Đức Thánh Cha dâng Lễ ở Colombia, tôn hai vị tử đạo lên bậc chân phước: toàn văn
Đức Thánh Cha Phanxico xông hương ảnh Mẹ Maria Đồng Trinh trong Thánh Lễ tại Villavicencio, Colombia - AFP
08/09/2017 17:30
(Vatican Radio) “Mẹ Maria là ánh sáng đầu tiên công bố màn đêm kết thúc, và trên hết, một ngày mới bắt đầu,” Đức Thánh Cha Phanxico nói trong Thánh Lễ hôm thứ Sáu mừng Sinh nhật Đức Maria và phong chân phước cho hai giáo sĩ tử đạo người Columbia ở Villavicencio.
Giữ tinh thần chủ đề của chuyến thăm Colombia, ‘Hòa giải và Hòa bình’, Đức Thánh Cha phân tích về cách Mẹ Maria chuyển tải ánh sáng của Thiên Chúa. Ngài nói, Mẹ phản ánh những luồng sáng của ánh sáng đó trong gia đình của Mẹ mà Mẹ chia sẻ với Thánh Giu-se và Chúa Giê-su, phản ánh cả trong dân tộc của Mẹ, quê hương của Mẹ và ngôi nhà chung của toàn nhân loại: tạo vật.
Liên quan đến phả hệ của Chúa Giê-su trong bài Tin mừng trong ngày, ngài đưa ra so sánh với phả hệ của dân tộc Columbia cũng có thể truy nguyên lại. Ngài nói phả hệ của Columbia là một phả hệ đầy những câu truyện, rất nhiều truyện yêu thương và ánh sáng; có những truyện bất đồng, lăng nhục, thậm chí cái chết.
Nói về hai vị tử đạo người Columbia mà ngài tôn lên hàng chân phước trong Thánh Lễ, Đức Thánh Cha gọi Đức ông Jesús Emilio Jaramillo Monsalve, Giám mục Giáo phận Arauca, và linh mục thuộc khu Armero, Pedro María Ramírez Ramos, "một dấu chỉ cho cách thể hiện của một dân tộc muốn đứng dật thoát ra khỏi vũng lầy của bạo lực và cay đắng.”
Dưới đây là bản dịch tiếng Anh chính thức Bài giảng của Đức Thánh Cha:
“Hòa giải trong Thiên Chúa, với người dân Columbia và với Tạo vật”
Villavicencio
Thứ Sáu, 8 tháng Chín 2017
“Sinh nhật của Mẹ, ôi lạy Mẹ Đồng trinh của Thiên Chúa, là một bình minh mới công bố niềm vui cho toàn thế giới, vì từ nơi Mẹ đã sinh ra mặt trời công bình là Đức Ki-tô Thiên Chúa” (x. Antiphon for the Benedictus). Lễ Sinh nhật của Mẹ Maria tỏa ánh sáng trên tất cả chúng ta, cũng như ánh bình minh dịu dàng chiếu tỏa trên đồng bằng mênh mông của Columbia, phong cảnh tuyệt đẹp này với cổng ngõ vào là Villavicencio, và cũng chiếu tỏa ánh sáng của nó trên sự đa dạng rất phong phú của các dân tộc bản địa.
Mẹ Maria là ánh sáng đầu tiên loan báo đêm tàn, và trên hết là một ngày sắp đến. Sinh nhật của Mẹ giúp chúng ta hiểu được chương trình đầy yêu thương, nhân từ, thương xót của tình yêu mà vì nó Thiên Chúa đã xuống trần và kêu gọi chúng ta tiến đến một giao ước tuyệt vời với Người, đó là không một điều gì và không một ai sẽ bị hư mất.
Mẹ Maria biết cách chuyển tải ánh sáng của Thiên Chúa, và Mẹ chiếu tỏa những luồng sáng của ánh sáng đó trong gia đình của Mẹ mà Mẹ chia sẻ với Thánh Giu-se và Chúa Giê-su, phản ánh cả trong dân tộc của Mẹ, quê hương của Mẹ và ngôi nhà chung của toàn nhân loại: tạo vật.
Trong Tin mừng chúng ta đã nghe phả hệ của Chúa Giê-su (Mt 1:1-17), trong đó không chỉ đơn giản là một “danh sách các tên,” nhưng hơn thế đó là một “lịch sử sống,” lịch sử của dân tộc mà Thiên Chúa đã cùng đồng hành; bằng cách hóa thân trở nên một người như chúng ta, Thiên Chúa muốn loan báo rằng lịch sử của người công chính và của tội nhân đều qua máu của Người, rằng ơn cứu độ không phải là một thực thể khô khan trong một phòng thí nghiệm, nhưng là một điều gì đó cụ thể xác thực, một sự sống đi qua. Danh sách dài này kể cho chúng ta rằng chúng ta là một phần nhỏ của một lịch sử bao la, và nó giúp chúng ta không quá tập trung tầm quan trọng vào bản thân; nó giúp chúng ta vượt qua được cám dỗ quá đề cao mọi việc; nó giúp chúng ta không rút lui khỏi những thực tại lịch sử cụ thể mà chúng ta đang sống trong đó. Nó cũng hòa trộn vào trong lịch sử cứu độ của chúng ta những trang đen tối nhất và buồn nhất, những giây phút chịu cô đơn và bị bỏ rơi có thể so sánh như bị lưu đày.
Việc đề cập đến những người phụ nữ – dù không người nào trong số những người được nói đến trong phả hệ là những phụ nữ vĩ đại của Cựu Ước – cho phép chúng ta có sự nối lại mối dây quan hệ đặc biệt [...] Trong các cộng đồng vẫn còn mang nặng truyền thống nam hệ và sô-vanh, điều đáng phải lưu ý rằng chính Tin mừng đã bắt đầu bằng việc làm nổi bật những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng và tạo nên lịch sử.
Và trong tất cả những vấn đề này chúng ta nhìn thấy Chúa Giê-su, Mẹ Maria và Thánh Giu-se. Mẹ Maria với lời xin vâng quảng đại để cho Thiên Chúa can dự vào lịch sử đó. Thánh Giu-se, một người công chính, không để cho niềm kiêu hãnh, sự giận dữ hay cảm xúc của mình đánh bật ngài ra khỏi ánh sáng này. Trình thuật cho chúng ta biết, thậm chí trước khi thánh Giu-se ý thức được điều đó, những gì xảy ra với Mẹ Maria. Quyết định của ngài, được đưa ra trước mặt thiên sứ giúp ngài hiểu được những gì đang diễn ra xung quanh ngài, cho thấy những giá trị con người của ngài. Tính cao thượng tâm hồn của Thánh Giu-se là điều mà ngài đã được học từ lề luật mà ngài gắn chặt vào đó là đức ái; và hôm nay, trong thế giới này nơi bạo lực tinh thần, bạo lực ngôn ngữ và thể xác đè xuống người phụ nữ trở nên quá rõ ràng, thì Thánh Giu-se được trình bày như là một hình ảnh mẫu mực của người đàn ông biết tôn trọng và nhạy cảm. Cho dù ngài không hiểu thấu được bức tranh rộng lớn, ngài vẫn đưa ra quyết định để giữ danh tiết cho Mẹ Maria, phẩm giá và cuộc sống của Mẹ. Trong khi lưỡng lự tìm cách nào tốt nhất để đối xử, Thiên Chúa đã giúp ngài bằng cách soi sáng cho quyết định của ngài.
Dân Columbia là dân tộc của Chúa; và ở đây chúng ta có thể viết nên những phả hệ đầy những câu truyện, nhiều câu truyện của tình yêu và ánh sáng; có những câu truyện của sự bất đồng, của sự lăng nhục, thậm chí cả cái chết … Không biết bao nhiêu anh chị em có thể kể được câu truyện lưu đày và sầu khổ! Không biết bao nhiêu phụ nữ, trong câm lặng, đã âm thầm nhẫn nại, và không biết bao nhiêu con người tốt lành đã cố gắng gạt sang một bên sự phẫn uất, hy vọng cùng nhau mang đến công bằng và sự tử tế! Đâu là cách tốt nhất để chúng ta cho phép ánh sáng đi vào? Đâu là những con đường thật sự của hòa giải? Cũng như Mẹ Maria, bằng cách nói lời xin vâng cho toàn bộ lịch sử, không phải chỉ một phần của nó. Cũng như Thánh Giu-se, gạt sang một bên những sự tức giận và kiêu hãnh. Giống như Chúa Giê-su Ki-tô, nắm giữ lấy lịch sử đó, đảm nhận lấy nó, ôm ẵm lấy nó. Đó chính là anh chị em, đó chính là người Columbia, đó là nơi để anh chị em tìm ra giá trị của mình. Thiên Chúa có thể làm được tất cả mọi điều này nếu chúng ta nói xin vâng với chân lý, với sự tốt lành, với sự hòa giải, nếu chúng ta dùng ánh sáng của Tin mừng lấp đầy lịch sử tội lỗi, bạo lực và chối bỏ của chúng ta.
Hoài giải không phải là một cụm từ trừu tượng; nếu nó trừu tượng, nó chỉ mang đến sự cằn cỗi và khoảng cách lớn hơn. Hòa giải có nghĩa là mở ra một cánh cửa cho tất cả mọi người đã trải qua thực tại bi thảm của xung đột. Khi các nạn nhân vượt qua được sự cám dỗ trả thù, họ trở thành những vai diễn chính đáng tin tưởng nhất cho tiến trình xây dựng hòa bình. Những gì cần thiết bây giờ cho một số người là phải biết can đảm đặt bước đi đầu tiên theo hướng đó, mà không đợi người khác làm điều đó. Chúng ta chỉ cần một con người tốt để có hy vọng! Và mỗi chúng ta đều có thể trở thành con người đó! Điều này không có nghĩa là bỏ qua hay giấu đi những sự khác biệt và xung khắc. Điều này cũng không có nghĩa là hợp pháp hóa những sự bất công thuộc cá nhân và cấu trúc. Tìm đến sự hòa giải không chỉ đơn thuần để làm thích ứng với những hoàn cảnh bất công. Nhưng, như Thánh Gio-an Phao-lô II đã dạy: “[Sự hòa giải] là sự gặp gỡ giữa những người anh em tự nguyện vượt qua cám dỗ của tính cố chấp và từ bỏ những cám dỗ của sự công bình giả tạo. Đó là kết quả của những quan điểm mạnh mẽ, cao thượng và quảng đại dẫn đến sự chung sống đặt nền tảng trên lòng tôn trọng mỗi cá nhân và các giá trị phù hợp với mỗi xã hội dân sự” (Thư gửi các Giám mục El Salvador, 6 tháng Tám 1982). Vì thế, hòa giải trở thành thật sự và được làm vững mạnh bởi sự đóng góp của tất cả mọi người; nó làm cho chúng ta có khả năng xây dựng tương lai, và làm cho niềm hy vọng lớn lên. Mọi nỗ lực mà không có sự cam kết bước đến hòa giải đều dẫn đến kết cục thất bại.
Văn bản Kinh Thánh mà chúng ta đã nghe lên đến cực điểm qua việc Chúa Giê-su được gọi là Đấng Ê-ma-nu-el, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đó là cách khởi đầu và kết thúc của Tin mừng Mát-thêu: “Và đây, thầy ở lại cùng anh em cho đến ngày tận thế” (Mt 28:20). Lời hứa này cũng được hoàn tất ở Columbia: Đức ông Jesús Emilio Jaramillo Monsalve, Giám mục giáo phận Arauca, và linh mục tử đạo Pedro María Ramírez Ramos, thuộc vùng Armero, là dấu chỉ của điều này, một cách bày tỏ của một dân tộc mong muốn vươn lên thoát ra khỏi vũng lầy của bạo lực và cay đắng.
Giữa những cảnh vật xung quanh tuyệt đẹp này, tất cả đều tùy thuộc vào chúng ta biết nói lời xin vâng với hòa giải; cầu cho lời xin vâng của chúng ta cũng phải có đối với môi trường tự nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà ngay cả với thiên nhiên chúng ta phải cởi bỏ những khát khao được sở hữu và nô dịch hóa. Một đồng hương của anh chị em hát lên điều này theo một cách rất đẹp: “Những cây cối đang lên tiếng khóc, chúng là chứng tá cho không biết bao nhiêu năm bạo lực. Biển trở thành màu nâu, một sự trộn lẫn giữa máu và đất” (Juanes, Minas Piedras). “Bạo lực ngự trị trong tâm hồn chúng ta, bị thương tổn bởi tội lỗi, cũng được phản ánh qua những hiện tượng bệnh tật hiển nhiên trong đất, trong nước, trong không khí và trong mọi hình thức của sự sống” (tông huấn Laudato Si’, 2). Chúng ta cần phải nói lời xin vâng với Mẹ Maria, và cùng hát lên với Mẹ “những kỳ công của Thiên Chúa,” vì như Người đã hứa với cha ông chúng ta, Người trợ giúp mọi quốc gia và mọi dân tộc, Người giúp Columbia mà hôm nay đang mong muốn được hòa giải; đó là một lời hứa cho hậu duệ mãi mãi về sau.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 09/09/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét