Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

Toàn văn họp báo trên máy bay trên chuyến bay trở về từ Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (phần 2)

Toàn văn họp báo trên máy bay trên chuyến bay trở về từ Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất
Copyright: Vatican Media

Toàn văn họp báo trên máy bay trên chuyến bay trở về từ Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất

‘Nếu người tín hữu chúng ta không có khả năng bắt tay, ôm, hôn nhau và cầu nguyện, thì đức tin của chúng ta sẽ thất bại. Tài liệu này xuất phát từ niềm tin vào Thiên Chúa là Cha của tất cả và là Cha của hòa bình và lên án mọi sự phá hủy, mọi sự khủng bố’

11 tháng Hai, 2019 12:29

Dưới đây là văn bản ghi chép (tiếng Anh) của Vatican cung cấp về cuộc họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha được tổ chức trên chuyến bay đưa ngài từ Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất trở về Roma cuối chuyến đi ngày 11 tháng Hai, 2019, để tham dự Cuộc họp Liên tôn Quốc tế về Tình Huynh đệ của Con người ở Abu Dhabi:


***

PHẦN II

GISOTTI:

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Bây giờ chúng ta chuyển sang nhóm nói tiếng Pháp của chị Matilde Imberty từ Radio France.

MATILDE IMBERTY:

Xin chào Đức Thánh Cha. Cha vừa kết thúc chuyến viếng thăm đến Các Tiểu Vương quốc và chẳng bao lâu nữa cha sẽ đi Ma-rốc; và đó cũng là một chuyến đi rất quan trọng. Chúng con thấy dường như người đã chọn để nói chuyện với những đại diện rất đặc biệt của Hồi giáo. Đây có phải là một lựa chọn thận trọng không? Thêm nữa, tiếp tục nói đến Hồi giáo, Văn kiện lịch sử được ký kết hôm qua rất tham vọng về vấn đề giáo dục: theo ý cha, điều này liệu có thật sự chạm đến các tín đồ Hồi giáo? Cảm ơn Đức Thánh Cha.

ĐTC Phanxico:

Tôi biết tôi đã nghe từ nhiều người Hồi giáo rằng nó [Văn kiện về Tình Huynh đệ Con người] sẽ được nghiên cứu tại các đại học, chắc chắn ít nhất là ở đại học Al-Azhar, và trong các trường học. Nghiên cứu, không áp đặt. Câu trả lời này giải đáp cho phần cuối câu hỏi của chị. Rồi sự gần nhau của hai chuyến đi này là sự tình cờ vì tôi muốn đi Marrakesh để tham dự hội nghị [Hội nghị Thượng đỉnh Công ước Toàn cầu], nhưng có một số vấn đề về nghi thức: tôi không đến tham dự một hội nghị quốc tế mà trước đó không thực hiện chuyến viếng thăm quốc gia, và tôi không có thời gian để làm việc này. Đây là lý do tại sao chúng tôi hoãn chuyến đi ngay sau chuyến đi này. Ngài Quốc Vụ khanh đi Marrakesh. Nó là vấn đề thuộc nghi thức và ngoại giao, nhưng nó không được lên kế hoạch trước. Ở Ma-rốc tôi cũng sẽ đi theo bước chân của Thánh Gioan Phaolô II, ngài đã đến đó. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đến đó. Nó sẽ là một chuyến viếng thăm rất vui. Những lời mời của các quốc gia Ả-rập cũng đã được gửi tới, nhưng năm nay không còn thời gian. Chúng ta sẽ gặp lại vào năm tới, hoặc là tôi hoặc là ngài Phê-rô khác, hoặc sẽ có người tới đó! Cảm ơn chị.

GISOTTI:

Anh Maria Sagrario Ruiz từ Đài phát thanh Nacional de España. Cảm ơn anh.

MARIA SAGRARIO RUIZ

in chào Đức Thánh Cha. Con sẽ đặt câu hỏi bằng tiếng Tây Ban nha. Chính sách ngoại giao của Vatican đã có một lịch sử lâu dài tiến hành ngoại giao theo những bước đi nhỏ trong việc hòa giải xung đột. Con muốn nhắc lại năm 1978 khi sự hòa giải của Đức Gioan Phaolô II tránh được cuộc chiến giữa Argentina và Chile. Và bây giờ chúng ta quay lại chủ đề Venezuela, hôm qua chúng con nghe biết rằng có một lá thư đến từ Nicolás Maduro bày tỏ mong muốn quay lại đối thoại; cha có ngài Quốc Vụ khanh biết rất rõ về quốc gia này. Mọi con mắt, rất nhiều người, đều đổ dồn về Đức Thánh Cha Phanxico và Vatican. Hiện Vatican đang làm gì hay đang chuẩn bị làm gì? Cha nói rằng sẵn sàng hòa giải nếu họ đến nhờ. Cho đến bây giờ mọi việc đang đứng ở đâu?

ĐTC Phanxico:

Cảm ơn anh. Hòa giải giữa Argentina và Chile quả là một hành động rất can đảm của Thánh Gioan Phaolô II, ngài đã ngăn được một cuộc chiến sắp nổ ra. Có những bước đi nhỏ, và bước cuối cùng là hòa giải. Đó là những bước đi nhỏ ban đầu, những cuộc họp, nhưng không chỉ trong Vatican, trong mọi con đường ngoại giao: sự gần gũi với nhau để mở ra cơ hội đối thoại. Đây là con đường ngoại giao có hiệu quả. Tôi nghĩ là ngài Quốc Vụ khanh có thể giải thích rõ hơn mọi bước đi khác nhau có thể thực hiện. Trước chuyến đi này, tôi biết là một lá thư từ ông Maduro sẽ đến qua đại diện ngoại giao. Tôi vẫn chưa đọc thư này. Chúng tôi sẽ xem có thể làm được gì. Nhưng để thực hiện, chúng ta hãy nói đến bước cuối cùng, đó là bước hòa giải, phải có sự sẵn sàng từ cả hai phía: cả hai phía đều yêu cầu điều đó. Đó là trường hợp của Argentina và Chile. Tòa Thánh hiện diện ở Venezuela trong thời gian đối thoại là người đồng hương của anh, Rodríguez Zapatero: một cuộc gặp gỡ đầu tiên với Đức ông Tscherrig, rồi tiếp sau đó là Đức ông Celli. Đã có rất nhiều cố gắng nhưng chẳng có gì cụ thể. Bây giờ thì tôi không biết; tôi sẽ đọc lá thư đó và xem có thể làm được gì. Nhưng điều kiện căn bản là cả hai bên đều yêu cầu. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng. Chuyện tương tự xảy ra khi người ta đến với cha xứ với vấn đề xảy ra giữa một người chồng và người vợ. Một người đến và câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: “Vậy người kia có đến hay không đến? Người kia muốn hay không muốn đến?” Luôn luôn phải là cả hai phía, đây là bí mật. Chuyện giữa các quốc gia cũng tương tự. Đây là một điều kiện khiến họ phải suy nghĩ trước khi yêu cầu sự hỗ trợ hay sự hiện diện của một quan sát viên hay người hòa giải. Luôn luôn phải cả hai bên. Cảm ơn anh. Và … tôi sẽ đến Tây ban nha!

GISOTTI:

Bây giờ chị Nicole Winfield từ Associated Press sẽ đặt câu hỏi.

NICOLE WINNFIELD:

Thưa Đức Thánh Cha, tạp chí phụ nữ của L’Osservatore Romano đăng một bài báo cáo về sự lạm dụng tính dục với những phụ nữ thánh hiến trong Giáo hội — những phụ nữ trưởng thành, các nữ tu — bởi các giáo sĩ. Một vài tháng trước Liên đoàn Quốc tế các Bề trên Cao cấp cũng công khai đưa ra than phiền về vấn đề này. Chúng ta biết rằng cuộc họp tại Vatican trong vài tuần tới sẽ giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục tuổi vị thành niên nhưng chúng ta có hy vọng rằng Tòa Thánh cũng sẽ làm gì đó để đối phó với vấn đề này không, có thể là một tài liệu hay một số hướng dẫn? Cảm ơn Đức Thánh Cha.

ĐTC Phanxico:

Tôi sẽ trả lời vấn đề này. Chị cứ đợi ở đây, nhưng tôi muốn kết thúc nói chuyện về chuyến đi rồi sau đó câu hỏi đầu tiên mà tôi trả lời sẽ là câu hỏi của chị. Như vậy được chứ?

GISOTTI:

Như vậy chị Nicole sẽ vẫn ở đây, chị Maria Angeles Aconde từ Rome Reports cùng tham gia đặt câu hỏi.

MARIA ANGELES ACONDE:

Thưa Đức Thánh Cha, ‘Buenas tardes’. Con xin đại diện nhóm nói tiếng Tây Ban nha hỏi cha một câu. Cha đã có buổi họp với Hội đồng các Trưởng lão. Trong phạm vi có thể, cha có thể cho chúng con biết các chủ đề nào đã được thảo luận và cha có trở về Roma mang theo ấn tượng rằng thông điệp của cha đã được họ đón nhận?

ĐTC Phanxico:

Các vị Trưởng lão quả thật là những người thông thái. Đức Đại Imam nói trước, sau đó đến từng vị, bắt đầu là vị cao tuổi nhất nói bằng tiếng Tây Ban nha vì ngài đến từ Mauritania và học ngôn ngữ ở đó, một vị trưởng lão ở độ tuổi ngoài 80, rồi cứ như vậy cho đến người trẻ tuổi nhất là một thư ký và nói rất ít, nhưng trình bày mọi điều bằng một video, sự chuyên nghiệp của anh ấy; anh ấy là một người truyền thông. Tôi thích cuộc họp này, nó là một cuộc họp quả thật rất tuyệt. Họ bắt đầu bằng cách sử dụng một từ chủ: “sự khôn ngoan”, rồi sau đó là từ “trung thực.” Họ nhấn mạnh rằng đây là một hành trình cuộc sống trong đó sự khôn ngoan phát triển và lòng trung thực được củng cố, và từ đó tình bạn giữa các dân tộc lớn lên. Họ đến từ những … khác nhau. Tôi không biết phải giải thích như thế nào: một vị là người Shiite, các vị khác mang những sắc thái khác … Và lộ trình khôn ngoan và trung thực này dẫn đưa bạn đến việc xây dựng hòa bình, vì hòa bình là tác phẩm của sự khôn ngoan và trung thực, tình huynh đệ con người giữa các dân tộc và tất cả. Tôi rời đi mang theo ấn tượng là tôi đã được ở giữa những con người thông thái thật sự: và có được Hội đồng này là một điều mà Đức Imama có thể an tâm tin tưởng.

ANGELINA:

Con hình dung là cha rất hài lòng … 

ĐTC Phanxico:

Đúng, tôi rất hài lòng, cảm ơn chị.

GISOTTI:

Chúng ta cũng có chị Sofia Barbarani từ “The National”: là một tờ báo rất quan trọng cho Abu Dhabi.

SOFIA BARBARANI:

Chúc Đức Thánh Cha ngày tốt lành. Câu hỏi mà chúng con từ báo Abu Dhabi muốn hỏi người là: hôm nay có một bé gái mang đến cho cha một lá thư — chúng con nhìn thấy bé — bé chạy đến với cha khi cha đang ở trên xe. Chúng con muốn biết rằng cha đã đọc lá thư đó chưa và cha có hiểu nó muốn nói gì … 

ĐTC Phanxico:

Tôi chưa có thời gian. Các lá thư vẫn còn ở đó. Họ đang phân loại chúng để tôi đọc sau.

SOFIA BARBARANI:

Và cha có thể cho chúng con biết ấn tượng của cha khi người nhìn thấy bé gái này chạy lại cha?

ĐTC Phanxico:

Cô bé đó rất can đảm! Cô bé bị chặn lại, nhưng tôi nói, “Đừng, cứ để bé đến đây!” Cô bé đó có một tương lai, bé có một tương lai! Và tôi dám nói rằng: mai mốt tội nghiệp cho anh chồng! [Đức Thánh Cha cười lớn và cả các phóng viên cũng cười]. Cô bé có một tương lai, cô bé can đảm. Tôi thích điều đó, vì phải có can đảm mới làm được điều này. Rồi có một bé khác đi sau cô bé, có hai bé tất cả: cô bé kia nhìn thấy bạn này và lấy được can đảm.

GISOTTI:

Còn có những câu hỏi khác về chuyến đi: Inés San Martín và Franca Giansoldati, nếu hai người đặt câu hỏi nhanh.

FRANCA GIANSOLDATI:

Thưa Đức Thánh Cha, Đức Đại Imam El-Tayeb nói; ngài lên án Islamophobia, tức là sự khiếp sợ Hồi giáo. Tại sao không nghe nói gì về ‘Christianophobia’, hay chí ít là về sự bách hại người Ki-tô hữu?

ĐTC Phanxico:

Thật sự tôi có nói về sự bách hại người Ki-tô hữu, không phải lúc đó, nhưng tôi vẫn thường xuyên nói về nó. Cả trong chuyến đi này tôi cũng nói — tôi không nhớ là ở đâu — nhưng tôi có nói về nó. Tôi không biết, nhưng tôi tin rằng Văn kiện là về sự hiệp nhất và tình bạn nhiều hơn, và tôi nhấn mạnh về điều này. Bây giờ tôi lại nhớ: Văn kiện diễn tả sự lên án, sự lên án bạo lực. Và một số nhóm nhận mình là Hồi giáo — thậm chí ngay cả những vị thông thái cũng nói rằng đó không phải là Hồi giáo — bách hại người Ki-tô hữu. Tôi nhớ đến người cha cùng với ba đứa con ở Lesbos. Anh ta chưa ngoài ba mươi tuổi và anh ta khóc, và anh ta nói với tôi: “Con là người Hồi giáo, người phụ nữ của con, vợ của con, là người Ki-tô hữu, và những kẻ khủng bố ISIS đến; họ nhìn thấy thánh giá, và họ bảo cô: ‘Hãy cải đạo!’ Và cô ấy nói: ‘Không, tôi là người Ki-tô hữu.’ Và họ cắt cổ cô ấy ngay trước mắt con.” Đây là lương thực hàng ngày của các nhóm khủng bố. Không chỉ nhắm đến người Ki-tô hữu, nhưng kể cả sự phá hủy, sự phá hủy con người. Đó là lý do tại sai Văn kiện bày tỏ sự lên án rất mạnh theo ý nghĩa đó.

GISOTTI:

Cũng những câu hỏi về Chuyến đi: chị Inés San Martín của “Crux”.

INES SAN MARTIN: (tiếng Tây Ban nha)

Thưa Đức Thánh Cha, một câu hỏi chắc chắn có liên quan đến câu hỏi mà đồng nghiệp con vừa đặt ra, vì chúng con không có thời gian để xem xét với nhau. Nhưng, như con đã nói trong chuyến đi trước, con có cơ hội phỏng vấn Đức Tổng Giám mục của Mosul ở Iraq, ngài luôn nói rằng các ngài đang chờ đợi cha và phủ nhận rằng các giám mục đang thảo luận về điều đó, đơn giản là các ngài đang chờ đợi cha. Cha nói đến tự do tôn giáo, cha nói đến tự do tôn giáo vượt xa hơn tự do thờ phụng. Cha có thể diễn giải chi tiết hơn về điều này không? Vì hôm nay chúng ta đã, hoặc như ngay bây giờ, chúng ta đang trở về từ một đất nước nổi tiếng về sự khoan dung, hôm nay rất nhiều người Công giáo có mặt trong trung tâm thể thao, hôm nay là lần đầu tiên có thể mở lòng về niềm tin và tôn giáo của họ kể từ lúc họ đến Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất. Liệu có thể có sự thay đổi vượt xa hơn ngày hôm nay không?

ĐTC Phanxico: (nói tiếng Tây Ban nha):

Các tiến trình đều phải có những sự bắt đầu, đúng không? Chị có thể chuẩn bị một hành động, thực hiện nó, rồi sau đó là có một cái bắt đầu và một cái kết thúc. Tôi tin rằng sự tự do vẫn luôn đang trong tiến trình, nó luôn phải tiến triển, liên tục phát triển, nó không được dừng lại. Tôi rất có ấn tượng với một cuộc đối thoại mà tôi có trước khi rời đi — với một cậu bé 13 tuổi ở Roma muốn đến gặp tôi, cậu bé muốn gặp tôi và tôi chờ cậu bé và cậu bé nói với tôi: “Con có tìm thấy những điều thú vị, nhưng con muốn nói với giáo hoàng rằng con [tiếp tục nói bằng tiếng Ý], con muốn nói với giáo hoàng rằng con là một người vô thần. Một người vô thần như con phải làm gì để trở thành một con người hòa bình?” Tôi trả lời cậu bé, “Cứ làm những gì con cảm nhận,” và tôi có nói chuyện với cậu bé một lát. Nhưng tôi thích sự can đảm của cậu bé: cậu bé là người vô thần nhưng cậu tìm kiếm sự tốt lành, cậu ấy đang tìm con đường này. Đây cũng là một tiến trình, một tiến trình chúng ta phải tôn trọng và đồng hành. Đồng hành tất cả những tiến trình vì ích lợi, mọi người, bất kể họ thuộc “màu sắc” nào. Và tôi tin đây là những bước tiến. Cảm ơn chị.

GISOTTI:

Thưa Đức Thánh Cha, đến giờ kết thúc rồi. Nhưng vẫn còn một câu phải trả lời … 

ĐTC Phanxico:

Đúng vậy; sự ngược đãi phụ nữ là một vấn đề. Tôi dám nói rằng con người vẫn chưa trưởng thành, phụ nữ vẫn còn bị xem là “hạng hai”. Chúng ta hãy bắt đầu từ đây: nó là một vấn đề thuộc văn hóa. Rồi chúng ta đến với những sự giết hại phụ nữ. Có những quốc gia nơi mà sự ngược đãi phụ nữ lên tới mức độ giết hại. Nhưng trước khi đến với câu hỏi thật sự của chị, tôi thuật lại một chuyện rất kỳ lạ mà tôi được nghe kể, nhưng anh chị em có thể điều tra để xem nó có thật hay không. Tôi nghe kể rằng nguồn gốc của đồ nữ trang đến từ một quốc gia rất cổ xưa — tôi không biết nữa, thuộc phương Đông — ở đó tồn tại một luật trục xuất người phụ nữ, đuổi cô ấy đi [không chấp nhận cô ấy]. Trong đất nước đó, nếu chồng cô ấy — tôi không biết là nó có thật hay không — nói với cô ấy: “Cút đi,” thì ngay lúc đó, bất kể cô ấy đang mặc như thế nào, thì cô ấy phải ra đi, mà không được mang theo bất kỳ thứ vì [với cô ấy]. Và từ đó phụ nữ bắt đầu làm trang sức, bằng vàng và đá quý, để có gì đó còn sống được. Tôi không biết chuyện đó có đúng không, nhưng nó thú vị. Hãy nghiên cứu xem. Bây giờ đến câu hỏi của chị [về tình trạng lạm dụng các nữ tu bởi các giáo sĩ]. Đúng vậy, trong Giáo hội đã có những giáo sĩ làm điều này; ở một số nền văn hóa thì chuyện này thường thấy hơn ở những nơi khác; nó không phải là chuyện ai cũng làm, nhưng có những linh mục và thậm chí cả giám mục đã làm điều đó. Và tôi tin là có thể nó vẫn sẽ xảy ra, vì nó không dừng lại ở việc ý thức về điều đó. Nó tiếp tục theo con đường này. Chúng tôi đã làm việc về nó trong một thời gian. Chúng tôi đã treo chén một số giáo sĩ, đã cho họ hoàn tục vì vấn đề này. Và — tôi không biết là tòa án đã kết thúc chưa — kể cả việc chúng tôi phải giải tán một số dòng nữ có liên kết nhiều đến vấn đề này, một hình thức hủ hóa. Tôi không thể nói: “Trong nhà của tôi không có điều như vậy …” Đúng. Có cần phải làm thêm nhiều điều khác không? Có. Chúng tôi có ý chí để làm việc đó không? Có, chắc chắn. Nhưng nó là một hành trình phải tiến xa [theo thời gian]. Đức Benedict đã can đảm giải tán một dòng có chỗ đứng chắc chắn, vì đã có hình thức thao túng phụ nữ, thậm chí thao túng tình dục bởi các giáo sĩ hay người sáng lập [như đã được giải thích bởi quyền giám đốc Văn phòng tòa Thánh, Giáo hoàng, khi sử dụng thuật ngữ ‘tình trạng nô lệ’, có nghĩa là ‘thao túng’, là một hình thức lạm dụng quyền lực cũng được phản ánh trong sự lạm dụng tình dục]. Có khi người sáng lập lấy đi sự tự do, tước mất sự tự do của các nữ tu, và nó có thể dẫn đến điều này. Liên quan đến Đức Benedict, tôi nhấn mạnh rằng ngài là một con người có can đảm làm rất nhiều điều về vấn đề này. Có một giai thoại rằng: ngài có tất cả giấy tờ, tất cả tài liệu, về một tu hội có vấn đề tình dục nội bộ và tham nhũng tài chính. [Khi còn là Hồng y] ngài đến đó, và có những lớp bảo vệ, và ngài không thể đến đó. Cuối cùng, Giáo hoàng [Thánh Gioan Phaolô II], muốn hiểu rõ sự thật, đã có một cuộc họp, và ngài Joseph Ratzinger đến đó với tất cả tài liệu và hồ sơ. Và khi ngài [Ratzinger] trở về ngài nói với thư ký: “Hãy lưu vào văn khố, phía bên kia thắng.” Chúng ta không nên giật mình về điều này, đó là các bước đi trong một tiến trình. Nhưng rồi khi ngài trở thành Giáo hoàng, điều đầu ngài nói là: “Hãy mang tất cả các giấy tờ từ văn khố đó đến đây,” và ngài bắt đầu … Câu chuyện về Đức Benedict phản ánh cho thấy ngài quá tốt lành, vâng đúng ngài rất tốt lành, nhân hậu — một mẩu bánh mì còn gây hại hơn cả ngài. Ngài tốt lành lắm! Nhưng câu chuyện này cũng thể hiện ngài như là một người mềm yếu, nhưng quả thật ngài có thể có bất kỳ đặc điểm nào đó nhưng không hề yếu mềm! Ngài là một con người mạnh mẽ, một người kiên vững trong mọi việc. Ngài bắt đầu … Và đó, trong tu hội đó, có vấn đề mà chị đề cập đến. Hãy cầu nguyện để chúng ta có thể tiến tới. Tôi muốn tiến tới … Có những trường hợp, trong một số dòng tu, đặc biệt những dòng mới, và trong một số khu vực thường xuyên hơn nơi khác. Vâng, vấn đề này. Chúng tôi đang làm việc về nó.

GISOTTI:

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Và cảm ơn tất cả mọi người. Nhưng có một kết thúc vô cùng ngạc nhiên với một đồng nghiệp đã đạt đến một điểm mốc quan trọng.

ĐTC Phanxico:

Họ nói là chúng ta đang mừng ‘sinh nhật’ lần thứ 150 của Valentina [Alazraki, theo các Chuyến tông du Giáo hoàng lần thứ 150]! [Đức Thánh Cha cười và mọi người cùng cười]. Nhưng tôi chẳng thấy chị quấn người dày cộm lên! Chị là một phụ nữ với gốc gác rất thú vị. Có lần tôi nói với chị, “Nếu chị đi lấy mẫu máu, chị sẽ làm cho bác sĩ huyết học bối rối!”

Cảm ơn anh chị em rất nhiều! Hãy cầu nguyện cho tôi, đừng quên điều đó, tôi rất cần. Cảm ơn anh chị em!


[Toàn văn (tiếng Anh) của Vatican cung cấp] 


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/2/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét