GIÁO HUẤN KINH TRUYỀN TIN: Dũng khí trong Sứ vụ
‘Hôm nay là thời gian của sứ vụ và của dũng khí!’
23 tháng 10, 2016
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch của ZENIT giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau kinh Truyền tin giữa trưa với những người tập trung ở Quảng trường Thánh Phê-rô.
__
Trước kinh Truyền tin:
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Bài đọc hai của phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta lời huấn giáo của Thánh Phaolo cho Ti-mô-thê, môn đệ của ngài, phản ánh về cách sống của ngài là một Tông đồ hoàn toàn tận hiến cho sứ vụ (2 Tm 4,6-8.16-18). Nhìn thấy mình đang gần giai đoạn cuối của hành trình nơi dương thế, Phaolo miêu tả nó theo ba giai đoạn: hiện tại, quá khứ, tương lai.
‘Hiện tại,’ Thánh Phaolo diễn giải nó bằng phép ẩn dụ của sự hy sinh: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế” (c. 6). Về ‘quá khứ’, Thánh Phaolo dẫn về cuộc sống đã qua bằng những hình ảnh như “cuộc chiến cao đẹp” và “cuộc thi đấu” của một người giữ vững được niềm tin và trách vụ (c. 7), từ đó dẫn đến ‘tương lai,’ ngài tín thác vào sự ghi công của Thiên Chúa, Người là vị “thẩm phán chí công” (c. 8). Nhưng sứ vụ của Phaolo rất hiệu quả, công chính và trung thành, chỉ nhờ vào sự gần gũi và sức mạnh của Thiên Chúa, điều đã làm cho ngài trở thành người rao giảng Tin mừng cho tất cả các dân tộc. Đây là lời của ngài: “Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (v. 17).
Trong đoạn tự truyện này của Thánh Phaolo, Giáo hội, đặc biệt hôm nay, ngày Khánh nhật Truyền giáo, với chủ đề “Giáo hội Truyền giáo, một chứng nhân lòng thương xót,” được phản tỉnh lại.Trong Phaolo, cộng đoàn Ki-tô hữu tìm thấy mẫu gương của niềm tin rằng chính trong sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ làm cho công việc tông đồ và công việc rao giảng có hiệu quả. Kinh nghiệm của Thánh Tông đồ đối với dân ngoại nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta phải gắn chắt vào trong những hoạt động tông đồ và thừa sai, về một mặt coi như kết quả tùy thuộc vào nỗ lực của chúng ta, với tinh thần hy sinh của một vận động viên không bỏ cuộc, thậm chí đang phải đối mặt với sự thất bại; tuy nhiên, mặt khác chúng ta phải biết rằng sự thành công thực sự của sứ vụ của chúng ta là một món quà của ân sủng: chính Chúa Thánh Thần làm cho sứ vụ của Giáo hội trên thế giới được có kết quả. Hôm nay là thời gian của sứ vụ và thời gian của dũng khí! Can đảm để làm vững mạnh những bước đi không vững, can đảm để cam kết bản thân chúng ta với Tin mừng, để lấy lại lòng tự tin trong sức mạnh mà sứ vụ đem lại. Đây là thời gian của dũng khí, mặc dù dũng khí không có nghĩa không có sự bảo đảm thành công. Điều đòi hỏi nơi chúng ta là dũng khí để thi đấu, không cần thiết là phải chiến thắng; để loan báo, không cần thiết là phải đưa người khác trở lại đạo. Chúng ta được đòi hỏi phải có dũng khí để sẵn sàng không phải lúc nào cũng chiều theo trần gian, nhưng cũng không trở nên thích tranh cãi và gây hấn. Một đòi hỏi nữa đối với chúng ta là dũng khí mở rộng lòng ra với tất cả, để không bao giờ làm nhẹ bớt tính tuyệt đối và tính duy nhất của Đức Ki-tô, Đấng Cứu tinh của muôn loài. Chúng ta được đòi hỏi phải có dũng khí đứng lên trước những người không tin, nhưng không vì sự kiêu căng. Chúng ta cũng được đòi hỏi phải có dũng khí của người thu thuế trong Tin mừng hôm nay, người này với lòng khiêm nhường, thậm chí không dám hướng mắt lên trời, nhưng chỉ đấm ngực nói rằng: “Ôi lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội.” Hôm nay là thời gian của dũng khí! Hôm nay, chúng ta phải có lòng dũng khí!
Nguyện xin Mẹ Maria Đồng trinh, mẫu gương của Giáo hội “ra đi,” và vâng nghe theo Thánh Thần, giúp tất cả chúng con, qua Bí tích Rửa tội, trở thành những tông đồ thừa sai đem thông điệp cứu rỗi đến toàn thể gia đình nhân loại.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của Deborah Castellano Lubov]
Sau kinh Truyền tin:
Lời thỉnh cầu của Đức Thánh Cha cho Iraq:
Trong những giây phút thảm kịch này, tôi bày tỏ sự gần gũi với toàn thể dân tộc Iraq, đặc biệt những người ở thành phố Mosul. Chúng ta bị rúng động bởi những hành động bạo lực tàn ác đã quá nhiều lần chỉ nhắm chống lại những công dân vô tội, cả người Hồi giáo và Ki-tô giáo, và tất cả những người thuộc các sắc tộc và tôn giáo khác. Tôi quá đau buồn khi nghe tin những vụ giết máu lạnh của những trẻ em trong mảnh đất thân yêu đó, trong đó có nhiều trẻ em nạn nhân. Sự tàn ác này làm chúng ta phải khóc lên, không cất lên thành lời. Lời của sự hiệp nhất cùng với nhớ đến trong lời cầu nguyện cho Iraq, trong khi vẫn còn đang đau khổ, vẫn có thể vững bước trong hy vọng để có thể tiến bước về một tương lai an toàn, thống nhất và hòa bình. Vì vậy, tôi xin tất cả chúng ta cùng hiệp thông với tôi dâng lời cầu nguyện trong thinh lặng …
Ave Maria….
Anh chị em thân mến,
Cha xin gửi lời chào thân ái đến những khách hành hương từ nước Ý và nhiều quốc gia khác, bắt đầu là người Ba lan đang kỷ niệm tại đây ở Roma và ở quê nhà 1050 năm hiện diện của Ki-tô giáo tại Ba lan.
Cha xin chào mừng những tham dự viên của Năm Thánh các Ca đoàn của Ý, những người chạy thư tín đại diện cho Pro Loco của Ý, và giới trẻ của các hiệp hội huynh đệ của các giáo phận của Ý.
Và có các nhóm tín hữu từ nhiều giáo xứ của Ý: cha không thể đến chào từng người từng người, nhưng cha động viên tất cả hãy kiên gan bền chí trên hành trình đức tin. Một lời chào đặc biệt xin gửi đến cộng đoàn Peru của Roma, đang tập họp nơi đây với linh ảnh Chúa Đóng đinh Señor de los Milagros.
Cha xin cảm ơn tất cả và xin chào thân ái. Xin chúc một Chúa nhật tốt lành! Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của Deborah Castellano Lubov]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 24/10/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét