Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 7 (63-76)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 1
Thượng Hội đồng - Vatican Media

Tài liệu gồm nhiều phần và TRI KHOAN trích đăng từng phần nhỏ. Bải đăng cuối cùng sẽ kèm theo bản PDF toàn bộ tài liệu. Nếu quý vị cần toàn bộ tài liệu có thể download trong bài đăng cuối. Cảm ơn quý vị)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức)

‘Mọi ơn gọi khác nhau đều quy về một tiếng gọi chung duy nhất là nên thánh, đó là sự viên mãn của tiếng gọi đến với niềm vui yêu thương vang lên trong tâm hồn của mỗi người trẻ’

15 tháng Một, 2019 12:47

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican tài liệu đúc kết của thượng hội đồng giám mục về giới trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi, diễn ra vào tháng Mười, 2018.


* * *

Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục


về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định Ơn gọi



Bài đăng 7 (Số 63 - 76):


**************

PHẦN II

Chương I


Hồng ân của tuổi trẻ

Chúa Giê-su là một người trẻ giữa những người trẻ



Tuổi trẻ của Chúa Giê-su

63. “Một người trẻ cho tất cả các bạn trẻ, trở thành một mẫu gương cho giới trẻ, và do đó thánh hóa họ cho Chúa” (Irenaeus, Adversus Haereses, II, 22, 4), Đức Ki-tô đã thánh hóa giai đoạn của tuổi trẻ vì quả thật ngài đã sống giai đoạn đó. Trình thuật Kinh thánh chỉ giới thiệu một chương của tuổi trẻ của Chúa Giê-su (x. Lc 2:41-52), trải qua trong sự chìm lắng, trong sự đơn giản và trong môi trường làm việc của làng Na-da-rét, và Người chỉ được biết đến như là một “người thợ mộc” (Mc 6:3) và “con trai của người thợ mộc” (Mt 13:55).

Chiêm ngắm cuộc đời của Ngài là cách tốt nhất để nắm bắt phúc lành của tuổi trẻ: Chúa Giêsu có niềm tin tuyệt đối vào Chúa Cha, Ngài duy trì tình bạn với các môn đệ và ngay trong những thời gian khủng hoảng, Ngài vẫn trung tín với họ. Ngài thể hiện lòng trắc ẩn sâu sắc đối với những người hèn mọn nhất, đặc biệt là người nghèo, người bệnh, tội nhân và những người bị loại trừ. Người đã can đảm đối đầu với những người có thẩm quyền về tôn giáo và chính trị thời bấy giờ; Người đã chịu sự hiểu lầm và bị từ chối; Ngài trải qua nỗi sợ hãi khi đứng trước đau khổ và Người biết sự mong manh của Cuộc Khổ Nạn; Người hướng mắt nhìn về tương lai, phó thác bản thân vào bàn tay an toàn của Chúa Cha trong sức mạnh của Thần Khí. Tất cả những người trẻ có thể nhìn thấy chính họ trong Chúa Giêsu, cùng với những nỗi sợ hãi và niềm hy vọng của họ, những sự bấp bênh và ước mơ của họ và họ có thể phó thác bản thân cho Người. Đối với họ, chiêm ngưỡng những cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su với người trẻ sẽ là một nguồn cảm hứng.

Với ánh mắt nhìn của Chúa

64. Lắng nghe Đức Ki-tô và hiệp thông với Ngài giúp các mục tử và những nhà giáo dục tìm được cách giải thích khôn ngoan về giai đoạn này của cuộc sống. Thượng Hội đồng cố gắng nhìn người trẻ bằng thái độ của Chúa Giê-su, để phân định những dấu chỉ hoạt động của Thần Khí trong cuộc sống của họ. Chúng tôi tin rằng ngay cả ngày nay, Thiên Chúa nói với Giáo hội và thế giới thông qua giới trẻ, qua sự sáng tạo và cam kết của họ, cũng như những đau khổ và lời cầu xin của họ để được giúp đỡ. Với họ, chúng ta có thể đọc thời đại của chúng ta theo tính ngôn sứ hơn và nhận ra các dấu chỉ của thời đại; do đó, người trẻ là một trong những “đấu trường thần học”, qua đó Thiên Chúa cho chúng ta biết một số mong chờ và thách đố của Người để xây dựng tương lai.

Những đặc điểm của tuổi trẻ

65. Là một giai đoạn phát triển của nhân cách, tuổi trẻ được in dấu bằng những ước mơ tạo thành động lực, bằng những mối quan hệ đòi hỏi ngày càng nhiều tính kiên định và cân bằng hơn, bằng những thử thách và thử nghiệm, và bằng những lựa chọn để từng bước xây dựng một dự án cuộc sống. Ở giai đoạn này của cuộc đời, người trẻ được kêu gọi tiến bước nhưng không đánh mất nguồn cội của mình, để xây dựng tính tự chủ, nhưng không trong sự đơn độc. Bối cảnh xã hội, kinh tế, văn hóa không phải luôn luôn cung cấp đủ những điều kiện thuận lợi. Nhiều thánh nhân trẻ tuổi đã cho phép những đặc điểm tuổi trẻ tỏa sáng với tất cả vẻ đẹp của họ, và trong thời đại của mình, họ là những ngôn sứ thực sự của sự thay đổi. Tấm gương của họ cho thấy những khả năng của người trẻ khi họ mở lòng để gặp gỡ với Đức Ki-tô.

Những người trẻ khuyết tật hoặc mang trong mình bệnh tật cũng có thể đưa ra sự đóng góp có giá trị. Thượng Hội đồng mời các cộng đoàn hãy dành chỗ cho các sáng kiến để công nhận và cho phép họ trở thành những vai chính, chẳng hạn thông qua việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc, các chương trình giáo lý phù hợp, những kinh nghiệm xã hội và kinh nghiệm làm việc.

Sự thao thức tốt lành của người trẻ

66. Các bạn trẻ mang trong mình sự thao thức mà trên hết là được chấp nhận, được tôn trọng và đồng hành, với lòng tự tin hoàn toàn về sự tự do và trách nhiệm của họ. Qua kinh nghiệm, Giáo hội biết rằng sự đóng góp của họ là nền tảng cho sự đổi mới. Về một số khía cạnh, người trẻ có thể là một bước đi trước các mục tử của họ. Vào buổi sáng Phục sinh, người Môn đệ trẻ được Chúa yêu đã đến mộ trước, trước cả Phê-rô, là người bị gánh nặng của tuổi tác và sự phản bội (x. Ga 20:1-10); cũng như vậy trong cộng đoàn Ki-tô hữu thì động lực tuổi trẻ là một nguồn năng lượng đổi mới cho Giáo hội, vì nó sẽ giúp Giáo hội giũ bỏ được mọi thứ đè nặng lên mình hoặc làm Giáo hội trở nên trì trệ, để mở rộng cửa cho Chúa Sống lại. Đồng thời, thái độ của Người Môn đệ được Chúa yêu cho thấy điều quan trọng là phải giữ được sự liên kết với kinh nghiệm của người già, để nhận ra vai trò của các mục tử và không tiến bước một mình. Từ đó tạo nên bản giao hưởng của các tiếng nói chính là hoa trái của Thần Khí.

Những người trẻ bị tổn thương

67. Như mọi người khác, người trẻ cũng mang trên mình những vết thương. Có những vết thương của các thất bại mà họ phải gánh chịu, những khao khát bị thất vọng, những kinh nghiệm về sự phân biệt đối xử và bất công, về việc không cảm thấy được yêu thương hay được công nhận. Có những vết thương về thể chất và tâm lý. Đức Ki-tô, Đấng đã chấp nhận đón lấy cuộc thương khó và cái chết của mình, qua thập giá của Người, đến gần gũi tất cả những người trẻ đau khổ. Tiếp đến là những vết thương về đạo đức, sự đè nặng của những lỗi lầm, cảm giác tội lỗi vì đã mắc các sai phạm. Ngày nay hơn bao giờ hết, được hòa giải với những vết thương của bản thân là một điều kiện cần thiết để có một đời sống tốt. Giáo hội được kêu gọi để hỗ trợ tất cả những người trẻ trong các thử thách của họ và để thúc đẩy mọi hoạt động mục vụ cần thiết.

Trở thành người trưởng thành

Tuổi của những sự lựa chọn

68. Tuổi trẻ là một quãng thời gian của cuộc đời cũng phải đi đến hồi kết, để mở đường cho cuộc sống trưởng thành. Bước chuyển tiếp này không tự động diễn ra, nhưng nó hàm ý về một hành trình của sự trưởng thành, không phải luôn luôn được giúp đỡ bởi môi trường nơi người trẻ sống. Ở nhiều khu vực có một văn hóa lan rộng tạm thời ủng hộ việc kéo dài vô thời hạn tuổi vị thành niên và trì hoãn các quyết định; sự lo sợ về tính quyết đoán tạo ra chứng tê liệt trong việc đưa ra quyết định. Tuy nhiên, không thể kéo tuổi trẻ đứng lại. Đó là độ tuổi của những sự lựa chọn và từ đây là giai đoạn của niềm đam mê và trách nhiệm lớn nhất của nó. Người trẻ đưa ra quyết định trong các lĩnh vực chuyên môn, xã hội và chính trị và theo những cách khác quyết liệt hơn để định hình cho cuộc sống của họ. Chính vì những lựa chọn theo cách này mà người ta có thể nói chính xác hơn về “những lựa chọn cuộc sống”: cuộc sống của một người trẻ được trao cho một định hướng dứt khoát, với tính độc đáo đặc thù của nó.

Cuộc sống dưới dấu chỉ của sứ mạng

69. Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi các bạn trẻ nhìn cuộc sống của họ trong chân trời sứ mạng: “Vì vậy trong cuộc sống, chúng ta thường phí thời gian đặt câu hỏi về bản thân: ‘Tôi là ai?’ Chúng con không thể cứ giữ mãi câu hỏi ‘Tôi là ai?’ trong suốt phần đời còn lại của mình. Nhưng câu hỏi thật sự phải là: ‘Tôi sống cho ai?’” (Huấn từ trong đêm Canh thức Cầu nguyện chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới, Vương cung Thánh đường Thánh Maria Maggiore, 8 tháng Tư 2017). Lời này soi sáng cho những lựa chọn của cuộc sống, vì nó mời gọi chúng ta đưa những lựa chọn đó vào trong chân trời giải phóng của sự tự hiến. Đây là cách duy nhất để tiến đến niềm hạnh phúc đích thực và lâu dài. Về mặt hiệu quả, “sứ mạng hữu thể của tôi trong lòng mọi người không chỉ là một phần của cuộc sống hay một huy hiệu mà tôi có thể tháo cởi; nó không phải là một khoảng thời gian ‘thêm’ hay khoảnh khắc khác trong cuộc sống. Thay vào đó, nó là điều tôi không thể cắt đứt khỏi hữu thể của tôi mà không phá hủy chính bản ngã của mình. Tôi là một sứ mạng trên trần gian này; đó là lý do tại sao tôi ở đây trong thế giới này” (Phanxico, Tông huấn Evangelii Gaudium, 273).

Một nền giáo dục đủ khả năng đối thoại

70. Sứ mạng là một mục tiêu chắc chắn cho hành trình cuộc sống, nhưng không phải là một “hệ thống bản đồ vệ tinh”, trình bày trước mặt tất cả mọi tuyến đường. Sự tự do luôn đòi hỏi một chiều kích phiêu lưu, nó cần được đánh giá bằng tính can đảm và được đồng hành một cách khôn ngoan, theo luật “tiệm tiến”. Nhiều trang Tin Mừng miêu tả Chúa Giê-su mời gọi chúng ta phải táo bạo, dám ra khơi, chuyển từ luận lý chỉ tuân giữ các điều răn thành món quà quảng đại và vô điều kiện, nhưng vẫn không che giấu yêu cầu phải đón lấy thập giá của mình (x. Mt 16:24). Ngài rất dứt khoát: “Người cho đi tất cả và Người đòi hỏi tất cả: Người trao ban một tình yêu tuyệt đối và đòi hỏi một trái tim trọn vẹn” (Phanxico, Bài giảng, 14 tháng Mười 2018). Để không làm cho người trẻ lầm đường bởi các đề xuất tối giản hoặc áp đảo họ bằng một loạt các quy tắc đem đến cho Ki-tô giáo một hình ảnh bị thu hẹp và duy luân lý, chúng ta được kêu gọi phải đầu tư cho lòng dũng cảm của họ và giáo dục họ dám nhận trách nhiệm, với sự hiểu biết chắc chắn rằng những sai lỗi, thất bại và khủng hoảng là những kinh nghiệm có thể làm vững mạnh nhân tính của họ.

Ý thức thực sự của thẩm quyền

71. Để bảo đảm một hành trình trưởng thành thực sự, người trẻ cần những người lớn có thẩm quyền. Theo nguyên ngữ, auctoritas chỉ khả năng tạo sự phát triển; nó không diễn tả ý tưởng về một sức mạnh chỉ huy, mà là một sức mạnh tạo tác thật sự. Khi Chúa Giêsu gặp người trẻ, trong bất kỳ trạng thái và điều kiện nào của họ, ngay cả khi họ đã chết, Người nói với họ bằng cách này hay cách khác: “Hãy trỗi dậy! Hãy đứng dậy!” Và lời Người khiến xảy ra đúng như những gì Người nói (x. Mc 5:41; Lc 7:14). Trong chương thuật về việc chữa lành người bị quỷ ám động kinh (x. Mc 9:14-29), điều này khơi gợi nơi rất nhiều người những hình thức xa lánh mà người trẻ ngày nay trải qua, rõ ràng Chúa Giê-su giang tay Ngài ra không để lấy mất đi tự do mà để làm cho nó hoạt động, giải phóng nó. Chúa Giê-su thi hành trọn vẹn thẩm quyền của Ngài: Ngài không muốn điều gì khác ngoài sự trưởng thành của người trẻ, không mang một chút sự chiếm hữu, thao túng hay làm mê hoặc.

Những mối dây quan hệ gia đình

72. Gia đình là cộng đoàn đức tin đầu tiên là nơi người trẻ có kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa và bắt đầu phân định một ơn gọi, với tất cả những giới hạn và sự bất toàn của nó. Hai Thượng Hội đồng gần đây nhất và Tông huấn Amoris Laetitia đều nói về họ, liên tục nhấn mạnh rằng nghĩa vụ của gia đình, như là một Hội Thánh tại gia, là sống niềm vui của Tin mừng trong cuộc sống hàng ngày và giúp cho cho tất cả các thành viên của mình luôn mở lòng cho chiều kích của ơn gọi và sứ mạng, theo hoàn cảnh của họ.

Tuy nhiên, các gia đình không luôn luôn dạy con cái họ cân nhắc về tương lai qua lăng kính của ơn gọi. Đôi khi khao khát tìm kiếm thế giá ngoài xã hội và thành công cá nhân, tham vọng của cha mẹ hoặc xu hướng quyết định những lựa chọn cho con cái của họ để lại rất ít không gian cho sự phân định và điều kiện để các quyết định được thực hiện. Thượng Hội đồng nhận ra nhu cầu cần phải giúp các gia đình hiểu rõ hơn về cuộc sống như một ơn gọi. Trình thuật Tin Mừng về tuổi niên thiếu của Chúa Giê-su (x. Lc 2: 41-52), phụ thuộc vào cha mẹ nhưng vẫn có thể tách mình ra khỏi các ngài để lo việc của Chúa Cha, có thể làm sáng tỏ cách giải thích về các mối quan hệ trong gia đình từ quan điểm của Tin Mừng.

Được kêu gọi đến với tự do

Tin mừng của sự tự do

73. Tự do là điều kiện thiết yếu cho mọi lựa chọn cuộc sống đích thực. Tuy nhiên, có nguy cơ nó bị hiểu lầm, đặc biệt vì nó thường được trình bày không thỏa đáng. Chính Giáo hội gặp nhiều người trẻ giống như một thể chế áp đặt các quy tắc, những điều cấm đoán và nghĩa vụ. Nhưng Đức Ki-tô “đã giải thoát chúng ta để chúng ta được tự do” (Gl 5:1), dẫn đưa chúng ta từ chế độ Lề Luật đến Thần Khí. Dưới ánh sáng của Tin mừng, ngày nay thật hữu ích khi hiểu rõ hơn rằng tự do là đặc tính tương quan đặc biệt và cho thấy rằng những đam mê và cảm xúc vô cùng quan trọng đến mức chúng dẫn đưa chúng ta hướng tới cuộc gặp gỡ đích thực với tha nhân. Quan điểm này cho thấy rõ ràng rằng sự tự do thật sự là vấn đề nhận thức bằng trí óc và chỉ có được khi nó liên quan đến sự thật (xem Ga 8: 31-32) và trên hết là đức mến (x. 1 Cr 13: 1-13; Gl 5:13): tự do là chính mình trong tâm hồn của người khác.

Sự tự do đáp lời

74. Thông qua kinh nghiệm sống tình huynh đệ và tình đoàn kết, đặc biệt là với những người hèn mọn nhất, người trẻ học biết rằng tự do đích thực đến từ cảm giác được chấp nhận, và chúng ta càng tạo không gian cho người khác nhiều hơn thì nó càng phát triển. Họ có một kinh nghiệm tương tự khi họ cam kết sống cuộc sống đơn giản hoặc tôn trọng môi trường. Khi họ trải nghiệm sự công nhận lẫn nhau và cam kết chung, họ khám phá trong lòng một tiếng gọi âm thầm đến với tình yêu từ Thiên Chúa. Điều này giúp dễ dàng nhận ra chiều kích siêu việt nằm ở trung tâm của tự do và trở nên sống động qua sự tiếp xúc với những kinh nghiệm sống mãnh liệt nhất – sinh và tử, tình bạn và tình yêu, tội lỗi và tha thứ. Đây là những kinh nghiệm giúp chúng ta thấy rằng bản chất của tự do là đáp lời một cách dứt khoát.

Tự do và đức tin

75. Cách đây hơn 50 năm, Thánh Phaolô VI đã giới thiệu cụm từ “đối thoại về ơn cứu độ” và ngài đã diễn giải sứ mạng của Chúa Con trên trần gian như là một cách thể hiện của một “lời kêu gọi tình yêu.” Tuy nhiên, ngài nói thêm rằng chúng ta có quyền tự do đáp lời hoặc từ chối nó” (x. Thông điệp Ecclesiam Suam, 75). Từ quan điểm này, hành động của đức tin cá nhân cho thấy cả sự tự do và giải phóng. Vì vậy, đức tin không phải là một yếu tố được thêm vào sự tự do giống như từ bên ngoài thêm vào, nhưng nó làm thỏa mãn khao khát của lương tâm về sự thật, sự thiện và cái đẹp, tái khám phá chúng một cách trọn vẹn trong Chúa Giê-su. Chứng tá của rất nhiều người tử đạo trẻ trong quá khứ và hiện tại, vang vọng mạnh mẽ tại Thượng Hội đồng, là bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy đức tin làm cho chúng ta được tự do khi đối mặt với những sức mạnh của thế giới này, trước những bất công và ngay cả khi đối mặt với cái chết.

Sự tự do bị thương tổn và được cứu chuộc

76. Sự tự do của con người bị hằn vết sẹo của những vết thương bởi tội lỗi riêng và bởi nhục dục. Nhưng qua cách trải nghiệm sự tha thứ và lòng thương xót, khi mọi người nhận thức được những trở ngại đang giam cầm mình, họ trở nên trưởng thành và có thể cam kết rõ ràng hơn trong các lựa chọn dứt khoát cho cuộc sống. Từ quan điểm giáo dục, điều quan trọng là phải giúp người trẻ không cảm thấy ngã lòng khi đối mặt với những sai lầm và thất bại, thậm chí là những sai lầm và thất bại đáng hổ thẹn, vì những điều này là một phần không thể thiếu trong hành trình hướng tới một sự tự do trưởng thành hơn, nhận thức được điểm mạnh và điểm yếu của nó.

Nhưng sự dữ không có lời nói cuối cùng: “Vì Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3:16). Người yêu chúng ta đến cùng và do vậy Người chuộc lại sự tự do cho chúng ta. Chết trên thập giá vì chúng ta, Người tuôn đổ Thần Khí, và “và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2 Cr 3:17), một tự do mới, một tự do vượt qua, được kiện toàn trong ơn sủng mỗi ngày.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/2/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét