© Vatican Media
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Ngày Quốc tế Người Nghèo
‘Chúng ta hãy tìm kiếm câu trả lời trong những Lời của Chúa Giê-su.’
17 tháng Mười Một, 2019 15:06
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ trong Vương cung Thánh đường của Vatican nhân Ngày Quốc tế Người Nghèo, 17 tháng Mười Một, 2019.
******
Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su làm cho những người cùng thời của Ngài, và cả chúng ta, kinh ngạc. Trong khi mọi người chung quanh trầm trồ trước vẻ lộng lẫy của đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, thì Chúa Giê-su lại bảo với họ rằng “sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21:6). Tại sao Ngài lại nói những lời này về một nơi thánh thiêng như vậy, khi nó không chỉ đơn thuần là một tòa nhà nhưng là một biểu tượng tôn giáo duy nhất, một ngôi nhà cho Chúa và cho những người có lòng tin? Tại sao Ngài lại tiên báo rằng sự vững chãi của dân Chúa bị sụp đổ? Cuối cùng, tại sao Chúa lại để cho những sự vững chãi của chúng ta sụp đổ khi thế giới của chúng ta ngày càng thiếu chúng hơn?
Chúng ta hãy tìm kiếm câu trả lời trong những Lời của Chúa Giê-su. Ngài nói với chúng ta rằng gần như mọi sự sẽ qua đi. Gần như mọi sự, nhưng không phải là mọi sự. Trong Chúa nhật này và Chúa nhật cuối cùng của Mùa Thường niên, Người giải thích rằng những gì sụp đổ và qua đi là những điều gần cuối, không phải là những điều chung cục: đó là đền thờ qua đi chứ không phải Thiên Chúa; các nước và biến cố của con người qua đi, không phải chính con người. Những điều gần cuối, thường xuất hiện rất đáng tin cậy nhưng thật ra lại không phải, nó sẽ qua đi. Chúng là những thực tại huy hoàng như những đền thờ của chúng ta, và những thực tại kinh hoàng như động đất; chúng là những hiện tượng trên trời và chiến tranh trên mặt đất (x. cc. 10-11). Với chúng ta, chúng là bản tin của trang đầu, nhưng Thiên Chúa lại đặt chúng ở trang thứ hai. Những gì sẽ không bao giờ qua đi vẫn được đặt ở trang đầu: đó chính là Thiên Chúa hằng sống, vĩ đại hơn bất cứ đền thờ nào do chúng ta xây dựng, và nhân vị, là anh em của chúng ta là điều giá trị hơn tất cả mọi bản tin của thế giới. Vì vậy, để giúp chúng ta nhận ra được đâu là điều thật sự quan trọng trong đời sống, Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta về hai cám dỗ.
Cám dỗ thứ nhất là sự hấp tấp, của cái ngay bây giờ. Với Chúa Giê-su, chúng ta không được đi theo những kẻ bảo chúng ta rằng thời kỳ cánh chung sẽ đến ngay lập tức, rằng “thời kỳ đã đến gần” (c. 8). Nghĩa là chúng ta không được nghe theo những kẻ báo động là những người khơi thêm nỗi sợ hãi về người khác và sợ hãi về tương lai, vì sự sợ hãi làm tê liệt tâm hồn và trí óc. Tuy nhiên, không biết bao nhiêu lần chúng ta lại để cho bản thân mình bị mê hoặc bởi khao khát điên cuồng muốn biết mọi sự ngay bây giờ, do sự kích thích của tính tò mò, do những bản tin gây chấn động và xôn xao mới nhất, bởi những câu chuyện khủng khiếp, bởi tiếng hét của những kẻ hét to nhất và giận dữ nhất, bởi những kẻ nói với chúng ta rằng “chỉ bây giờ hoặc không bao giờ.” Sự hấp tấp này, cái mọi sự ngay bây giờ này, không xuất phát từ Thiên Chúa. Nếu chúng ta bị cuốn hút theo cái ngay bây giờ, chúng ta quên đi những gì tồn tại mãi mãi, chúng ta đi theo những đám mây bay qua và bỏ mất tầm nhìn của bầu trời. Bị hút theo những tiếng phèng la mới nhất, chúng ta không còn tìm được thời gian cho Chúa hoặc cho anh chị em chúng ta sống ngay bên cạnh. Thật quá đúng với ngày nay! Trong sự quay cuồng để chạy theo, để đạt được mọi thứ ngay bây giờ, bất cứ ai bị bỏ rơi phía sau bị xem là một sự phiền toái, và bị xem như đáng bị bỏ đi. Không biết bao nhiêu người già, thai nhi chưa chào đời, người khuyết tật và người nghèo khổ đều bị xem là vô dụng. Chúng ta đi theo con đường đó trong sự hấp tấp, mà không hề lo lắng rằng những khoảng cách đang ngày càng gia tăng, rằng sự tham lam của một số người đang góp thêm sự nghèo khổ cho nhiều người khác.
Chúa Giê-su hôm nay đề nghị cho mỗi người chúng ta sự kiên trì như là liều thuốc giải cho sự hấp tấp này. “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (c. 19). Sự kiên trì đòi hỏi phải tiến bước mỗi ngày với đôi mắt gắn chặt vào những gì không qua đi: Thiên Chúa và tha nhân. Đây là lý do tại sao sự kiên trì là ơn của Chúa để gìn giữ cho tất cả các ơn khác của Người (x. THÁNH AUGUSTINE, De Dono Perseverantiae, 2.4). Chúng ta hãy xin cho mỗi chúng ta, và tất cả chúng ta là Giáo hội, có thể kiên trì trong việc thiện và không mất dấu những gì thật sự quan trọng.
Cái ảo tưởng thứ hai mà Chúa Giê-su muốn chúng ta phải tránh. Người nói: “Sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính ta đây!’ Anh em chớ theo họ” (c. 8). Nó là cám dỗ xem mình là trung tâm. Người Ki-tô hữu, vì chúng ta không tìm kiếm những điều ngay bây giờ nhưng là đời đời, không chú ý đến tôi nhưng chú ý đến bạn. Nghĩa là, người Ki-tô hữu không chạy theo bài hát gào thét lên của những thứ chóng qua, nhưng đi theo tiếng gọi tình yêu, tiếng nói của Chúa Giê-su. Phân định tiếng nói của Chúa Giê-su bằng cách nào? Chúa nói, “Nhiều người sẽ mạo danh Thầy mà đến,” nhưng đừng theo họ: đeo cái nhãn hiệu “Ki-tô hữu” hoặc “người Công giáo” vẫn chưa đủ để thuộc về Chúa Giê-su. Chúng ta cần phải nói cùng ngôn ngữ của Chúa Giê-su: đó là ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của chủ từ “bạn”. Những ai nói ngôn ngữ của Chúa Giê-su không phải là những người thường xuyên dùng chủ từ Tôi, thay vì vậy họ là những người bước ra khỏi bản thân. Và có bao nhiêu lần tính đạo đức giả của cái tôi lấn át, ngay cả những lúc chúng ta làm việc tốt? Tôi làm tốt vì thế tôi phải được xem là tốt; tôi cho đi để rồi được nhận lại; tôi giúp đỡ để tôi chiếm được tình bạn của một người quan trọng nào đó. Đó là cách thức ngôn ngữ của cái tôi lên tiếng. Tuy nhiên, Lời Chúa thúc bách chúng ta đến với một “tình yêu đích thực” (Rm 12:9), để trao tặng cho những người không thể trả lại cho chúng ta (x. Lc 14:14), để phục vụ người khác mà không tìm kiếm bất kỳ điều gì đáp trả (x. Lc 6:35). Vì vậy chúng ta hãy tự hỏi mình: “Tôi có giúp cho người không có gì để đáp trả lại cho tôi không? “Tôi, một người Ki-tô hữu, có ít nhất một người nghèo làm bạn không?”
Người nghèo là rất giá trị trong đôi mắt của Thiên Chúa vì họ không nói ngôn ngữ của cái tôi: họ không tự hỗ trợ bản thân bởi chính sức mạnh của họ; họ cần một ai đó nắm lấy bàn tay của họ. Người nghèo khó nhắc nhở chúng ta về cách chúng ta sống Tin mừng: như những người hành khất vươn tay lên xin Chúa. Sự hiện diện của người nghèo làm cho chúng ta hít thở được không khí trong lành của Tin mừng, nơi mà người có tinh thần nghèo khó được chúc phúc (x. Mt 5:3). Thay vì cảm thấy bị quấy rầy khi họ gõ cửa nhà chúng ta, thì chúng ta hãy chào đón tiếng kêu xin giúp đỡ của họ như là những mệnh lệnh để thoát ra khỏi con người chúng ta, để chào đón họ với ánh mắt đầy yêu thương của Chúa. Thật đẹp biết bao nếu người nghèo khó có thể chiếm được chỗ trong tâm hồn chúng ta như vị trí của họ trong trái tim của Chúa! Cùng đứng với người nghèo, phục vụ người nghèo, chúng ta nhìn thấy những điều Chúa Giê-su làm; chúng ta nhìn thấy những gì tồn tại và những gì qua đi.
Chúng ta trở lại với những câu hỏi ban đầu. Giữa không biết bao thực tại gần cuối và qua đi, hôm nay Chúa muốn nhắc nhở chúng ta về điều gì là chung cục, điều gì tồn tại mãi mãi. Đó là tình yêu, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Người nghèo cầu xin tình yêu của tôi dẫn đưa tôi thẳng bước tới Chúa. Người nghèo tạo điều kiện cho chúng ta bước tới thiên đàng: đây là lý do tại sao cảm thức đức tin của Dân Chúa xem họ như là những người gác cổng thiên đàng. Ngay cả bây giờ, họ là gia tài của chúng ta, là gia tài của Giáo hội. Vì người nghèo cho chúng ta thấy những của cải không bao giờ hư mất, những của cải liên kết thiên đàng và trần gian, những của cải làm cho cuộc đời đáng sống: đó chính là gia tài của tình yêu.
© Libreria Editrice Vatican
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/11/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét