© Vatican Media
Buổi Tiếp kiến của Đức Thánh Cha Phanxico với các thành viên của Liên đoàn các Hiệp hội người Khiếm thính
‘Trong bối cảnh xã hội và văn hóa ngày nay, hơn bao giờ hết anh chị em cũng là một món quà trong Giáo hội.’
26 tháng Tư, 2019 11:37
Ngày 25 tháng Tư, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico tiếp kiến các thành viên của Liên đoàn các Hiệp hội người Khiếm Thính trong Thính phòng Clementine của Điện Tông tòa.
Dưới đây là bản dịch huấn từ (tiếng Anh) của Đức Thánh Cha với những người hiện diện trong buổi tiếp kiến.
* * *
Huấn từ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Tôi xin chào thân ái anh chị em, đặc biệt là những anh chị em khiếm thính, những thân nhân và bạn bè của anh chị em hiện diện tại đây. Tôi xin cảm ơn bà Chủ tịch về những lời giới thiệu cho buổi gặp gỡ của chúng ta.
Trong những năm vừa qua Liên đoàn của anh chị em đã kết nạp thêm một số Hiệp hội cống hiến cho việc giải quyết văn hóa loại bỏ trong địa hạt nước Ý, thúc đẩy tính bao gồm nhiều hơn trong tất cả các môi trường. Công việc như vậy là vô cùng cần thiết để bảo đảm một chất lượng sống tốt hơn cho những người khiếm thính và để vượt qua sự khiếm khuyết này bằng cách quý trọng mọi chiều kích, bao gồm cả tinh thần, trong một tầm nhìn toàn diện về con người.
Chắc chắn người khiếm thính phải sống trong điều kiện rất mong manh, và nó tạo nên một phần của cuộc sống và có thể chấp nhận một cách tích cực. Điều không nên không phải đó là, cũng giống như rất nhiều người với những năng lực khác nhau cùng với gia đình của họ, họ thường phải sống trong những hoàn cảnh bị thành kiến, đôi khi ngay trong các cộng đoàn Ki-tô hữu, như bà Chủ tịch cũng đã nhắc đến. Các thành phố, các quốc gia, và các giáo xứ, cùng với những sự phục vụ của họ, được kêu gọi phải vượt qua được những rào cản không cho phép chào đón những tiềm năng của sự hiện diện tích cực của anh chị em, vượt ngoài khiếm khuyết của mình. Thay vì vậy, anh chị em dạy cho chúng tôi rằng chỉ bằng cách sống noi gương và trong tình trạng mong manh thì chúng ta có thể trở thành những người kiến tạo văn hóa gặp gỡ — cùng với những người chịu trách nhiệm và tất cả cộng đồng dân sự và hội thánh –, để đối lại với tính thờ ơ đang ngày càng lan rộng. Từ đó xã hội và cộng đồng có thể thăng tiến và cung cấp cho người khiếm thính một sự viên mãn của cuộc sống xét đến mọi khía cạnh trong những giai đoạn khác nhau của nó.
Trong bối cảnh xã hội và văn hóa ngày nay, hơn bao giờ hết anh chị em cũng là một món quà trong Giáo hội: “Liên quan đến Bí tích Rửa tội được lãnh nhận, mọi thành viên của Dân Chúa trở thành một người môn đệ thừa sai. Mỗi người được rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Giáo hội là gì, và mức độ kiến thức về đức tin của họ, đều là một chủ thể tích cực của việc rao giảng tin mừng” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 120).
Vì vậy, sự có mặt của người khiếm thính giữa các nhân viên mục vụ, được hình thành một cách tự nhiên phù hợp theo những khuynh hướng và năng lực của họ, có thể thật sự trở thành một nguồn lực và cơ hội cho việc rao giảng phúc âm. Tôi tha thiết hy vọng rằng anh chị em, vừa theo mức độ cá nhân từng người vừa ở mức độ hiệp hội, sẽ có thể tham gia trọn vẹn hơn bao giờ hết vào đời sống của các cộng đoàn giáo hội của anh chị em. Từ đó anh chị em sẽ có thể tái khám phá và đem đến hoa trái là tài năng mà Thiên Chúa đã ban cho anh chị em, vì ích lợi của các gia đình và của toàn thể Dân Chúa.
Sự hiện hữu của Thiên Chúa không được nhận biết bằng đôi tai nhưng bằng đức tin. Vì vậy, tôi động viên anh chị em hãy làm hồi sinh đức tin của mình để ngày càng ý thức hơn về sự gần gũi của Thiên Chúa, với tiếng nói của Người vang lên trong tâm hồn của mỗi con người, và tất cả mọi người đều có thể nghe thấy. Từ đó anh chị em sẽ có thể giúp những người không “nghe thấy” tiếng nói của Thiên Chúa trở nên chú ý hơn. Đây là một sự đóng góp quan trọng mà người khiếm thính có thể góp phần vào sức sống của Giáo hội.
Tôi đang nghĩ đến nhiều người khiếm thính ở Ý và trên thế giới, đặc biệt là những người sống trong những điều kiện bị gạt ra bên lề và khổ cực. Tôi cầu nguyện cho họ. Và tôi cầu nguyện cho anh chị em để anh chị em có thể mang đến sự đóng góp đặc biệt cho xã hội. Có khả năng có một cái nhìn ngôn sứ, có khả năng đồng hành với những tiến trình chia sẻ và bao gồm, có khả năng cộng tác trong cuộc cách mạng của lòng nhân từ và sự gần gũi. Sự có mặt của anh chị em cũng là cần thiết trong Giáo hội để góp phần xây dựng những cộng đoàn chào đón và cởi mở với tất cả mọi người, bắt đầu từ những người sau rốt.
Xin cảm ơn anh chị em về chuyến viếng thăm này. Tôi động viên anh chị em tiếp tục hân hoan trên con đường của mình, đồng thời tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi. Bây giờ tôi ban Phép lành Tòa thánh cho anh chị em.
© Libreria Editrice Vatican
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/4/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét