Ghi chép những câu hỏi và trả lời của Đức Thánh Cha với giới trẻ Ý
“Hòa bình xây dựng những chiếc cầu; thù hận xây dựng những bức tường. Các con phải chọn lựa trong cuộc sống: hoặc xây cầu hoặc xây tường”
8 tháng 7, 2016
L'Osservatore Romano
Lúc 8:35 tối thứ TƯ, từ nơi ở của Tòa Tổng giám mục ở Krakow nơi Đức Thánh Cha đang lưu lại trong chuyến tông du của ngài, Đức Thánh Cha được kết nối video trực tiếp với các bạn trẻ người Ý có mặt tại WYD, đang tụ họp tại Đền thờ Thánh Gioan Phaolo II ở Krakow.
Đức Thánh Cha trả lời câu hỏi của 3 bạn trẻ.
Dưới đây là bản dịch của ZENIT cuộc đối thoại của Đức Thánh Cha qua kết nối với giới trẻ Ý.
Giới thiệu: Kính chào Đức Thánh Cha. Trước hết xin cảm ơn Đức Thánh Cha đã dành thời gian – cho dù cha vừa đến Krakow – để kết nối với chúng con. Xin cảm ơn Đức thánh Cha. Cha đã không từ chối ở cùng chúng con tối nay. Xin cảm ơn Cha. Có những bạn trẻ ở đây, đại diện cho 90.000 người Ý có mặt tại Krakow, muốn hỏi cha một vài câu hỏi, và các bạn trẻ ở đây nữa. Xin cha vui lòng.
Cô gái:
Sau sự cố xe lửa ngày 12 tháng 7, chúng con sợ đi xe lửa. Hàng ngày con phải đón xe lửa đi đến trường Đại học, và ngày hôm đó thật may con không có mặt trên xe lửa. Hàng ngày con ngồi ở toa đầu, và ở đó con gặp và chào ông Luciano, một trong những người lái xe lửa, không may, đã chết trong sự cố đó. Trong những chuyến xe lửa đó chúng con cảm thấy như ở nhà, nhưng bây giờ chúng con thấy sợ. Con muốn hỏi: làm sao để trở lại tình trạng bình thường? Làm sao để chúng con đánh tan sự sợ hãi này và tiếp tục, vui trở lại và vẫn đi những chuyến xe lửa đó, những chuyến xe lửa của chúng con, ngôi nhà thứ hai của chúng con?
Đức Thánh Cha Phanxico:
Chuyện xảy ra với con là một vết thương; trong sự cố đó, một số người bị những vết thương trên thể xác, một số bị vết thương tinh thần, và con bị vết thương tinh thần, trong trái tim của con, và vết thương được gọi là sự sợ hãi. Con đã chịu một cú sốc, một cú sốc không để cho con được lành mạnh, nó làm con đau. Tuy nhiên, cú sốc này cũng cho con một cơ hội để vượt qua chính bản thân, để tiến lên phía trước. Và như vẫn thường xảy ra trong cuộc sống, khi chúng ta bị thương, những vết bầm hoặc xây xước vẫn còn tồn tại. Cuộc sống đầy những vết xây xước, cuộc sống đầy những vết xây xước, nhiều lắm. Và cùng với nó là kỷ niệm về Luciano, của người đó, của người đó … những người không còn nữa vì ông đã ra đi trong biến cố đó. Và, hàng ngày khi con đi trên xe lửa, con sẽ cảm thấy vết tích – chúng ta cứ gọi như vậy đi – của vết thương đó, của vết xây xước đó, của những việc làm cho con đau khổ. Và con còn trẻ, nhưng cuộc sống đầy những chuyện như vậy … Và sự khôn ngoan, hãy học trở thành người đàn ông khôn ngoan, người phụ nữ khôn ngoan, thực ra chỉ như vầy: hãy mang theo với mình những điều đẹp đẽ của cuộc sống và những điều kinh khủng của cuộc sống. Có những thứ không thể đi tiếp được, và có có những điều rất đẹp. Nhưng điều ngược lại cũng xảy ra: có bao nhiêu bạn trẻ như con không thể đưa cuộc sống tiến lên phía trước với niềm vui của những điều đẹp đẽ, và muốn buông xuôi bản thân, gục ngã dưới sự thống trị của thuốc phiện, hay để mình bị đánh bại bởi cuộc sống? Cuối cùng, trò chơi sẽ như vầy: hoặc là con chiến thắng hoặc cuộc sống sẽ hạ gục con! Con phải chiến thắng trong cuộc sống, nó sẽ tốt hơn! Hãy làm điều đó với lòng dũng cảm, và cùng với sự đau đớn. Và khi có niềm vui, hãy làm như vậy với sự vui mừng, vì niềm vui đưa con tiến lên và cứu con thoát khỏi căn bệnh kinh khủng: là trở nên rối loạn thần kinh. Xin đừng, đừng để như vậy!
Bạn nữ:
Thưa Đức Thánh Cha Phanxico, con tên là Andrea, con 15 tuổi và con từ Bergamo đến. Con đã đến Ý lúc 9 tuổi, tức là 6 năm trước. Các bạn trong lớp con bắt đầu chọc ghẹo con, nói rằng con vừa mới đến, bằng những từ ngữ xúc phạm. Lúc đầu con không hiểu tiếng Ý nhiều. Rồi, khi con bắt đầu hiểu, những bạn đó vẫn giữ thái độ rất xấu, nhưng con không trả lời: con không muốn hạ mình xuống ngang bằng như mấy bạn đó. Con đã trải qua nhiều năm như vậy, cho đến cuối năm thứ ba trung học, khi đó họ vượt ra ngoài giới hạn bằng những tin nhắn xúc phạm trên mạng xã hội, mà với con thấy quá vô dụng, con đã quyết định chấm dứt chuyện này, vì lúc đó đối với con, con không chịu nổi cảm giác bị tất cả gạt ra bên lề, ra khỏi xóm nhỏ của con … Và vậy là con quyết định chấm dứt chuyện đó, và con đã quyết định tự tử. Con không thành công và được đưa vào bệnh viện. Và ở đó con đã hiểu rằng con không phải là người ốm bệnh như vậy, rằng con không phải là người cần được chăm sóc như vậy, và con không đáng để bị khóa cửa trong bệnh viện. Họ là những người mắc lỗi, họ là những người cần phải được chữa lành, không phải con. Thế là con đứng dậy và quyết định không kết thúc chuyện này vì nó không xứng, vì con có thể trở thành người mạnh mẽ. Và đúng như vậy, bây giờ con khỏe và thực sự mạnh mẽ. Và con có thể, về một mặt, cảm ơn họ đã đối xử với con tệ như vậy nhưng lại làm cho con bây giờ mạnh mẽ, một mặt nào đó con cũng nhờ họ, vì họ đưa con vào hoàn cảnh đó. Con trở nên mạnh mẽ vì con tin vào bản thân mình, tin vào cha mẹ, và từ đó con tin con có thể vượt qua, và đúng là con đã làm được như vậy. Và con đang ở đây, và con rất tự hào được ở đây.
Con xin hỏi Đức Thánh Cha: cứ cho trong bất cứ trường hợp nào con đã tha thứ cho họ, vì con không muốn ghét mọi người, con đã tha thứ cho họ, tuy nhiên, con vẫn thấy không thoải mái lắm. Con xin hỏi Đức thánh Cha: làm sao để con tha thứ cho những người này? Con phải làm gì để tha thứ về tất cả những gì họ làm đối với con?
Đức Thánh Cha Phanxico:
Cảm ơn về chứng tá của con. Con nói về một vấn đề rất phổ biến giữa trẻ em và cả những người không còn là trẻ em nữa: sự tàn nhẫn. Nhưng mà, trẻ em cũng có lúc tàn nhẫn, và họ có khả năng làm tổn thương con vào những chỗ sẽ làm con đau nhất: làm tổn thương trái tim, tổn thương giá trị của con, làm tổn thương quốc tịch của con, như trong trường hợp của con, đúng không? Con không hiểu tiếng Ý tốt lắm, và các bạn đã trêu ghẹo con bằng tiếng mẹ đẻ, bằng từ ngữ … Tàn nhẫn là thái độ của con người mà thực ra nó là cơ sở của mọi cuộc chiến tranh, tất cả mọi cuộc chiến. Sự tàn nhẫn không để cho người khác lớn lên; sự tàn nhẫn giết chết người khác, sự tàn nhẫn cũng giết chết tiếng tốt của người khác. Khi một người phao tin đồn chống lại người khác, đây là sự tàn nhẫn: nó tàn nhẫn vì nó phá hủy danh tiếng của con người. Nhưng con biết không, cha thích dùng một cụm từ khi cha nói đến sự tàn nhẫn của cái lưỡi: phao tin đồn là một chủ nghĩa khủng bố; nó là khủng bố bằng tin đồn. Sự tàn nhẫn của cái lưỡi, hay là điều mà con cảm nhận, giống như ném một trái bom phá hủy con, hay phá hủy một ai đó, và người ném nó thì không bị gì. Đây là sự khủng bố; nó là điều chúng ta phải loại trừ. Làm sao để loại trừ nó? Con đã chọn đúng cách: bằng im lặng và kiên nhẫn và con kết bằng câu nói rất đẹp: tha thứ. Nhưng không hề dễ dàng tha thứ tí nào, vì chúng ta có thể nói rằng: “Vâng, tôi tha, nhưng tôi không quên được.” Và con sẽ mãi chịu đựng sự tàn nhẫn này với con, sự khủng bố bằng từ ngữ tồi tệ này, những từ ngữ làm thương tổn và cố ném con ra khỏi cộng đoàn. Có một câu nói bằng tiếng Ý mà trước đây cha không biết. Khi cha lần đầu tiên đến nước ý, cha đã học được: non-EEC: họ ném con ra khỏi cộng đồng; họ không tiếp nhận con, đó là điều chúng ta phải chiến đấu rất nhiều. Con đã dũng cảm! Con đã rất dũng cảm trong chuyện này. Nhưng quan trọng là phải chiến đấu chống lại sự khủng bố của cái lưỡi, chống lại sự khủng bố của tin đồn, của sự lăng mạ, của việc ném người khác ra ngoài, đúng, với những sự lăng mạ hay nói với họ những điều làm tổn thương trái tim họ. Chúng ta có thể tha thứ hoàn toàn được không? Đó là một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa. Chúng ta, chỉ dựa trên bản thân, thì không thể: chúng ta cố gắng, như con đã làm, nhưng tha thứ là một ân sủng Thiên Chúa ban tặng cho con, để tha thứ cho kẻ thù của con, để tha thức cho người đã làm con bị thương tổn, đã xúc phạm con. Khi Chúa Giê-su nói với chúng ta trong Tin mừng “Nếu ai đánh con ở một bên má, hãy đưa má kia cho họ,” có nghĩa là: hãy đặt sự khôn ngoan của lòng tha thứ vào bàn tay của Chúa, đó là một ân sủng. Tuy nhiên, chúng at phải làm tất cả mọi việc chúng ta có thể về phần con người để tha thứ. Cha cảm ơn con về chứng tá của con. Và cũng có một thái độ khác thực sự đi ngược lại và chống lại được sự khủng bố của cái lưỡi, hoặc là tin đồn thổi, lăng mạ hay tất cả: đó là thái độ hiền lành. Giữ im lặng, cứ đối xử tốt với người khác, không trả lời người khác bằng những điều xấu. Giống như Chúa Giê-su: Chúa Giê-su hiền lành trong lòng – sự hiền lành. Và chúng ta đang sống trong một thế giới nơi mà một một người lăng mạ thì chúng ta sẽ đáp lại bằng sự lăng mạ khác, điều này rất thường xuyên. Chúng ta lăng mạ nhau, và chúng ta thiếu sự hiền lành. Chúng ta phải cầu xin ân sủng để được hiền lành, hiền lành trong tâm hồn. Và cũng có ân sủng giúp mở đường cho sự tha thứ. Cha cảm ơn con về chứng tá của con.
Bạn nam:
Thưa Đức Thánh Cha Phanxico, chúng con là ba bạn trai và một linh mục trong nhóm 350 người từ Verona khởi hành đến đây tại WYD này, nhưng mọi người đã phải ngừng chuyến đi ở Monaco thứ Sáu trước, sau vụ tấn công mà chính chúng con đã trải qua, trong suốt những giờ ở đó. Chúng con bị ra lệnh phải quay về, chúng con bị buộc phải quay về, vì chúng con muốn tiếp tục chuyến đi những không được phép. Nhưng thật may mắn, khi chúng con trở về, chúng con lại được cho cơ hội quay lại đây, và chúng con đi với thật nhiều niềm vui, thật nhiều hy vọng. Cuối cùng thì chuyện đã xảy ra với chúng con, sau sự sợ hãi, chúng con tự hỏi – và chúng con cũng muốn hỏi Đức Thánh Cha: làm sao chúng con, những người trẻ, sống và loan truyền hòa bình trong thế giới này quá đầy dẫy những thù hận?
Đức thánh Cha Phanxico:
Con nói đến 2 chữ là chìa khóa để hiểu được mọi việc: hòa bình và thù hận. Hòa bình xây dựng những chiếc cầu; thù hận xây dựng những bức tường. Các con phải chọn lựa trong cuộc sống: hoặc là xây những cây cầu hoặc là xây những bức tường. Tường ngăn cách và thù hận sẽ lớn lên: khi có sự phân rẽ, thù hận sẽ tăng lên. Những cây cầu thì liên kết, và khi có cầu nối, lòng thù hận có thể biến mất, vì tôi có thể nghe thấy người khác, tôi có thể nói chuyện với người khác. Cha luôn nghĩ và nói rằng chúng ta, trong mọi khả năng của mỗi ngày, có thể xây dựng được một cây cầu nối con người. Khi con bắt tay một người bạn, một người khác, con đang xây một cây cầu nối con người. Con xây được một cây cầu. Nếu ngược lại, khi con tấn công một người khác, lăng mạ họ, con đang xây một bức tường. Lòng thù hận luôn lớn lên cùng với những bức tường. Đôi khi có thể xảy ra là con muốn là một cây cầu nối, và con bị bỏ chơ vơ ở đó với bàn tay chìa ra mà phía bên kia không nắm lấy: đây là những sự bẽ mặt mà chúng ta phải chịu khi làm những điều tốt. Nhưng hãy cứ xây dựng những chiếc cầu. Và con đã đến đây: các con bị chặn lại và bị đưa về nhà; rồi chúng con đã làm một cuộc đánh cược xây dựng cây cầu và rồi lại quay trở lại đây: đây luôn là một thái độ đúng đắn. Có khó khăn nào cản trở tôi làm một việc gì đó không? Tôi trở về và rồi tôi lại đi; tôi quay về và tôi tiến tới. Đây là điều chúng ta phải làm: xây dựng những chiếc cầu, đừng để chúng ta bị ngã xuống, đừng đi theo hướng đó: “Nhưng, tôi không thể …” Đừng vậy, hãy luôn tìm đường để xây dựng những chiếc cầu. Các con đã đến được bước đó: xây dựng những chiếc cầu bằng tay, tất cả chúng con! Hãy dùng tay của chúng con … thế đấy. Cha muốn nhìn thấy thật nhiều cây cầu nối con người … Giống như vầy: hãy giơ tay lên cao. Như vậy đấy. Đây là chương trình của cuộc sống: xây những cây cầu con người. Cám ơn con.
Xin cảm ơn Đức Thánh Cha, tối nay cha đã cho chúng con một món quà quá đặc biệt! Đội ơn Đức THánh Cha. Xin cảm ơn Đức Thánh Cha.
Đức Thánh Cha Phanxico:
Cám ơn các con và xin Chúa chúc lành cho các con. Hãy cầu nguyện choh cha nhé!
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch của ZENIT]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/07/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét