Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Giảng huấn của Đức Thánh Cha sau Chặng đàng Thánh giá ở Krakow

Giảng huấn của Đức Thánh Cha sau Chặng đàng Thánh giá ở Krakow

“Cho dù là tội ác, đau khổ và tội lỗi, thái độ đáp trả duy nhất của một người môn đệ Chúa Giê-su là món quà cho đi, thậm chí chính mạng sống của mình, để bắt chước Đức Ki-tô; đó là thái độ phục vụ”
29 tháng 7, 2016
pope francis
Sau khi cầu nguyện và viếng Chặng đàng Thánh Giá liên kết tới những mối phúc thương hồn và xác, Đức Thánh Cha Phanxico đã có bài giảng huấn với các bạn trẻ tại Ngày Giới trẻ Thế giới.
Dưới đây là bản dịch của Vatican cung cấp bài diễn văn của ngài.
__
Ta đói các ngươi cho ta ăn,
Ta khát và các ngươi cho ta uống, ta là người khách lạ và các ngươi đón tiếp ta,
Ta trần truồng và các ngươi cho ta áo quần mặc,
Ta đau yếu và các ngươi chăm sóc ta,
Ta bị tù đày và các ngươi đến viếng thăm (Mt 25:35-36).
Những lời của Chúa Giê-su trả lời cho câu hỏi thường hiện lên trong đầu và con tim chúng ta: “Thiên Chúa ở đâu?” Thiên Chúa ở đâu, nếu tội ác hiện diện trong thế giới chúng ta, nếu có những người đói khát, không nhà cửa, di tản và tị nạn? Thiên Chúa ở đâu, khi những người lương thiện bị chết vì bạo lực, khủng bố và chiến tranh? Thiên Chúa ở đâu,  khi những căn bệnh tàn bạo cắt đứt những mối dây sự sống yêu thương? Hoặc khi trẻ em bị bóc lột và tước mất phẩm giá, và các em phải chịu đựng quá nhiều từ căn bệnh của bóng tối? Thiên Chúa ở đâu, giữa những thống khổ của những người đang nghi ngờ và rối loạn tinh thần? Đây là những câu hỏi nếu chỉ nói theo con người thì không có câu trả lời. Chúng ta chỉ có thể nhìn lên Đức Giê-su và hỏi Người. Và câu trả lời của Chúa Giê-su là: “Thiên Chúa ở trong những người đó.” Giê-su ở trong họ; Người đau khổ trong họ, và Người đồng hóa với mỗi người đó. Ngài đã kết hiệp mật thiết với họ để trở nên như họ, là họ, “một thân xác.”
Chính Đức Giê-su đã chọn cách đồng hóa với những anh chị em này đang chịu đau đớn và thống khổ bởi bằng lòng bước đi theo “con đường đau khổ” dẫn lên đồi Can-vê. Bằng cái chết trên thập giá, Người đã phó dâng chính mình vào bàn tay của Chúa Cha, theo thánh ý của Người và trong Người, với tình yêu tự hiến, những vết thương thể xác, đạo đức và tinh thần của nhân loại. Bằng cách ôm lấy cây gỗ của thập giá, Chúa Giê-su đã mang lấy sự trần truồng, sự đói khát, sự cô đơn, sự đau đớn và cái chết của con người mọi thời đại.Đêm nay, Đức Giê-su, và chúng ta cùng với Người, hãy ôm những anh chị em từ Syria đã phải chạy di tản khỏi chiến tranh bằng tình yêu đặc biệt. Chúng ta hãy chào họ và tiếp đón họ bằng tình cảm huynh đệ và tình bạn.
Bằng cách bước theo Đức Ki-tô trên con đường Khổ giá, chúng ta lại một lần nữa nhận ra sự quan trọng của việc bắt chước Người qua mười bốn mối phúc. Những mối phúc này sẽ giúp chúng ta mở tâm hồn ra trước lòng thương xót của Chúa, để nài xin những ân sủng, để nhận thức đúng rằng không có lòng thương xót chúng ta không thể làm được gì.; không có lòng thương xót, cả cha cả và các con hay bất kỳ ai có thể làm được một việc gì. Trước tiên chúng ta hãy nói đến 7 mối thương xác: cho người đói ăn, cho người khát uống, cho người trần trụi mặc, cho người không nhà cửa chỗ ở, thăm người đau bệnh và người tù đày, và chôn người chết. Chúng ta được nhận một cách nhưng không thì chúng ta cũng hãy cho đi nhưng không. Chúng ta được kêu gọi để phục vụ Giê- su bị đóng đinh nơi tất cả những người bị gạt ra bên lề xã hội, để đụng chạm đến da thịt thánh của Người nơi những ai bị thiệt thòi, nơi những người bị đói bị khát, nơi những người trần trụi và bị tù đày, người đau ốm và thất nghiệp, nơi những người đang bị bách hại, người di cư và tị nạn. Ở đó chúng ta tìm thấy Thiên Chúa của chúng ta; ở đó chúng ta đụng chạm tới được Thiên Chúa của chúng ta. Chính Đức Giê-su đã nói với chúng ta điều này khi người giải thích những tiêu chuẩn chúng ta sẽ bị luận phạt: bất cứ khi nào chúng ta làm những điều này cho những người anh chị em bé nhỏ nhất của chúng ta, là chúng ta làm cho chính Người (Mt 25:31-46).
Sau những mối thương xác là những mối thương hồn: khuyên nhủ người nghi nan, hướng dẫn người mê muội, răn bảo người có tội, yên ủi người âu lo, tha thứ người xúc phạm, kiên nhẫn nhịn người sai quấy, cầu nguyện cho người sống và người chết. Bằng cách đón tiếp những người bị xã hội ruồng bỏ là những người chịu đau khổ thể xác và đón tiếp những tội nhân là những người đau khổ tâm hồn, giá trị là Ki-tô hữu của chúng ta được đóng ấn.
Nhân loại hôm nay đang cần những con người, và đặc biệt những thanh niên như chúng con là những người không muốn sống cuộc đời “nửa vời”, là những người sẵn sàng cho đi cuộc đời một cách nhưng không trong những việc phục vụ những người anh chị em nghèo khổ nhất và cô thế nhất, bằng cách bắt chước Đức Ki-tô người đã hoàn toàn cho đi thân mình để cứu chuộc chúng ta. Cho dù là tội ác, đau khổ và tội lỗi, thái độ đáp trả duy  nhất của một người môn đệ Chúa Giê-su là món quà cho đi, thậm chí chính mạng sống của mình, để bắt chước Đức Ki-tô; đó là thái độ phục vụ. Nếu những người gọi mình là Ki-tô hữu mà không sống để phục vụ, cuộc sống của họ không phục vụ cho những mục đích cao đẹp, bằng cuộc sống của họ, họ đang chối bỏ Chúa Giê-su Ki-tô.
Các bạn trẻ thân mến, tối nay một lần nữa, Thiên Chúa gọi chúng ta phải đi đầu trong việc phục vụ tha nhân. Người muốn biến chúng con thành một câu trả lời cụ thể cho những nhu cầu và đau khổ của nhân loại. Người muốn chúng con là những dấu chỉ của tình yêu thương xót của Người trong thời đại chúng ta! Để làm chúng con có thể thực hiện được sứ mệnh này, Người thể hiện cho chúng con thấy sự trung tín và tự hiến thân của Người. Đó là con Đường Thánh gái. Con đường Thập tự là con đường trung tín bước theo Giê-su đến cùng, trong những hoàn cảnh thay đổi thường xuyên của cuộc sống hàng ngày. Đó là con đường không biết sợ hãi vì thiếu thành công, bị tẩy chay hay bị cô đơn, vì nó làm tâm hồn chúng ta ngập tràn sự viên mãn của Chúa Giê-su. Con đường Thập giá là con đường của chính Thiên Chúa, là “phong cách” của Người, qua đó Chúa Giê-su mang đến sự cân bằng cho những con đường mòn của một xã hội có lúc bị phân chia, bất công và suy đồi.
Chỉ con đường Thập giá mới đánh bại được tội lỗi, tội ác và cái chết, vì nó sẽ dẫn đến ánh sáng vinh quang của sự Phục sinh của Đức Ki-tô và mở ra những chân trời cho một đời sống mới và trọn vẹn hơn. Nó là con đường hy vọng, con đường tương lai. Những ai đi theo con đường này với lòng rộng rãi và niềm tin sẽ mang đến hy vọng và một tương lai cho nhân loại.
Các bạn trẻ thân yêu, trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh nhiều môn đệ đã ủ rũ trở về nhà. Những người khác chọn cách ra ngoài xã hội để quên đi thập giá. Cha hỏi các con: Làm sao chúng con lại muốn trở về nhà mình trong đêm nay, về những nơi chúng con đang ở? Làm sao chúng con muốn trở về cô đơn một mình với những suy nghĩ riêng trong đêm nay? Mỗi chúng con hãy trả lời cho thử thách mà câu hỏi này đặt ra cho chúng con.
© Copyright – Libreria Editrice Vaticana

[Nguồn: ZENIT]




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/07/2016]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét