó làm rung động con tim của chúng ta.

Để đặt mình vào hành trình, để lao vào những nguy hiểm. Các bạn trẻ thân yêu, hãy can đảm, hãy bước dứt khoát ra ngoài để gặp gỡ bạn bè, gặp gỡ những người chúng con không biết, hoặc những người đang gặp những vấn đề. Bước ra ngoài với một lời hứa duy nhất chúng ta có: rằng bất kể chúng con ở nơi đâu – trong sa mạc, đang trên hành trình, giữa bao sự nhộn nhịp, chúng con sẽ luôn luôn được “kết nối mạng”; sẽ luôn có một “nguồn cung cấp năng lượng.” Chúng ta sẽ không bao giờ cô đơn. Chúng ta sẽ luôn vui với sự đồng hành của Chúa Giê-su, với Mẹ của Ngài và một cộng đoàn. Chắc chắn, một cộng đoàn không phải luôn hoàn hảo, nhưng điều đó không có nghĩa là không có gì để yêu thương và cho đi.

Các bạn thân mến, giới trẻ chúng con thân yêu: “Hãy là những người Samari trẻ tuổi, những người không bao giờ bước qua một ai đó đang nằm bên vệ đường. Hãy là Simon trẻ của thành Xiron người giúp Đức Ki-tô vác thập giá của Ngài và giúp xoa dịu những vết thương của những người anh em chị em. Hãy trở nên Da-kêu, người đã biến đổi con tim từ chủ nghĩa tiêu dùng thành tình liên đới. Hãy trở nên Maria Magdala trẻ, miệt mài đi tìm tình yêu, cô tìm được những câu trả lời cho mình duy nhất nơi Chúa Giê-su. Hãy có con tim của Phê-rô, để chúng con có thể bỏ tấm lưới lại bên hồ. Hãy có tình yêu của Gioan, để chúng con có thể gửi gắm nơi Ngài tất cả những điều chúng con lo toan. Hãy mở rộng tâm hồn như Mẹ Maria, để chúng con có thể hân hoan hát khen và thực hiện ý định của Thiên Chúa.[2]

Các bạn thân yêu, cha đã muốn được ở lại lâu hơn. Cảm ơn chúng con về buổi gặp gỡ này và về niềm vui của chúng con. Cha xin chúng con một điều nhé: hãy nhớ cầu nguyện cho cha.

[1] LA LEY, Aquí.

[2] CARD. RAÚL SILVA HENRÍQUEZ, Mensaje a los jóvenes (7 October 1979).


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/1/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét