Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Đức Thánh Cha nói với Hội nghị Thượng đỉnh LHQ về Khí hậu ‘ba chữ’ mà ngài mong muốn là trọng tâm của công cuộc của họ

Đức Thánh Cha nói với Hội nghị Thượng đỉnh LHQ về Khí hậu ‘ba chữ’ mà ngài mong muốn là trọng tâm của công cuộc của họ
Copyright: Vatican Media

Đức Thánh Cha nói với Hội nghị Thượng đỉnh LHQ về Khí hậu ‘ba chữ’ mà ngài mong muốn là trọng tâm cho công việc của họ

Cầu nguyện cho các thế hệ tương lai

24 tháng Chín, 2019 16:33

“Tôi muốn ba từ ngữ then chốt này – trung thực, can đảm và trách nhiệm – trở thành trọng tâm cho công việc của quý vị hôm nay và ngày mai.”
Đức Thánh Cha bày tỏ điều này trong một thông điệp video gửi ngày Thứ Hai, 23 tháng Chín, đến các tham dự viên tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động vì Khí hậu LHQ 2019 ở New York, nhấn mạnh rằng tình hình là không tốt và hành tinh đang phải chịu đựng, Đức Phanxico nói, “cánh cửa cho cơ hội vẫn còn mở. Chúng ta vẫn còn có thời gian.”

Ngài nói, “Chúng ta hãy mở nó ra, với quyết tâm để vun đắp cho sự phát triển con người toàn diện, để bảo đảm một cuộc sống tốt hơn cho các thế hệ tương lai.”

Đức Phanxico nhấn mạnh rằng vấn đề biến đổi khí hậu có liên quan đến những vấn đề đạo đức, sự bình đẳng và công bằng xã hội, và thêm rằng tình hình hiện tại của sự suy giảm môi trường “có sự liên hệ với sự suy giảm về tính nhân văn, đạo đức và xã hội mà chúng ta trải qua mỗi ngày.”

Ngài phân tích, “Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ về ý nghĩa của những mô hình tiêu dùng và sản xuất, và những tiến trình giáo dục và ý thức, để làm cho chúng phù hợp với nhân phẩm.”

Ngài nhắc nhở rằng có nhiều giải pháp “trong tầm tay của mọi người, nếu chúng ta chấp nhận một cách sống thể hiện tính trung thực, can đảm và trách nhiệm trên phạm vi cá nhân và xã hội.”

Đức Thánh Cha cầu xin những từ ngữ đó sẽ đồng hành với họ cùng với những lời chúc tốt đẹp và lời cầu nguyện của ngài.

Dưới đây là văn bản của Vatican cung cấp (tiếng Anh) thông điệp video của Đức Thánh Cha.


*****

Tôi xin cảm ơn ông António Guterres, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, vì đã triệu tập cuộc họp này và thu hút sự chú ý của các nhà Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ – và toàn thể cộng đồng quốc tế và công luận thế giới – vào một trong những hiện tượng nghiêm trọng nhất và đáng lo ngại nhất của thời đại chúng ta: sự biến đổi khí hậu.

Đây là một trong những thách thức chính chúng ta phải đối mặt. Để làm được, nhân loại có trách nhiệm phải gieo trồng ba giá trị đạo đức lớn: lòng trung thực, tính trách nhiệm và lòng can đảm.

Với Hiệp ước Paris ngày 12 tháng Mười Hai năm 2015, cộng đồng quốc tế trở nên ý thức về tính cấp bách và sự cần thiết phải có thái độ phản ứng chung để giúp xây dựng căn nhà chung của chúng ta. Tuy nhiên, bốn năm sau Hiệp ước lịch sử đó, chúng ta có thể thấy rằng những cam kết của các Nhà nước vẫn còn rất “yếu”, và còn xa mới đạt được những mục tiêu đề ra.

Cùng với rất nhiều sáng kiến, không chỉ riêng của các chính phủ nhưng cả xã hội dân sự nói chung, cần phải đặt câu hỏi rằng liệu đã có một ý chí chính trị thật sự để làm tập trung những nguồn lực con người, tài chính và kỹ thuật lớn hơn để làm giảm bớt những hậu quả xấu đối với sự biến đổi khí hậu và giúp cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, là những người phải gánh chịu nhiều nhất.

Trong khi tình hình vẫn không tốt và hành tinh vẫn đang phải chịu đựng, thì cánh cửa cho cơ hội vẫn còn mở. Chúng ta vẫn còn thời gian. Chúng ta đừng để nó khép lại. Chúng ta hãy mở nó ra, với quyết tâm để vun đắp cho sự phát triển con người toàn diện, để bảo đảm một cuộc sống tốt hơn cho các thế hệ tương lai. Đó là tương lai của họ, không phải của chúng ta. “Dù rằng khoảng thời gian hậu công nghiệp có thể được ghi nhớ như là một trong những thời gian thiếu trách nhiệm nhất trong lịch sử, tuy nhiên vẫn có lý do để hy vọng rằng nhân loại vào buổi bình minh của thế kỷ hai mươi mốt sẽ được nhớ đến vì đã quảng đại gánh vác trên vai những trách nhiệm nặng nề của nó” (Tông huấn Laudato si’, 165).

Với lòng trung thực, tính trách nhiệm và lòng can đảm chúng ta phải đưa khả năng hiểu biết của chúng ta “để phục vụ cho một loại hình tiến bộ khác, đó là sự tiến bộ tốt lành hơn, nhân văn hơn, xã hội tính hơn, toàn diện hơn” (Tông huấn Laudato si’, 112), có khả năng đưa kinh tế vào phục vụ nhân vị, xây dựng hòa bình và bảo vệ môi trường.

Vấn đề biến đổi khí hậu có liên quan đến những vấn đề đạo đức, sự bình đẳng và công bằng xã hội. Tình hình hiện tại của sự suy giảm môi trường có sự liên hệ với sự suy giảm về tính nhân văn, đạo đức và xã hội mà chúng ta trải qua mỗi ngày. Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ về ý nghĩa của những mô hình tiêu dùng và sản xuất, và những tiến trình giáo dục và ý thức, để làm cho chúng phù hợp với nhân phẩm. Chúng ta đang đối mặt với một “thách thức của nền văn minh” vì lợi ích chung. Và điều này rất rõ ràng, cũng như rõ ràng là chúng ta có nhiều giải pháp trong tầm tay của mọi người, nếu chúng ta chấp nhận một cách sống thể hiện tính trung thực, can đảm và trách nhiệm trên phạm vi cá nhân và xã hội.

Tôi muốn ba từ ngữ then chốt này – trung thực, can đảm và trách nhiệm – trở thành trọng tâm cho công việc của quý vị hôm nay và ngày mai. Ước mong rằng những từ ngữ đó đồng hành với quý vị cùng với những lời chúc tốt đẹp nhất và lời cầu nguyện của tôi.

Cảm ơn quý vị rất nhiều.

[Văn bản của Vatican cung cấp (tiếng Anh)]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/9/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét