Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 năm 2024) – Huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha, ngày 08.09.2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 năm 2024) – Huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha, ngày 08.09.2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 năm 2024) – Huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha, ngày 08.09.2024

*******

Cuối Thánh lễ tại Sân vận động Sir John Guise, sau lời cảm ơn của Đức Hồng y John Ribat, M.S.C., Tổng Giám mục Port Moresby, Đức Thánh Cha đã chủ trì giờ đọc kinh Truyền tin.

Sau khi ban phép lành, Đức Thánh Cha chào tạm biệt các nhà chức trách dân sự và tôn giáo rồi lên xe trở về Tòa Sứ thần Tòa thánh.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

______________________________________________

Anh chị em thân mến,

Trước khi kết thúc Thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng hướng về Đức Maria với lời kinh Truyền Tin. Cha phó thác cho Đức Mẹ hành trình của Giáo hội tại Papua New Guinea và Quần đảo Solomon. Xin Đức Maria Phù hộ các Kitô hữu, Maria Helpim, đồng hành và bảo vệ anh chị em luôn mãi. Xin Mẹ củng cố sự hiệp nhất của các gia đình, làm cho những giấc mơ của tuổi trẻ trở nên tươi đẹp và can đảm, xin nâng đỡ và an ủi những người già, an ủi những người bệnh tật và đau khổ!

Từ vùng đất được Đấng Tạo Hóa ban phúc này, cùng với anh chị em, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Rất Thánh, cha khẩn xin ơn hòa bình cho mọi dân tộc. Cha xin ơn này cách đặc biệt cho vùng rộng mênh mông này của thế giới, Châu Á, Châu Đại Dương và Thái Bình Dương. Hòa bình, hòa bình cho các dân tộc và cho cả tạo vật. Nói “không” với việc hiện đại hóa vũ khí và bóc lột ngôi nhà chung của chúng ta! Nói “Có” với việc gặp gỡ giữa các dân tộc và các nền văn hóa, “có” cho sự hòa hợp giữa con người và tạo vật!

Maria Helpim, Nữ Vương Hòa Bình, xin giúp chúng con được hoán cải theo chương trình của Thiên Chúa, đó là chương trình hòa bình và công bình cho đại gia đình nhân loại!

Vào Chúa Nhật này, ngày lễ mừng Sinh nhật Đức Mẹ, chúng ta hãy hướng lòng về Đền thánh Lộ Đức, mà không may hiện đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/9/2024]


Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến 13 tháng 9 năm 2024) – Thánh lễ tại Sân vận động Sir John Guise, ngày 08.09.2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến 13 tháng 9 năm 2024) – Thánh lễ tại Sân vận động Sir John Guise, ngày 08.09.2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến 13 tháng 9 năm 2024) – Thánh lễ tại Sân vận động Sir John Guise, ngày 08.09.2024

*******

Sáng nay, sau khi rời Tòa Sứ thần Tòa thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã di chuyển bằng xe hơi đến Sân vận động Sir John Guise để cử hành Thánh lễ.

Khi đến nơi, sau khi đi vòng quanh giữa khoảng 35.000 tín hữu bằng xe điện, và sau tiết mục trình diễn đầu tiên một vũ điệu truyền thống, lúc 8 giờ 10 phút (00 giờ 10 phút tại Rome), Đức Thánh Cha chủ trì Thánh Lễ bằng tiếng Anh vào Chúa Nhật thứ 23 Mùa Thường Niên.

Trong Thánh lễ, sau phần công bố Tin Mừng, Đức Thánh Cha có bài giảng.

Cuối Thánh lễ, sau lời cảm ơn của Đức Hồng y John Ribat, M.S.C., Tổng Giám mục Port Moresby, Đức Thánh Cha chủ trì giờ đọc kinh Truyền tin. Tiếp theo, sau phép lành cuối Lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô có cuộc gặp ngắn với Thủ tướng Papua New Guinea, Ngài James Marape, và sau khi chào tạm biệt các nhà chức trách dân sự và tôn giáo, ngài lên xe trở về Tòa Sứ thần Tòa thánh.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ:

__________________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Những lời đầu tiên Chúa nói với chúng ta hôm nay là, “Can đảm lên, đừng sợ!” (Is 35:4). Theo cách này, tiên tri Isaia nói với tất cả những ai đang ngã lòng. Ông cũng động viên dân tộc của mình, và mời gọi họ hướng mắt về phía chân trời hy vọng và về tương lai nơi Chúa sẽ đến để cứu chúng ta cho dù đang trong những khó khăn và đau khổ. Vì Chúa thực sự sẽ đến, và vào ngày đó, “mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được” (Is 35:5).

Lời tiên tri này được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Trong trình thuật của Thánh Marcô, có hai điều đặc biệt được nhấn mạnh: khoảng cách của người bị điếc và sự gần gũi của Chúa Giêsu. Khoảng cách của người điếc. Chúng ta thấy anh ta ở một vùng địa lý mà theo ngôn ngữ ngày nay, chúng ta gọi là “vùng ngoại vi”. Lãnh thổ của miền Thập tỉnh nằm bên kia sông Giođan, cách xa trung tâm tôn giáo Giêrusalem. Hơn nữa, người điếc này cũng ở trong một tình trạng xa cách khác: anh ta xa Chúa và xa mọi người vì anh ta không thể giao tiếp, anh ta bị điếc và do đó không thể nghe thấy, và anh ta cũng bị câm và không thể nói. Anh ta bị cắt đứt khỏi thế giới, bị cô lập, là tù nhân của tình trạng câm và điếc của mình, vì vậy anh ta không thể tiếp cận người khác hoặc giao tiếp với họ.

Chúng ta cũng có thể diễn giải hoàn cảnh của người câm điếc theo một nghĩa khác, vì chúng ta cũng có thể bị cắt đứt khỏi sự hiệp thông và tình bạn với Chúa và với anh chị em của mình khi trái tim chúng ta khóa chặt lại, thay vì tai và lưỡi. Thật vậy, có một tình trạng câm và điếc của tâm hồn xảy ra bất cứ khi nào chúng ta khóa cửa lòng, hoặc đóng cửa tâm hồn trước Chúa và tha nhân qua tính ích kỷ, sự thờ ơ, sợ phiêu lưu hoặc dấn thân, sự oán giận, hận thù, và danh sách có thể còn nhiều. Tất cả những điều này làm chúng ta xa cách Chúa, xa cách anh chị em của mình, xa cách chính bản thân và xa cách niềm vui sống.

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa phản ứng lại với khoảng cách đó theo cách hoàn toàn ngược lại, bằng sự gần gũi của Chúa Giêsu. Qua Con của Người, trước hết, Thiên Chúa muốn cho thấy Người gần gũi và thương xót, Người chăm sóc chúng ta và vượt qua mọi khoảng cách. Thật vậy, trong trích đoạn Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đi đến các vùng ngoại vi, rời khỏi Giuđêa để gặp gỡ những người dân ngoại (x. Mc 7:31).

Chúa Giêsu chữa lành tình trạng câm và điếc của con người bằng sự gần gũi của Ngài. Thật vậy, bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy xa cách, hoặc chúng ta chọn giữ khoảng cách với Thiên Chúa, với anh chị em mình hoặc với những người khác biệt với chúng ta, là chúng ta khép mình lại, tự đặt rào chắn mình cách biệt với bên ngoài. Rồi cuối cùng chúng ta chỉ xoay quanh cái tôi của bản thân, điếc với lời Chúa và tiếng kêu của người lân cận, và do đó không thể chuyện trò với Thiên Chúa hoặc với người lân cận của chúng ta.

Và anh chị em, những người sống trên miền đất xa xôi này, có lẽ anh chị em cũng tưởng tượng rằng mình bị tách biệt khỏi Chúa và khỏi nhau. Điều này không đúng, không: anh chị em được hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần và trong Chúa Giêsu! Và Chúa nói với mỗi người trong anh chị em, “hãy mở lòng”! Điều quan trọng nhất là mở lòng mình ra với Chúa và với anh chị em của chúng ta, và mở lòng ra với Phúc Âm, biến Phúc Âm thành kim chỉ nam cho cuộc sống của chúng ta.

Hôm nay, Chúa cũng nói với anh chị em rằng: “Hỡi dân Papua New Guinea, hãy can đảm lên, đừng sợ! Hãy mở lòng mình ra! Hãy mở lòng mình ra với niềm vui của Tin Mừng; hãy mở lòng mình ra để gặp gỡ Thiên Chúa; hãy mở lòng mình ra với tình yêu của anh chị em mình”. Ước mong không ai trong chúng ta vẫn bị câm hoặc điếc trước lời mời gọi này. Và, xin Chân phước Gioan Mazzucconi đồng hành với anh chị em trên hành trình này, vì giữa muôn vàn khó khăn và sự thù địch, ngài đã đưa Chúa Kitô vào giữa anh chị em, để không ai còn bị điếc trước sứ điệp tin vui cứu độ, và để tất cả mọi người có thể mở rộng lưỡi mình cất lên bài ca tình yêu của Thiên Chúa. Xin cho điều này xảy ra với anh chị em ngày hôm nay!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/9/2024]


Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến 13 tháng 9 năm 2024) – Thăm xã giao ngài Toàn quyền Papua New Guinea tại Tòa nhà Chính phủ và Gặp gỡ các Nhà Chức trách, Xã hội dân sự và Đoàn ngoại giao tại APEC Haus, ngày 07.09.2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến 13 tháng 9 năm 2024) – Thăm xã giao ngài Toàn quyền Papua New Guinea tại Tòa nhà Chính phủ và Gặp gỡ các Nhà Chức trách, Xã hội dân sự và Đoàn ngoại giao tại APEC Haus, ngày 07.09.2024

Thăm xã giao ngài Toàn quyền Papua New Guinea tại Tòa nhà Chính phủ

Sáng nay, sau khi dâng Lễ riêng, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng xe hơi đến Tòa nhà Chính phủ ở Port Moresby để thăm xã giao Ngài Bob Bofeng Dadae, Toàn quyền Papua New Guinea.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được ngài Toàn quyền chào đón tại cổng chính của Tòa nhà Chính phủ. Hai vị cùng nhau tiến đến Hội trường, nơi diễn ra cuộc họp riêng sau nghi thức ký Sổ danh dự và chụp ảnh chung.

Kết thúc buổi gặp gỡ, sau nghi thức tặng quà và giới thiệu gia đình, và sau khi chào tạm biệt ngài Toàn quyền, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng xe hơi đến Hội trường APEC Haus để gặp gỡ các giới chức chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.


Gặp gỡ các nhà chức trách chính quyền, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại APEC Haus ở Port Moresby

Vào lúc 10 giờ 25 phút (02 giờ 25 phút tại Rome) đã diễn ra cuộc gặp gỡ các nhà chức trách chính quyền, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại Apec Haus.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được Ngài Bob Bofeng Dadae, Toàn quyền Papua New Guinea, đón tiếp tại lối vào hội trường Apec Haus, tại đây ngài xem vũ điệu chào mừng truyền thống do các thành viên của bộ tộc Motu Koitabu thuộc Tỉnh Port Moresby biểu diễn và được tặng một bản mẫu chiếc thuyền thu nhỏ điển hình của Thái Bình Dương làm quà tặng. Sau đó, hai vị cùng nhau tiến đến Sảnh dành cho các nhà lãnh đạo APEC, nơi các nhà chức trách chính trị và tôn giáo, các thành viên của đoàn ngoại giao, các doanh nhân và đại diện của xã hội dân sự và văn hóa đang hiện diện.

Sau bài diễn văn khai mạc của ngài Toàn quyền, Đức Thánh Cha đã có bài diễn từ.

Cuối buổi họp, Đức Thánh Cha Phanxicô dừng lại chào hỏi một số thiếu nhi và đại diện của các dân tộc bản địa trong trang phục truyền thống và thưởng thức âm nhạc của bộ lạc.

Sau đó, ngài đến Phòng Bi Lateral Room 1 và có cuộc gặp gỡ ngắn và chào hỏi một số vị đại diện của chính phủ, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại Papua New Guinea, cùng các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia và tổ chức ở Thái Bình Dương, bao gồm Thủ tướng Vanuatu, Tổng thống Nauru, Thủ tướng Vương quốc Tonga và Tổng thư ký Ban Thư ký Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.

Cuối cùng, sau khi từ biệt Thống đốc, Đức Thánh Cha Phanxicô lên xe trở về Tòa Sứ thần Tòa thánh.

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước những người hiện diện trong buổi gặp gỡ với các giới chức chính quyền, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao:

_____________________________________________


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa Ngài Toàn quyền,

Thưa Ngài Thủ tướng,

Thưa Quý vị đại diện của Xã hội dân sự,

Quý vị Đại sứ,

Thưa Quý ông, Quý bà!

Tôi rất vui khi được ở đây với quý vị hôm nay và đến thăm Papua New Guinea. Tôi xin cảm ơn ngài Toàn quyền vì những lời chào thân ái của ngài và tôi xin cảm ơn tất cả quý vị vì sự đón tiếp nồng hậu. Tôi xin gửi lời chào đến người dân đất nước này, cầu chúc họ hưởng nền hòa bình và thịnh vượng. Và tôi cũng xin bày tỏ lời cảm ơn đến các nhà Chức trách Chính quyền vì đã giúp đỡ Giáo hội khi Giáo hội thực hiện nhiều hoạt động, với tinh thần hợp tác lẫn nhau và vì lợi ích chung.

Quê hương của quý vị là một quần đảo với hàng trăm hòn đảo, hơn tám trăm ngôn ngữ, tương ứng với số các nhóm sắc tộc. Điều này cho thấy sự giàu có phi thường về văn hóa và con người. Tôi phải thú nhận rằng điều này làm tôi rất thích thú, cả về mặt thiêng liêng, vì tôi hình dung rằng sự đa dạng rất lớn này là một thách thức đối với Chúa Thánh Thần, Đấng tạo ra sự hòa hợp giữa những khác biệt!

Đất nước của quý vị, ngoài việc bao gồm các hòn đảo và các ngôn ngữ, còn giàu tài nguyên thiên nhiên. Những sự tốt lành này được Chúa ban cho toàn thể cộng đồng. Dù cho các chuyên gia bên ngoài và những công ty quốc tế lớn phải tham gia vào việc khai thác các nguồn tài nguyên ở đây, thì việc cân nhắc đúng mức nhu cầu của người dân địa phương khi phân phối nguồn lợi tức và tuyển dụng lao động, nhằm cải thiện điều kiện sống của họ là điều vô cùng đúng đắn.

Những kho báu về môi trường và văn hóa này đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn, vì chúng đòi hỏi mọi người, chính quyền dân sự và mọi người công dân, phải thúc đẩy các sáng kiến ​​phát triển những tài nguyên thiên nhiên và con người theo cách bền vững và công bằng. Một cách thức cải thiện phúc lợi của tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ ai, thông qua các chương trình cụ thể, hợp tác quốc tế, tôn trọng lẫn nhau và các thỏa thuận có lợi cho tất cả các bên.

Một điều kiện cần thiết cho những kết quả lâu dài như vậy là sự ổn định của các thể chế, được thúc đẩy bởi sự đồng thuận về một số điểm trọng yếu giữa các khái niệm và cảm nhận khác nhau trong xã hội. Thật vậy, việc tăng cường sự ổn định của thể chế và xây dựng sự đồng thuận đối với các lựa chọn căn bản là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển toàn diện và công bằng. Nó cũng đòi hỏi một tầm nhìn lâu dài và bầu không khí hợp tác giữa tất cả mọi người, cho dù có sự phân biệt về vai trò và khác biệt về quan điểm.

Tôi đặc biệt hy vọng rằng bạo lực bộ lạc sẽ chấm dứt, vì nó gây ra nhiều nạn nhân, ngăn cản con người sống trong hòa bình và cản trở sự phát triển. Do đó, tôi kêu gọi ý thức trách nhiệm của mọi người để ngăn chặn vòng xoáy bạo lực và thay vào đó kiên quyết dấn bước trên con đường dẫn đến sự hợp tác hiệu quả vì lợi ích của tất cả người dân trong nước.

Thật vậy, những thái độ nói trên có thể tạo ra những điều kiện để vấn đề về tình trạng của Đảo Bougainville cũng có thể tìm được giải pháp dứt khoát đồng thời tránh khơi lại những căng thẳng cũ.

Bằng cách củng cố sự đồng thuận về các yếu tố nền tảng của xã hội dân sự, cùng với việc mỗi người sẵn sàng hy sinh một phần quan điểm của mình vì lợi ích của tất cả mọi người, chúng ta có thể sử dụng các nguồn lực cần thiết để cải thiện cơ sở hạ tầng, giải quyết các nhu cầu về sức khỏe và giáo dục của người dân và tăng cơ hội để có được những công việc đúng phẩm giá.

Đôi khi chúng ta quên rằng con người cần nhiều hơn những nhu cầu căn bản của cuộc sống. Họ cũng cần có niềm hy vọng mạnh mẽ trong tâm hồn. Điều này cho phép họ sống cách trọn vẹn, mang lại cho họ sự hăng hái và lòng can đảm để thực hiện những dự án lớn, và cho phép họ hướng tầm mắt về phía chân trời bao la.

Sự dư thừa của cải vật chất không đủ để tạo ra một xã hội mang lại sự sống, thanh bình, siêng năng và vui tươi, mà nếu không có một cái nhìn về tinh thần rộng mở hơn, xã hội sẽ tự thu mình lại và dẫn đến tình trạng tâm hồn khô cằn. Kết quả là xã hội sẽ bị lạc lối và quên đi trật tự đúng của các giá trị. Hơn nữa, sự khô cằn này làm mất đi động lực tiến lên của xã hội, và như tình trạng xảy ra ở một số xã hội giàu có, nó ngăn cản sự tiến triển của xã hội đến mức xã hội mất hy vọng vào tương lai và không còn tìm thấy lý do để tiếp tục sống.

Đó là lý do tại sao cần phải hướng tinh thần đến những thực tại lớn hơn. Thái độ và hành động của chúng ta phải được giữ vững bởi sức mạnh bên trong, bảo vệ chúng khỏi nguy cơ trở nên tha hóa hoặc mất khả năng nhận thức về giá trị của việc làm và sự cần thiết phải thực hiện công việc với lòng tận tụy.

Các giá trị tinh thần ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng thành phố và mọi thực tại trần gian. Nói cách khác, những giá trị này thấm truyền vào linh hồn, truyền cảm hứng và củng cố mọi kế hoạch. Điều này cũng được làm nổi bật trong logo và chủ đề của Chuyến đi đến Papua New Guinea của tôi. Phương châm tóm tắt điều này trong một từ: Cầu nguyện. Có lẽ một số người quá chú tâm đến “tính chính xác về mặt chính trị” sẽ ngạc nhiên trước sự lựa chọn này. Nếu vậy, họ đã lầm, bởi vì một dân tộc cầu nguyện là dân tộc có tương lai, lấy được sức mạnh và hy vọng từ trên cao. Thậm chí hình ảnh chim thiên đàng trên logo của Chuyến Tông du cũng là biểu tượng của tự do: một sự tự do mà không ai và không điều gì có thể dập tắt được vì nó ở bên trong chúng ta và được Thiên Chúa bảo vệ, Đấng là tình yêu và muốn con cái của Người được tự do.

Với tất cả những người xưng mình là người Kitô hữu – chiếm phần lớn dân tộc của quý vị – tôi thiết tha hy vọng rằng đức tin không bao giờ chỉ giới hạn ở việc tuân giữ các nghi lễ và giới luật. Thay vào đó, ước mong đức tin được ghi đậm dấu ấn bằng tình yêu thương, tình yêu của Chúa Giêsu Kitô và noi gương Chúa trong vai trò là người môn đệ. Bằng cách này, đức tin trở thành văn hóa sống, truyền cảm hứng cho tâm trí và hành động và trở thành ngọn hải đăng soi sáng con đường phía trước. Đồng thời, đức tin cũng có thể giúp toàn xã hội phát triển và tìm ra những giải pháp tốt đẹp và hiệu quả cho những thách thức lớn nhất của xã hội.

Thưa Quý Ông Quý Bà, tôi đến đây để động viên các tín hữu Công giáo tiếp tục cuộc hành trình và củng cố đức tin của họ. Tôi đến đây để cùng mừng vui với họ về những tiến bộ họ đang đạt được cũng như chia sẻ những khó khăn của họ. Như Thánh Phaolô nói, tôi ở đây như một “người góp phần tạo niềm vui cho anh em” (2 Cr 1:24).

Tôi khen ngợi các cộng đoàn Kitô giáo về những công việc bác ái mà họ đang thực hiện trong nước. Tôi cũng thúc giục họ luôn tìm kiếm sự hợp tác với các tổ chức công và với tất cả những người thiện chí, bắt đầu từ những anh chị em thuộc các tông phái Kitô giáo khác và các tôn giáo khác, vì lợi ích chung của tất cả mọi người công dân Papua New Guinea.

Chứng tá sáng ngời của Chân phước Peter To Rot – như Thánh Gioan Phaolô II đã tuyên bố trong Thánh lễ phong chân phước cho ngài – “cho anh chị em thấy cách quảng đại hiến thân phục vụ tha nhân […] và bảo đảm cho xã hội phát triển trong sự chân thật và công bình, hòa hợp và đoàn kết” (Bài giảng, Port Moresby, ngày 17 tháng 1 năm 1995). Ước mong tấm gương của ngài, cùng với gương mẫu của Chân phước John Mazzuccini, PIME, và của tất cả các nhà truyền giáo đã loan báo Tin Mừng trên đất nước của quý vị, mang lại cho quý vị sức mạnh và hy vọng.

Xin Thánh Micae Tổng lãnh Thiên thần, bổn mạng của Papua New Guinea, luôn dõi theo, bảo vệ quý vị khỏi mọi hiểm nguy và bảo vệ Chính quyền cùng toàn thể người dân đất nước này.

Thưa Ngài, Ngài đã nói về phụ nữ. Chúng ta đừng quên rằng chính họ là những người đưa đất nước tiến lên. Phụ nữ có sức mạnh trao tặng sự sống, xây dựng, làm cho một quốc gia phát triển. Chúng ta đừng quên rằng phụ nữ là người ở tuyến đầu trong việc phát triển con người và tinh thần.

Thưa Ngài, thưa quý ông, quý bà!

Tôi bắt đầu chuyến viếng thăm đến giữa quý vị với niềm vui mừng. Tôi cảm ơn quý vị đã mở ra cho tôi những cánh cửa đất nước xinh đẹp của quý vị, rất xa Rome nhưng lại rất gần với trái tim của Giáo hội Công giáo. Vì trong trái tim của Giáo hội là tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, Đấng trên thập giá đã ôm lấy tất cả mọi người. Phúc Âm của Chúa dành cho tất cả mọi người, vì Phúc âm không bị ràng buộc với bất kỳ quyền lực trần gian nào, nhưng tự do nuôi dưỡng mọi nền văn hóa và làm cho Nước Thiên Chúa phát triển trên thế giới. Phúc Âm được hội nhập văn hóa và các nền văn hóa cần được rao giảng Phúc Âm. Ước mong Nước Thiên Chúa được chào đón trọn vẹn trên miền đất này, để tất cả mọi dân tộc trên đất nước Papua New Guinea, với nhiều truyền thống khác nhau, có thể chung sống hòa thuận và mang đến cho thế giới một tấm gương về tình huynh đệ. Cảm ơn quý vị rất nhiều.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/9/2024]


Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 năm 2024) – Thăm các thiếu nhi thuộc “Thừa tác vụ Đường phố” và “Callan Services” tại “Trường Trung học Kỹ thuật Caritas”, ngày 07.09.2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 năm 2024) – Thăm các thiếu nhi thuộc “Thừa tác vụ Đường phố” và “Callan Services” tại “Trường Trung học Kỹ thuật Caritas”, ngày 07.09.2024

*******

Khi đến cổng chính của sân vận động trong nhà của Trường Trung học Kỹ thuật Caritas, Đức Thánh Cha được Đức Hồng y John Ribat, M.S.C., Tổng giám mục Port Moresby, bề trên của Cộng đoàn Dòng Nữ tu Caritas Chúa Giêsu và là hiệu trưởng nhà trường chào đón. Hai thiếu nhi mặc trang phục truyền thống dâng lên Đức Thánh Cha một vòng hoa. Sau đó, Đức Thánh Cha tiến lên dọc theo lối đi giữa trong khi ca đoàn hát một bài thánh ca, và sau một vòng đi giữa các thiếu nhi và học sinh của trường, ngài tiến lên sân khấu.

Sau lời chào mừng của Đức Hồng y Tổng giám mục Port Moresby và tiết mục trình diễn vũ điệu truyền thống, một thiếu nhi thuộc tổ chức Callan Services và một thiếu nhi thuộc Thừa Tác vụ Đường phố đã hỏi Đức Thánh Cha hai câu hỏi, tiếp theo là tiết mục trình diễn vũ điệu truyền thống.

Đức Thánh Cha đã có đôi lời chào các thiếu nhi, sau khi ban phép lành, tặng quà và chụp ảnh, Đức Hồng y Tổng Giám mục Port Moresby, bề trên Cộng đoàn Dòng Nữ tu Caritas Giêsu và là hiệu trưởng nhà trường đã chào tạm biệt Đức Giáo hoàng tại cổng vào trường trong khi ca đoàn hát một bài thánh ca.

Sau đó, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến Đền Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu để gặp gỡ các giám mục Papua New Guinea và Quần đảo Solomon, các linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên.

Sau đây là lời chào mừng của Đức Thánh Cha trong chuyến thăm:

___________________________________________

Lời chào của Đức Thánh Cha

Các con vừa hát vừa nhảy múa giỏi quá. Các con làm tốt lắm!

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi xin chào Đức Hồng y, và cảm ơn ngài vì những lời phát biểu của ngài, ngài Bề trên Cộng đoàn, Giám đốc, tất cả những anh chị em hiện diện, giáo dân và tu sĩ, và đặc biệt là thiếu nhi các con, thật tuyệt vời!

Cha rất vui khi được gặp các con và chia sẻ khoảnh khắc vui mừng này với các con. Cha cũng cảm ơn những bạn đồng hành của các con, các bạn đã đặt ra cho cha hai câu hỏi đầy thử thách.

Một bạn trong các con hỏi cha: “Tại sao cha không giống những người khác?” Thú thật cha chỉ có một câu trả lời duy nhất cho câu hỏi này và đó là: “Không ai trong chúng ta giống bất kỳ người nào khác, bởi vì tất cả chúng ta đều là duy nhất trong mắt Chúa!” Không chỉ là “có hy vọng cho tất cả mọi người” – như đã được nói – mà cha muốn nói thêm rằng mỗi người chúng ta đều có một vai trò và sứ mệnh trên thế giới mà không ai khác có thể hoàn thành. Ngay cả khi có khó khăn, thì việc thực thi vai trò và sứ mệnh của mình cũng sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui theo những cách khác nhau đối với mỗi người. Bình an và niềm vui là dành cho tất cả mọi người.

Đúng vậy, tất cả chúng ta đều có những giới hạn. Có một số việc chúng ta làm tốt. Có những việc chúng ta phải vật lộn hoặc không bao giờ có thể làm được. Tuy nhiên, điều này không quyết định hạnh phúc của chúng ta, mà thay vào đó, hạnh phúc đến từ tình yêu mà chúng ta đặt vào những việc chúng ta làm, những gì cho đi và đón nhận. Điều rất đẹp và quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta luôn là yêu thương và chào đón bằng vòng tay rộng mở đối với tình yêu mà chúng ta nhận được từ những người yêu thương chúng ta. Điều này là đúng với tất cả mọi người bất kể họ là ai hoặc họ ở đâu. Các con có biết rằng điều này cũng đúng với Đức Giáo hoàng không? Niềm vui của chúng ta không phụ thuộc vào bất cứ điều gì khác; niềm vui của chúng ta phụ thuộc vào tình yêu!

Điều này đưa chúng ta đến câu hỏi thứ hai: “Chúng ta có thể làm cho thế giới của mình đẹp hơn và hạnh phúc hơn bằng cách nào?” Chắc chắn, với cùng một “công thức” đó là từng ngày từng ngày học cách yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân bằng cả trái tim! Chúng ta cũng có thể làm điều đó bằng cách cố gắng học hành – ngay cả ở trường – tất cả những gì chúng ta có thể học, và làm như vậy theo cách tốt nhất thông qua việc học tập và đặt nỗ lực hết mình vào mọi cơ hội mà chúng ta được trao cho để phát triển, để trau dồi và rèn luyện tinh thông các năng khiếu và kỹ năng của mình.

Các con đã bao giờ nhìn thấy một chú mèo chuẩn bị như thế nào trước khi nó phải thực hiện một cú nhảy lớn chưa? Đầu tiên, nó tập trung vào việc hướng tất cả sức mạnh và cơ bắp theo đúng hướng. Có thể việc này diễn ra quá nhanh và chúng ta thậm chí không nhận thấy, nhưng con mèo làm như vậy. Chúng ta có thể làm theo cách đó bằng việc tập trung tất cả sức mạnh của mình vào mục tiêu của chúng ta, đó là tình yêu mến dành cho Chúa Giêsu và trong Người, dành cho tất cả những anh chị em mà chúng ta gặp trên đường. Và rồi, với năng lượng mới, chúng ta có thể giúp mọi thứ và mọi người tràn đầy tình yêu thương! Theo ý nghĩa này, không ai trong chúng ta là “gánh nặng”. Tất cả chúng ta đều là những món quà tuyệt đẹp từ Thiên Chúa, là kho báu dành cho nhau, như tất cả các con nhắc nhở chúng ta!

Cảm ơn các con, cảm ơn các con rất nhiều vì buổi gặp gỡ này. Cảm ơn tất cả những người cùng nhau làm việc tại nơi đây với tình yêu thương. Hãy luôn giữ ngọn lửa tình yêu này cháy sáng. Đây là dấu hiệu hy vọng không chỉ cho các con, mà còn cho tất cả những người các con gặp, và cho thế giới của chúng ta, đôi khi quá ích kỷ và bận tâm với những thứ không quan trọng. Hãy giữ ngọn lửa tình yêu cháy sáng! Và, các con hãy cầu nguyện cho cha nhé!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/9/2024]


Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 năm 2024) – Thánh lễ tại Sân vận động Gelora Bung Karno, ngày 05.09.2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 năm 2024) – Thánh lễ tại Sân vận động Gelora Bung Karno, ngày 05.09.2024

*******

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Huấn từ của Đức Thánh Cha sau Thánh Lễ

Chiều nay, sau khi rời Tòa Sứ thần Tòa thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng xe hơi đến Sân vận động Gelora Bung Karno. Sau khi chạy một vài vòng bằng xe giáo hoàng quanh khu vực của các tín hữu ngồi, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ mừng kính Thánh Têrêsa Calcutta.

Trong Thánh Lễ, sau phần công bố Tin Mừng, Đức Thánh Cha có bài giảng.

Cuối cùng, sau bài phát biểu chào mừng Đức Thánh Cha của Đức Hồng y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng giám Chính tòa Jakarta, Đức Thánh Cha gửi lời chào và lời cảm ơn đến các tín hữu và khách hành hương hiện diện. Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô trở về Tòa Sứ thần Tòa thánh bằng xe hơi.

Tại hai sân vận động nơi diễn ra Thánh lễ, có hơn 100.000 tín hữu hiện diện.

Dưới đây là bài giảng và lời cảm ơn của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ:

_____________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta sống hai thái độ căn bản giúp chúng ta trở thành môn đệ của Ngài. Thái độ thứ nhất là lắng nghe Lời Chúa, và thái độ thứ hai là sống Lời Chúa. Thứ nhất, lắng nghe, vì mọi thứ đều đến từ việc lắng nghe, từ việc mở lòng mình ra với Ngài, đón nhận món quà quý giá là tình bạn của Chúa. Sau đó, điều quan trọng là sống Lời chúng ta đã đón nhận, để việc lắng nghe không trở nên vô ích và lừa dối chính mình (x. Gc 1:22). Thật vậy, những ai mạo hiểm chỉ lắng nghe bằng tai thì không cho phép hạt giống Lời Chúa đi vào lòng mình để từ đó thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của bản thân, và điều này không tốt. Lời được trao ban và được đón nhận qua việc lắng nghe, mong muốn trở thành sống động chúng ta, biến đổi chúng ta và trở thành cụ thể trong cuộc sống của chúng ta.

Tin Mừng vừa được công bố giúp chúng ta suy tư về hai thái độ trọng yếu này: lắng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa.

Trước hết, lắng nghe Lời Chúa. Thánh sử kể rằng nhiều người lũ lượt kéo đến với Chúa Giêsu và “dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa” (Lc 5:1). Họ đang tìm kiếm Chúa, đói khát Lời Chúa và họ nghe thấy lời đó vang vọng trong lời của Chúa Giêsu. Cảnh tượng này, lặp lại nhiều lần sau đó trong Phúc âm, cho chúng ta biết rằng tâm hồn con người luôn tìm kiếm một chân lý có thể nuôi dưỡng và thỏa mãn mong ước hạnh phúc của mình. Chúng ta không thể được thỏa mãn chỉ bằng lời nói của con người, bằng lối suy nghĩ của thế gian này và những phán xét trần gian. Chúng ta luôn cần một ánh sáng từ trên cao soi rọi những bước chân mình, nước hằng sống có thể làm dịu cơn khát của sa mạc linh hồn, sự an ủi không làm chúng ta thất vọng vì nó đến từ thiên đàng chứ không phải từ những thứ phù du của thế gian này. Thưa anh chị em, giữa sự hỗn độn và phù phiếm của lời nói của con người, chúng ta cần đến Lời của Chúa, la bàn đích thực duy nhất cho hành trình của chúng ta, chỉ có lời đó mới có khả năng dẫn chúng ta trở về với ý nghĩa đích thực của cuộc sống giữa biết bao thương tổn và hỗn loạn.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên rằng nhiệm vụ đầu tiên của người môn đệ – và tất cả chúng ta đều là môn đệ! – không phải là khoác lên mình một lòng mộ đạo hoàn hảo bề ngoài, làm những việc phi thường hay dấn thân vào những công cuộc vĩ đại. Không, thay vào đó, nhiệm vụ đầu tiên, bước đầu tiên, là biết cách lắng nghe Lời duy nhất cứu độ, Lời của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trong Tin Mừng, khi Thầy bước lên thuyền của Phêrô để cách xa bờ một chút và từ đó giảng dạy tốt hơn cho mọi người (x. Lc 5:3). Đời sống đức tin của chúng ta bắt đầu khi chúng ta khiêm nhường chào đón Chúa Giêsu vào con thuyền cuộc đời mình, dành chỗ cho Chúa, lắng nghe lời Người và cho phép mình được chất vấn, thách thức và được thay đổi bởi Lời của Người.

Đồng thời, thưa anh chị em, Lời Chúa đòi hỏi phải được thể hiện cách cụ thể trong chúng ta để chúng ta được kêu gọi sống Lời Chúa. Chỉ lặp lại Lời mà không sống lời Chúa, thì chúng ta giống như những con vẹt: đúng vậy, chúng ta nói lời Chúa, nhưng không hiểu Lời Người, không sống Lời Chúa. Sau khi Chúa Giêsu kết thúc giảng dạy cho đám đông từ trên thuyền, Chúa quay sang Phêrô và thách đố ông hãy mạnh dạn đánh cuộc với lời Chúa: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (câu 4). Lời Chúa không thể chỉ là một ý tưởng trừu tượng bóng bảy hoặc chỉ khơi dậy một cảm xúc thoáng qua. Lời Chúa đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách nhìn và cho phép trái tim chúng ta được biến đổi theo hình ảnh trái tim của Đức Kitô. Lời Chúa kêu gọi chúng ta hãy can đảm thả lưới Tin Mừng xuống biển thế gian, chấp nhận rủi ro, vâng, chấp nhận rủi ro khi sống tình yêu mà Chúa đã sống và dạy chúng ta sống. Thưa anh chị em, với sức mạnh cháy bỏng của Lời, Chúa cũng yêu cầu chúng ta hãy ra khơi, thoát khỏi những bến bờ trì trệ của những thói quen xấu, những nỗi sợ hãi và sự tầm thường và dám sống một đời sống mới. Ma quỷ thích sự tầm thường, vì nó xâm nhập vào bên trong chúng ta và hủy hoại chúng ta.

Tất nhiên, luôn có những trở ngại và những lý do để từ chối tiếng gọi này. Chúng ta hãy xem lại hành vi của Phêrô. Ông đã lên bờ sau một đêm khó khăn không đánh bắt được gì. Ông tức giận, mệt mỏi và thất vọng, nhưng thay vì bị tê liệt vì sự trắng tay đó hoặc bị cản trở bởi sự thất bại của bản thân, ông nói: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (câu 5). Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới. Sau đó, một điều chưa từng thấy đã xảy ra, phép lạ về một chiếc thuyền đầy cá đến mức khi nó gần chìm (câu 7).

Anh chị em thân mến, đứng trước nhiều trách nhiệm trong cuộc sống hằng ngày, cùng với lời kêu gọi mà tất cả chúng ta đều cảm nhận để xây dựng một xã hội công bằng hơn và tiến bước trên con đường hòa bình và đối thoại – con đường đã tồn tại từ lâu ở Indonesia – có thể nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình không đủ khả năng. Đôi khi chúng ta cảm thấy gánh nặng của cam kết và sự dấn thân của mình không luôn đơm hoa kết trái, hoặc những sai lầm của mình dường như cản trở hành trình mà chúng ta đang thực hiện. Chúng ta cũng được yêu cầu không để mình trở thành tù nhân của những thất bại, điều này rất tệ, vì những thất bại sẽ cầm giữ chúng ta và chúng ta có thể trở thành tù nhân của chúng. Không, xin đừng để mình trở thành tù nhân của những thất bại. Thay vì chỉ nhìn vào những tấm lưới trống rỗng, chúng ta hãy hướng nhìn về Chúa Giêsu và tin tưởng Người. Đừng nhìn vào những chiếc lưới trống rỗng của mình, hãy nhìn vào Chúa Giêsu! Người sẽ giúp bạn bước đi, Người sẽ giúp bạn, hãy phó thác cho Chúa Giêsu! Ngay cả khi chúng ta đã trải qua một đêm thất bại và những lúc thất vọng khi không bắt được gì, chúng ta vẫn có thể can đảm ra khơi và thả lưới một lần nữa. Bây giờ chúng ta hãy dành một phút thinh lặng và anh chị em từng người hãy nghĩ đến những thất bại của riêng mình. Và nhìn vào những thất bại này, chúng ta hãy mạo hiểm, hãy tiến về phía trước với lòng can đảm của Lời Chúa.

Thánh Têrêsa Calcutta, người mà chúng ta mừng kính hôm nay và là người không biết mệt mỏi chăm sóc những người nghèo nhất trong số những người nghèo và trở thành người cổ vũ hòa bình và đối thoại, đã từng nói: “Khi chúng ta không có gì để cho đi, hãy cho đi cái không có gì đó. Và hãy nhớ rằng, ngay cả khi bạn không gặt hái được gì, đừng bao giờ mệt mỏi khi gieo hạt”. Thưa anh chị em, đừng bao giờ mệt mỏi khi gieo hạt, vì đây là sự sống.

Anh chị em thân mến, tôi cũng muốn nói với anh chị em, với quốc gia này, với quần đảo tuyệt vời và đa dạng này, đừng mệt mỏi khi giương buồm, đừng mệt mỏi khi thả lưới, đừng mệt mỏi khi mơ ước, đừng mệt mỏi khi xây dựng lại nền văn minh hòa bình. Hãy luôn dám ước mơ về tình huynh đệ, đó là một kho báu đích thực giữa anh chị em. Được hướng dẫn bởi Lời Chúa, tôi động viên anh chị em hãy gieo hạt giống tình yêu, tự tin bước đi trên con đường đối thoại, tiếp tục thể hiện lòng nhân hậu và sự tốt lành của mình bằng nụ cười là nét đặc trưng của anh chị em. Anh chị em đã được nói cho biết rằng anh chị em là một dân tộc luôn nở nụ cười chưa? Xin đừng đánh mất nụ cười của mình, và hãy tiếp tục tiến về phía trước! Và hãy là những người xây dựng hòa bình. Hãy là những người xây dựng hy vọng!

Các đức Giám mục trong nước gần đây đã bày tỏ một mong muốn mà tôi cũng muốn truyền đạt đến toàn thể người dân Indonesia: hãy cùng nhau bước đi vì lợi ích của xã hội và của Giáo hội! Hãy là những người xây dựng hy vọng. Anh chị em hãy lắng nghe thật kỹ: hãy là những người xây dựng hy vọng, hy vọng của Tin Mừng, không làm chúng ta thất vọng (x. Rm 5:5), không bao giờ làm chúng ta thất vọng, nhưng thay vào đó mở ra cho chúng ta niềm vui bất tận. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.

________________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha sau Lễ

Tôi xin cảm ơn Đức Hồng Y Ignatius, cũng như ngài Chủ tịch Hội đồng Giám mục và các vị Giám mục của Giáo hội Indonesia, cùng với các linh mục và phó tế là những người phục vụ dân thánh của Chúa tại đất nước vĩ đại này. Tôi cũng xin cảm ơn các tu sĩ nam nữ, tất cả các tình nguyện viên và, với tình cảm sâu sắc là những vị cao niên, các bệnh nhân và người đau khổ đã cầu nguyện cho chúng tôi. Cảm ơn anh chị em!

Chuyến viếng thăm của tôi đến với anh chị em sắp kết thúc, và tôi muốn bày tỏ lời tri ân đối với sự chào đón tuyệt vời mà tôi đã nhận được. Một lần nữa tôi xin bày tỏ lời cảm ơn tới ngài Tổng thống nước Cộng hòa, ngài đã có mặt ở đây hôm nay, tới các Nhà Chức trách Dân sự khác và các cơ quan an ninh, tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn tới toàn thể người dân Indonesia.

Sách Công vụ Tông đồ chép rằng vào ngày Lễ Ngũ tuần, có một sự rung chuyển lớn ở Giêrusalem. Và mọi người đều ồn ào rao giảng Tin Mừng. Anh chị em thân mến, xin hãy ồn ào lên! Hãy ồn ào lên!

Xin Chúa ban phúc lành cho anh chị em. Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/9/2024]


Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến 13 tháng 9 năm 2024) – Gặp gỡ liên tôn tại Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal”, ngày 05.09.2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến 13 tháng 9 năm 2024) – Gặp gỡ liên tôn tại Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal”, ngày 05.09.2024

*******

Sáng nay, sau khi rời Tòa Sứ thần Tòa thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal” để tham dự cuộc họp liên tôn.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được Đức Đại Imam, Giáo sư K. H. Nasaruddin Umar, MA, chào đón bên ngoài Đền thờ Hồi giáo. Hai vị cùng nhau đến thăm Đường hầm tình Bằng hữu (Tunnel of Friendship), và Đức Thánh Cha chào những người có mặt tại đây. Sau khi một bài hát chào mừng được cất lên, hai vị tiến đến căn lều lớn nơi diễn ra cuộc gặp gỡ.

Sau khi hát một đoạn Kinh Qur'an và đọc một đoạn trong Phúc âm theo thánh Luca, Đức Đại Imam có bài diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha Phanxicô, tiếp theo là đọc và ký “Tuyên bố chung Istiqlal 2024”. Sau đó, Đức Thánh Cha đọc diễn từ của ngài.

Cuối cùng, sau nghi thức quà tặng, Đức Thánh Cha và Đức Đại Imam di chuyển đến sân của Đền thờ để chụp ảnh với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác có mặt. Sau đó, Đức Đại Imam chào tạm biệt Đức Thánh Cha tại Cổng Alfattah.

Sau đây là lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô trước những người có mặt tại “Đường hầm tình Bằng hữu” và bài diễn từ của ngài trong buổi gặp gỡ liên tôn tại Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal”:

__________________________________________


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi rất vui khi được ở đây, tại ngôi Đền thờ Hồi giáo lớn nhất Châu Á, cùng với tất cả anh chị em. Tôi xin chào Đức Đại Imam và cảm ơn ngài vì những gì ngài nói, nhắc nhở chúng ta rằng nơi thờ phượng và cầu nguyện này cũng là “một ngôi nhà lớn cho nhân loại”, nơi mọi người đều có thể bước vào và dành thời gian cho bản thân, để mở ra không gian cho lòng khao khát vô hạn mà mỗi người chúng ta mang trong lòng, và để tìm kiếm sự gặp gỡ với Thượng đế và cảm nghiệm niềm vui của tình bằng hữu với người khác.

Ngoài ra, tôi muốn nhắc lại rằng Đền thờ này được thiết kế bởi kiến ​​trúc sư Friedrich Silaban, một người Kitô hữu đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế. Điều đó chứng minh cho thực tế rằng trong suốt chiều dài lịch sử của quốc gia này và trong nền văn hóa của đất nước, Đền thờ Hồi giáo, cũng như những nơi thờ phượng khác, là những không gian đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và cùng tồn tại hòa hợp giữa các tôn giáo và các cảm thức tâm linh khác nhau. Đây là một món quà tuyệt vời mà anh chị em được kêu gọi vun đắp mỗi ngày, để những kinh nghiệm tôn giáo có thể là điểm tham chiếu cho một xã hội huynh đệ và hòa bình và không bao giờ là lý do cho sự khép kín hoặc đối đầu.

Về vấn đề này, cần phải nhắc đến đường hầm, “đường hầm tình bằng hữu”, nối liền Đền thờ Istiqlal và Nhà thờ Chánh tòa Đức Mẹ Lên Trời. Đây là một dấu hiệu hùng hồn cho phép hai nơi thờ phượng lớn này không chỉ “ở trước mặt” nhau mà còn “kết nối” với nhau. Thật vậy, lối đi này tạo điều kiện cho sự gặp gỡ, đối thoại và khả năng thực sự để “tìm thấy và chia sẻ một ‘bí ẩn’ của việc sống chung, hòa nhập và gặp gỡ […] bước vào dòng chảy này, cho dù có lộn xộn, nhưng có thể trở thành một trải nghiệm đích thực về tình huynh đệ, một đoàn lữ hành đoàn kết, một cuộc hành hương thiêng liêng” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 87). Tôi khuyến khích anh chị em hãy tiếp tục đi trên con đường này để tất cả chúng ta, cùng nhau, mỗi người vun đắp đời sống tâm linh và thực hành tôn giáo của mình, có thể tiến bước tìm kiếm Thiên Chúa và góp phần xây dựng các xã hội rộng mở, được xây dựng trên sự tôn trọng và tình yêu thương lẫn nhau, có khả năng bảo vệ chống lại sự cứng nhắc, chủ nghĩa chính thống và chủ nghĩa cực đoan, vốn luôn nguy hiểm và không bao giờ có thể biện minh được.

Luôn lưu tâm đến những điều đã nói, tượng trưng bằng đường hầm này, tôi muốn để lại cho anh chị em hai gợi ý để khuyến khích anh chị em trên con đường thống nhất và hòa hợp mà anh chị em đã chọn.

Thứ nhất là hãy luôn nhìn cách sâu sắc, vì chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể tìm thấy sự hợp nhất bất kể những khác biệt của chúng ta. Thật vậy, trên bề mặt có những không gian trong Đền thờ Hồi giáo và Nhà thờ Chánh tòa được xác định rõ ràng và thường xuyên được các tín hữu của hai tôn giáo lui tới, nhưng dưới lòng đất trong đường hầm, cũng những con người đó có thể gặp gỡ và tiếp xúc với những quan điểm tôn giáo của nhau. Hình ảnh này nhắc nhở chúng ta về một sự thật quan trọng rằng những khía cạnh hữu hình của các tôn giáo – các nghi lễ, những cách thực hành, v.v. – là một di sản phải được bảo vệ và tôn trọng. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói rằng những gì nằm “ở bên dưới”, những gì chạy dưới lòng đất, giống như “đường hầm tình bằng hữu”, là cội rễ chung cho tất cả các cảm thức tôn giáo: sự tìm kiếm một cuộc gặp gỡ với thần linh, sự khao khát vô hạn mà Đấng Toàn năng đã đặt vào tâm hồn chúng ta, sự tìm kiếm một niềm vui lớn lao hơn và một sự sống mạnh mẽ hơn bất kỳ cái chết nào, điều truyền sức sống cho hành trình cuộc sống của chúng ta và thúc đẩy chúng ta vượt ra ngoài bản thân để gặp gỡ Thượng Đế. Ở đây, chúng ta nhớ rằng bằng cách nhìn sâu sắc, nắm bắt những gì chảy trong sâu thẳm cuộc sống của chúng ta, khát vọng về sự viên mãn ngự trị trong tận đáy lòng, chúng ta khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em, tất cả đều là những người hành hương, tất cả đều đang trên con đường đến với Thiên Chúa, vượt ra ngoài những gì làm chúng ta khác biệt.

Gợi ý thứ hai là gìn giữ những mối gắn kết giữa anh chị em. Đường hầm được xây dựng để tạo ra sự liên kết giữa hai nơi khác nhau và cách nhau về địa lý. Đây chính là công việc của đường hầm: nối kết, tạo nên sự liên kết. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng một cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo là vấn đề tìm kiếm tiếng nói chung giữa các học thuyết và niềm tin tôn giáo khác nhau bất kể cái giá phải trả là gì. Tuy nhiên, cách tiếp cận như vậy có thể khiến chúng ta chia rẽ, vì học thuyết và giáo điều của mỗi tôn giáo đều khác nhau. Điều thực sự đưa chúng ta lại gần nhau hơn là tạo ra mối liên kết giữa sự đa dạng, vun đắp các mối gắn kết tình bằng hữu, sự quan tâm và mối tương quan. Những mối tương quan này gắn kết chúng ta với người khác, cho phép chúng ta cam kết cùng nhau tìm kiếm sự thật, học hỏi từ truyền thống tôn giáo của người khác và cùng nhau đáp ứng cho các nhu cầu về con người và tinh thần. Chúng cũng là những mối liên kết cho phép chúng ta cùng nhau làm việc, cùng nhau tiến bước để theo đuổi những mục tiêu chung: bảo vệ phẩm giá con người, chống lại đói nghèo và thúc đẩy hòa bình. Sự đoàn kết nảy sinh từ mối liên kết tình bạn cá nhân cũng như sự tôn trọng lẫn nhau và bảo vệ ý kiến của người khác và không gian thiêng liêng của họ. Ước mong anh chị em luôn trân trọng điều này!

Anh chị em thân mến, “thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo vì lợi ích của nhân loại” là con đường mà chúng ta được gọi đi theo. Đó cũng là tiêu đề của tuyên bố chung được chuẩn bị cho dịp này. Bằng cách trung thành với con đường này, chúng ta đảm nhận trách nhiệm giải quyết các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và đôi khi là bi thảm đe dọa tương lai của nhân loại như chiến tranh và xung đột, đôi khi đáng buồn là do sự thao túng tôn giáo gây ra, và cuộc khủng hoảng môi trường, là rào cản đối với sự phát triển và chung sống của các dân tộc. Trước những cuộc khủng hoảng này, điều quan trọng là các giá trị chung của tất cả các truyền thống tôn giáo phải được thúc đẩy cách hiệu quả để giúp xã hội “đánh bại văn hóa bạo lực và thờ ơ” (Tuyên bố chung Istiqlal) và thúc đẩy hòa giải và hòa bình.

Tôi cảm ơn anh chị em vì con đường chung mà anh chị em đang đi. Indonesia là một đất nước vĩ đại, một bức tranh ghép của các văn hóa, các dân tộc và truyền thống tôn giáo, một sự đa dạng rất phong phú, và cũng được phản ánh trong hệ sinh thái đa dạng. Nếu sự thật là anh chị em có mỏ vàng lớn nhất thế giới, thì hãy biết rằng kho báu quý giá nhất chính là quyết tâm làm hài hòa những khác biệt thông qua sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau thay vì trở thành nguyên nhân gây ra xung đột. Anh chị em được biết đến với sự hòa hợp này. Đừng đánh mất món quà này! Đừng làm kiệt quệ kho báu vĩ đại này. Ngược lại, hãy vun đắp và truyền lại nó, đặc biệt là cho lớp người trẻ. Ước mong không ai đầu hàng trước sự quyến rũ của chủ nghĩa chính thống và bạo lực. Thay vào đó, mong rằng mọi người đều kinh ngạc trước giấc mơ về một xã hội và nhân loại tự do, huynh đệ và hòa bình!

Cảm ơn những nụ cười hòa nhã của anh chị em, luôn tỏa sáng trên khuôn mặt và là dấu hiệu của vẻ đẹp và sự cởi mở trong lòng của anh chị em. Xin Thiên Chúa bảo vệ món quà này. Với sự trợ giúp và phúc lành của Người, Bhinneka Tunggal Ika, đoàn kết trong sự đa dạng. Cảm ơn anh chị em!

______________________________________________


Lời chào trong Đường hầm tình Bằng hữu

Anh chị em thân mến,

Tôi xin chúc mừng tất cả anh chị em vì mục đích của “Đường hầm tình Bằng hữu” này là trở thành nơi để đối thoại và gặp gỡ.

Khi nghĩ đến đường hầm, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra một con đường tối tăm. Điều này có thể đáng sợ, đặc biệt là khi chúng ta ở một mình. Nhưng ở đây thì khác, vì mọi thứ đều được soi sáng. Nhưng tôi muốn nói với anh chị em rằng chính anh chị em là ánh sáng soi sáng nó, và anh chị em soi sáng nó bằng tình bạn, bằng sự hòa hợp mà anh chị em vun đắp, bằng sự hỗ trợ mà anh chị em dành cho nhau, và bằng hành trình cùng nhau, mà cuối cùng sẽ dẫn đưa anh chị em đến với ánh sáng trọn vẹn.

Chúng ta, những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, có vai trò giúp mọi người vượt qua những đường hầm của cuộc sống với đôi mắt hướng về ánh sáng. Và khi kết thúc hành trình, chúng ta có thể nhận ra một người anh em, một người chị em, những người mà chúng ta có thể chia sẻ cuộc sống và hỗ trợ lẫn nhau, nơi những người đã đồng hành cùng chúng ta.

Trước nhiều thách thức ngày nay, chúng ta đáp lại bằng dấu chỉ của tình huynh đệ. Thật vậy, bằng cách chào đón người khác và tôn trọng bản sắc của họ, tình huynh đệ thúc đẩy họ trên con đường đi chung trong tình bạn và hướng tới ánh sáng.

Tôi xin tri ân những người làm việc với lòng vững tin rằng chúng ta có thể sống trong hòa bình và hòa hợp, và nhận thức được sự cần thiết về một thế giới huynh đệ hơn. Tôi hy vọng rằng các cộng đồng của chúng ta ngày càng rộng mở hơn với đối thoại liên tôn và trở thành biểu tượng của sự chung sống hòa bình đặc trưng của Indonesia.

Tôi cầu xin Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng tất cả chúc phúc cho tất cả những ai đi qua Đường hầm này trong tinh thần của tình bạn, hòa hợp và tình huynh đệ. Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/9/2024]


Thứ Năm, 5 tháng 9, 2024

CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐẾN INDONESIA, PAPUA NEW GUINEA, ĐÔNG TIMOR VÀ SINGAPORE: Gặp gỡ các Giới chức Chính quyền, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn

Gặp gỡ các Giới chức Chính quyền, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn

CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐẾN INDONESIA, PAPUA NEW GUINEA, ĐÔNG TIMOR VÀ SINGAPORE
(2-13 THÁNG 9 2024)

GẶP GỠ CÁC GIỚI CHỨC CHÍNH QUYỀN, XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ NGOẠI GIAO ĐOÀN

DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA

Hội trường Phủ Tổng thống Istana Negara (Jakarta, Indonesia) Thứ Tư, ngày 4 tháng 9 năm 2024

___________________________


Thưa Ngài Tổng thống,

Thưa các vị lãnh đạo chính quyền,

Thưa quý ngài,

Thưa các vị đại diện đáng kính của các cộng đồng tôn giáo

và của nhiều tôn giáo khác nhau,

Thưa các vị đại diện Xã hội dân sự,

Các thành viên của Đoàn ngoại giao!

Tôi chân thành cảm ơn ngài Tổng thống đã nhiệt tình mời tôi đến thăm đất nước của ngài cùng những lời chào nồng hậu của ngài. Tôi xin gửi đến ngài Tổng thống tân cử lời chúc tốt đẹp nhất cho nhiệm kỳ phục vụ hiệu quả cho đất nước Indonesia, một quần đảo rộng lớn với hàng ngàn hòn đảo được bao quanh bởi biển nối liền Châu Á với Châu Đại Dương.

Cũng giống như đại dương là yếu tố tự nhiên hợp nhất tất cả các hòn đảo của Indonesia, chúng ta có thể nói rằng sự tôn trọng lẫn nhau đối với các đặc điểm văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo của tất cả các nhóm hiện diện ở Indonesia là nền tảng không thể thiếu và hợp nhất khiến Indonesia trở thành một dân tộc đoàn kết và tự hào.

Khẩu hiệu quốc gia của quý vị là Bhinneka tunggal ika (Đoàn kết trong sự Đa dạng, theo nghĩa đen là Nhiều nhưng là Một) lột tả rõ ràng thực tế đa diện này của dân tộc đa dạng đoàn kết chặt chẽ trong một quốc gia. Giống như sự đa dạng sinh học tuyệt vời trong quần đảo này là nguồn của sự phong phú và đẹp đẽ, nó cũng cho thấy rằng những khác biệt đặc trưng của quý vị cũng góp phần tạo nên một bức tranh khảm tuyệt đẹp, trong đó mỗi viên gạch là một yếu tố không thể thay thế trong việc tạo ra một tác phẩm độc đáo và vô cùng quý giá. Đây là kho tàng của quý vị, là gia tài lớn nhất của quý vị.

Hòa hợp trong sự đa dạng sẽ đạt được khi các tầm nhìn cân nhắc kỹ đến nhu cầu chung của tất cả mọi người và khi mỗi nhóm sắc tộc và tông phái tôn giáo hành động theo tinh thần huynh đệ, theo đuổi mục tiêu cao cả là phục vụ lợi ích của tất cả mọi người. Nhận thức về việc góp phần vào một lịch sử chung, trong đó sự đoàn kết là điểm trọng yếu và tất cả mọi người đều có phần đóng góp, sẽ giúp xác định những giải pháp đúng đắn, tránh làm nặng nề thêm những sự tương phản và biến những đối lập thành sự hợp tác hiệu quả.

Sự cân bằng khôn ngoan và tinh tế này giữa rất nhiều văn hóa và các tầm nhìn theo ý thức hệ khác nhau, và các lý tưởng củng cố sự thống nhất, phải luôn được bảo vệ chống lại sự mất cân bằng. Đây là một công trình thủ công, tôi xin nhắc lại, một công trình thủ công phải được giao phó cho tất cả mọi người, nhưng cách đặc biệt cho những ai trong đời sống chính trị phải phấn đấu hướng tới sự hòa hợp, công bằng, tôn trọng các quyền căn bản của con người, phát triển bền vững, đoàn kết và theo đuổi hòa bình trong xã hội và với các dân tộc và quốc gia khác. Từ đó xuất hiện sự vĩ đại của chính trị. Một nhà thông thái từng nói rằng chính trị là hình thức cao nhất của bác ái. Điều này thật là đẹp.

Để thúc đẩy sự hòa hợp trong hòa bình và hiệu quả, bảo đảm nền hòa bình và hợp nhất các nỗ lực nhằm xóa bỏ những sự mất cân bằng và đau khổ vẫn còn tồn tại ở một số khu vực, Giáo hội mong muốn tăng cường đối thoại liên tôn. Con đường này ​​có thể xóa bỏ các định kiến và phát triển bầu khí tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Đây là điều không thể thiếu trong việc đối phó với các thách thức chung, trong đó có cả việc chống lại chủ nghĩa cực đoan và sự bất khoan dung thông qua việc bóp méo tôn giáo, cố gắng áp đặt quan điểm của họ bằng cách sử dụng những mánh khóe và bạo lực. Ngược lại, sự gần gũi, lắng nghe ý kiến ​​của người khác, tạo ra một quốc gia huynh đệ. Đây là một điều rất, rất đẹp.

Giáo hội Công giáo phục vụ ích chung và mong muốn tăng cường hợp tác với các tổ chức công và các tác nhân khác trong xã hội dân sự, nhưng Giáo hội không bao giờ chiêu dụ tín đồ và luôn tôn trọng niềm tin của mọi người. Giáo hội mong muốn khuyến khích việc hình thành một cấu trúc xã hội cân bằng hơn và bảo đảm việc phân phối hỗ trợ xã hội hiệu quả và công bằng hơn.

Về vấn đề này, tôi muốn nhắc đến Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1945 của quý vị, trong đó có những hiểu biết sâu sắc đầy giá trị về con đường mà một đất nước Indonesia dân chủ và độc lập đã lựa chọn. Đây là một lịch sử rất đẹp. Đọc nó, chúng ta có thể thấy rằng đó là sự lựa chọn của mọi người.

Trong vài dòng, Lời nói đầu đề cập đến Thiên Chúa Toàn năng hai lần và sự cần có ơn phúc của Người đổ xuống cho quốc gia Indonesia mới thành lập. Tương tự như vậy, những dòng mở đầu của luật hiến pháp căn bản của quý vị đề cập đến công bằng xã hội hai lần: như là nền tảng mong ước cho trật tự quốc tế và như một trong những mục tiêu chính cần đạt được vì lợi ích của toàn thể người dân Indonesia.

Do đó, sự hợp nhất trong đa dạng, công bằng xã hội và phúc lành của Thiên Chúa là những nguyên tắc nền tảng với mục đích truyền cảm hứng và hướng dẫn trật tự xã hội. Chúng có thể được ví như một cấu trúc cột trụ, là nền tảng vững chắc để xây dựng ngôi nhà. Chúng ta không thể không nhận thấy rằng những nguyên tắc này rất phù hợp với khẩu hiệu cho chuyến viếng thăm Indonesia của tôi: Lòng tin, Tình Huynh đệ, Lòng trắc ẩn?

Tuy nhiên, thật đáng buồn, trong thế giới ngày nay chúng ta nhìn thấy một số khuynh hướng cản trở sự phát triển của tình huynh đệ phổ quát (xem Tông huấn Fratelli Tutti, 9). Chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của các cuộc xung đột bạo lực ở nhiều vùng khác nhau, thường là hậu quả của việc thiếu tôn trọng lẫn nhau, của ý muốn bất khoan dung nhằm làm cho lợi ích riêng, lập trường riêng hoặc câu chuyện lịch sử đảng phái riêng thắng thế bằng mọi giá, ngay cả khi điều này dẫn đến nỗi đau khổ vô tận cho toàn bộ cộng đồng và dẫn đến chiến tranh và đổ rất nhiều máu.

Đôi khi căng thẳng bạo lực bùng nổ trong nội bộ một quốc gia vì những người nắm quyền hành muốn đồng nhất mọi thứ, áp đặt tầm nhìn của họ ngay cả với những vấn đề vốn phải được để cho các cá nhân hoặc nhóm tự quyết định.

Ngoài ra, cho dù có những tuyên bố về chính sách rất ấn tượng, nhưng vẫn thiếu cam kết thật sự và hướng tới tương lai để thực hiện các nguyên tắc công bình xã hội. Kết quả là, một bộ phận đáng kể của nhân loại bị gạt ra ngoài lề, không có được những phương tiện để sống đúng phẩm giá và không được bảo vệ trước sự mất cân bằng xã hội nghiêm trọng và ngày càng gia tăng gây ra các cuộc xung đột cấp tính. Điều này thường được giải quyết như thế nào? Bằng luật tử, tức là bằng cách hạn chế sinh đẻ, hạn chế gia tài lớn nhất mà một quốc gia có được, đó là các trẻ em chào đời. Trong khi đó, quốc gia của quý vị có những gia đình có ba, bốn và năm đứa con. Điều này được thấy ở độ tuổi trung bình trong nước. Hãy tiếp tục như thế. Đây là một mẫu gương cho tất cả các quốc gia. Có vẻ nực cười khi một số gia đình thích nuôi mèo hoặc chó con, chứ không nuôi con cái, nhưng điều này là không đúng đắn.

Trong những bối cảnh khác, người ta tin rằng họ có khả năng hoặc phải gạt bỏ sự cần thiết tìm kiếm ơn phúc của Thiên Chúa, coi đó là điều vô ích đối với con người và xã hội dân sự. Thay vào đó, họ thúc đẩy những nỗ lực của bản thân, nhưng việc đó thường đưa họ đến sự thất vọng và thất bại. Tuy nhiên, có những lúc lòng tin Thiên Chúa luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng đáng buồn là nó bị thao túng để kích động chia rẽ và hận thù thay vì thúc đẩy hòa bình, hiệp thông, đối thoại, tôn trọng, hợp tác và tình huynh đệ để xây dựng đất nước.

Thưa anh chị em, trước những thách thức nêu trên, thật đáng khích lệ khi thấy rằng triết lý soi đường cho sự tổ chức Nhà nước Indonesia vừa cân bằng vừa khôn ngoan. Về vấn đề này, tôi xin trích dẫn lời của Thánh Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm cung điện này năm 1989. Trong nhiều điều, ngài nói rằng: “Khi công nhận sự hiện diện của tính đa dạng chính đáng, tôn trọng các quyền con người và quyền chính trị của mọi công dân, và khuyến khích phát triển sự thống nhất quốc gia đặt nền tảng trên sự khoan dung và tôn trọng người khác, anh chị em đã đặt nền móng cho xã hội công bằng và hòa bình mà mọi người dân Indonesia khát khao cho bản thân và mong muốn để lại cho con cháu mình” (Diễn từ trước Tổng thống Cộng hòa Indonesia và các nhà chức trách, Jakarta, ngày 9 tháng 10 năm 1989).

Trong quá khứ, nếu có những lúc các nguyên tắc nêu trên không luôn luôn được thực hiện, thì chúng vẫn có giá trị và xác thực, giống như ngọn hải đăng soi sáng con đường cần đi và cảnh báo những sai lầm nguy hiểm nhất cần tránh.

Thưa ngài Tổng thống, thưa quý ông, quý bà,

Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ có thể tìm được nguồn cảm hứng từ những nguyên tắc đó trong cuộc sống hàng ngày của mình và thực hiện chúng khi thi hành trách vụ của mình, vì opus justitiae pax, hòa bình là tác phẩm của công bình. Sự hòa hợp có được khi chúng ta cam kết không chỉ vì lợi ích và tầm nhìn của riêng mình, mà còn vì lợi ích của tất cả mọi người, xây dựng những cầu nối, thúc đẩy các thỏa thuận và hiệp trợ, hợp lực để đánh bại mọi hình thức đau khổ về đạo đức, kinh tế và xã hội, và thúc đẩy hòa bình và hòa hợp.

Anh chị em thân mến, hãy tiếp tục con đường của mình, con đường rất đẹp và công bình. Và bây giờ tôi khẩn xin ơn lành đổ xuống trên tất cả mọi người: Xin Chúa ban cho Indonesia phúc lành hòa bình, cho một tương lai tràn đầy hy vọng. Xin Chúa chúc phúc cho tất cả mọi người!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/9/2-24]


Mộ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu được mở ra và thân xác của thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn

Mộ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu được mở ra và thân xác của thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn
Tiếp cận Hòm đựng thi hài của Thánh Teresa là một nỗ lực phức tạp. Ảnh: Diócesis De Ávila

Mộ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu được mở ra và thân xác của thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn

Trước khi bắt đầu cuộc kiểm tra, những người có mặt cầu nguyện trước thân xác không bị phân hủy của Thánh Têrêsa, hiện vẫn được bảo quản rất tốt, đúng như báo cáo năm 1914.


29 tháng Tám, 2024 05:57

ZENIT STAFF


(ZENIT News / Ávila, Spain,29.08.2024). - Trong một biến cố quan trọng đối với Giáo hội Công giáo và những người tôn sùng Thánh Têrêsa thành Ávila, ngôi mộ của vị thánh đáng kính đã được mở vào ngày 28 tháng 8, cho thấy thân xác của ngài vẫn được giữ gìn trong cùng trạng thái như lần khám nghiệm gần nhất vào năm 1914. Sự phát hiện này, được thực hiện bởi Cha Marco Chiesa, Tổng thỉnh nguyện viên của Dòng Cát Minh Chân đất, đánh dấu một chương khác đối với lòng tôn kính dành cho một vị thánh mà hài cốt của ngài đã thách thức quá trình phân hủy tự nhiên kể từ khi thánh nữ qua đời vào năm 1582.

Quá trình mở cửa mộ được cộng đoàn Cát Minh tiến hành với sự cẩn thận và tôn kính lớn lao. Vào lúc rạng sáng, các nữ tu Cát Minh Chân đất, cùng với Cha Chiesa, các thành viên của tòa án tôn giáo và một nhóm các nhân vật tôn giáo được chọn, bắt đầu nhiệm vụ long trọng là chuyển thánh tích đến một không gian làm việc được chuẩn bị đặc biệt bên trong khu vực tách biệt của tu viện. Bầu không khí vô cùng xúc động khi nhóm cùng hát Thánh thi Te Deum trong khi di chuyển thánh tích.

Việc tiếp cận hòm đựng thi hài bằng bạc có chứa thi hài của Thánh Têrêsa là một nỗ lực phức tạp. Bước đầu tiên là tháo bỏ phiến đá cẩm thạch che phủ ngôi mộ. Sau đó, trước sự chứng kiến ​​của một nhóm y khoa và các thành viên của tòa án tôn giáo, chiếc quan tài bằng bạc được chế tác tinh xảo được mở ra. Chiếc quan tài, một món quà từ Vua Ferdinand VI của Tây Ban Nha và phu nhân nhà vua là Nữ hoàng Barbara xứ Braganza, được biết đến với tay nghề thủ công “xuất sắc” và tình trạng bảo quản “tuyệt vời”.

Việc nghiên cứu thánh tích của Thánh Têrêsa, bao gồm trái tim, cánh tay và bàn tay của ngài, đang được tiến hành với sự hỗ trợ của những người thợ bạc nổi tiếng Ignacio Manzano Martín và Constantino Martín Jaén, hai người tham gia vào cả giai đoạn đầu và giai đoạn kết luận của việc nghiên cứu. Quá trình tiếp cận thánh tích bao gồm việc phải dùng đến mười chiếc chìa khóa, biểu tượng cho tình trạng thiêng liêng và an toàn của thánh tích. Ba chìa khóa được cất giữ tại thành phố Alba de Tormes, ba chiếc do Công tước xứ Alba giữ, ba chiếc do Cha Bề trên Tổng quyền Dòng Cát Minh giữ tại Rome và một chiếc do quốc vương Tây Ban Nha giữ. Các chìa khóa được sử dụng để mở lưới bảo vệ bên ngoài, ngôi mộ bằng đá cẩm thạch và cuối cùng là hòm chứa thi hài bằng bạc.

Trước khi bắt đầu cuộc xét nghiệm, những người có mặt cầu nguyện trước thi thể không phân hủy của Thánh Têrêsa, vẫn được bảo quản tốt một cách đáng kinh ngạc, giống như đã được báo cáo vào năm 1914. Quan sát ban đầu này khẳng định lại tình trạng phi thường của hài cốt của ngài, và điều này vẫn tiếp tục gây ra sự kính sợ nơi các tín hữu. Cha Chiesa nhận xét về tầm quan trọng thiêng liêng của cuộc xét nghiệm, đặc biệt là trong việc hiểu được những thử thách về thể chất mà Thánh Têrêsa phải đối mặt trong những năm cuối đời. Mặc dù phải chịu đựng những căn bệnh nặng về thể chất, bao gồm cả chứng vôi hóa cựa ở chân khiến việc đi lại gần như không thể, Thánh Teresa vẫn kiên trì thực hiện sứ mệnh của mình, đi đến Alba de Tormes, nơi ngài qua đời.

Cha Chiesa cũng lưu ý rằng những tấm hình từ năm 1914 là ảnh đen trắng, khiến việc so sánh trực tiếp rất khó khăn. Tuy nhiên, Cha nhấn mạnh rằng các phần cơ thể bên ngoài, chẳng hạn như khuôn mặt và bàn chân, có vẻ nhất quán với tình trạng của chúng cách đây hơn một thế kỷ. Trong khi da có màu tái như ướp và thiếu màu sắc tự nhiên, nhưng các đặc điểm trên khuôn mặt vẫn có thể nhận rõ nét, cho thấy rõ khuôn mặt của Thánh Têrêsa.

Đối với các nghiên cứu đang diễn ra, Cha Chiesa nói rằng còn quá sớm để đưa ra những kết luận chắc chắn. Nghiên cứu không chỉ nhằm mục đích khám phá những hiểu biết mới về cuộc đời của Thánh Têrêsa mà còn đưa ra các khuyến nghị để gìn giữ thánh tích của ngài cho các thế hệ tương lai. Cha nói, “Chúng tôi dự đoán rằng các nghiên cứu này sẽ cung cấp thông tin có giá trị về Thánh Têrêsa, nhưng kết luận cuối cùng sẽ đến vào thời điểm thích hợp”.

Cuộc xét nghiệm tỉ mỉ và tôn kính này đối với hài cốt của Thánh Têrêsa nhấn mạnh đến di sản lâu dài của một trong những vị thánh được Giáo hội yêu mến nhất, với cuộc đời và những lời dạy vẫn tiếp tục gây tiếng vang sâu sắc đối với các tín hữu trên toàn thế giới.

Mộ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu được mở ra và thân xác của thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn

Mộ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu được mở ra và thân xác của thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn

Mộ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu được mở ra và thân xác của thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn

Mộ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu được mở ra và thân xác của thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn

Mộ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu được mở ra và thân xác của thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn

Mộ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu được mở ra và thân xác của thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn

Mộ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu được mở ra và thân xác của thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn

Mộ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu được mở ra và thân xác của thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn

Mộ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu được mở ra và thân xác của thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn

Mộ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu được mở ra và thân xác của thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn

Mộ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu được mở ra và thân xác của thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/9/2024]