Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho Ngày Truyền Thông Thế Giới thứ 51

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho Ngày Truyền Thông Thế Giới thứ 51

“Đừng sợ, có Ta ở với ngươi” (Is 43:5). Truyền thông Hy vọng và Niềm tin trong Thời đại của Chúng ta
24 tháng 1, 2017
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho Ngày Truyền Thông Thế Giới thứ 51
Dưới đây là văn bản của Vatican cung cấp sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho Ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới thứ 51 phát hành sáng nay, 24 tháng Một, Lễ Thánh Phanxico de Sales, bổn mạng của các nhà báo, với tiêu đề: “Đừng sợ, có Ta ở với ngươi”: Truyền thông Hy vọng và Niềm tin trong Thời đại của chúng ta. Ngày này được mừng hầu như trên mọi quốc gia vào ngày Chủ nhật trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
***
«Đừng sợ, có Ta ở với ngươi» (Is 43:5).
Truyền thông Hy vọng và Niềm tin trong thời đại của chúng ta
Việc truy cập các phương tiện truyền thông – nhờ sự tiến bộ kỹ thuật – làm cho con người có thể chia sẻ thông tin ngay lập tức và lan truyền rộng khắp. Thông tin đó có thể là tốt có thể là xấu, là thật hoặc không thật. Những Ki-tô hữu tiên khởi so sánh tâm trí con người với một cối xay liên tục; nó tùy thuộc vào người chủ cối xay quyết định sẽ xay thứ gì: lúa mạch tốt hay những hạt cỏ vô giá trị. Tâm trí của chúng ta luôn luôn “xay,” nhưng nó tùy thuộc chúng ta chọn thứ gì cho nó (x. THÁNH GIO-AN CASSIAN, Epistle to Leontius).
Tôi mong muốn gửi sứ điệp này đến tất cả mọi người, bất kể trong công việc chuyên môn hoặc những mối quan hệ cá nhân, cũng giống như cối xay đó, mỗi ngày “nghiền” thông tin với mục đích cung cấp món ăn phong phú cho những người họ giao tiếp. Tôi khuyến khích tất cả mọi người gắn kết trong những hình thức truyền thông xây dựng gạt bỏ những thành kiến nhắm vào người khác và xây dựng một văn hóa gặp gỡ, giúp tất cả chúng ta nhìn vào thế giới quanh ta bằng quan điểm hiện thực và niềm tin.
Tôi quả quyết rằng chúng ta phải phá vỡ vòng tròn xấu xa tội lỗi và ngăn chặn vòng xoáy của sự sợ hãi do sự tập trung liên tục vào “những tin xấu” (chiến tranh, khủng bố, những vụ bê bối và những sự thất bại của con người). Điều này không liên quan đến việc làm lan truyền những thông tin đánh lạc hướng bỏ qua những thảm kịch và sự đau khổ của con người, nó cũng không phải là sự mù quáng lạc quan ngây thơ trước những bê bối của tội ác. Hơn thế nữa, tôi đề nghị rằng tất cả chúng ta hãy làm việc để vượt qua cảm giác bất mãn và cam chịu ngày càng lớn mà có thể có những lúc sinh ra sự lãnh đạm, sự sợ hãi hoặc ý nghĩ cho rằng tội ác không có giới hạn. Ngoài ra, ngành công nghiệp truyền thông nghĩ rằng những bản tin tốt không có người đọc (nguyên ngữ tiếng Anh: bán được), và chỉ những thảm kịch của sự đau khổ của con người và những bí ẩn của tội ác mới dễ dàng thu hút được tính giải trí, luôn có cám dỗ xúi giục lương tâm của chúng ta trở nên u ám hoặc rơi vào sự bi quan.
Vì vậy, tôi muốn đóng góp vào việc tìm kiếm một loại hình truyền thông mở rộng và sáng tạo không bao giờ tìm cách tán dương tội ác nhưng thay vào đó là tập trung vào những giải pháp và khơi gợi một sự tiếp cận tích cực và đầy trách nhiệm về phía người tiếp nhận. Tôi kêu gọi mọi người hãy cung cấp cho con người của thời đại chúng ta những câu chuyện về cơ bản là “tin tốt.”
Bản tin tốt
Cuộc sống không đơn thuần là một chuỗi những sự kiện liên tục, nhưng là một lịch sử, một câu chuyện chờ để được kể ra qua sự lựa chọn một lăng kính trình bày chọn lọc và thu thập những dữ liệu phù hợp nhất. Chính bản thân nó, thực tại không mang một nghĩa rõ ràng duy nhất. Mọi thứ tùy thuộc và cách chúng ta nhìn nhận sự việc, tùy thuộc vào lăng kính chúng ta sử dụng để nhìn vấn đề. Nếu chúng ta đổi lăng kính, thực tại chính nó lại hiện lên một vẻ khác. Vậy làm sao chúng ta có thể bắt đầu “đọc” thực tại qua lăng kính sự thật?
Đối với chúng ta là những Ki-tô hữu, lăng kính đó chỉ có thể là tin vui, vượt trên tất cả, bắt đầu với Tin Mừng: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1:1). Bằng những lời này, Thánh Mác-cô mở đầu Tin mừng của ngài không phải bằng sự liên hệ “tin mừng” về Chúa Giê-su, nhưng tin mừng là chính Chúa Giê-su. Quả thật, đọc những trang Tin Mừng của ngài, chúng ta thấy rằng tiêu đề đó rất phù hợp với nội dung và, trên tất cả, nội dung này là chính con người của Chúa Giê-su.
Tin vui này – chính Chúa Giê-su – không là tin vui nếu nó không có gì liên quan đến sự đau khổ, nhưng hơn thế nữa chính sự đau khổ trở thành một phần của một bức tranh lớn hơn. Nó được xem là một phần không thể thiếu của tình yêu của Chúa Giê-su với Chúa Cha và cho toàn nhân loại. Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa thể hiện sự thông hiệp của Ngài với mọi hoàn cảnh của con người. Ngài đã nói với chúng ta rằng chúng ta không cô đơn, vì chúng ta có một người Cha luôn quan tâm lo lắng cho những đứa con. “Đừng sợ, có Ta ở với ngươi” (Is 43:5): Đây là lời an ủi của một Thiên Chúa đã đắm mình vào lịch sử của dân Người. Qua Con yêu dấu của Người, lời hứa của Thiên Chúa – “có Ta ở với ngươi” – ôm trọn lấy những yếu đuối của chúng ta, đến mức mang lấy cái chết của chúng ta. Trong Đức Ki-tô, thậm chí cả bóng tối và cái chết cũng trở thành một điểm gặp gỡ với Ánh sáng và Sự sống. Hy vọng được trổ sinh, một sự hy vọng dành cho mọi người, ngay tại những điểm giao nhau giữa sự sống và những cay đắng của sự thất bại. Niềm hy vọng đó không làm thất vọng, vì tình yêu của Thiên Chúa đã đổ tràn vào tâm hồn của chúng ta (x. Rm 5:5) và làm cho sự sống mới trổ hoa, như một chồi non nhú lên từ một hạt giống rơi xuống. Nhìn dưới ánh sáng này, mọi thảm kịch mới xảy ra trong lịch sử của nhân loại đều có thể trở thành một khởi đầu cho tin vui, đến độ sự yêu thương có thể tìm được một con đường để đến gần hơn và làm phấn chấn những tâm hồn cảm thông, những khuôn mặt cương quyết và những đôi tay sẵn sàng tái xây dựng.

Vững tin vào hạt giống của Nước Chúa
Để giới thiệu quan niệm Tin mừng này cho các môn đệ của Người và những đám đông, và cho họ “những lăng kính” đích thực để nhìn nhận và ôm ấp lấy tình yêu chết đi và trổ sinh, Chúa Giê-su sử dụng các dụ ngôn. Người thường so sánh Nước Chúa với một hạt giống bộc lộ khả năng sự sống khi nó rơi vào lòng đất và chết đi (x. Mc 4:1-34). Cách dùng những hình ảnh và phép ẩn dụ chuyển tải một sức mạnh thầm lặng của Nước Trời không làm giảm bớt tầm quan trọng và tính cấp thiết của Nước Trời; hơn thế nữa, chính con đường thương xót tạo ra không gian cho người nghe tự do đón nhận và chiếm lấy sức mạnh đó. Đó cũng là một cách hiệu quả nhất để diễn tả giá trị bao la của mầu nhiệm Vượt qua, xây dựng nên những hình ảnh, hơn là những khái niệm, để truyền thông về cái đẹp nghịch lý của sự sống mới trong Đức Ki-tô. Trong đời sống đó, sự gian khổ và thập giá không làm bế tắc, nhưng đem lại ơn cứu độ của Thiên Chúa; sự yếu đuối được chứng minh minh mạnh mẽ hơn bất kỳ sức mạnh nào của con người; và sự thất bại có thể là khởi đầu cho sự hoàn thiện của mọi việc trong tình yêu. Đây là con đường mà sự cậy trông vào Nước Thiên Chúa trưởng thành và trở nên sâu sắc: nó “tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết” (Mc 4:26-27).
Nước Thiên Chúa đã hiện hữu giữa chúng ta, như một hạt giống dễ bị bỏ qua, nhưng vẫn âm thầm đâm chồi. Những ai được Thánh Thần ban ơn có thể nhìn thấy nó trổ hoa. Họ không để cho bản thân bị cướp mất niềm vui của Nước Trời bởi những hạt cỏ lùng làm nảy sinh cỏ dại.

Những chân trời của Thần Khí
Niềm hy vọng của chúng ta đặt nền tảng trên tin vui mà chính Chúa Giê-su làm cho chúng ta phải hướng mắt lên để chiêm ngắm Thiên Chúa trong phụng vụ Lễ Chúa Lên Trời. Cho dù Thiên Chúa bây giờ có thể hiện ra ở một nơi xa hơn, nhưng những chân trời hy vọng mở rộng nhiều hơn. Trong Đức Ki-tô, Đấng đem con người chúng ta lên thiên đàng, mỗi con người bây giờ có thể tự do “nhờ giá máu Đức Giê-su đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người.” (Dt 10:19-20). Bằng “sức mạnh của Thánh Thần” chúng ta có thể trở thành những chứng nhân và “những nhà truyền thông” của nhân loại mới và được cứu độ “thậm chí cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:7‑8).
Sự vững tin vào hạt giống của Nước Thiên Chúa và vào mầu nhiệm Phục sinh cũng định hình cho cách chúng ta truyền thông. Lòng vững tin này cho phép chúng ta thực hiện công việc của chúng ta – theo những cách hoàn toàn khác với truyền thông đang diễn ra hôm nay – với sự tin chắc rằng chúng ta có thể nhận ra và làm nổi bật tin vui hiện hữu trong mỗi câu chuyện và trong khuôn mặt của mỗi con người.
Những người, với đức tin, phó thác bản thân theo sự dẫn dắt của Thánh Thần sẽ nhận ra được cách Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong mỗi giây phút của đời sống và lịch sử của chúng ta, kiên nhẫn xây dựng nên lịch sử cứu độ. Cậy trông là một sợi chỉ đan kết  lịch sử thánh thiêng này, và người đan kết này không ai hơn là Chúa Thánh Thần, Đấng Ủi An. Cậy trông là nhân đức khiêm hạ nhất trong các nhân đức, vì nó ẩn giấu ở nơi thầm kín của cuộc sống; tuy nhiên nó giống như men làm nở các lớp bột. Chúng ta chăm sóc cho nhân đức này bằng việc đọc đi đọc lại Tin mừng, “tái bản lại” với nhiều phiên bản trong đời sống của các thánh là những người đã trở thành biểu tượng cho tình yêu của Thiên Chúa trên trần gian này. Cả hôm nay nữa, Thánh Thần tiếp tục gieo lòng khát khao Nước Trời trong chúng ta, nhờ vào tất cả những người, lấy được nguồn cảm hứng từ Tin Mừng trong giữa những biến cố của thời đại chúng ta, chiếu tỏa như những đèn báo tín hiệu trong bóng đêm của trần gian này, tỏa sáng suốt trên con đường và mở ra những con đường vững tin và cậy trông mới.
Viết từ Vatican, 24 tháng Một 2017
FRANCISCUS
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [bản dịch của Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/01/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét