Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ các quốc gia vùng Baltic

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ các quốc gia vùng Baltic

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ các quốc gia vùng Baltic

Đối thoại với các phóng viên trên chuyến bay từ Estonia về Roma

27 tháng Chín, 2018 14:31
Trong chuyến bay ngày 25 tháng Chín, 2018, từ Tallinn, Estonia, trở về Roma, kết thúc chuyến Tông du đến Lithuania, Latvia và Estonia (22-25 tháng Chín, 2018), Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các ký giả trên máy bay trong một cuộc họp báo, được ghi chép và dịch lại dưới đây. Ông Greg Burke, Giám đốc Văn phòng Báo chí Vatican, điều phối cuộc trao đổi.

(Phần I)

* * *

Văn bản chính

Ông Greg Burke:

Xin chào (buổi tối) Đức Thánh Cha. Trước hết xin cảm ơn người. Ba quốc gia trong bốn ngày thật không dễ dàng chút nào, nó khá mệt … Một phần nào đó nó cũng hơi giống như bốn quốc gia trong bốn ngày, vì ngày đầu tiên là sự ngạc nhiên về Trung quốc, và chúng ta đã thực hiện điều này: chúng ta đến gần với Trung quốc. Chúng ta sẽ cố gắng xoay quanh chủ đề này — chúng ta đã nói về vấn đề này rất nhiều lần –, và nói về chuyến đi. Chắc chắn chúng ta sẽ bắt đầu với những ký giả của các quốc gia chủ nhà, nhưng trong cuộc họp báo, chúng ta sẽ tìm cách nói về chuyến đi đến các quốc gia vùng Baltic. Con không biết Đức Thánh Cha có muốn nói điều gì trước không.

ĐTC Phanxico:

Trước hết, cảm ơn anh chị em vì công việc anh chị em đã làm, vì với anh chị em cũng vậy, ba quốc gia trong bốn ngày không hề dễ dàng. Nó rất mệt, đặc biệt là phải di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Tôi cảm ơn anh chị em rất nhiều vì sự phục vụ anh chị em mang đến cho mọi người về chuyến đi này, nó là điều quan trọng nhất trong việc truyền thông của anh chị em: những gì diễn ra tại đây … Chuyến đi này có những điều rất thú vị, và tôi mong muốn có những câu hỏi liên quan đến vấn đề này.

Ông Greg Burke:

Xin cảm ơn người. Đầu tiên là Saulena Ziugzdaite, thuộc cơ quan Bernardinai.LT, của Lithuania:

Saulena Ziugzdaite:

Thưa Đức Thánh Cha, xin cảm ơn người về thời gian và toàn bộ chuyến đi này. Khi ở Vilnius người nói về linh hồn người Lithuania, người nói rằng chúng con phải là một cầu nối giữa Đông Phương và Tây Phương. Nhưng làm cầu nối không hề dễ dàng: nó phải thông qua những người khác. Một số người nói rằng thảm kịch là khi chúng ta đi trên cầu. Có thể một số người cho rằng: tốt hơn là trở thành một phần của Tây Phương cùng với những giá trị của nó. Ý định của người là gì — làm cầu nối có ý nghĩa như thế nào?

ĐTC Phanxico:

Đúng vậy … Rõ ràng hiện nay các bạn xây dựng một phần, thuộc chính trị, theo Tây Phương, theo Liên minh Châu Âu, và các bạn đã cố gắng rất nhiều để có thể vào được Liên minh Châu Âu. Ngay sau khi có độc lập, các bạn đã thực hiện tất cả mọi sửa đổi, mà điều đó không dễ chút nào, và các bạn đã thành công trong việc gia nhập Liên minh Châu Âu, cụ thể là thuộc về Tây Phương. Các bạn cũng có những mối quan hệ với NOTO: các bạn thuộc về NATO, và điều này có nghĩa là thuộc Tây Phương. Nếu các bạn nhìn về Đông Phương, lịch sử các bạn ở đó — một lịch sử rất khắc nghiệt; một phần thảm kịch lịch sử của các bạn cũng từ Phương Tây mà đến, từ người Đức, người Ba lan, nhưng đặc biệt từ Đức Quốc xã, những điều này từ Phương Tây đến. Và, liên quan đến Đông Phương, từ đế quốc Nga.

Để xây dựng những cầu nối đòi phải có sức mạnh; sức mạnh không chỉ thuộc về Phương Tây, nó cho các bạn sức mạnh nhưng chỉ cho bản sắc riêng của các bạn. Tôi thấy là tình hình của các quốc gia vùng Baltic luôn nằm trong sự nguy hiểm, luôn luôn. Những lo sợ về sự xâm lăng … vì chính lịch sử nhắc các bạn điều này. Và anh rất đúng khi nói rằng điều này không hề dễ dàng, nhưng nó là một trò chơi mà chúng ta phải chơi mỗi ngày, bước này sang bước khác: bằng văn hóa, bằng đối thoại … Nhưng nó không dễ. Tôi tin rằng trách nhiệm của tất cả chúng ta là phải giúp các bạn trong vấn đề này. Còn hơn cả giúp các bạn, phải gần gũi với các bạn, và phải chân thành.

Ông Greg Burke:

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi tiếp theo đến từ Gints Amolins, thuộc đài phát thanh Latvijas Radio (Latvia)

Gints Amolins:

Xin chúc Đức Thánh Cha ngày tốt lành. Ở các quốc gia Baltic, người thường đề cập đến tầm quan trọng của cội nguồn và bản sắc riêng. Ở Latvia và cả ở Lithuania và Estonia, có rất nhiều người đã ra đi tìm đến những quốc gia thịnh vượng hơn và nhiều người đã bỏ rơi cội nguồn của họ ở đâu đó. Rồi cũng có những vấn đề về nhân khẩu học, như ở Châu Âu nói chung, vì tỷ lệ sinh rất thấp. Như vậy, trong tình hình như hiện nay đất nước chúng con có thể, hoặc phải làm gì, những người lãnh đạo đất nước chúng con phải làm gì, và kể cả từng cá nhân mỗi người chúng con? Phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

ĐTC Phanxico:

Ở quốc gia quê hương của tôi, tôi không biết người nào từ Estonia và Lativa, nhưng người nhập cư Lithuania thì rất nhiều. Có rất nhiều người ở Argentina. Và họ mang đến đó văn hóa của họ, lịch sử của họ và rất tự hào về nỗ lực hai chiều để hòa nhập vào quốc gia mới nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của họ. Trong những lễ hội của họ, có những trang phục truyền thống, những bài hát truyền thống và luôn luôn như vậy, mọi lúc họ có thể, họ đều trở về quê hương để thăm viếng … Tôi nghĩ rằng sự phấn đấu để giữ bản sắc riêng làm cho họ trở nên mạnh mẽ, và các bạn có được điều này: các bạn có một bản sắc riêng rất mạnh — một bản sắc được trui rèn trong sự đau khổ, trong sự bảo vệ, trong công việc, trong văn hóa.

Và phải làm gì để bảo vệ bản sắc riêng của một người? Phải nhờ đến nguồn cội, điều này rất quan trọng. Bản sắc riêng là một điều thuộc cổ xưa, nhưng nó phải được truyền đạt lại. Bản sắc riêng được lồng ghép vào tư cách thành viên của một dân tộc, và tư cách thành viên trong một dân tộc được truyền đạt lại. Những nguồn cội được truyền đạt lại cho các thế hệ mới, và điều này được thực hiện qua giáo dục và qua đối thoại, đặc biệt giữa người lớn tuổi và người trẻ. Và các bạn phải làm điều này vì bản sắc riêng của các bạn là một gia tài. Mỗi bản sắc riêng là một gia tài nhưng chỉ thuộc về một dân tộc. Đây là những gì tôi nghĩ trong đầu, tôi không biết đã trả lời được câu hỏi của anh chưa.

Ông Greg Burke:

Cảm ơn Đức Thánh Cha. Và bây giờ là Evelyn Kaldoja, từ nhật báo Postimees (Estonia)

Evelyn Kaldoja:

Xin cảm ơn. Con muốn đặt câu hỏi bằng tiếng Anh. Trong bài giảng hôm nay, cha nói rằng có một số người đang la ó và đe dọa sử dụng vũ trang và sử dụng quân đội v.v… và v.v… Cân nhắc đến vị trí chúng ta đang ở đây, trên cùng Quảng trường đó nơi NATO đã gửi quân đội đến để bảo vệ Estonia. Nhiều người nghĩ đến tình hình của các biên giới phía đông Châu Âu. Cha có lo lắng về những căng thẳng trong vùng đó và về người Công giáo trên cả hai phía của các biên giới Châu Âu không?

ĐTC Phanxico:

Đe dọa vũ trang. Ngày nay, chi tiêu toàn cầu cho vũ trang thật kinh khủng. Tôi nghe nói rằng với tổng chi phí cho vũ trang trong một tháng thì đủ để cung cấp lương thực cho tất cả những người bị đói trên toàn thế giới trong suốt một năm. Tôi không biết điều này có đúng không, nhưng nó thật kinh khủng. Ngành công nghiệp, thương mại vũ trang, cũng là buôn lậu vũ trang là một trong những vấn đề tham nhũng lớn nhất. Và trước vấn đề này thì có cái luận lý về sự phòng ngự. Vua Đa-vít có thể thắng được chỉ bằng một nỏ bắn đá và năm viên đá, nhưng ngày nay chẳng có Đa-vít nào cả. Tôi nghĩ rằng để bảo vệ một đất nước, chúng ta cần một quân đội bảo vệ hợp lý và không gây hấn — hợp lý và không gây hấn. Bảo vệ theo cách này là phù hợp, và thậm chí nó là một điều vinh dự được bảo vệ quê hương như vậy. Vấn đề xảy ra khi nó gây hấn, không hợp lý, và những cuộc chiến tranh biên giới nổ ra. Chúng ta có quá nhiều ví dụ về những cuộc chiến tranh biên giới, không chỉ ở Châu Âu này, nhưng cả ở các Châu Lục khác: họ đánh nhau để giành quyền lực, để thuộc địa hóa một quốc gia. Theo tôi nghĩ, đây là câu trả lời cho câu hỏi của chị. Ngành công nghiệp vũ trang ngày nay thật đáng xấu hổ đứng trước một thế giới đang chết đói. Thứ hai, nó phù hợp, hợp lý khi có quân đội để bảo vệ các biên giới, vì điều này là vinh quang; vì phải có chìa khóa cho cửa của căn nhà — để bảo vệ.

Ông Greg Burke:

Cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi tiếp theo của nhóm Đức: Stefanie Stahlhofen, thuộc cơ quan thông tấn Công giáo Đức CIC (Đức)

Stefanie Stahlhofen:

Thưa Đức Thánh Cha, trong buổi gặp gỡ đại kết tại Tallinn cha nói rằng trước những vụ bê bối về tình dục, giới trẻ không nhìn thấy một sự kết án cụ thể về phía Giáo hội Công giáo. Ở Đức, một câu hỏi tương tự nổi lên về các sự lạm dụng tình dục ngày nay và cách xử lý của Giáo hội như thế đối với nhiều trường hợp.

ĐTC Phanxico:


Tôi sẽ nói về vấn đề này sau. Trước hết tôi sẽ trả lời những câu hỏi về chuyến đi. Đây là thông lệ. Tuy nhiên, nó sẽ là câu hỏi đầu tiên sau những câu hỏi về chuyến đi.


(Xin quý vị đọc tiếp phần 2 ngày mai)

--------------------------------------------------

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: Tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/9/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét