Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Hồng y Kovithavanij của Bangkok: ‘Đức Thánh Cha Phanxico cho chúng tôi thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng tôi’ (trên chuyến bay giáo hoàng)

PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Hồng y Kovithavanij của Bangkok: ‘Đức Thánh Cha Phanxico cho chúng tôi thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng tôi’ (trên chuyến bay giáo hoàng)Copyright / Vatican Media

PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Hồng y Kovithavanij của Bangkok: ‘Đức Thánh Cha Phanxico cho chúng tôi thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng tôi’ (trên chuyến bay giáo hoàng)

Chủ tịch hội đồng giám mục Thái Lan nói với Zenit rằng cho dù là một dân tộc với đa phần là người Phật giáo, nhưng mọi người được tự do chọn tôn giáo & cách sống, thực hành & cầu nguyện trong hòa bình

20 tháng Mười Một, 2019 08:17

‘Đức Thánh Cha Phanxico cho chúng tôi thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng tôi …’ Đây là cảm xúc của Đức Hồng y Francis Xavier Kriengsak Kovithavanij, Tổng Giám mục Bangkok.

Trong một phỏng vấn riêng với Zenit do phóng viên Vatican, Deborah Castellano Lubov, trên chuyến bay giáo hoàng trong chuyến Tông du lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxico đến Nhật và Thái Lan, ngày 19 đến 26 tháng Mười Một, đánh dấu chuyến đi nước ngoài thứ 32 của Đức Thánh Cha, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thái Lan bày tỏ điều này. Ngoài ra, trong khi thừa nhận rằng người Công giáo chỉ có 389.000 người, chiếm không đầy 1% dân số, nhưng ngài ca ngợi rằng họ, cùng với những người theo tôn giáo khác trong nước Thái Lan với đa phần dân số là Phật giáo, đều chung sống trong hòa bình.

Đức Hồng y Francis tháp tùng chuyến đi với Đức Thánh Cha Phanxico trong tất cả các sự kiện quan trọng của ngài suốt thời gian dừng chân đầu tiên trong chuyến đi bảy ngày của ngài đến hai quốc gia Châu Á, từ 20 đến 23 tháng Mười Một. Đức Thánh Cha Phanxico, với đoàn tháp tùng của ngài, đã hạ cánh tại Bangkok chiều nay sau chuyến bay dài 11 tiếng từ Roma.

Bày tỏ lòng tri ân đối với sự yêu thương mà họ nhận được, Đức Hồng y người Châu Á nói rằng Giáo hội Công giáo Thái phải “cộng tác bằng đôi tay và tâm hồn để làm chứng cho tình yêu của Đức Ki-tô.” Cũng trong phỏng vấn, Zenit có cơ hội trao đổi với Hồng y về chuyến đi này, ‘đoàn chiên’ của ngài và về thực tại mỗi ngày đối với người Công giáo trong đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo của ngài.

Dưới đây là phỏng vấn riêng của chúng tôi:

***

ZENIT: Thưa Hồng y, một số người có thể ngạc nhiên trước việc Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm Thái Lan. Bằng cách nào điều này trở thành hiện thực?

HY Francis X. Kriengsak Kovithavanij: Một số truyền thông đại chúng hỏi tôi tại sao Đức Thánh Cha Phanxico lại quyết định đến thăm Thái Lan. Chỉ có Đức Thánh Cha mới có thể trả lời cho câu hỏi này. Tôi không thể trả lời thay cho ngài. Khi tất cả các thành viên của Hội đồng Giám mục Thái Lan thực hiện chuyến Ad limina đến tiếp kiến Đức Phanxico năm trước tại Roma, thay mặt Giáo hội Công giáo Thái Lan, tôi đã mời ngài. Từ thời điểm đó, chúng tôi chẳng nghe được tin tức gì thêm. Đức Thánh Cha Phanxico nổi tiếng là một Giáo hoàng của những điều ngạc nhiên, thường tạo ra nhiều bất ngờ … 

ZENIT: Chúng ta đã chứng kiến trong quá khứ Đức Thánh Cha có sự hỗ trợ cho các đoàn chiên Công giáo nhỏ bé trên khắp thế giới, chẳng hạn ở Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, Thụy Điển, hoặc những quốc gia không Ki-tô giáo hoặc đa phần là Chính thống giáo … 

HY Francis X. Kriengsak Kovithavanij: Có một yếu tố mà Đức Thánh Cha Phanxico luôn luôn quan tâm và là điều ngài trao cho sự ưu tiên theo một cách đặc biệt, cụ thể đó là những “người sau rốt trong những người sau rốt.” Nó cho thấy sự chăm sóc lớn lao của ngài đối với những người thường bị gạt ra ngoài này. Điều này vẫn luôn rất quan trọng đối với ngài.

ZENIT: Và có phải ngài đã thể hiện điều này bằng nhiều cử chỉ khác nhau?

HY Francis X. Kriengsak Kovithavanij: Đúng, từ khi bắt đầu triều đại của ngài. Nơi đầu tiên ngài đến thăm là Lampedusa, là nơi có nhiều người di cư. Ngài đã thể hiện sự chú ý lớn đến các đảo thuộc miền nam nước Ý, quan tâm đến cách đối xử với người di cư. Một trong những mục tiêu chính của Đức Thánh Cha trong chuyến thăm Thái Lan lần này là để thể hiện sự gần gũi của ngài với người nghèo, và với tất cả những người gặp phải những khó khăn lớn trong cuộc sống hàng ngày.

ZENIT: Những mối quan hệ giữa các tôn giáo trong đất nước của Đức Hồng y là như thế nào? Và người Công giáo, với con số quá ít, thường được chào đón như thế nào?

HY Francis X. Kriengsak Kovithavanij: Ở Thái Lan, chúng tôi có hòa bình và những mối quan hệ tốt đẹp giữa mọi người trong xã hội Thái. Hầu hết người Công giáo là người Thái. Chúng tôi sống trong một xã hội đa văn hóa, với sự đa dạng về những văn hóa địa phương, và những khác biệt trong niềm tin. Mặc dù người Phật giáo chiếm đại đa số, nhưng điều quan trọng là chúng tôi được tự do trong việc chọn tôn giáo. Dù người Công giáo chỉ là số tí, tất cả chúng tôi đều có thể sống với nhau trong hòa bình. Nhìn đến con số người Công giáo chúng tôi, chúng tôi chỉ có khoảng 350.000 trong tổng dân số là 67 triệu. Sau khi Tin mừng được loan báo trong miền đất này, Giáo hội Công giáo được thành lập trong vùng đất của đất nước Xiêm và nó kéo dài suốt 350 năm.

ZENIT: Riêng Đức Hồng y chào đón chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxico như thế nào?

HY Francis X. Kriengsak Kovithavanij: Tôi đại diện cho tất cả người Công giáo Thái bày tỏ niềm hạnh phúc của tôi, niềm vui của tôi, và lòng tri ân của tôi đối với Đức Thánh Cha trong chuyến Tông du của ngài. Thậm chí còn hơn cả những tình cảm này, chúng tôi vô cùng cảm kích trước giá trị và ân huệ của chuyến tông du của ngài.

ZENIT: Và theo Đức Hồng y thì giá trị đó là gì?

HY Francis X. Kriengsak Kovithavanij: Với chúng tôi, chúng tôi cảm tạ sự yêu thương và sự quan tâm mà Đức Phanxico dành cho chúng tôi. Đây là tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng tôi, qua Đức Thánh Cha Phanxico. Với lòng tri ân đối với sự yêu thương này, chúng tôi mong muốn đáp đền nhiều hơn nữa cho tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô, như là “những môn đệ của Đức Ki-tô sẽ bước ra để trở thành những môn đệ rao giảng phúc âm.”

ZENIT: Giáo hội Công giáo đại diện như thế nào ở Thái Lan? Người Công giáo Thái là ai? Có phải họ là người nước ngoài hay họ gốc là người trong nước?

HY Francis X. Kriengsak Kovithavanij: Người Công giáo chúng tôi ở Thái Lan đa số là người Thái, vì chúng tôi là hậu duệ của những tiền nhân gốc Trung Hoa và Việt Nam di cư đến Thái Lan. Có một số người là con cháu của người Bồ Đào nha. Tuy nhiên, chúng tôi đều xem rằng chúng tôi tất cả là người Thái, vì chúng tôi sinh ra ở Thái Lan.

Ngày nay, vì chúng tôi đã liên kết nhiều hơn trong cộng đồng ASEAN, có thêm nhiều công dân đến từ các quốc gia ASEAN khác, họ là người Công giáo và đến Thái Lan để làm việc, đặc biệt từ Philippines, Myanmar và Lào. Cũng có những người đến từ Châu Âu, Châu Mỹ, Trung Đông, Triều Tiên và một số quốc gia Châu Á xa xôi.

Nhưng hầu hết người Công giáo ở Thái Lan là người Thái. Các linh mục, tu sĩ, và thậm chí tất cả các giám mục đều là người Thái. Giáo hội Công giáo ở Thái Lan đã và đang nhấn mạnh đến hội nhập văn hóa, theo một cách đặc biệt, sau Công đồng Vatican II diễn ra hơn 55 năm trước. Giáo hội Công giáo ở Thái Lan cần phải làm nhiều hơn nữa đối với sự hội nhập văn hóa, vẫn còn một con đường dài để đi. Giáo huấn chính của Ki-tô giáo có giá trị phổ quát, nó không thuộc về một quốc gia nào đó hay một quốc tịch nào đó. Nó thuộc về toàn thể nhân loại.

ZENIT: Cần phải làm thêm những điều gì nữa?

HY Francis X. Kriengsak Kovithavanij: Ki-tô giáo nên thuộc về mọi người. Để làm cho những giá trị này thấm nhập vào nhiều loại người, chúng ta cần phải bước vào trong văn hóa của mỗi quốc gia, và thậm chí đi vào hay ít nhất là đánh giá đúng những ngôn ngữ, truyền thống, phong tục, lối sống, tâm tính và cách bày tỏ của mỗi quốc gia. Chúng tôi nhận thức rằng vẫn còn nhiều điều chúng tôi phải học. Chúng tôi cần phải mở rộng tâm hồn để lắng nghe và đón nhận những giá trị đó như là một phương tiện để truyền đạt những giá trị của Tin mừng đến cho người dân.

ZENIT: Vì người Công giáo chỉ là một thiểu số nhỏ trong hầu hết các quốc gia lớn của Châu Á, nên đối thoại liên tôn là quan trọng cho Giáo hội Công giáo ở Châu Á. Đức Hồng y mong đợi thông điệp gì từ Đức Thánh Cha về chủ đề này?

HY Francis X. Kriengsak Kovithavanij: Người dân ở Thái Lan sống với nhau trong một xã hội đa văn hóa. Chúng tôi cũng sống với những quốc gia láng giềng, với cộng đồng ASEAN, cũng trong một bối cảnh đa văn hóa. Nói chung chúng tôi sống trong hòa bình và có sự hợp tác tốt. Đối thoại là quan trọng vì nó mang con người lại với nhau để gặp gỡ nhau, tạo ra một sự hợp tác bằng sức mạnh và trái tim.

ZENIT: Đức Hồng y có thể nói thêm cho chúng con về cách Giáo hội Công giáo ở Thái Lan gắn kết trong đối thoại?

HY Francis X. Kriengsak Kovithavanij: Giáo hội Công giáo ở Thái Lan luôn đi theo đường hướng của Công đồng Vatican II. Chúng tôi đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo cho người Công giáo Thái về tính đại kết và đối thoại liên tôn trên nền tảng thường huấn và liên tục. Sự đối thoại về hai chiều kích này được tổ chức trên nền tảng chính thức do các nhà lãnh đạo tôn giáo và cả trên mức độ người dân, cho các người dân làng sống với nhau trong cùng một cộng đồng.

Có nhiều dịp khi các nhóm chư tăng Phật giáo, đại diện của mỗi tôn giáo, và đại diện chính quyền đến thăm Đức Giáo hoàng ở Roma. Nhân dịp chuyến viếng thăm của giáo hoàng lần này, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ có chuyến thăm chính thức Đại Tăng già của Thái Lan. Sẽ có một cuộc gặp gỡ của 1500 nhà lãnh đạo và đại diện của mọi tôn giáo, các giáo phái Ki-tô, cùng với đại diện từ các đại học gồm cả giáo sư và sinh viên, cũng sẽ đến để lắng nghe Đức Thánh Cha. Bây giờ, chúng tôi cố gắng thúc đẩy sự cộng tác giữa mỗi Giáo hội Ki-tô để đưa ra một hoạt động chính thức ủng hộ cho vị thế của Ki-tô giáo ở Thái Lan.

ZENIT: Đức Hồng y có mong chờ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxico đến Thái Lan giúp các tín hữu Công giáo phát triển trong đức tin và tình yêu mến Giáo hội?

HY Francis X. Kriengsak Kovithavanij: Những hoa trái tinh thần và cách thức nó có thể giúp người tín hữu phát triển trong đức tin là vấn đề đáng quan tâm nhất. Chúng tôi muốn trình bày nền văn minh của tình yêu thương, tất cả được hiệp nhất trong Đức Ki-tô như là những chứng nhân trong xã hội Thái. Tại mọi địa điểm mà Đức Phanxico đang đến thăm hoặc sẽ đến thăm, chúng tôi muốn rằng các thành viên của Giáo hội Công giáo Thái được hiệp nhất, cộng tác với đôi bàn tay và con tim để làm chứng cho nền văn minh của tình yêu của Đức Ki-tô và thể hiện nó cho mọi người, bằng tiếng Thái.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/11/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét