Thứ Tư, 2 tháng 7, 2025

Tiếp kiến đại diện các Dòng tu nữ, ngày 30.06.2025

Tiếp kiến đại diện các Dòng tu nữ, ngày 30.06.2025

Tiếp kiến đại diện các Dòng tu nữ, ngày 30.06.2025

*******

Sáng nay (01/07/2025), tại Hội trường Clementine trong Điện Tông tòa Vatican, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã tiếp kiến các đại diện của một số Dòng tu nữ.

Sau đây là huấn dụ của Đức Thánh Cha với những người hiện diện trong buổi gặp gỡ:

_____________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Quý Sơ thân mến, chào mừng quý Sơ!

Tôi rất vui được gặp gỡ quý Sơ. Với một số trong Sơ hiện diện ở đây nhân dịp họp Tổng Tu nghị, một số Sơ khác đến để hành hương Năm Thánh. Trong cả hai trường hợp, quý Sơ đã đến mộ Thánh Phêrô để canh tân tình yêu với Chúa và lòng trung thành đối với Giáo hội.

Quý Sơ thuộc về những Dòng được thành lập vào các thời điểm khác nhau và trong những hoàn cảnh riêng biệt: Dòng Nữ tu Thánh Basilio Cả, Dòng Nữ tử Bác ái Thiên Chúa, Dòng Nữ Augustinô Amparo, và Dòng Nữ Phanxicô Thánh Tâm. Tuy nhiên, lịch sử của quý Sơ có một điểm chung có thể thấy được dưới ánh sáng của những chứng nhân lịch sử vĩ đại trong đời sống thiêng liêng như Thánh Augustinô, Thánh Basilio và Thánh Phanxicô, những vị với đời sống khổ hạnh, lòng dũng cảm và sự thánh thiện trong cuộc sống đã truyền cảm hứng cho các Đấng sáng lập của quý Sơ mở ra những cách thức mới trong việc phục vụ tha nhân. Điều này đặc biệt có thể thấy rất rõ trong việc chăm sóc của quý Sơ dành cho những người yếu đuối nhất: trẻ em, các thiếu niên nam nữ nghèo, trẻ mồ côi, người di cư, và gần đây hơn là người già, người bệnh, cùng với nhiều thừa tác vụ bác ái khác.

Sự đáp lời của quý Sơ trước những thách đố trong quá khứ và sức sống hiện tại của quý Sơ cho thấy rằng lòng trung thành với sự khôn ngoan từ ngàn xưa của Tin Mừng chính là con đường tốt nhất cho những ai, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, dấn thân trên những con đường tự hiến mới, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, đồng thời chăm chú lắng nghe các dấu chỉ của thời đại (x. CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 4; 11).

Với tinh thần ấy, Công đồng Vatican II, khi đề cập đến các Dòng tu chuyên chăm lo công việc bác ái, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “toàn bộ đời sống tu trì của các thành viên phải thấm đượm tinh thần tông đồ, và mọi hoạt động tông đồ của họ phải thấm đẫm tinh thần tu trì”, để họ “trước hết đáp lại tiếng gọi bước theo Đức Kitô và phục vụ chính Đức Kitô nơi các chi thể của Người... trong sự kết hiệp mật thiết với Người” (Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 8).

Thánh Augustinô, khi nói về vai trò tối thượng của Thiên Chúa trong đời sống Kitô hữu, đã khẳng định: “Thiên Chúa là tất cả của bạn. Nếu bạn đói, Ngài là bánh; nếu bạn khát, Ngài là nước; nếu bạn ở trong bóng tối, Ngài là ánh sáng không bao giờ tắt; nếu bạn trần trụi, Ngài là áo mặc vĩnh cửu của bạn” (In Ioannis Evangelium, 13, 5). Thật vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: những lời này đúng với tôi đến mức độ nào? Chúa thỏa mãn cơn khát sự sống, khát tình yêu hoặc ánh sáng của tôi đến mức nào? Đó là những câu hỏi quan trọng. Chính sự bén rễ vững chắc này trong Đức Kitô là điều đã dẫn đưa những vị đi trước chúng ta – những người nam và nữ như chúng ta, với những ơn và giới hạn như chúng ta – đã làm được những điều mà có lẽ họ không bao giờ nghĩ họ có thể đạt được. Chính sự bén rễ vững chắc ấy với Chúa đã giúp họ gieo những hạt giống thiện hảo, tồn tại qua nhiều thế kỷ và trên khắp các châu lục, và bây giờ dã vươn tới hầu như khắp nơi trên thế giới, như sự hiện diện của quý Sơ ở đây minh chứng.

Như tôi đã đề cập, một số Sơ đang tham dự Tổng Tu nghị, các Sơ khác ở đây để mừng Năm Thánh. Dù thế nào, quý Sơ cũng đang đứng trước những chọn lựa hệ trọng sẽ quyết định tương lai của quý Sơ, tương lai của các chị em đồng Dòng, và của chính Giáo Hội. Vì lý do đó, thật là thích hợp để kết thúc bằng cách nhắc lại cho tất cả chúng ta niềm hy vọng tuyệt đẹp mà Thánh Phaolô đã bày tỏ khi nói với các Kitô hữu ở Êphêsô: tôi cầu nguyện rằng: “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3:17-19). Cảm ơn quý Sơ về công việc và lòng trung thành của quý Sơ. Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành cùng quý Sơ. Và tôi ban phép lành cho quý Sơ.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 02/07/2025]


Thông điệp của Đức Thánh Cha Lêô XIV gửi các tham dự viên Khóa họp thứ 44 của Hội nghị Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, ngày 30.06.2025

Thông điệp của Đức Thánh Cha Lêô XIV gửi các tham dự viên Khóa họp thứ 44 của Hội nghị Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, ngày 30.06.2025

Thông điệp của Đức Thánh Cha Lêô XIV
gửi các tham dự viên Khóa họp thứ 44 của Hội nghị Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, ngày 30.06.2025

*******

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa Ngài Tổng Giám đốc FAO,

Thưa Quý vị Hữu trách,

Thưa Quý ông, quý bà:

Tôi rất biết ơn vì lần đầu tiên có cơ hội ngỏ lời với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), năm nay kỷ niệm 80 năm thành lập. Tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả quý vị tham dự Khóa họp thứ 44 của Hội nghị, cơ quan lãnh đạo tối cao của tổ chức này, và đặc biệt là Ngài Tổng Giám đốc Qu Dongyu, để bày tỏ lòng cảm kích đối với những công việc mà Tổ chức đang thực hiện hằng ngày nhằm tìm kiếm những giải pháp thỏa đáng cho vấn đề mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng, đây vẫn là một trong những thách đố lớn nhất của thời đại chúng ta.

Giáo hội luôn khuyến khích mọi sáng kiến nhằm chấm dứt thảm cảnh của nạn đói trên thế giới, và thể hiện những tình cảm của Chúa Giêsu, như các sách Tin mừng thuật lại, khi thấy đoàn lũ đông đảo đến để lắng nghe lời Ngài, trước hết Ngài quan tâm đến việc cho họ ăn, và vì mục đích này, Ngài đã yêu cầu các môn đệ đảm nhận việc đó, đồng thời chúc lành dư đầy cho những nỗ lực họ đã thực hiện (x. Ga 6:1-13). Tuy nhiên, khi đọc lại trình thuật về biến cố thường được gọi là “phép lạ hóa bánh ra nhiều” (x. Mt 14:13-21; Mc 6:30-44; Lc 9:12-17; Ga 6:1-13), chúng ta nhận ra rằng phép lạ thật sự do Đức Kitô thực hiện là để cho thấy điểm mấu chốt để vượt qua nạn đói nằm ở sự chia sẻ chứ không phải là sự tích trữ tham lam. Đây là điều mà ngày nay chúng ta dường như đã quên, vì dù đã có một số bước tiến đáng kể được thực hiện, nhưng tình trạng an ninh lương thực toàn cầu vẫn tiếp tục xấu đi, khiến mục tiêu “Không còn nạn đói” trong Chương trình Nghị sự 2030 ngày càng khó đạt được. Nó cho thấy chúng ta còn xa mới hoàn thành được nhiệm vụ được giao phó cho tổ chức liên chính phủ này kể từ năm 1945.

Có biết bao người đau khổ tột cùng và mong mỏi những giải pháp giải quyết cho những nhu cầu của họ. Chúng ta biết rõ rằng họ không thể tự mình giải quyết được những vấn đề đó. Thảm kịch triền miên của nạn đói và suy dinh dưỡng lan rộng, vẫn tồn tại dai dẳng tại nhiều quốc gia ngày nay, lại càng đáng buồn và đáng hổ thẹn hơn khi chúng ta nhận ra rằng, mặc dù trái đất có khả năng sản xuất đủ lương thực cho toàn thể nhân loại, và dù có những cam kết quốc tế về an ninh lương thực, thật đáng buồn là vẫn còn quá nhiều người nghèo trên thế giới không có miếng bánh hằng ngày.

Mặt khác, chúng ta hiện đang chứng kiến với sự thất vọng việc sử dụng nạn đói như một thứ vũ khí chiến tranh cách bất nhân. Đẩy người dân đến chỗ chết đói là một cách rất rẻ tiền để tiến hành chiến tranh. Đó là lý do tại sao ngày nay, khi phần lớn các cuộc xung đột không phải do quân đội chính quy thực hiện mà bởi các nhóm dân sự vũ trang với ít nguồn lực, thì việc đốt phá ruộng đồng và trộm cắp gia súc, ngăn chặn viện trợ nhân đạo đang trở thành những chiến thuật được sử dụng ngày càng nhiều bởi những kẻ tìm cách kiểm soát toàn bộ những người dân không có vũ khí. Vì thế, trong loại hình xung đột này, những mục tiêu quân sự đầu tiên là các hệ thống cung cấp nước và các tuyến đường liên lạc. Người nông dân không thể bán sản phẩm của họ trong môi trường bị đe dọa bởi bạo lực, và lạm phát tăng vọt. Hậu quả dẫn đến là biết bao người phải gánh chịu thảm họa đói kém và chết dần mòn, với hoàn cảnh trầm trọng là trong khi người dân phải chịu cảnh khốn cùng, thì giới lãnh đạo chính trị lại béo bở từ những khoản lợi nhuận xung đột.

Việc trì hoãn giải pháp cho tình trạng tàn khốc này sẽ không giúp ích gì, ngược lại, tình trạng thống khổ và túng quẫn của người nghèo sẽ tiếp tục gia tăng, khiến con đường càng thêm khó khăn và quanh co hơn. Vì thế, mệnh lệnh bắt buộc là phải chuyển từ lời nói sang hành động, tập trung vào những biện pháp hiệu quả giúp những người này có thể nhìn vào hiện tại và tương lai của họ với niềm tin tưởng và thanh thản, chứ không chỉ bằng sự cam chịu, để từ đó chấm dứt kỷ nguyên của những khẩu hiệu và lời hứa hão huyền. Về vấn đề này, chúng ta đừng quên rằng sớm hay muộn chúng ta sẽ phải đưa ra lời giải thích cho các thế hệ tương lai, những người sẽ nhận được di sản của sự bất công và bất bình đẳng nếu ngay từ bây giờ chúng ta không hành động cách khôn ngoan.

Những khủng hoảng chính trị, xung đột vũ trang và bất ổn kinh tế đóng vai trò then chốt trong việc làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực, cản trở cứu trợ nhân đạo và làm tổn hại đến sản xuất nông nghiệp địa phương, từ đó phủ nhận không chỉ khả năng tiếp cận lương thực mà còn phủ nhận quyền được sống một cuộc sống đúng phẩm giá và có cơ hội. Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu không chữa lành những vết thương và rạn nứt do nhiều năm ích kỷ và thiển cận gây ra. Tương tự như vậy, nếu không có hòa bình và ổn định, thì không thể bảo đảm cho các hệ thống nông nghiệp và lương thực vững bền, cũng như không thể bảo đảm nguồn cung lương thực lành mạnh, dễ tiếp cận và bền vững cho tất cả mọi người. Do đó, cần phải có đối thoại, nơi các bên liên quan không chỉ sẵn sàng nói chuyện với nhau, mà còn biết lắng nghe nhau, hiểu nhau và cùng nhau hành động. Sẽ không thiếu những trở ngại, nhưng với tinh thần nhân văn và huynh đệ, kết quả đạt được sẽ tích cực.

Các hệ thống lương thực có ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu, và ngược lại. Những bất công xã hội do thiên tai và sự mất mát đa dạng sinh học phải được đảo ngược để đạt được một sự chuyển đổi sinh thái công bằng, đặt con người và môi trường vào trung tâm. Để bảo vệ các hệ sinh thái và những cộng đồng thua thiệt, trong đó có các dân tộc bản địa, các chính phủ, các thực thể công và tư, các cơ quan cấp quốc gia và địa phương, cần huy động các nguồn lực nhằm thực hiện những chiến lược đặt ưu tiên cho việc tái tạo đa dạng sinh học và sự phì nhiêu của đất. Nếu không có hành động dứt khoát và phối hợp về khí hậu, sẽ không thể bảo đảm các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm đủ khả năng nuôi sống dân số thế giới đang gia tăng. Việc sản xuất lương thực là chưa đủ: điều quan trọng là bảo đảm rằng các hệ thống lương thực phải bền vững, và cung cấp các chế độ ăn uống lành mạnh và giá cả phù hợp cho mọi người. Vì thế, vấn đề là phải suy nghĩ lại và đổi mới các hệ thống lương thực của chúng ta theo tầm nhìn của tinh thần liên đới, gạt bỏ luận lý khai thác cạn kiệt thụ tạo, và định hướng tốt hơn những nỗ lực của chúng ta để canh tác và bảo vệ môi trường cũng như các tài nguyên của nó, để bảo đảm an ninh lương thực và hướng đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh cho tất cả mọi người.

Thưa Ngài Chủ tịch, hiện tại chúng ta đang chứng kiến một sự phân cực rất lớn trong những quan hệ quốc tế do các cuộc khủng hoảng và đối đầu hiện nay. Các nguồn tài chính và công nghệ tiên tiến đang bị chuyển hướng từ việc xóa bỏ nạn đói nghèo trên thế giới sang việc sản xuất và buôn bán vũ khí. Theo đó, các ý thức hệ đáng ngờ được cổ vũ, trong khi các mối quan hệ nhân loại thì nguội lạnh, làm suy yếu sự hiệp thông và bóp nghẹt tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội.

Chưa bao giờ cấp thiết hơn lúc này, chúng ta phải trở thành những người kiến tạo hòa bình làm việc vì ích chung, vì những điều tốt đẹp cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho một số ít người. Để bảo đảm hòa bình và phát triển, được hiểu như là sự cải thiện điều kiện sống cho những người dân đang phải chịu đói, chiến tranh và bần cùng, cần có những hành động cụ thể, bắt nguồn từ những hướng đi nghiêm túc và có tầm nhìn xa.

Vì thế, chúng ta phải gạt bỏ những lời hoa mỹ sáo rỗng và với ý chí chính trị vững vàng, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, “giải quyết các cuộc xung đột và từ đó… thúc đẩy bầu khí hợp tác và tin tưởng lẫn nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu chung”.[1]

Thưa quý vị, để đạt được mục tiêu cao cả này, tôi muốn bảo đảm với quý vị rằng Tòa Thánh luôn phục vụ cho sự hòa hợp giữa các dân tộc, và sẽ không bao giờ mệt mỏi trong việc hợp tác vì lợi ích chung của gia đình các quốc gia, đặc biệt quan tâm đến những người đau khổ nhất đang chịu cảnh đói khát, cũng như với những vùng miền xa xôi không thể tự mình vực dậy thoát khỏi cảnh khốn cùng do sự thờ ơ của những người mà lẽ ra tình liên đới bền bỉ phải là biểu tượng cho đời sống của họ. Với niềm hy vọng này, và như một tiếng nói đại diện cho tất cả những người đang chịu cảnh bần cùng, tôi khẩn cầu Thiên Chúa Toàn năng ban cho công việc của quý vị sinh nhiều hoa trái, đem lại lợi ích cho những người kém may mắn và cho toàn thể nhân loại.

_______________________________________

[1] Address to members of the Diplomatic Corps accredited to the Holy See (9 January 2023).


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 01/07/2025]