Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ ở Bogota: Toàn văn
Tín hữu Colombia tham dự Thánh Lễ với Đúc Giáo Hoàng Phanxico trong Công viên Simon Bolivar ở Bogota - REUTERS
07/09/2017 23:30
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha Phanxico dâng Thánh lễ đầu tiên với cộng đoàn trên đất Columbia tối thứ Năm tại Công viên Simon Bolivar ở Bogota, động viên người Columbia giữ lòng tín thác vào Đức Ki-tô trên hành trình khó khăn tiến đến hòa bình và hòa giải.
Phân tích Tin mừng trong ngày ngài cho thấy hình ảnh của Thánh Phê-rô vâng nghe lời của Đức Ki-tô thả lưới ở chỗ nước sâu và kết quả là một mẻ lưới tuyệt vời.
Ngài lưu ý rằng, cũng giống ở những nơi khác, Columbia cũng có những bóng tối như sự bất công, sự bất bình đẳng xã hội, tham nhũng, ích kỷ, không tôn trọng sự sống con người, báo thù và hận thù, Đức Thánh Cha nói, “Chúa Giê-su mời gọi chúng ta ra ngoài biển sâu thả lưới, Người thúc giục chúng ta nhận lấy những trách nhiệm chung, bỏ lại sau lưng những ích kỷ của chúng ta và theo Người …”
Xin đọc toàn văn bản dịch tiếng Anh chính thức bài giảng của Đức Thánh Cha:
Bài giảng: “Những người thợ xây dựng hòa bình, những người thúc đẩy sự sống”
Bogotá
Thứ Năm, 7 tháng Chín 2017
Tác giả Tin mừng kể cho chúng ta rằng tiếng gọi những tông đồ đầu tiên diễn ra dọc theo bờ Hồ Ghen-nê-xa-rét, nơi mọi người đến để lắng nghe một tiếng nói có khả năng hướng dẫn họ và soi sáng cho họ; đó cũng là nơi các ngư phủ thường kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi của họ ở đó, nơi họ tìm kiếm phương tiện sinh sống để sống một đời sống có phẩm giá và hạnh phúc, một đời sống không thiếu thốn những nhu cầu căn bản. Đó là thời gian duy nhất trong toàn bộ Tin mừng Lu-ca cho thấy Chúa Giê-su rao giảng gần Hồ Ga-li-lê. Niềm hy vọng có được mẻ lưới bội thu trên biển của các ông biến thành sự thất vọng với những nỗ lực dường như hoài công vô ích. Theo một cách giải thích của người Ki-tô hữu cổ xưa, biển cũng đại diện cho sự bao la nơi tất cả mọi dân tộc cùng sống; vì sự hỗn độn và bóng tối của nó, nó gợi lên mọi điều đe dọa sự tồn tại của con người và có sức mạnh hủy diệt sự tồn tại đó.
Chúng ta cũng có những cách diễn đạt tương tự để nói về các đám đông: một làn sóng người, một biển người. Ngày hôm đó, sau lưng Chúa Giê-su là biển, và trước mặt ngài là một đám đông đi theo Ngài vì họ biết Ngài đã động lòng trắc ẩn trước sự đau khổ của con người như thế nào … và họ hiểu những lời nói công bằng, sâu sắc, và sự thật của Ngài. Mọi người đến để nghe Ngài nói; lời của Chúa Giê-su có gì đó rất đặc biệt làm mọi người không thể thờ ơ; lời của Ngài có sức mạnh hoán cải các tâm hồn, làm thay đổi những chương trình và dự định. Đó là lời nói được thể hiện bằng hành động, không phải là những lời trừu tượng, những hiệp ước lạnh lùng, được rút ra từ sự đau đớn của con người; vì lời của Ngài là lời mang giá trị cho cả sự an toàn của bờ biển và sự mong manh dễ tan vỡ của biển.
Thành phố Bogotá thân yêu này, và quốc gia Colombia xinh đẹp này, chuyển tải nhiều viễn cảnh nhân loại được Tin mừng trình bày. Ngay ở đây cũng có những đám đông tập trung, khao khát một lời của sự sống để làm sáng tỏ cho mọi nỗi lực của họ, và để cho thấy định hướng và nét đẹp của sự sống của con người. Những đám đông gồm mọi người nam và nữ, trẻ và già, cư ngụ trong một vùng đất vô cùng màu mỡ, có thể nuôi sống tất cả mọi người. Nhưng ở đây cũng giống như những nơi khác, có những bóng đen dày đặc đe dọa và phá hủy sự sống: bóng tối của bất công và bất bình đẳng xã hội; bóng tối tham nhũng của những lợi ích cá nhân và lợi ích phe nhóm nuốt trọn một cách ích kỷ và vô độ những gì được dành cho tất cả mọi người; bóng tối của việc không tôn trọng sự sống con người hàng ngày phá hủy sự sống của nhiều người vô tội mà máu của họ đã kêu thấu lên tới trời; bóng tối của cơn khát trả thù và sự thù hận làm vấy bẩn những đôi tay đáng lẽ với quyền của trong tay họ phải sửa lại những gì là sai trái; bóng tối của những người trở nên tê liệt trước nỗi đau đớn của không biết bao nhiêu nạn nhân. Chúa Giê-su phá tan và hủy đi tất cả những bóng tối này bằng mệnh lệnh Ngài trao cho Phê-rô trên thuyền: “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới” (Lc 5:4).
Chúng ta có thể mắc kẹt vào giữa những cuộc tranh luận vô tận, thêm những lần cố gắng bị thất bại và tạo nên một danh sách dài những cố gắng chẳng đi đến đâu; cũng giống Phê-rô, chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc làm mà không đạt kết quả. Dân tộc này cũng hiểu ý nghĩa này rất rõ, cụ thể là trong khoảng thời gian sáu năm, từ lúc bắt đầu, đã có 16 tổng thống, và đất nước phải trả giá rất đắt cho những chia rẽ của mình (“quê hương dại dột”); Giáo hội ở Columbia cũng hiểu rõ về những công cuộc mục vụ bất thành và chẳng sinh hoa trái …, nhưng giống như Phê-rô, chúng ta vẫn vững tin vào Thầy, mà lời của Ngài đem lại kết quả tốt đẹp ngay cả trong những nơi mà bóng tối của con người buộc rất nhiều nỗ lực và cố gắng trở nên vô ích. Phê-rô là người kiên quyết chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giê-su, bỏ lại mọi thứ và đi theo Người để trở thành một ngư phủ mới với sứ mạng đem Vương quốc của Thiên Chúa đến với anh em của mình, nơi mà sự sống trở nên viên mãn và hạnh phúc.
Nhưng mệnh lệnh ra khơi quăng lưới không chỉ nói trực tiếp với Si-mon Phê-rô; ông được chỉ dẫn ra chỗ sâu để thả lưới, cũng như những người trên quê hương của anh chị em, những người từ ban đầu đã nhận biết điều gì là quan trọng nhất, cũng giống như những người theo đuổi sáng kiến cho hòa bình, cho sự sống. Thả lưới tức là nhận lấy trách nhiệm. Ở Bogotá và trong đất nước Colombia một cộng đồng khổng lồ đang tiến bước, được kêu gọi để biến thành một tấm lưới tốt lành để tập họp mọi người trong sự hiệp nhất, hoạt động để bảo vệ và chăm sóc sự sống của con người, đặc biệt khi đó là sự sống mong manh nhất và nhỏ bé nhất: trong cung lòng của người mẹ, trong bào thai, trong tuổi già, trong những hoàn cảnh bất lực và trong những hoàn cảnh bị gạt ra bên lề xã hội. Không biết bao nhiêu người ở Bogotá và trong đất nước Colombia cũng có thể trở thành những cộng đồng đầy sức sống, công bình và huynh đệ, nếu họ lắng nghe và chào đón Lời Chúa. Từ vô vàn những con người được đón nhận phúc âm này sẽ xuất hiện nhiều người đàn ông và phụ nữ được biến đổi thành các môn đệ theo Chúa Giê-su với một tâm hồn hoàn toàn tự do; những con người đủ khả năng yêu thương sự sống trong mọi giai đoạn của nó, đủ khả năng tôn trọng và thúc đẩy sự sống.
Chúng ta cần phải lên tiếng gọi nhau, ra hiệu cho nhau, giống như những người ngư phủ, để nhìn lại nhau như anh em chị em, có bạn đồng hành trên đường, có người cùng chung chí hướng trong vấn đề chung đó là quê hương. Bogotá và Colombia đồng thời là bãi biển, là hồ, và là biển khơi, là thành lũy nơi Chúa Giê-su đã đi qua và đang đi qua, để cho thấy sự hiện diện của Ngài và lời trổ sinh hoa trái của Ngài, đưa ra khỏi bóng tối và đem chúng ta ra ánh sáng và sự sống. Ngài kêu gọi mọi người, để không một ai không được hưởng lòng thương xót của Ngài trong những cơn giông tố; để đi vào con thuyền của mỗi gia đình, thánh điện của sự sống; dành chỗ cho thiện ích chung thoát khỏi sự ích kỷ hoặc ích lợi cá nhân; để mang lấy những sự sống mong manh nhất và thăng tiến quyền của họ.
Phê-rô hiểu được sự nhỏ bé của ông, sự vĩ đại của lời và quyền năng của Chúa Giê-su; Phê-rô biết được sự yếu đuối của ông, những lúc thăng trầm của ông …, cũng như tất cả chúng ta đều biết sự yếu đuối của riêng mình, cũng như chúng ta biết trong lịch sử của bạo lực và sự chia rẽ dân tộc của anh chị em, một lịch sử đã không tìm thấy chúng ta cùng nhau chia sẻ con tàu, cơn giông tố, những điều bất hạnh. Nhưng cũng cùng một cách như Si-mon, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta phải ra biển sâu để thả lưới; gạt bỏ những nỗi sợ hãi không phải từ Thiên Chúa, làm chúng ta tê liệt và ngăn cản chúng ta không trở thành những người xây dựng hòa bình, những người thúc đẩy sự sống.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 08/09/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét